Yeah, Life is Strange có lẽ là một trong những trường hợp video game hiếm có mà tôi có một cảm giác rất lẫn lộn. Một bên tôi quan tâm tới những nhân vật trong Life is Strange, từ Max Caulfield, Chloe Price, Kate Marsh cho đến những nhân vật không thân thiện như Nathan Prescott, Vitoria Chase hay David Madsen và các mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật, kể câu chuyện trong môi trường. Mặt khác, tôi ghét những cách game kể câu chuyện đôi khi quá lệ thuộc vào ngôn ngữ của điện ảnh quá nhiều, hay Ep thứ 5 của tựa game. Tựa game mang cho tôi những cảm giác rất khó để tả ra bằng câu chữ, dù là ghét hay yêu, chỉ có thể cảm nhận khi chơi qua tựa game này. Vì vậy tôi viết bài này để tôi muốn đi sâu vào tại sao tôi vừa ghét những cũng có thể vừa yêu tựa game này cùng một lúc.
(Cảnh báo tiết lộ nội dung game, cân nhắc trước khi đọc. Tôi chưa chơi Before of Storm hay đọc comic Life is Strange, nên bài viết này sẽ có thể một số cái không đúng với game và comic đó)
Life is Strange lấy mỗi quan hệ và nhân vật xung quanh thể loại câu chuyện coming of age (tuổi mới lớn). Max Caulfield là một người dễ chịu, nhẹ nhàng, có chút tự ti. Chloe Price thì lại tính cách lại ngược lại so với cô bạn thân Max của mình, nổi loạn và liều lĩnh. Victoria Chase, một người trông thì có vẻ là kẻ bắt nạt nhưng thực tế cũng chỉ là sự ẩn giấu bản thân, cô cũng thích những thứ như mấy đứa nerd, chỉ đơn giản là cô giàu hơn, khả năng hòa mình trong Vortex Club cũng tốt hơn. Nathan Prescott thì là một đứa bắt nạt và thân kinh có vấn đề, nhưng không ngạc nhiên khi người cha giàu có của cậu ta cũng có vấn đề để về bạo hành cậu. Kate Marsh, người bị đánh thuốc trong khi cố hòa đồng với đám Vortex Club và rồi là những video kinh khủng liên quan đến cô.
Mỗi nhân vật trong Life is Strange đều có mặt tốt và xấu của riêng họ, vấn đề ở đây bạn có chịu tìm trong đống giấy tờ, email, những căn phòng, nghe qua các cuộc trò chuyện của những con người đó không. Những người có mặt xấu bề ngoài thì cái tốt, cái thú vị trong con người họ sẽ bị giấu đi, trong khi người có vẻ bề ngoài tốt thì lại đang có thể lâm vào những tình trạng rất xấu hoặc có những điều xấu xí họ đang cố giấu. Và mỗi nhân vật đều đáng để bạn quan tâm, dù câu chuyện của họ là lớn hay nhỏ, thì môi trường, thế giới xung quanh sẽ kể lên rất nhiều về bản thân họ. Đây là một điều tôi phải thừa nhận, Life is Strange biết cách kể chuyện qua môi trường, gây dựng drama học đường, khiến người chơi phải chú ý đến mọi thứ xung quanh để khi Max dùng rewind time để sửa chữa lỗi lầm hoặc thuyết phục ai đó.
Một trong những khoảnh khắc tôi thích nhất trong Life is Strange đó là ở Ep 2, lúc cứu Kate Marsh khỏi tự tử. Nếu bạn thực sự quan tâm đến Kate Marsh, bạn sẽ chú ý đến những câu thoại quan tâm đến Kate. Chú ý đến việc cha cô yêu cô vô điều kiện như thế nào, Kate có những người nào trong gia đình, câu trích dẫn yêu tích trong Kinh Thánh của Kate (nếu bạn thực sự để ý, bạn sẽ thấy Kate là một người theo đạo Thiên Chúa rất rõ ràng). Lúc đó khả năng quay ngược thời gian không hoạt động được, điều này buộc cô phải thuyết phục Kate, và thật may mắn làm sao khi nhờ việc hay đọc và ghi nhớ nên tôi cứu được Kate ở lần chơi đầu tiên (dù tôi có mắc sai lầm trước đó là không khuyên Kate báo cảnh sát).

