INU TO KUZU – CÓ TIỀM NĂNG, NHƯNG KHAI THÁC KHÔNG TỚI.

Khách mới

  

Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa ba người bạn từ thời trung học: Shuji-Sumi-Sakuraba. Trong số họ, Shuji và Sakuraba như hai đầu của viên nam châm. Một người là tổng hợp của mọi ưu điểm trên đời, còn người kia chỉ là một học sinh đúng mức bình thường. Cả hai đều yêu cô bạn học Sumi, nhưng Sakuraba nhanh chóng chấp nhận thua cuộc, và Shuji-Sumi cuối cùng trở thành vợ chồng. Về sau, một lần tình cờ, Sakuraba gặp lại Sumi – người đã là vợ Shuji. Từ đây, những hồi ức bắt đầu trỗi dậy, phơi bày mối quan hệ thực sự của ba người, cũng như bản chất vị “nam thần” Shuji mà mọi người luôn ngưỡng mộ.

I. Shuji – Kẻ cặn bã.

Đây là nhân vật trung tâm của hầu hết mọi vấn đề trong truyện, nhưng chỉ xuất hiện dưới hình thức hồi ức của các nhân vật khác. Hắn là một nam thần, với lớp vỏ ghép từ toàn những phẩm chất trong mơ của một thằng con trai. Thông minh (vào đại học Tokyo), đẹp mã, giỏi ăn nói, giỏi hoà đồng và có tài sát gái. Hắn như một ngọn đèn thu hút mọi con thiêu thân thấp kém vây lấy hắn. Với nhiều người, chỉ cần có một chỗ đứng trong mối quan hệ với hắn (bạn thân, người yêu, tình nhân) dường như là đã có được một tấm bằng chứng nhận về vị thế xã hội rồi.

Nhưng đằng sau cái vẻ ngoài thân thiện, cuốn hút đó, Shuji là một kẻ mang nhân cách và nhận thức có vấn đề. Điều dễ nhận thấy nhất là thói lăng nhăng của hắn. Tình nhân của hắn nhiều như nấm sau mưa. Hắn sống buông thả không giới hạn. Khi còn đi học thì cưa đổ vô số nữ sinh. Đến khi đi làm thì còn tồi tệ gấp bội. Theo lời Sumi, ít nhất một nửa nữ đồng nghiệp trong công ty là tình nhân của hắn. Hắn dẫn vợ đi mua mỹ phẩm, gặp nhân viên giới thiệu sản phẩm, thấy vừa mắt thì cưa luôn. Khi đối tượng ưng thuận/thần phục, hắn không ngại tăng dần mức biến thái của những trò chăn gối.

Điều kỳ dị ở chỗ, Shuji làm tất cả những điều này không phải vì hắn một kẻ cuồng dâm. Theo lời Shuji, hắn là một kẻ buồn chán, không cảm thấy được niềm vui trong cuộc sống. Lý do hắn buông thả như vậy chỉ là vì sex là thứ duy nhất còn có thể đem tới khoái lạc cho hắn.

Bởi cái tính cách “không cảm thấy được niềm vui trong cuộc sống”, Shuji cũng không có hứng thú trong việc gìn giữ các mối quan hệ xã hội. Hắn cưa đổ Sumi vì cô là người mà Sakuraba thầm yêu. Hắn ôm hôn Sumi ngay trong thư viện, nơi Sakuraba xem là “thánh địa” của mình, và cố ý để cậu nhìn thấy, để được xem vẻ mặt tuyệt vọng của cậu. Hắn cũng thản nhiên ôm hôn những cô gái khác trước mặt Sumi mà không đếm xỉa đến cảm xúc của người yêu. Khi vợ muốn sinh con với hắn, hắn bắt đầu thấy phiền và mất luôn hứng thú chăn gối với vợ. Hắn thậm chí còn khuyên vợ xin tinh trùng của ai đó để bản thân khỏi phải phiền phức.

“Làm tình chỉ vui khi nó không đi kèm nghĩa vụ.” – Shuji.

