FINAL FANTASY X VÀ CUỘC XUNG ĐỘT GIỮA 3 THẾ HỆ

Khách mới

  

Final Fantasy X là một trong những tựa game để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm nhất. Và nói không ngoa, nó là tựa game gợi cho tôi rất nhiều cảm hứng và suy ngẫm. Đối với những người chơi khác, đây có thể chỉ là câu chuyện tình buồn của Yuna và Tidus. Đối với tôi, nó là thông điệp về một cái gì đó rộng lớn hơn. Có thể những điều tôi rút ra từ câu chuyện đã đi quá xa so với ý đồ tác giả. Nhưng có hề gì đâu. Viết lách là việc của tác giả, cảm thụ là việc của người chơi kia mà.

Đối với tôi, xuyên suốt câu chuyện của FFX kì thực là cuộc xung đột và kế thừa nghìn năm giữa ít nhất 3 thế hệ con người.

I. THẾ HỆ THỨ NHẤT – KIÊN ĐỊNH VÀ BẤT LỰC:

1000 năm trước, khi xã hội phát triển đến cực điểm, đã nổ ra một cuộc đại chiến giữa hai siêu cường. Trong cuộc chiến đó, người ta sử dụng những loại máy móc với sức huỷ diệt lớn để giết chóc lẫn nhau. Cuối cùng, nước Zanarkand thất bại. Nhưng với tinh thần “ngọc đá cùng nát”, thủ lĩnh lúc đó là YuYevon đã huy động những người dân còn sống sót vào lá bài tự huỷ. Sử dụng một lượng lớn linh hồn gọi là fayth, ông tạo ra một con quái vật khổng lồ với chỉ 2 mệnh lệnh lập trình sẵn:

– Tìm và tàn sát mọi nhóm đông người.

– Tìm và phá huỷ mọi loại máy móc.

Con quái vật mang tên Sin (Tội lỗi) được tạo ra vừa đúng lúc quân thù Bevelle đang kéo đến. Đầu tiên, nó tàn sát đội quân xâm lược. Kế tiếp, nó lang thang khắp thế giới, giết chóc và phá huỷ mọi thứ nó tìm được. Thế giới gần như quay về thời đồ đá.

Giữa lúc hỗn loạn đó, một vị anh hùng xuất hiện. Đó là Yunalesca, con gái của chính YuYevon. Là người Zanarkand cuối cùng còn sống sót, cô đến tỵ nạn ở quê chồng là Zaon xứ Guado. Ở đó, trong một thời gian dài, hai vợ chồng đã nghiên cứu để tìm một phương pháp tiêu diệt con quái vật, nhưng vô hiệu. Giải pháp cuối cùng mà Yunalesca nghĩ được, là nghi thức Final Aeon. Khi thực hiện nghi thức này, triệu hồi sư phải giết chết 1 người mà mình yêu thương nhất, và sau đó là hy sinh chính bản thân mình, để tạo ra một Aeon hùng mạnh đủ để đánh bại Sin. Hai cái chết để giành một chiến thắng. Nhưng cho dù bị phá huỷ, cái lõi YuYevon sẽ tiếp tục nhập vào Final Aeon, và sau một thời gian, sẽ tạo thành Sin mới. Vòng lặp sẽ tiếp diễn bất tận.

Đó là một giải pháp không hoàn chỉnh, như Yunalesca chấp nhận. Để lại cho nhân loại những hướng dẫn về Final Aeon. Ngày đó, cô giết chết chính chồng mình, bản thân tự sát, và Sin bị đánh bại. Thế giới có được vài năm hoà bình. Còn với Yunalesca, chết chưa phải là hết. Cô trở thành một oan hồn, quay về sống ẩn cư ở quê nhà khi xưa, chờ đợi các triệu hồi sư, giúp họ thực hiện nghi thức Final Aeon, để tiếp tục “ cứu thế giới”.

Sau cái chết của cô, một ai đó đã tập hợp tất cả những gì vừa xảy ra. Lấy cảm hứng từ đó, họ sáng lập ra một giáo phái. Giáo phái này chỉ trích con người đã lạm dụng máy móc để giết chóc, và rằng Sin là sự trừng phạt của thượng đế. Giáo phái nói rằng chỉ khi nhân loại thành tâm sám hối, Sin mới tự biến mất đi. Các triệu hồi sư được tôn lên làm những người mang sứ mạng cứu thế. Yunalesca được biến thành một bậc thánh hiền. Bài hát cầu hồn ngày xưa nay biến thành thánh ca. Còn Yevon trở thành cái tên của giáo phái. Điều mỉa mai là suốt bao nhiêu năm đó, Yunalesca không hề hay biết gì cả. Cho đến tận khi các triệu hồi sư đầu tiên đến được Zanarkand, cô mới được biết đến Yevon giáo. Cuối cùng, bậc “thánh hiền” lại trở thành tín đồ trung thành của chính tôn giáo coi cô là người sáng lập.

II. THẾ HỆ THỨ HAI – HOÀI BÃO MÀ LẠC LỐI:

Suốt 1000 năm tiếp theo, con người chìm đắm trong những trận thảm sát và những phút bình yên ngắn ngủi mỗi khi Sin bị đánh bại. Trong thời đại đó, xuất hiện hai nhóm người.

Nhóm thứ nhất là những kẻ cơ hội, mà đại diện là Mika. Lợi dụng những khuôn vàng thước ngọc đã được lập từ nghìn năm trước, ông ta trèo lên vị trí đại giáo chủ. Mang hình dáng một ông già thấp bé, râu tóc bạc phơ, Mika kỳ thực là một kẻ xu thời phụ thế, cực kỳ hèn nhát nhưng bám chặt quyền hành. Ông ta thuộc làu giáo lí, nói dối như cuội, lừa phỉnh tất cả mọi người, và thậm chí không chịu siêu thoát ngay khi đã chết. Theo luận điệu của mình, ông bảo mình quá quan trọng với nhân loại để phải chết đi. Trong cái thế giới đó, Mika là hiện thân của một giống sâu bọ, ra sức bảo vệ những lề thói mục nát để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Ở vị trí đối lập là các triệu hồi sư. Trong 1000 năm, rất nhiều thế hệ không tiếc thân mình bước vào cuộc hành trình tự sát, hòng mong cứu thế giới. Điển hình của họ là Braska. Trước khi tham gia cuộc hành hương, ông từng cố gắng rao giảng giáo lí, mong cải đạo những người dị giáo. Ông thậm chí đã cưới một người vợ dị giáo, sinh ra một đứa con gái là Yuna. Braska có đầu óc cởi mở, nhưng ông không nghĩ các giáo lí là sai. Và đến khi chính vợ mình bị Sin thảm sát, ông cũng quyết định dẫn dắt các bạn bè, dấn thân vào cuộc hành trình cứu thế. Những người này có thừa nhiệt huyết để hy sinh, nhưng lại thiếu sự dũng cảm để thay đổi. Khi nghe Yunalesca kể về bản chất Final Aeon, tất cả những gì họ nghĩ đến chỉ là nên hay không nên tự sát, chứ không phải nên hay không nên tìm một giải pháp khác. Braska chết, thế giới lại có thêm vài năm hoà bình. Bạn ông là Auron phẫn uất trước cái kết đó, quay lại liều mạng với Yunalesca, rồi bị giết.

III. THẾ HỆ THỨ BA – DŨNG CẢM VÀ NON NỚT:

Câu chuyện thật sự tập trung vào thế hệ thứ ba. Thế hệ của bọn trẻ. Chúng là những đứa trẻ mồ côi, lớn lên khi tai ương đã xảy ra từ lâu, còn thế giới đã đi vào “ trật tự”. Chứng kiến tội ác của Sin, họ nhóm họp lại, bắt đầu cuộc hành trình cứu thế. Trên chuyến hành trình đó, họ kế thừa khát vọng của tổ tiên, và được tiếp sức bởi những lời dạy cũ. Cha ông gửi gắm cho họ một khát vọng nghìn năm, giáo lí trao cho họ những giải pháp truyền thống. Yunalesca, Final Aeon, hy sinh mạng sống đổi vài năm hoà bình. Bất chấp một giải pháp không hoàn thiện, họ sẵn sàng chết vì lí tưởng.


“Một thế giới không có Sin. Ôi đó là ước mơ của mọi đứa con của Yevon. Và cho dù sức mạnh đó có giết chết chúng tôi, chúng tôi sẽ vẫn dùng đến nó”.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi con người ta phát hiện rằng khát vọng và giáo lí ấy thực chất lại đang đối nghịch nhau. Rất sớm, đoàn người bắt đầu nhận ra giáo phái Yevon từ lâu đã thối nát. Bên ngoài thì rao giảng giáo lí, bên trong thì vi phạm giáo lí, lợi dụng giáo lí vì những mưu đồ riêng. Khi phải lựa chọn giữa một giải pháp vĩnh cửu và quyền lợi của bản thân, chúng vui vẻ chọn cái thứ hai. Từ chỗ động viên và khuyến khích, toàn giáo phái bắt đầu săn đuổi đoàn người, kết tội họ là dị giáo. Không chỉ bị bao vây bởi những thế lực cổ xưa, bọn trẻ còn bị tấn công bởi những đứa trẻ khác. Những kẻ đen tối hơn, đau khổ hơn, điên rồ hơn, đủ để sẵn sàng thoả hiệp với cái ác và tấn công cái thiện.

Bất chấp những cú sốc đó, đoàn người vẫn cứ đi. Tiến về phía Zanarkand, tiến về ước mơ của họ. Nhưng họ sẽ làm gì khi biết rằng chính người dẫn dắt họ cũng không biết mình phải làm gì? Auron là một trong những người góp sức đánh bại Sin 10 năm trước, bằng cách thức cổ truyền. Kiến thức ông rất rộng. Sự thối nát bên trong giáo phái Yevon, sự bất toàn của Final Aeon, ông biết tất cả, và dần cho họ biết tất cả. Ông ủng hộ cuộc hành trình tiêu diệt Sin, ông muốn đem về nền hoà bình thực sự. Mọi người đi theo ông. Nhưng phải đi về đâu, đánh bại Sin như thế nào, ông… không biết.

Rồi đến cả những giải pháp cổ truyền cũng hiện nguyên hình là một thứ méo mó độc hại. Ở Zanarkand, khi tất cả được phơi bày. Lần đầu tiên, Yuna được nhìn vào “ tiền bản” của chính mình. Bậc thánh hiền được người đời ca tụng, thực chất chỉ là một cô gái đã hoàn toàn tan vỡ. Một oan hồn từng cố cứu thế giới, vạch ra một giải pháp đầy khiếm khuyết cho toàn thể loài người. Nhưng cô gái ngàn năm đó vẫn kiên định tin rằng mình đã đúng, vì cả cuộc đời cô đã chẳng tìm được con đường nào tốt hơn. Khi tranh cãi với Yuna, Yunalesca như trút hết những trải nghiệm về cuộc đời mình:

Một ngày nào đó, con người sẽ chuộc hết mọi tội lỗi, và Sin sẽ biến mất? Liệu con người có bao giờ trong trắng được vậy không?


Hi vọng… chỉ là sự an ủi! Nó giúp chúng ta chấp nhận số phận của mình… Dù thế nào đi nữa, bi kịch vẫn xảy ra!

Nỗi đau không bao giờ biến mất, cho dù ta có cố quên nó như thế nào.”

Những sinh vật đáng thương. Tốt thôi. Ta sẽ giải thoát cho các ngươi trước khi các ngươi chết chìm trong tuyệt vọng. Thà được chết trong hy vọng còn hơn phải sống trong đau khổ.”

Nếu mọi giải pháp chỉ là vô hiệu, vậy làm sao để sống trong cái địa ngục này. Với Yunalesca, đó là càng nhiều người hy sinh cùng Final Aeon. Đó là nhân loại nên cố gắng sống với sự lừa dối rằng Sin rồi sẽ tự biến mất. FFX là câu chuyện hiếm hoi, khi “hy vọng” bị chỉ đích danh là một thứ ma tuý chỉ có tác dụng giúp con người cam chịu nỗi đau. Trong khi Yunalesca thi vị hoá giải pháp của mình, Aurou lại vạch trần sự thật đang diễn ra ngoài kia:

Spira giờ đây là thế giới của cái chết. Các triệu hồi sư phải chết. Các guardian hy sinh tính mạng để bảo vệ họ. Các Fayth là những hồn ma. Giáo chủ là xác sống. Chỉ có mỗi Sin là luôn sống lại, nhưng nó sống lại để giết người.”

Giữa một bên là những kẻ nhiều khát vọng, còn phía bên kia là con người đã thấm đầy kinh nghiệm. Họ chĩa vũ khí vào nhau, giết hại nhau. Yuna kiên quyết khẳng định Final Aeon là một truyền thống sai lầm, và chúng ta phải tìm một con đường khác. Cô tin rằng có tồn tại một cách khác hoàn hảo hơn thay cho vòng tuần hoàn bất tận này. Auron cất lời nói, mọi người bước theo sau, lao vào Yunalesca:

Mỗi con người sinh ra là để viết nên câu chuyện của cuộc đời mình.

Lúc này đây. Đây chính là lúc để viết nên câu chuyện. Chấp nhận cái chết để thoát khỏi nỗi đau, hay tiếp tục sống mà đấu tranh với nó?”

Đáp lại, dưới mắt Yunalesca, bọn người Yuna chỉ như một đám trẻ con nhiều mơ mộng. Ai mà chẳng biết con đường đó sai lầm, nhưng làm gì còn giải pháp nào khác? Nếu Yunalesca đã thất bại từ ngàn năm trước, thì thử hỏi còn ai có thể làm hơn cô? Một người mất quê hương, mất chồng, mất mạng, sống qua một thời đại hắc ám nhất lịch sử. Cô ấy có thể nghe lọt tai không, khi lũ trẻ cứng đầu cứ bảo chúng sẽ tìm một cách khác, dù không biết đó là cách gì? Bởi thế, khi bị đánh bại và sắp tan biến, Yunalesca chỉ khóc nức nở gọi tên chồng, tin rằng cả thế giới sẽ sụp đổ cùng cái chết của mình. Nghe Yuna hứa rằng mình sẽ tìm cách tiêu diệt Sin, cô còn tức giận mắng:

“Đồ ngu. Chẳng còn con đường nào khác hết”.

Thế mà lũ trẻ ranh ấy cuối cùng lại tìm ra được. Chúng chưa tìm ra giải pháp vào lúc đứng lên chống lại Yunalesca. Nhưng chúng đã tìm thấy nó một thời gian sau đó. Sau khi đoàn người thu lượm lại những thông tin từ các thời đại trước, giải pháp dần hé lộ ra. Khi các fayth từ thế hệ thứ nhất – đã quá mệt mỏi – chấp nhận nói thật cho mọi người biết cơ chế hình thành Sin. Khi người Al Bhed đem tới chiếc tàu bay, món vũ khí chiến tranh từ ngàn năm trước. Khi toàn nhân loại hát vang bài thánh ca để kìm chế con quái vật. Khi Jetch, người đang là Final Aeon bị Sin khống chế, cố gắng ngăn cản nó tấn công mọi người. Khi lối mòn xiềng xích được bẻ gãy, tất cả kiến thức, sức mạnh của bao nhiêu thế hệ được tổ chức lại, hiệu quả và mạnh hơn bao giờ hết. Vẫn có những hy sinh, vẫn có những mất mát, nhưng không phải để giành lấy một thành quả nửa vời.

Không còn lớp vỏ để trú ngụ, Sin hoàn toàn tan vỡ. Thế giới giờ đây đã thực sự hoà bình. Auron cũng tan biến, ông mãn nguyện nói với mọi người.

“Nó đã kéo dài đủ lâu rồi. Từ bây giờ, là thời đại của các cô cậu.”

Ước mơ ngàn năm của Yunalesca cuối cùng đã trở thành hiện thực. Bởi tay những kẻ mà cô cố phủ định năm xưa.

IV. KẾT LUẬN:

FFX là một bản tóm tắt về cách mà lịch sử tác động đến xã hội. Nó miêu tả giản lược những thứ đang chi phối suy nghĩ của con người ở hiện tại. Những truyền thống được tạo ra từ đâu? Ai là những người được lịch sử ca tụng là vĩ nhân? Trong câu chuyện của FFX, vĩ nhân chỉ là những con người có tố chất đáng quý nhưng vẫn đầy thiếu sót và bất lực. Những khuôn vàng thước ngọc hoá ra chỉ là những giải pháp nhiều khi không hoàn hảo, nhưng được người thời cổ đại dựng lên theo phạm vi hiểu biết của họ, để giải quyết vấn đề. Những kẻ tìm cách giữ nguyên nó, lắm khi chỉ là những kẻ cơ hội đê hèn. Và việc con người ở hiện tại tin vào sự bất di bất dịch của những lề thói này, nhiều khi chỉ là biểu hiện của lối mòn suy nghĩ.

Nói đến đây, người đọc có lẽ sẽ không hiểu tôi muốn nói điều gì. Tôi muốn nói rằng, đôi khi chúng ta bị truyền thống chi phối đến mức ngừng tìm tòi về những giải pháp hiệu quả hơn. Hãy lấy một ví dụ:

“Nếu có giặc ngoại xâm đến trong khi đất nước đang nội chiến. Chúng ta phải làm gì?”.

Hiển nhiên là phải bằng một cách nào đó, huy động được sức mạnh toàn dân tộc để chống giặc. Để làm được điều đó, thì phải kêu gọi mọi người tạm gác hiềm khích để đoàn kết lại. Hoặc, phải bình nội loạn trước, rồi đánh giặc sau, phải không?

NHẦM TO RỒI. BẠN TÔI ƠI.

Khi bạn nghĩ đến việc phải xây dựng khối đại đoàn kết để chống giặc, bạn thực chất đang rơi vào lối mòn suy nghĩ. Bạn đang lẫn lộn giữa “mục tiêu” và “phương pháp”. “Đại đoàn kết” hay “bình ổn nội bộ” chỉ là một trong các phương pháp. Nó không phải là mục tiêu. Chúng ta nghĩ như vậy chỉ vì cha ông ta luôn sử dụng đến phương pháp đó mỗi khi gặp tình huống nêu trên mà thôi.

Cùng thời đại quân Mông Cổ tung hoành, trong khi nhà Trần cố đoàn kết lòng người bằng hội nghị Diên Hồng, người Indonesia lại có giải pháp khác. Khi đất nước đang chia năm xẻ bảy vì nội chiến, cố gắng gây chiến tranh thống nhất hay kêu gọi mọi người đoàn kết đều không thực tế. Vì thế, vua Raden Wijaya đã… đầu hàng quân Mông Cổ, rồi dẫn họ đi đánh tất cả các quốc gia cát cứ. Trong khi bọn họ đánh lẫn nhau, ông tập trung xây dựng quân đội, và bất thần tấn công quân Mông Cổ sau khi họ đã đánh bại gần hết các sứ quân. Không gây mối đại đoàn kết, nhưng nó chẳng phải cũng đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc để đánh giặc đấy sao? Lối mòn suy nghĩ, lẫn lộn giữa “mục tiêu” và “phương pháp”, chúng cản trở con người như vậy đấy.

Tuy vậy, quá khứ không chỉ chứa toàn sự tiêu cực. FFX là một câu chuyện về cuộc xung đột và kế thừa. Cả ba thế hệ này không hoàn toàn đối nghịch nhau, nhưng cũng không hoàn toàn ủng hộ nhau. Các thế hệ đi trước thường nắm giữ rất nhiều thứ. Họ có kinh nghiệm, kiến thức, hoài bão, chỉ thường trừ đi một giải pháp đúng đắn. Với lòng tự tôn hoặc lối mòn suy nghĩ, họ thường quan niệm “nếu ta không làm được thì còn ai khác làm được nữa?”. Từ đó, họ áp đặt các lề thói lên thế hệ đi sau. Không hẳn chỉ vì lòng tham, mà còn vì họ không tin có ai đó làm được điều họ không thể làm.

Những thế hệ đi sau thiếu hẳn sức mạnh và kinh nghiệm, nhưng họ có thừa nhiệt huyết và ước mơ. Những điều này rõ ràng là sự kế thừa từ các thế hệ cha ông. Nhờ thế, họ dám dấn thân vào nơi người xưa đã buông tay. Đó cũng là lí do các thế hệ đi trước coi thường họ. Người trẻ tuổi còn giàu nhiệt huyết, một phần là do họ chưa trải qua sóng gió cuộc đời. Điều đó đúng, không sai. Vì thế, con người sẽ phát triển vượt bậc nếu họ lĩnh hội được tinh hoa thời đại trước. Đó là cách con người hiện tại bổ khuyết cho sự non nớt của mình. Quá khứ là một con dao hai lưỡi. Sức mạnh nằm trong đó. Chất độc nằm trong đó. Nó sẽ là nguồn sức mạnh to lớn nếu con người có thể vận dụng và phát triển. Nhưng nó cũng ẩn chứa những xiềng xích có thể khiến con người thui chột hàng nghìn năm.

Hãy nhớ về thanh gươm của Nathan Algren trong bộ phim The Last Samurai. Trên thanh gươm đó, những người Nhật đã khắc tặng ông dòng chữ:

“Kim cổ hữu thần phụng chí sĩ”

Mà bọn họ khi trao gươm, đã giải thích dòng chữ đó có nghĩa là:

“Tôi thuộc về người nào biết kết hợp quá khứ và tương lai.”

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện