Megaman có lẽ đã và luôn trở thành một phần tuổi thơ của biết bao người chơi trên thế giới này, đối với những game thủ đã lớn tuổi thì có thể là Megaman Classic – dòng game đầu tiên của franchise trước Megaman X, trên cỗ máy chơi game 4 nút, đối với người thế hệ sau như mình thì có lẽ là Megaman X khi các chiếc máy PS1 xuất hiện và sự xuất hiện của các quán net, lúc mà Game Online vẫn chưa trở nên phổ biến hay là có các tựa game đột phá ngay lúc đó. Vào thời điểm ấy thì các tựa Game Offline giải trí đơn thuần đã trở thành tuổi thơ, trong số đó có cả Megaman X4, phiên bản thứ tư của dòng game. Nhưng phiên bản hay nhất đối với mình là Megaman X5.
Megaman X4 là phiên bản lột xác về đồ họa khi được đưa sang hệ máy mới nhưng gameplay vẫn sử dụng lại từ 3 phiên bản trước, đột phá nhất thì có lẽ là được chơi Zero aka nhân vật mà ai cũng thích chơi hơn ngay từ đầu game. Megaman X5 sử dụng lối đồ họa của X4 nhưng gameplay có sự đột phá và thay đổi khá nhiều, stage design thì không hẳn là hơn so với các bản khác, vẫn có màn hay hơn và màn dở hơn, tùy vào cảm nhận của từng người chơi nhưng mình thấy thì Megaman X4 vẫn có nhiều màn chơi thú vị hơn bản 5.
Tóm tắt sơ về cốt truyện của dòng game Megaman, năm 21XX thì nền văn minh thế giới phát triển, con người sống chung với các robot tên là Reploid nhưng có một bộ phận robot nổi khùng lên trở thành Maverick, đứng đầu là Sigma. 2 Reploid đặc biệt là X và Zero phải đi chiến đấu với các Maverick và Sigma để bảo vệ thế giới. Sau sự kiện bản 4 thì Sigma chết lần thứ 4 và được hồi sinh lần thứ 5 (boss đ*o gì dai gớm, ông đạo diễn có vẻ lười tạo ra thằng boss khác hay sao ấy), quyết định quẩy nát thế giới tiếp, hắn đã làm cho một thành phố trong không gian Eurasia rơi xuống Trái Đất trong vòng 16 tiếng, nhiệm vụ của X và Zero là phá hủy cái vệ tinh đó và tiêu diệt Sigma lần nữa.
Nếu xét về nội dung cốt truyện thì ngoại trừ X và Zero có thêm sự đầu tư về xây dựng nhân vật thì các nhân vật phụ khác nó nhạt nhòa quá so với bản trước, cùng lắm là Alia còn có chút ấn tượng vì độ nhiều chuyện của ẻm. Diễn biến của phần này cũng có cao trào rất tốt, mở đầu thì khá hay và game cũng tránh gây hụt hẫng khi về cuối nhờ sự cao trào tốt.
Gameplay của X5 cũng có đột phá mới, game có chức năng giải cứu các Reploid trong các màn, có thể xem đây là minigame cũng được, cứu Reploid thì hồi tí máu và cuối trận được cho quà. Cốt truyện của X5 có 3 cái end khác nhau, thay đổi là nhờ cách mà bạn phá cái thành phố như thế nào và nhân vật bạn chọn ở màn cuối của game.
Mở đầu câu chuyện thì nếu chọn X và Zero để chơi màn đầu tiên cũng có kết quả khác, nếu người chơi chọn X thì X sẽ mặc bộ giáp Force Armor trong X4 vì theo giải thích cốt truyện là ở mỗi bản trước X đều phá bộ giáp khi kết thúc cuộc chiến nhưng Alia đã khuyên X nên giữ lại bộ giáp để dành cho các cuộc chiến sau này, Zero ở lựa chọn này sẽ bị đứt tay do bị Sigma đánh nên mất đi khẩu súng của mình. Nếu chọn Zero thì X sẽ mất bộ giáp vì bị Sigma đánh nát ở đầu game và Zero được giữ khẩu súng. Cái này không ảnh hưởng đến kết thúc của game, chủ yếu là để cho bạn thích chơi X hay Zero hơn thôi.
Hệ thống Armor phần này cũng khác, ở X5 thì X có 2 bộ giáp khác nhau nhưng chỉ sử dụng được nếu bạn thu thập được 4 mảnh của bộ giáp thay vì lụm được bộ phận nào thì xài được bộ phận đó. 2 bộ giáp của X5 tên là Falcon Armor và Gaea Armor.
Falcon Armor là bộ giáp thiên về sự cơ động, khả năng đặc biệt của nó là có thể bay trên không khoảng tầm 10 giây, Charge Shot là một “cây tăm” có thể đi xuyên vật thể nhưng khá là đau. Giga Attack (skill độc quyền của giáp) nó cũng hao hao như bộ giáp ở X2 là gây dame diện rộng cả sân bằng hàng tá cây tăm rơi xuống.
