Trước khi Columbus tìm ra châu Mỹ và mở đầu thời đại khai phá và thực dân, đã có một chuyến phiêu lưu khác, không nổi tiếng bằng nhưng cũng không kém phần thú vị, được coi là phiên bản Đông Du Kí trong thế giới phương Tây. Đó là chuyến đi dài 24 năm của Marco Polo, đi qua 25000 km lục địa Á – Âu đường bộ và bằng đường thủy. Hành trình của Marco Polo (thế kỉ thứ 13) và của Columbus (thế kỉ 15) là đỉnh cao của thời đại khám phá thứ nhất và thứ hai, là động lực và tiền đề cho những thay đổi lớn lao ở châu Âu cũng như Thế giới. Bài viết này cung cấp thêm thông tin về chuyến đi của Marco Polo: hãy xem cách mà một người ở thế kỉ 13 đi vòng quanh thế giới (trong sự hiểu biết lúc đó), đi xa hơn bất cứ người cùng thời nào, và kể lại câu chuyện về phương Đông huyền bí ra sao.
Hành trình 24 năm (1271-1295) của Marco Polo
1. Bối Cảnh
Ở thế kỉ 13 khi người Âu chìm trong những giáo điều, họ chỉ biết lờ mờ về Trung Hoa, Ấn Độ, Java… “ở tận cùng phía Đông”. Thời xa xưa khi con đường tơ lụa còn nhộn nhịp, những hàng hóa cùng truyền thuyết phương Đông theo con đường này tiến tới châu Âu, đó là lụa là, kim cương, gia vị… vốn là xa xỉ phẩm trong giới vua quan phong kiến. Nhưng sự buôn bán không bao giờ dễ dàng. Ở thế kỉ thứ 8, một thế lực tôn giáo nổi lên và chặn con đường này lại. Đạo Hồi cùng với các quốc gia của nó đã thống nhất và cai trị vùng Địa Trung Hải từ đó đến nay. Mối lương duyên của Kitô giáo và thế giới phương Đông bị cắt đứt. Không có chàng hiệp sĩ phương Tây nào đến gõ cửa công chúa Trung Hoa trong thời gian này. Tất cả hiệp sĩ đã chết ở Jerusalem rồi.
Đó là thời hoàng kim của người Hồi. Người Hồi cho phép trao đổi hàng hóa giữa Đông và Tây ở các trạm và hải cảng của họ, theo hai con đường chính: (1) là con đường Tơ Lụa năm xưa từ Hàng Châu Trung Quốc xuyên Trung Á, qua Samarkand, qua Baghdad, đến Smyma, là thành phố duyên hải ở đông Địa Trung Hải; (2) là qua biển Đông, qua Việt Nam, Java, Xiêm, Ấn Độ Dương, biển Arab, vịnh Ba Tư tới Barsa hoặc Ai Cập. Hai con đường này đều thuộc loại “dễ đi khó về”, cộng thêm thuế của người Hồi khiến cho giá cả tăng như thịt heo mùa dịch. Tương truyền rằng hoàng đế Frederick II của đế chế La Mã thần thánh, mỗi lần muốn tổ chức tiệc tùng đều phải “tiết kiệm” để mua gia vị và nguyên liệu. 1000 năm trước mà bạn có áo lụa (80k chợ Đồng Xuân) và hồ tiêu (65k/1kg ở Big C) thì hãy mạnh dạn hỏi cưới công chúa, không phải ngồi quẹt trái quẹt phải mòn tay như bây giờ.