Garage của David
Một trong những điểm tỏa sáng của việc kể chuyện trong môi trường nữa là ở Ep 3, khi Max tìm những manh mối từ laptop có mã khóa bố dượng của Chloe, David Madsen. Mã khóa của laptop đó là 27-11-08, ngày tháng năm mà David gặp Joyce, mẹ Chloe. Qua những lời thoại và garage nhà Chloe, ta có thể thấy David là một người lính, một người có kỉ luật nghiêm ngặt, rất trái ngược với Chloe. Khi mở được máy tính của David bạn sẽ thấy ông ấy theo dõi cả Rachel, Kate và Max. Và nếu bạn đọc từng câu chữ của profile của Kate, Bạn hoàn toàn có thể nhận ra David cũng chỉ là con người bình thường với mong muốn bảo vệ học sinh của Blackwell. Đó là lý do tôi đứng về phía David khi gia đình Chloe cãi nhau. Và tôi không hiểu trên thế giới tại sao lại đứng về Chloe quá nhiều (22% đứng về phía David trong khi 78% đứng về phía Chloe, một con số tương đối áp đảo).

Khoảnh khắc bạn thuyết phục Victoria
Có 2 khoảnh khắc nữa mà tôi rất thích ở Ep 4: thuyết phục Frank và thuyết phục Victoria. Nói về Frank trước, gã buôn thuốc phiện cho nhiều người, một trong số đó là Nathan Prescott. Nhưng thuyết thục Frank đưa cho danh sách khách hàng thuốc phiện không dễ dàng. Tôi thất bại 2 lần, ở lần đầu, tôi bất cẩn rằng ở Ep trước tôi đã đột nhập xe Frank để lấy thông tin liên quan đến Rachel bằng cách dụ con chó Pompidou của gã ra khỏi xe. Và lúc vào xe tôi đã thấy cái tên này. Nên khi nói chuyện với Frank, nói tên con chó ra và gã đe dọa Max khiến cho Chloe phải bắn chết gã.
Vì vậy tôi rewind lại vì tôi không muốn gã chết. Lần này tôi lại bất cẩn tiếp và để Chloe bị giết. Vậy lần cuối thì đã không có ai chết cả, thật nhẹ nhõm làm sao. Khi phát hiện ra mọi sự thật về Rachel, Chloe đi trả thù Nathan trong khi tôi thì cố cảnh báo Victoria về “Dark Room”. Tôi thành công mà không cần phải rewind một lần nào, các lựa chọn hội rất biết cách để bạn phân vân lựa chọn, nhưng tôi đã vượt qua nó mà không rewind lần nào, một cảm giác thỏa mãn không tưởng.

Ai mà ngờ được một gã như Mark Jefferson có thể là một kẻ giết người hàng loạt
Cho đến ending của Ep 4, ta phát hiện ra Mark Jefferson mới là kẻ chủ mưu tất cả, và gã giết chết Chloe, đánh thuốc mê Max. Dù tôi biết điều này do đọc tiết lộ trước, nhưng sự thật thì tôi cảm thấy thất vọng đôi chút về cách lộ ra kẻ giết người hàng loạt mà không có nhiều manh mối trong game. Nhưng khi nhìn kĩ lại, game có chỉ ra Mark Jefferson là kẻ chủ mưu, nhưng với một cách không rõ ràng. Chúng được ẩn giấu bởi những lời nói của chính bản thân Mark. Vì vậy, nếu bạn nói rằng Mark Jefferson ở đầu game là một kẻ giết người hàng loạt, tôi có lẽ sẽ thực sự có những nghi ngờ nhất định đối với Mark. Đối tượng của gã là những cô gái tuổi đôi mươi như Max, Rachel, Victoria, với mong muốn chụp được những khoảnh khắc “ngây thơ vô tội” của những cô gái này. Và sẵn sàng giết để không để những điều này lộ ra ngoài.
Nhưng ca ngợi về chút gameplay và dàn nhân vật vậy là đủ rồi, giờ tôi sẽ dẫn bạn vào Ep 5 của Life is Strange, mà tôi chỉ có thể thốt lên rằng: What a shame! Ep 5 của Life is Strange là một nỗi thất vọng toàn tập cho cả tựa game này. Nếu 4 Ep trước còn cố gắng đan xen gameplay giữa kể chuyện và cutscene với nhau và tất cả chúng đều bổ trợ cho nhau. Giờ đây lựa chọn của bạn trong Ep 5 chả còn ý nghĩa gì cả, bạn chỉ có ngồi xem một chuỗi hành động nào đó xảy ra, dùng một chút rewind time để giải puzzle (hay chính xác hơn là để hành động đó xảy ra cho đúng). Tất cả điều này chỉ để câu chuyện có thể tiếp tục được “xem”, từ đây tôi cảm thấy gameplay trở thành cái cản trở cho chính câu chuyện, không còn giúp ích được cho việc kể chuyện là bao nhiêu.
Cơn ác mộng của Max có lẽ là 1 trong những phân đoạn video game tôi có cảm xúc lẫn lộn giữa thích và ghét nó nhất. Cơn ác mộng này tồn tại cả các kể chuyện tốt lẫn cách kể chuyện dở tệ trong cùng một lúc.
Nói về cái tốt, đoạn thoại giữa Max và Mark Jefferson là một trong số đó, các lựa chọn thoại ở đây về cơ bản là giống nhau, là bản thân Max tôn vinh Mark Jefferson một cách thái quá. Nhưng cảm giác giữa người chơi và Max ở thời điểm này là ghê tởm Jefferson, nhưng bị ép buộc phải nói ra những lời lẽ ghê tởm đó. Đúng là nhìn thoáng qua nó vô nghĩa, nhưng tôi nhân ra sự mâu thuẫn giữa cảm xúc của người chơi (và Max) cần phải đối lập với những câu thoại như vậy để tạo cảm giác đây là một cơn ác mộng của Max. Đó là một sự bắt đầu cơn ác mộng tốt mà rất thú vị.
Và để mở đầu cho kết thúc cơm ác mộng, một cuộc tranh luận giữa 2 Max xảy ra trong cơn ác mộng này là một điều bạn sẽ không ngờ được. Các lựa chọn câu thoại trông có vẻ khác nhau, nhưng thực chất nó tuyến tính, vì Max còn lại sẽ luôn bẻ gãy luận điểm của bạn, dù bạn có lựa chọn bất cứ câu thoại nào. Cuộc tranh luận này là nỗi sợ hãi khi Max nhận ra mình chỉ dùng để sức mạnh này để làm hài lòng mọi người bằng cách nói mọi người những gì họ muốn nghe.
Đó là hai điểm tốt nhất tôi thấy ở trong cơn ác mộng, giờ là lúc nói về những đoạn dẫn chuyện tệ. Chúng bắt đầu từ phân đoạn hành lang khu kí túc nữ cho đến khi mắc kẹt tại nơi đầy bóng tối, chúng gây hoang mang cho người chơi, chúng nói về những nỗi sợ hãi có thể Max có. Từ việc Kate muốn tự tử vì muốn ở một mình, chỉ là người thay thế Rachel cho Chloe, trở thành một phiên bản Victoria, nỗi sợ thể hiện khả năng của bản thân cho đến nỗi sợ những người như hiệu trưởng Wells, Warren, Nathan, David Madsen, Jefferson, nỗi sợ dòng thời gian bị rối loạn do sử dụng khả năng của mình,…
Tất cả những nỗi sợ đó gameplay đều không hề làm tốt khả năng kể chuyện của nó, mà chỉ có nhiệm vụ dẫn dắt để người chơi xem hết nỗi sợ này đến nỗi sợ khác. Gameplay (hay chính xác ở đây là điều khiển nhân vật) trở thành một thứ làm chậm lại câu chuyện chính của game, và có lẽ đó là một trường hợp trải nghiệm tệ nhất đối với bản thân tôi trong cả tựa game này. Tôi thấy mình đang xem quá nhiều mà không được sử dụng các mechanic của game để dẫn dắt một cách thực sự.