Gaea Armor là bộ giáp khá là đặc biệt, độc nhất so với các bộ giáp từ trước đến nay, một bộ giáp kiên cố dành cho X, giúp X không chết khi đạp gai, bám dính trên tường không bị trượt xuống và Charge Shot nhanh hơn Falcon Armor, một công dụng khác là để phá hay đẩy các khối vuông màu đen có chữ V trên đó để lấy một số item đặc biệt, chỉ có bộ giáp này làm được thôi. Giga Attack của Gaea Armor thì tầm ngắn nhưng sát thương rất cao. Nhược điểm của bộ giáp này là X không thể Air Dash và sử dụng skill lấy từ boss được, tốc độ di chuyển chậm hơn, tầm đánh thấp. Sang X6 cũng có bộ Shadow Armor cũng giúp đi trên gai và không sử dụng skill từ boss được nhưng bộ giáp đó cơ động hơn, có kiếm nhưng khó chơi hơn.
Xét về Boss Fight thì X5 không có nhiều trận đánh hay hơn bản trước nhưng các con boss cũng có các tuyệt chiêu độc lạ tuy nhiên vẫn chưa đủ hấp dẫn thôi, Stage Design có thử thách cũng giúp cho game thú vị hơn để bù lại. Nhưng trận X vs Zero ở cuối game thì khác, nó epic cực kì, cùng với đó là BGM của màn này cũng kinh điển nhất series.
Trong chế độ X Challenge của phiên bản Megaman X Legacy Collection thì ở màn cuối sẽ là cũng là màn X vs Zero nhưng được nâng cấp lên thành trận đánh của mình với X mặc Ultimate Armor (bộ giáp mạnh nhất game trong mọi phiên bản) và Zero bật Ultra Instinct. Thực sự màn này nó khó cực kì đến nỗi phải chơi trick mới thắng được.
Trong game còn có sự góp mặt của một con boss từ series Megaman Classic là Yellow Devil (aka cục shit vàng), được tô màu lại thành màu đen. Độ ức chế của con boss này cũng thuộc hàng vãi đái nhất, nhất là ai chơi bản Megaman Classic thì sẽ hiểu được độ ức chế còn gấp đôi so với X5 vì màn đánh của hàng gốc nó hẹp hơn và khó né gấp nhiều lần.
Megaman X5 đã từng được coi là kết thúc của series này để mở đường cho series tiếp theo là Megaman Zero, với bối cảnh là 100 năm sau Megaman X5. Capcom khá là tham lam nên quyết định ra tiếp X6 mà không có ông Producer gốc của series này là Keiji Inafune tham gia vào vì ông quyết định kết thúc series này ở phiên bản X5. “Tôi đã định cho Zero hồi sinh ở Megaman Zero nhưng X6 đã ra mắt sớm hơn dự định và Zero lại tiếp tục đội mồ sống dậy tiếp, và tôi lại chẳng hiểu nổi tại sao họ làm thế, bây giờ thì câu chuyện Zero sống lại của tôi trở nên vô nghĩa vì anh ta đã sống lại 2 lần liên tiếp rồi.” – Keiji Inafune chia sẻ. Vì có lẽ không có một producer định hướng nên cái game này cũng bị đánh giá í ẹ hơn bản trước nhưng ít nhất họ không biến nó thành thảm họa như Metal Gear Survive khi series không có Hideo Kojima. Ngoại trừ cái câu nói này trong X6, một lời giải thích Zero đã “hồi sinh” như thế nào cực kì xàm lông.
Cái trường hợp của X6 được bắt đầu làm khi không có người sản xuất gốc là không phải lần đầu tiên xảy ra ở Capcom, sau này đến Devil May Cry 2 cũng gặp tình trạng tương tự khi Capcom bắt đầu làm game khi mà ông Hideki Kamiya chẳng hề hay biết gì và ông đạo diễn hiện tại của Devil May Cry là Hideaki Itsuno cũng chỉ tham gia làm game trong 4 tháng cuối cùng, thế nên cái game mới thành thảm họa. X6 ít ra còn có những Dev cũ trong phiên bản trước nên họ còn làm ra cái game đỡ hơn vì họ biết Megaman nên làm như thế nào.
Megaman X từ trước đến nay vẫn là một trong những game Action-Platform thuộc hàng kinh điển nhất, nó đã và đang trở thành một huyền thoại trong lịch sử dòng game, tuy Capcom đã có lúc khai tử cái dòng game này nhưng gần đây đã có động thái hồi sinh lại cả series bằng việc ra mắt Megaman 11 và ra 2 phiên bản remastered của Megaman X là Megaman X Legacy Collection 1-2. Câu chuyện về người anh hùng X và Zero vẫn chưa kết thúc ở phiên bản thứ 8 của series, câu chuyện vẫn đang kết thúc dở dang và mong rằng một ngày nào đó Capcom sẽ quyết định ra mắt Megaman X9 để tiếp nối hoặc là kết thúc series để nó thành cầu nối dẫn đến Megaman Zero.