Cơn khát về áo lụa và hồ tiêu làm ám ảnh người Âu. Họ cũng cố gắng mở các con đường khác (hướng lên phía Bắc, lối Nga hiện nay) hoặc giành quyền kiểm soát con đường cũ (thánh chiến), nhưng không cái nào ăn thua. Do mâu thuẫn về mặt tôn giáo (hay tranh chấp về những mặt khác, những mặt không vinh quang tế nhị, không thể hô hào dân đen), nên thời điểm này được ghi chép lại như là “đêm tối thời Trung Đại”. Hàng hóa dù thuế cao, vẫn nhỏ giọt đi qua. Nhưng thông tin, hay các huyền thoại, vốn cần con người nhìn thấy và kể lại, thì không có. Vì không ai có thể đi qua. Đạo Hồi như con rồng canh giữ nàng công chúa châu Á, và con rồng này mạnh vãi lều, nên nàng công chúa này đành cô đơn suốt mấy trăm năm.

Các cuộc thập tự chinh, hay thánh chiến, là hình thức chiến tranh thế giới đầu tiên, khi các nguồn lực đa quốc gia được huy động “vì một thứ cao cả hơn”
Plot của câu chuyện xảy ra ở thế kỉ 13. Một chàng hiệp sĩ xuất hiện, không cần gươm giáo sáng lòa hay thánh thần bảo hộ, chàng chỉ cần con ngựa và kèo đánh nhau. Hiệp sĩ Mông Cổ xuất hiện, với sự đàn ông chất phát không cầu kì thì chàng ăn hết từ công chúa Trung Hoa bờ bên này đến công chúa Ba Tư bờ bên kia, nói chung là ăn nhiều và ăn tạp. Nhưng chàng tính cách rộng mở, sau khi chém giết đã đời và chén đã mồm, cũng mở rộng lòng mình với những thứ còn lại. Chàng đối xử bình đẳng với hầu hết tôn giáo, đề cao thương mại và xã hội đa văn hóa, khuyến khích các nguồn tri thức phát triển.
Mông Cổ là một sự kết hợp tài ba giữa thiên tài chỉ huy, dũng mãnh và kỉ luật cá nhân, tinh thần cầu tiến và thái độ bao dung văn hóa mà không đời vua chúa nào cả Á lẫn Âu có thể bì kịp. Điều đáng tiếc duy nhất là họ không kịp xây dựng một nền văn hóa đủ để duy trì và liên tục kể về họ, khiến cho lịch sử của họ không đứng đúng chỗ. Nhưng dù sao, thế giới cũng phải cảm ơn Mông Cổ vì đã thông thương lại con đường Tơ Lụa năm xưa, một sự kiện có thể nói là tiền đề để thay đổi thế giới về sau.
Đế chế Mông Cổ vào năm 1279 đã bao trọn hơn một nửa lục địa Á-Âu, trải từ Hoàng Hà ở Trung Hoa đến Denube ở Đông Âu, từ Siberia đến vịnh Ba Tư. Các cánh quân Mông Cổ tấn công cả Đông Âu và Đông Trung Địa, đe dọa cả khối Kito giáo và Hồi giáo. Một vài vận may như (1) cái chết của Hoàng Đế (khiến các cánh quân Mông Cổ ở Đông Âu không tiến sâu hơn vào nội địa) và (2) Mông Cổ tuyên chiến với Thổ Nhĩ Kì (kẻ thù chung), đã khiến Khối Kito giáo thể hiện sự hòa hoãn và chờ đợi.
Khối Hồi giáo thì chắc không thờ thần may mắn nên lần lượt mất Baghdad, Syria, Ba Tư. Với sự hùng mạnh của Ai Cập thì đế chế Mông cổ phải dừng chân ở Damascus. Tuy nhiên thế cũng là đủ để khôi phục lại con đường Tơ Lụa năm xưa. Cuối thế kỉ 13, với sự bảo trợ của đế chế Mông Cổ, lần đầu tiên những nhà buôn, nhà truyền đạo đã có thể đi từ Venice, Genoa hay Athen đến các kinh đô của châu Á lúc đó. Và đây là bối cảnh cho chuyến phiêu lưu 24 năm của Marco Polo đến xứ phương Đông huyền bí.