Trong khi tôi vẫn còn đang thất vọng với những gì Ep 5 của Life is Strange, tôi đã thực sự suy nghĩ lại về Ending và narrative của cả game. 2 câu hỏi lớn đặt ra trong đầu tôi: “Tại sao cơn bão lốc xoáy tấn công Arcadia Bay lại xuất hiện ngay ở đầu game?” và “Tại sao Ending chỉ có 2 lựa chọn là Hi sinh Chloe và Hi sinh Arcadia Bay?”. Đó là 2 câu hỏi khó khăn nhất cho cả game. Vì đây là một game kể chuyện, những vấn đề kể chuyện là những gì tôi rất muốn nói tới và đó là 2 câu hỏi rất quan trọng để bản thân tôi muốn đặt giả thuyết trả lời cho các câu hỏi đó.
Trả lời cho việc cơn bão xuất hiện ngay đầu game, đồng nghĩa rằng nó rất quan trọng, không cần biết nó có liên quan đến sức mạnh của Max hay không, nó là một điềm báo không lành đầy mạnh mẽ. Từ đó nó dẫn đến 2 vấn đề ở có liên quan đến ending.
– Cơn bão không liên quan gì đến sức mạnh của Max: Điều này nghĩa là dù bạn có cứu Chloe hay không, cơn bão vẫn sẽ xảy ra. Và nó khiến Ending hy sinh Arcadia Bay trở nên dễ đồng cảm hơn, vì cả Max và Chloe đều có những cảm giác tội lỗi mà họ không nên phải hứng chịu (comic Life is Strange đã phát hành đến issue 9, lấy bối cảnh sau ending hy sinh Arcadia Bay và nói về việc Max và Chloe đối đầu với cảm giác này như thế nào). Nhưng nói thế thì rõ ràng những dấu hiệu ở ending hy sinh Chloe cutscene lại không hề thể hiện những dấu hiệu nào của cơn bão, hay bất cứ dấu hiệu khoa học bất thường nào trong suốt thời gian game xảy ra.
Đây là vấn đề của việc kể chuyện, khi bạn kể chuyện, không có cái gì nên là ngẫu nhiên hay trùng hợp. Vì vậy trường hợp cơn bão là một sự trùng hợp là một điều gì đó tôi rất khó thể chấp nhận. Và đặt giấc mơ cơn bão lên trước việc Max phát hiện và sử dụng sức mạnh của mình cảm giác giống như thể nói rằng cơn bão rõ ràng là một điềm báo nào đó hơn là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vậy nó dẫn đến trường hợp dưới đây.
– Cơn bão có liên quan đến sức mạnh của Max: điều này khiến cho ending hy sinh Chole lại trở nên có phần nào đó hợp lý hơn, Max trở lại lần đầu tiên cô dùng sức mạnh của cô, và lần này Max quyết định không sử dụng nó và để Chloe chết. Và cutscene của Ending này không hề đưa ra bất kì bất kì hiện tượng khoa học kì dị nào (tuyết rơi bất thường hay hiện tượng nhật thực một cách bất ngờ, được nhiều người coi như sự ảnh hưởng do sức mạnh của Max và dầu hiệu cho cơn bão là thực). Vì vậy nó càng thuyết phục tôi rằng cơn bão có gắn liền với sức mạnh của Max theo một cách nào đó. Nhưng điều này dẫn đến việc lựa chọn hi sinh cả Arcadia Bay để cứu Chloe, trở thành một trong những lựa chọn mang tính chất ích kỷ nhất của Max.
Sự liên kết giữa cơn bão và sức mạnh của Max vẫn luôn là một bí ẩn trong Life is Strange và tôi không biết rằng đây có phải writer của game quá lười để giải thích hay họ muốn vậy. Cái bí ẩn này không khiến tôi thỏa mãn cho lắm về cả 2 ending. Dù theo cách narrative nào, endings khiến cho mọi lựa chọn trước trong game trở nên vô nghĩa, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn là nó là điểm yếu trong ảo tưởng của sự lựa chọn.