Đối với hắn, dường như mọi mối quan hệ đều không quan trọng hơn việc hắn tìm kiếm niềm vui của mình. Và tuy luôn than vãn về sự buồn chán, hắn lại tránh xa mọi nghĩa vụ xã hội mà lẽ ra hắn phải thực hiện. Mọi người có nghĩa vụ gìn giữ mối quan hệ của họ với hắn, chứ bản thân hắn không có trách nhiệm gì cả (à mà hắn cũng chẳng để tâm việc họ có gìn giữ hay không). Vì thế, tuy là nam thần trong lòng mọi người, nhưng không ai có thể cầu xin sự giúp đỡ lẫn chia sẻ của hắn khi họ cần. Họ thậm chí phải tự che giấu và chịu đựng nỗi đau của mình, và lo sợ Shuji sẽ chán ghét họ khi hắn thấy mình bị cuốn vào rắc rối của người khác.

Nói tóm lại, nhân vật này là một kẻ kỳ dị. Hắn làm nhiều việc bại hoại không phải vì ác ý mà chỉ vì buồn chán. Tuy luôn than vãn về sự buồn chán, nhưng hắn lại không muốn xông pha nhận lãnh bất cứ trách nhiệm gì trong cuộc sống. Cuối cùng, hắn buồn chán đến mức thờ ơ khi biết mình sắp chết.

Nhưng…

Tại sao Shuji lại gắn bó với Sakuraba và Sumi đến vậy? Theo lời của hắn, giữ Sakuraba bên cạnh là để mỗi ngày đều được nghe ai đó ca ngợi và chú ý về sự xuất chúng của hắn. Điều đó khiến hắn “thật nhẹ nhõm”. Nghe qua thì có vẻ như mối quan hệ này xuất phát từ chứng tự yêu chính mình của Shuji. Nhưng nếu nghĩ theo cách khác, Shuji giống như cần một Sakuraba luôn luôn nhắc nhở cho hắn biết rằng hắn lẽ ra nên hạnh phúc vì những gì hắn có, hơn là buồn chán hay tuyệt vọng. Vì thế, dưới mắt Sumi, dường như không phải Sakuraba bị lệ thuộc vào Shuji, mà giống như Shuji biến thành một con cún luôn tìm cách quanh quẩn tranh lấy sự chú ý của Sakuraba vậy.

(đây là 1 chi tiết khó hiểu, tôi cũng không thực sự biết là mình hiểu đúng hay không).

II. Sumi – Kẻ lệ thuộc:

Sumi là một hoa khôi của trường khi ba người còn đi học. Tuy về nhan sắc không phải là dạng xuất thần nếu so với mặt bằng Tokyo, nhưng nếu xét trong phạm vi tỉnh lẻ, thì cô thuộc vào dạng xuất chúng. Thời đi học, khoác lên vẻ vui tươi, yêu đời, Sumi thực tế mà một người mang rất nhiều vết thương và mặc cảm.

Sumi sinh ra mà không có cha. Mẹ cô rơi vào một mối quan hệ buông thả và dựa dẫm vào đàn ông. Từ khi còn rất trẻ – trước cả khi gặp Shuji, Sakuraba – Sumi đã là một rape victim bởi chính một tên tình nhân của mẹ, và từng phải phá thai. Cô chôn giấu điều đó trong mười mấy năm, mang trong mình một mặc cảm tội lỗi không bao giờ thổ lộ. Khi nhìn vào cuộc sống của mẹ và học lực của mình, cô chỉ càng tự ti hơn. Sumi học rất kém, ngay cả khi được Shuji dạy kèm rất kỹ. Điều đó càng khiến cô tin rằng mình là một con đàn bà vất đi, ngoài nhan sắc để dựa dẫm đàn ông ra thì không còn một giá trị gì nữa.

