XÂY DỰNG CẤU HÌNH ĐỂ NÂNG CẤP VỀ SAU: NHỮNG LƯU Ý VÀ KINH NGHIỆM.

Khách mới

  

Đối với các game thủ thuộc nhóm học sinh, hoặc đơn giản là không dư dả tiền bạc, việc tậu ngay một PC gaming hầm hố là chuyện phi thực tế (phụ huynh cũng không cho phép). Vì thế, giải pháp mà mọi người thường đưa ra cho bạn là: “mua một cái máy với cấu hình có thể nâng cấp về sau”. Tuy vậy, ý tưởng này sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong thực tế mà tôi sẽ trình bày dưới đây.

Bài viết này là lập hợp của những kinh nghiệm và suy nghĩ của cá nhân tôi về việc xây dựng cấu hình và nâng cấp máy, dựa trên độ phân giải 1600×1200. Rất mong nhận được sự góp ý và chia sẻ.

I. NHỮNG MÂU THUẪN MÀ BẠN SẼ GẶP PHẢI:

Mâu thuẫn 1: Bạn có thể chi tối đa bao nhiêu tiền cho cấu hình máy đầu tiên?

Một chiếc máy tính có tối thiểu 6 bộ phận là: PSU, CPU, Main, RAM, HDD và VGA. Nếu trung bình chi 1 triệu cho mỗi linh kiện, ta cần tối thiểu 6 triệu cho một chiếc máy tính có-thể-châm-chước-mà-chơi những game ở hiện tại (game cũ thì tôi không nói), chứ chưa nói đến khả năng cấu hình đó có thể tùy biến để nâng cấp sau này.

Ở phân khúc này, những người tiêu dùng – mà tôi giả định đều là học sinh, sinh viên – thường chia làm hai nhóm:

– Nhóm thứ nhất: Đã có sẵn một chiếc máy tính. Có nghĩa là có thể tận dụng tối thiểu 2 món linh kiện là PSU và HDD. Vì thế, có thể dồn tiền cho các linh kiện khác của máy.
– Nhóm thứ hai: Những người mới mua máy lần đầu, hoàn toàn chưa có sẵn bất kỳ linh kiện nào, kể cả màn hình, phím, chuột. Điều đó có nghĩa là bạn càng phải chia nhỏ số tiền vốn đã ít ỏi, để sắm sửa nhiều thứ linh kiện khác. Cấu hình máy vì vậy sẽ càng yếu đi.

4 triệu không tính ổ cứng, màn hình, bàn phím, chuột. Đó là số tiền tối thiểu cần chuẩn bị nếu muốn tậu 1 chiếc máy tính có thể chơi, hoặc có thể nâng cấp để chơi game. Nếu tổng số tiền nằm dưới 3 triệu chi cho mọi linh kiện, bạn thật sự nên bỏ qua một bên cái ý tưởng “nâng cấp về sau”, vì cấu hình nền của máy gần như chỉ thích hợp làm những công việc cơ bản như xem phim, lướt web, chơi những game hồi năm 2010. Nó chắc chắn sẽ khiến bạn nhiều khả năng phải thay mới toàn bộ linh kiện, nếu muốn biến máy yếu thành máy mạnh.

Mâu thuẫn 2: Rủi ro khi tiên đoán về tương lai.

Việc xây dựng cấu hình để có thể nâng cấp theo đúng những tiên đoán về tương lai là một công việc đầy rủi ro. Với túi tiền eo hẹp, thì trừ trường hợp máy cũ bị đột tử, hay bạn là một học sinh vừa được thưởng, đây không phải là một điều nên kỳ vọng quá nhiều.

Lí do là bạn làm sao có thể tiên đoán được nhu cầu của mình trong tương lai? 2-3 năm kế, bạn có muốn làm streamer không? Bạn có muốn làm video editor? Bạn có bỗng dưng thích xài một lúc hai cái card màn hình? Bạn có bỗng dưng cần dùng đến 6 cái SSD và ổ cứng? Làm sao mà bạn tiên đoán được những điều đó?