2. Câu chuyện về Marco Polo
Có nhiều câu chuyện về Marco Polo, như một bản được trang nghiencuulichsu.com ghi lại như sau:
Bối cảnh
Vào thế kỷ 13, châu Âu đã trải qua Thời Kỳ Đen Tối (the Dark Ages) và cô lập, chuyển sang giai đoạn phát triển về thương mại và chiến tranh với vùng Cận Đông. Dân chúng của châu Âu gia tăng, các thành phố bắt đầu mở rộng khiến cho có nhu cầu về hàng hóa. Vào thời đại đó, các nhà quý tộc thường khinh rẻ ngành buôn bán nên đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu gồm các thương nhân tại một số thành phố lớn nhỏ. Trong các địa điểm đông dân cư đang phát triển, không nơi nào thích hợp với công việc mậu dịch hơn thành phố Venice của nước Ý. Đây là nơi lý tưởng, nằm trên biển Adriatic và hướng về phương Đông.
Năm 1254, ông Nicolo Polo cùng người em trai tên là Maffeo, là hai thương nhân về nữ trang, đã thực hiện một chuyến đi xa, tới thành phố Constantinople, rồi cũng do công việc thương mại, hai người này đã đi khá xa về phía đông, tới tận Bukhara, sâu vào bên trong miền đất thời bấy giờ thuộc quyền kiểm soát của quân Mông Cổ. Người Mông Cổ đã từ phần đất phía bắc của nước Trung Hoa, tràn qua đánh chiếm châu Âu và lập nên các lãnh thổ mới do các Khả Hãn cai trị. Tại nước Nga, người Mông Cổ được gọi là rợ Thát Đát (Tartars).
Hai anh em thương nhân này đã bị mắc kẹt trong xứ của người Thát Đát trong 3 năm vì các trận chiến quanh vùng, vì các bọn cướp đe dọa đường về. Cuối cùng, nhân một chuyến về thăm triều đình Đại Hãn tại Trung Hoa của một vương hầu Thát Đát, hai anh em Polo được mời đi theo. Đây là cơ hội rời khỏi miền Bukhara một cách an toàn, nên hai thương nhân này đã nhận lời theo đoàn sứ quân ra đi.
Năm 1265, sau hơn một năm trời gian nan trên đường trường, hai anh em Nicolo và Maffeo đã tới được Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) và được Đại Hãn Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) đón tiếp niềm nở. Đại Hãn là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, vị hoàng đế đã lập nên đế quốc Mông Cổ rất rộng lớn, trải dài từ miền bắc châu Á tới tận các phần đất phía đông của châu Âu.
20 năm về trước, đã có vài người châu Âu là các thương nhân hay các tu sĩ tới được nước Trung Hoa và xứ Mông Cổ, nhưng Nicolo và Maffeo là hai người châu Âu đầu tiên được trình diện trước triều đình của Đại Hãn. Hai thương nhân miền Venice khi tới Yên Kinh, đã rất ngạc nhiên về nhiều điều mới lạ.
Kinh đô này có các bức tường thành cao bao vây chung quanh và phần bên trong tường thành được phân chia thành nhiều vùng với lâu đài hoàng gia ở giữa. Anh em nhà Polo cũng rất cảm kích trước lòng hiếu khách của Đại Hãn và sự xuất hiện của những người xa lạ, từ một xứ chưa được biết tới, đã khiến cho Đại Hãn Hốt Tất Liệt phải quan tâm. Đại Hãn cũng thắc mắc về đạo Thiên Chúa nên khi anh em Polo rời khỏi Trung Hoa, nhà vua đã yêu cầu họ mang một bức thư gửi cho Giáo Hoàng, yêu cầu phái đến triều đình Mông Cổ 100 tu sĩ học giả. Đại Hãn cũng chân thành mời anh em Polo trở lại Trung Hoa đồng thời cấp cho họ một giấy phép có đóng mộc vàng, để bảo đảm an toàn lúc đi đường.
Năm 1269, hai anh em Polo đã về tới Venice thì được biết bà vợ của Nicolo đã qua đời sau lần sinh hạ một cậu con trai đặt tên là Marco Polo và cậu này được một người trong gia đình nuôi dưỡng. Lúc này, cậu Marco Polo đã là một thiếu niên 15 tuổi, lanh lẹ, tháo vát, thường lân la chơi đùa tại bến tầu và quen biết với khá nhiều thủy thủ.
Chuyến đi xa của Marco Polo
Hai năm sau ngày trở về, ông Nicolo lại cùng với người em trai xuống tầu từ Venice và trong lần viễn du này, có dẫn theo cậu con trai Marco. Khi đến Jerusalem thì vị Giáo Hoàng quen biết khi trước đã qua đời, trong khi đó các hồng y chưa bầu ra được một Giáo Hoàng mới. Anh em nhà Polo đành quyết định vẫn ra đi với 2 tu sĩ và một số dầu thánh (holy oil). Đường đi gian truân đã làm cho 2 tu sĩ nản lòng rồi vì lo sợ cho sự an toàn, họ đã giả vờ bệnh nặng và trở về, còn các thương nhân Venice vẫn tiếp tục lên đường. Marco Polo lúc này là cậu thanh niên yêu thích thiên nhiên, có đầu óc thực tế, biết nhận xét những điều xa lạ, nên đã giữ sổ nhật ký, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc hành trình.
Rời Jerusalem bằng thuyền, hai thương nhân tới thị trấn Acre rồi thị trấn Ayas. Tại nơi này họ lên bờ, đi theo đoàn lạc đà. Khi hai thương nhân đã rời khỏi Jerusalem thì được tin Theobald of Piacenza được bầu làm Giáo Hoàng Gregori X. Để tránh nơi giao tranh giữa hai lực lượng Thập Tự Chinh (Crusaders) và các quân Hồi Giáo, họ đã đi về phía bắc, hướng tới Hắc Hải rồi vòng qua hướng đông, tới gần núi Ararat, nơi mà nhiều người tin rằng con thuyền lớn của ông Noah đã được kéo lên bờ.
Đoàn lữ hành cũng đã đi qua các ngọn đồi của miền nam xứ Georgia thuộc nước Nga ngày nay. Các vùng đất này đều quen thuộc với các thương nhân châu Âu nhưng riêng với Marco Polo, cậu rất ngạc nhiên trước các loài chim lạ, loại đá muối, các loại hồng ngọc và các giếng dầu. Loại dầu này không dùng để ăn mà được người dân địa phương chữa các bệnh ngoài da cho người và lạc đà, và dùng để đốt đèn vào ban đêm.
Khi vào xứ Iran, anh em nhà Polo đã dừng chân tại Saba, nơi mà theo chuyện kể, 3 tu sĩ Magi đã mang quà tặng, theo chỉ hướng của các vì sao tới thăm viếng Chúa Hài Đồng tại Bethlehem. Tới lúc này, đoàn thương nhân đã đi quá xa, tới vùng xa lạ và nguy hiểm, đi rất chậm với tốc độ từ 10 tới 20 dặm một ngày, qua các thung lũng lạnh lẽo, các sa mạc nóng bỏng và toàn sỏi đá, không còn thấy các cây cối xanh tươi. Khi đến thị trấn Kerman, anh em Polo cho rằng nên dùng đường biển để tới Trung Hoa, họ đã đổi hướng về phía Nam, tiến tới hải cảng Hormuz nằm trong vịnh Ba Tư. Trên đường đi, họ đã thấy các làng mạc ẩn hiện sau các bức tường thành cao đắp bằng đất để ngăn cản loại quân chuyên cướp bóc Karaunas.
Tôi đã nghĩ đây là một trang wed về game
Nhưng hoá ra nó tuyệt vời vl :)))
Good job, my bro
Đợi thêm nhiều bài về Civilization VI của bro
Quá hay, quá đã. Đọc thì có thể biết là bạn tham khảo từ nguồn trong sách. Cho hỏi đó là sách nào để mình tìm được không ạ? Vì quá hứng thú.