Từ khi bị cuốn vào mối quan hệ với Shuji và Sakuraba, cuộc đời Sumi cũng trải qua đủ thức ngọt bùi cay đắng. Tuy gặp gỡ Sakuraba trước, cô cuối cùng khuất phục trước hào quang của Shuji, và trở thành bạn gái rồi vợ hắn. Mỗi khi được gặp Shuji, cô đều rất hạnh phúc. Mọi người đều xem họ như một cặp trai tài gái sắc, “gia đình người ta” mà ai ai cũng đều mơ ước. Theo quan điểm bản thân Sumi, cô thấy mình là một kẻ vô dụng, không thể làm gì được mà không có Shuji, chính Shuji là người đã giúp đỡ cô rất nhiều. Nói cách khác, cô trở thành người yêu của Shuji vì tin rằng “nam thần” sẽ đem đến cho cô một tương lai hạnh phúc.

Nhưng điều thực sự xảy ra dưới mắt Sakuraba lại không hề giống như cô nói. Sumi thường xuyên bị các nữ sinh khác bắt nạt để tranh giành Shuji. Nó diễn ra nhiều đến mức Sumi tin rằng “có lẽ nó thật sự là lỗi của mình”. Trong khi Shuji thản nhiên ôm hôn một cô gái khác, chính Sumi là người phải canh chừng cho hắn, và mỉm cười giải thích với Sakuraba rằng hắn chỉ đang chơi đùa thôi, người hắn yêu duy nhất chỉ có cô. Shuji cũng chẳng bao giờ giúp cô chữa những vết thương lòng. Ngược lại, Sumi ngày càng thu mình và tự che giấu mình hơn, vì sợ Shuji sẽ chán ghét cô vì thấy cô “phiền phức”. Hình ảnh cô vừa bị bạo hành với vết bầm trên mặt, bơ vơ trong trời tuyết, chia bánh và cầu xin Sakuraba đừng nói với Shuji, đó là sự vạch trần đầu tiên của tác giả về “mối tình hạnh phúc” giữa hai người.


Điều này tiếp diễn ngày càng trầm trọng ngay cả khi cả hai đã thành vợ chồng. Chồng lăng nhăng không giới hạn, trong khi bản thân gặp trục trặc không thể sinh con. Chán ghét nhưng không dám li dị – một phần vì Shuji cũng không bao giờ bạo hành vợ. Mặc cảm tội lỗi và tự ti trong cô càng lớn. Việc cô cầu xin ông hoạ sĩ tài năng hiến tinh trùng, với hy vọng rằng con mình sẽ trở thành một người thông minh, nó là một cách để cô tự lên án và miệt thị bản thân mình ở hiện tại.

“Chí ít, tôi mong con mình sau này có thể trở thành một người tự lập, có thể sống mà không phải nương nhờ vào bất kỳ ai khác.” – Sumi.

“Đây chắc hẳn là quả báo của ông trời dành cho tôi. Có thể vì ông ấy cho rằng tôi không xứng đáng để làm mẹ?” – Sumi.

Tất cả những điều kể trên hoà trộn với nhau, nhào nặn ra một Sumi trưởng thành không bình thường. Từ một nữ sinh luôn giả vờ cười, cô biến thành một nữ thần lầm lì, mang vẻ đẹp mong manh, chỉ chờ một cơ hội để sụp đổ.

III. Sakuraba – Cái bóng:

Không hiểu sao. Đây lại là nhân vật kém ấn tượng nhất truyện.

Sakuraba là bạn thân từ thuở nhỏ của Shuji. Anh sinh ra trong một gia đình có mẹ luôn chăm bẵm và sai khiến mình. Hai yếu tố này khiến anh không có tự tin vào bản thân, và luôn luôn nhận thức bản thân là một kẻ thấp kém. Cũng như Sumi, việc hạ thấp tận cùng lòng tự trọng bản thân đã giúp anh giữ mối quan hệ với Shuji trong nhiều năm. Khi nhìn thấy Shuji ngang nhiên ôm hôn người mình thầm yêu ngay trong “thánh địa” là thư viện mà anh thường lui tới, Sakuraba chỉ biết lặng lẽ quay đi. Anh xem đó là một việc hiển nhiên. Một kẻ thấp kém như anh làm sao có tư cách để ghen tuông với Shuji và hướng Sumi về mình.


Cũng như Sumi, Sakuraba thường lãnh đủ mọi thứ “miểng” bay tới vì lối sống buông thản của Shuji. Tệ hại hơn, người ngoài nhìn vào chỉ thấy anh như một chân sai vặt, chứ không phải bạn thân của Shuji. Bị bạn giật người yêu nhưng vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Sakuraba đã sống như vậy mười mấy năm như một người bạn thân của cả Sumi và Shuji, và là người duy nhất chia sẻ với Sumi mỗi khi cô gặp chuyện. Điều này khiến Sakuraba có được tình cảm của Sumi, nhưng lại không giúp anh có đủ dũng khí để để đứng lên giành lại người yêu. Tuy vậy, anh luôn cố gắng giúp đỡ cô ngay cả khi cô đã kết hôn, và coi việc đó là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà mình có thể giành lấy được.

IV. Các ưu điểm:

Ngoại trừ nét vẽ đẹp, Asaga Iori là người rất chăm vẽ ngoại cảnh. Ngoại cảnh của cô vẽ thường là rất chi tiết (từ Dear Sa chan đã thế, đến giờ càng lúc càng chi tiết hơn). Vì thế, về mặt hình thức, truyện vẽ rất đẹp.

Một thế mạnh lớn nữa của Iori, đó là tác giả có khiếu thẩm mỹ thời trang rất cao. Dường như người này đã tìm hiểu rất sâu về quần áo. Trong cả hai bộ truyện, các nhân vật nữ đều diện những bộ trang phục rất đẹp, và thay đổi liên tục. Điều đó khiến câu chuyện như một sàn trình diễn thời trang vậy. Đôi khi, điều này hơi quá đà vì cả nhân vật có thu nhập thấp như Miyu vẫn ăn diện nhiều bộ váy rất ấn tượng. Tuy nhiên, nếu vẽ về một câu chuyện lấy bối cảnh giới người mẫu thời trang hay giới thượng lưu, đất dụng võ của Iori chắc chắn là rất lớn. Đây là tác giả giỏi về thời trang nhất mà tôi từng biết cho tới giờ.

Ưu thế thứ ba của riêng Inu to Kuzu là cách dẫn dắt và sắp xếp tình tiết câu chuyện. Câu chuyện này thực ra là một sự lắp ghép lộn xộn giữa thực tại xen với nhiều mảnh ký ức trong quá khứ. Nhiều hình ảnh, chi tiết tưởng như vô thưởng vô phạt (VD: Sumi khoe điểm kiểm tra suýt bị liệt ở chap 1) thực chất lại là một thông tin quan trọng liên quan đến tính cách nhân vật sau này (mặc cảm rằng mình không được thông minh – nhắc tới ở chap 31). Tuy vậy, điều may mắn là tác giả không bắt người đọc tự chú ý thu thập thông tin. Mỗi khi nhắc tới một tình tiết, tác giả sẽ luôn đính kèm nó với những hình ảnh có liên quan tới thông tin này ở những chap trước. Việc “xâu chuỗi giúp độc giả” này giúp câu chuyện sẽ tiếp cận được với nhiều người đọc hơn.

Một điều thú vị nữa, dù nó không có vai trò quan trọng trong truyện. Đó là cách tác giả cung cấp thông tin bằng những bức tranh. Trong cuộc triển lãm của ông hoạ sĩ về Sumi, những bức tranh vẽ cô ban đầu tưởng như thể hiện tình yêu biến thái của nhà hoạ sĩ. Nhưng về sau, chúng ta mới biết nhân vật này thực ra đóng vai trò là một người quan sát Sumi, còn những bức tranh vẽ Sumi kỳ thực đang thể hiện bản chất khủng hoảng muốn sụp đổ của cô.

V. Nhược điểm:

Có một vấn đề mà tôi có thể kết luận sau khi đọc cả Dear Sa Chan và Inu to Kuzu: Iori không giỏi phân tích lẫn khắc hoạ tâm lí nhân vật. Tôi luôn có cảm giác tác giả cố viết ra những nhân vật mang nội tâm phức tạp, kỳ dị, nhưng đến khi trình bày, mổ xẻ nó thì lại không biết phải thể hiện thế nào. Cái kiểu viết “Thuý Kiều khóc lớn” thay vì “lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm” nó lại xuất hiện ở đây.

Là kiểu truyện về đề tài tâm lý xã hội, thứ tác giả cần là một kỹ năng đi sâu mổ xẻ tâm lý nhân vật. Tạo ra những tình huống nơi nhân vật phơi bày bản chất của mình. Đi sâu vào những suy nghĩ của từng nhân vật. Và quan trọng nhất, tác giả phải khiến người đọc đồng cảm và gần gũi với nhân vật. Nhưng tôi không cảm thấy điều đó trong Inu to Kuzu. Tôi luôn có cảm giác không phải mình đang ngồi ăn chung bàn với Sumi, Sakuraba và nghe họ tâm sự như một người thân. Tôi cứ thấy như mình đang ngồi ở đâu cách đó vài trăm km, cầm đọc những báo cáo về nhân vật vậy.

Các nhân vật phức tạp, nhưng việc triển khai không tới, chưa tận dụng được hết tiềm năng của họ. Vì hoàn cảnh và mặc cảm như vậy nên Sumi luôn khao khát có một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng trong truyện, người đọc chỉ thấy cô ta lẩm bẩm liên tục “mình muốn hạnh phúc”, “mình chẳng thể làm gì được” chứ không được đi sâu vào nội tâm để thấy những trăn trở bên trong cô. Điều này vô tình khiến Sumi trông như một kẻ chỉ biết lợi dụng Sakuraba chứ không còn gì khác đáng nói. Việc cắt vụn và xáo trộn thông tin câu chuyện, có thể rất hấp dẫn với kiểu độc giả thích tìm tòi, nhưng lạm dụng quá đà sẽ cản trở khi ta cần phân tích tâm lý nhân vật.

Tương tự, Sumi thật sự nghĩ gì khi thấy Shuji ngoại tình ngay trước mắt mình? Cô ta thật sự nghĩ gì khi bơ vơ giữa trời tuyết, còn người yêu thì không dám gọi? Sự dằn vặt, đau khổ của cô ta trong thời gian làm vợ Shuji? Shuji nghĩ gì về cảm xúc của vợ? Có rất nhiều câu hỏi và tình huống có thể triển khai để độc giả tiếp cận nội tâm nhân vật, nhưng tác giả bỏ qua chưa khai thác.

Tính cách, suy nghĩ của nhân vật thường được thể hiện sơ sài trong một, hai câu thế này.

Ở các chi tiết từng được khai thác, thì việc trình bày và khai thác vẫn còn nông chứ chưa đủ độ sâu. Ví dụ, với một kẻ mặc cảm về bản thân như vậy thì biểu hiện của Sumi sẽ nhiều hơn một câu than thở với ông hoạ sĩ nhiều lắm. Còn chi tiết cô ta là rape victim, vốn có tiềm năng khai thác, thì kỳ thực chỉ xuất hiện có… 2 khung tranh ở chap cuối cùng. Tác giả muốn viết nó như một chi tiết gây sốc ở cuối truyện, nhưng cách thể hiện lại khiến nó trông như một chi tiết vặt không quan trọng lắm.

Nếu so sánh, cách phân trích, mổ xẻ tâm lý nhân vật của Inu to Kuzu kỳ thực là một bước lùi so với Dear Sa Chan. Với Dear Sa Chan, dù thích hay không, ta cảm thấy mình đang đứng bên cạnh nhân vật và nghe họ tâm sự nỗi lòng. Với Inu to Kuzu, ta thấy mình đang nhìn họ qua một cái ống nhòm từ đâu đó xa xôi, còn họ thì ôm hết trăn trở trong lòng, với rất ít biểu hiện ra bên ngoài.

Nếu cải thiện được kỹ thuật triển khai và khai thác tâm lý nhân vật, tin rằng Iori sẽ còn rất thành công trong tương lai.

Hãy mua truyện bản quyền để ủng hộ tác giả nếu thích: https://bookwalker.jp/deb4fded64-9989-4c13-b569-2765d9ebe2e6/

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Đăng Bông - 01.10.2022

    sorry gửi lại anh email để anh gửi nhuận bút cho em, anh quên thông tin của em