Kế tiếp, trong cái tương lai ấy, các tựa game sẽ yêu cầu cấu hình cho máy tính như thế nào? Nó đòi nhiều RAM hay CPU mạnh? Lượng ram hỗ trợ tối đa mà mainboard bạn cho phép có đủ đáp ứng cái yêu cầu của 5 năm tới? CPU mạnh nhất mà mainboard bạn hỗ trợ có đạt tiêu chuẩn cho game của 5 năm sau?

Đây là kinh nghiệm xương máu của tôi khi đang vọc máy cũ. Tôi thử tậu một chiếc main P5Q Pro thuộc dòng socket 775 ngày trước. Đó là một cái main hầm hố vào thời 2008. Nó hỗ trợ tối đa 8gb Ram và CPU Q9650 4 core 3.0Ghz và có thể ép xung. Thế nhưng, vào năm 2013, các game ăn trên 12gb Ram bắt đầu xuất hiện. Thế mới xảy ra chuyện tôi bị đá khỏi game Shadow of Mordor chỉ vì… Ram không đủ. Trong khi đó, CPU lại vẫn dư sức gánh game.

Battlefield 2042 hiện tại yêu cầu cấu hình CPU 4 core 8 luồng 4Ghz, 16gb ram, vga RTX3060 12gb Vram.

Quay trở về hiện tại. Ngày nay, dòng máy cũ phổ biến là những socket 1155, 1150 hỗ trợ tối đa đến 32gb ram, nhưng các CPU của chúng lại thường chỉ có 4 core với xung tối đa từ 3.4-4Ghz (không kể việc ép xung). Và bạn biết rồi đấy, CPU 6-8 core đa phân luồng đã ngày càng phổ biến. Tình huống xấu nhất, vào 5 năm kế, bạn sẽ rơi vào tình cảnh khi chip CPU mạnh nhất mà mainboard hỗ trợ lại quá yếu trong thời đại mới, dù 32gb ram vẫn còn dư dả.

Tổng hợp hai điều trên, tôi rút ra kết luận. Thay vì nói câu “mua máy trước rồi nâng cấp về sau” rất chung chung, bạn nên suy nghĩ về phương án thực tế hơn:

“Cần bao lâu để nâng cấp cho máy đủ sức đảm đương những nhu cầu ở… hiện tại (lúc mua máy)”

Suy nghĩ theo hướng này sẽ khiến vấn đề dễ dàng hơn. Và dưới đây là bốn điều bạn tuyệt đối phải chú ý khi xây dựng cấu hình cho “đề án tương lai”.

II. NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI MUA MÁY VỚI Ý ĐỊNH NÂNG CẤP VỀ SAU:

Lưu ý thứ nhất – ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG: Đầu tư cho… PSU.

Không phải CPU, RAM hay VGA. Chính PSU và vỏ máy mới là thứ làm bạn phiền lòng nhất khi nâng cấp máy sau này.

Rất nhiều người có thói quen dồn tiền cho các linh kiện khác, trong khi chỉ dành cho PSU một phần quá nhỏ. Điều này là rất sai lầm.

PSU LÀ TRÁI TIM CỦA CÁI MÁY.


Jetek hiện là công ty Việt Nam duy nhất sản xuất nguồn máy tính

Nó không giúp tăng fps khi bạn chơi game, nhưng nó là linh kiện cấp điện cho toàn bộ cái máy. PSU yếu, máy của bạn có nguy cơ sập nguồn, đột tử bất cứ lúc nào. PSU yếu, bạn sẽ phải vò đầu bứt tai, lo lắng không biết máy có chịu nổi không nếu bạn nâng cấp lên một chip CPU khác ăn nhiều điện hơn, hay một card màn hình dùng 1-2 nguồn phụ. Theo quan điểm cá nhân, 90% những bộ máy được đầu tư với túi tiền quá eo hẹp lại thường đầu tư rất ít cho PSU. Điều này khiến khả năng nâng cấp máy về sau là gần như Zero. Thay CPU, thay VGA đã đành. Giờ thay cả PSU thì chẳng thà bạn mua luôn máy mới, chứ nâng cấp làm gì nữa?

Lưu ý thứ hai: Kích cỡ bên trong… vỏ máy.

Bên cạnh PSU, cái vỏ máy cũng là một điều bạn bắt buộc phải quan tâm nếu muốn nâng cấp về sau. Hầu hết vỏ máy phân khúc bình dân có kích thước rất nhỏ. Điều này có nghĩa là sẽ rất khó nhét những chiếc card màn hình mạnh vào máy, vì chúng thường có kích thước khá dài.

Ví dụ:
Card GTX770 MSI dài khoảng 260mm.
R9 280x MSI dài khoảng 270mm.
RX580 dài khoảng 270mm.
RTX3060 dài đến 282-290mm.

Đừng ngại đo khoảng trống gắn vga bên trong thùng máy.

Kích cỡ thùng máy nó quyết định chiếc PC của bạn có thể nâng tối đa lên loại VGA phân khúc nào. Và từ đó, có thể suy ra cả sức mạnh của con CPU, và đặc biệt là công suất cấp điện của chiếc PSU cho máy tính. Nói không ngoa, vỏ máy nhỏ hay lớn nó quyết định cả phân khúc cấu hình cái PC của bạn.


Lưu ý thứ ba: Bạn định chơi những game gì?

“Làm ơn tư vấn cho mình cấu hình có thể chơi hầu hết các game…”, ” CPU này đi với VGA này có bị thắt cổ chai không?”. Đây là những câu nói mà bạn sẽ nghe rất nhiều trên mạng. Nó xuất phát từ một sự hiểu lầm.

Bản chất game thực ra là những phần mềm, với yêu cầu cấu hình mỗi phần mềm khác nhau. Có game ăn nhiều VGA, có game ăn nhiều CPU, có game đòi nhiều RAM, có game lại ăn tất cả. Đó là còn chưa kể đến khả năng tương thích phần cứng của game tốt hay kém. Khi hỏi về chuyện ” thắt cổ chai”, bạn thật ra phải xác định rõ là ” thắt cổ chai khi chơi game nào.” mới đúng. Lí do các PC từ 20 triệu trở lên ít nghe nói đến ” thắt cổ chai”, chẳng qua vì các linh kiện của nó đều rất mạnh, nên thỏa mãn được nhiều game với những yêu cầu cấu hình khác nhau mà thôi.

Vì thế, thay vì đặt ra một yêu cầu quá rộng, bạn hãy cụ thể hơn: Mình muốn chơi những game gì cụ thể? Liệt kê ra tên game, gõ tìm yêu cầu cấu hình từng game. Sau đó tổng hợp lại, xác định cấu hình mà chiếc máy tính của bạn cần có.

Cần nói thêm một điều, là đôi khi nhà phát triển game viết… khống cấu hình yêu cầu để chơi game. Tôi lấy ví dụ là game Shadow of Mordor ngày xưa. Họ tuyên bố rằng để max setting, game cần CPU i7-3770 4 core 8 luồng 3.4Ghz, 8gb Ram và VGA GTX670 2gb Vram. Thế nhưng, thực tế khác hoàn toàn. Ở chế độ max setting, game chỉ yêu cầu CPU 2 core xung 3Ghz là đủ, nhưng Ram thì phải trên 10gb, còn VGA thì đúng là 2gb, nhưng chỉ cần cỡ GTX750ti.

Một gợi ý khác để xác định cấu hình thực tế cần để chạy mượt game, đó là các clip test game trên youtube. Đầu tiên, dựa vào thông tin về yêu cầu cấu hình tối thiểu của các game mà bạn muốn chơi, hãy tự vạch ra 1 cấu hình theo khả năng chi trả của bạn. Sau đó, gõ tìm các clip youtube xem người ta test thử CPU, VGA đó với các game trên xem như thế nào, có chạy mượt không. Từ đó mà dần dần hình dung ra cấu hình chiếc máy tính bạn định mua, hoặc định nâng cấp.

III. NHỮNG KINH NGHIỆM TỔNG KẾT:

Từ những lưu ý kể trên, kết hợp với kinh nghiệm khá nhân, đây là những điều tôi đúc kết khi xây dựng cấu hình với dự định sẽ nâng cấp chơi game về sau:

Khi số tiền quá eo hẹp, hãy từ bỏ ý định mua card màn hình trong lần mua đầu tiên. Dồn tiền đó cho các linh kiện khác, đặc biệt là PSU và CPU.*
– Đầu tư mạnh tay mua mới PSU. Chi 1 triệu nếu định chỉ sử dụng các vga không hoặc 1 nguồn phụ trong tương lai. Chi 1.5 triệu nếu định sử dụng các vga có hai nguồn phụ. Cá nhân đã thử test Coolermaster MWE650 với cấu hình Q9650 + r9 280x + 6 ssd và hdd. Máy chạy tốt.

– Chú ý đến kích thước bên trong thùng máy. Độ rộng lí tưởng là khoảng 270-280mm, có thể gắn rất nhiều loại vga. Nếu thùng máy quá hẹp thì sẽ chỉ đủ chỗ để gắn loại vga không nguồn phụ.
– Trong thời điểm hiện tại, nếu mua cấu hình máy socket 1155 hoặc 1150, chú ý mua loại mainboard có 4 khe cắm ram, tức hỗ trợ tối đa 32 gb ram. Tiềm năng sử dụng chúng sẽ kéo dài hơn.


Đừng quá chú trọng đến dual-channel cho RAM. Đúng là chạy song song thì nhanh hơn thật, nhưng nó chỉ nhanh hơn chừng vài fps trong game mà thôi. Nếu chỉ chơi game thì không cần quá chú tâm đến điều này. Thay vì mua 2 thanh ram 4gb, cứ mua 1 thanh 8gb rồi sau sẽ gắn thêm. Đỡ phải bỏ bớt một hoặc thay cả hai thanh ram về sau.
– Khi đã để dành được thêm tiền để mua CPU hoặc VGA mới, đừng ngại hỏi chủ tiệm “huấn luyện” cách tự lắp ráp. CPU và VGA thực ra rất dễ ráp, bạn có thể tự làm ở nhà được mà không gặp nhiều trở ngại.

* Điều này có nghĩa là bạn luôn phải mua loại CPU tích hợp sẵn vga on board trong lần mua đầu tiên.

BÊN LỀ: CẤU HÌNH 3 TRIỆU DUY NHẤT CÓ THỂ NÂNG CẤP CHƠI GAME:

Dưới đây là cấu hình duy nhất trong tầm giá 3 triệu mà vẫn có thể nâng cấp để chơi tốt nhiều game hiện nay:

Màn hình cũ: 500k

PSU: bất kỳ PSU trong tầm giá 900k-1 triệu đồng. Ưu tiên các loại plus bronze.

Main: H61 ( hỗ trợ tối đa 16gb ddr3; cpu i7-3770 non-K) – 650k

Ram: DDR3 4gb – 250k

CPU: G2020 2 core xung 2.9Ghz – 100k

HDD + bàn phím + chuột + vỏ máy: đong đếm trong 500k còn lại. Khả năng cao bạn sẽ có 1 cái ổ cứng 250-320gb.

Với cấu hình này, bạn hoàn toàn không thể chơi ngay những game có cấu hình nặng hiện tại. Thậm chí dung lượng ổ cứng cũng khá eo hẹp. Nhưng bạn có thể dễ dàng nâng cấp về sau. Chỉ cần gắn thêm Vga, thêm 1 thanh ram 8gb và thay CPU. Máy bạn sẽ khá mạnh. Đặc biệt, bạn gần như không phải thay một linh kiện nào cả, trừ con chip CPU g2020 giá 100k, hoặc thay luôn thanh ram 4gb bằng 1 thanh 8gb để đạt tối ưu 16gb ram mà mainboard hỗ trợ.

—————————

Đây là những kinh nghiệm cá nhân mà tôi tự đúc kết ra. Hy vọng sẽ có ích cho một vài độc giả. Rất mong được nghe mọi người chia sẻ kinh nghiệm của mình. Xin cám ơn.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện