Bài viết gốc được đăng ngày 13/6 tại trang cá nhân của tác giả.
Một trong những điều đáng buồn khi bạn dần trở thành một gamer già, đó là 95% những tựa game mà bạn nhìn thấy tại những sự kiện lớn như E3 sẽ chẳng có gì tỏ ra đặc biệt với bạn nữa và khiến bạn bội thực. Kể cả là với những tựa game indie. Ai cũng nghĩ rằng các team phát triển indie sẽ sáng tạo hơn nhiều so với các công ty AAA, nhưng cái hiện thực phơi bày thì hoàn toàn không phải vậy. Dù là AAA hay indie thì cái tỷ lệ 5-95 giữa những tựa game có điểm gì đó nổi bật và những tựa game trung bình khác nó vẫn đúng. Sự khác biệt duy nhất giữa indie và AAA chỉ đơn giản là indie thì không có budget lớn và họ có nhiều quyền tự do sáng tạo nghệ thuật hơn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ sẽ thực sự thoát ra khỏi những “quy chuẩn” của game mà đã được hình thành từ bao nhiêu năm nay.
Nhìn đi nhìn lại vẫn chỉ có thế. Vẫn là những tựa game mà ở đó bạn cầm súng bắn vào người khác. Hoặc cầm kiếm chém vào người khác. Hoặc là vẫn những hành động bạo lực đó nhưng thay đổi lớp vỏ bên ngoài để đánh lận với một sự sáng tạo nào đó. Không phải tôi có vấn đề gì với bạo lực trong game. Nhưng với một gamer lớn tuổi, bạo lực chỉ là một con đường để đi đến một mục đích nào đó, chứ bản thân nó thì không còn giá trị. Nếu mà bạo lực để phục vụ một mục đích nào đó, ví dụ như truyền tải những thông điệp sâu sắc hơn, thì tuyệt. Nhưng mà bạo lực chỉ để bạo lực thì thôi, giờ già rồi, không ham nữa. Những thứ máu me bắn tung toé, những hiệu ứng hình ảnh hoành tráng, những pha hành động mãn nhãn, v.v. Tất cả những thứ đó cũng chỉ giống như những hiệu ứng màu sắc loè loẹt trên TV commercial mà cái đám trẻ con chúng ta hồi bé xíu cũng thích theo dõi vậy. Nó rất là kitsch.
Vẫn là đó những tựa game indie với phong cách hình ảnh sặc mùi corporate của freepik, nói về sự cô đơn và trầm cảm của một nhóm những người trẻ Gen Z sống ở những thành phố lớn ở phương Tây, mà ở đó không có gì xảy ra cả, ngoài những đoạn hội thoại lê thê, vô nghĩa và những giấc mơ méo mó. Từng có một thời những tựa game teen angsty kiểu này làm mưa làm gió với lớp trẻ trên các diễn đàn như Tumblr. Nhưng tuổi trẻ là thế. Những nỗi niềm của người trẻ không phải lúc nào cũng được lắng nghe, điều đó đúng. Nhưng khi bạn già đi rồi nhìn lại chính những nỗi niềm mà năm xưa mình muốn gào lên cho cả thế giới cùng biết đó, sẽ thấy điều mà mình muốn nói thực ra nó cũng chẳng có ý nghĩa hay giá trị gì mấy.
Vẫn là đó những tựa game indie sử dụng pixel art nhưng chẳng biết cái quái gì về art trong game. Các nhà làm game indie ra sức bảo vệ pixel art như một hình thức digital art hoàn toàn có thật và hợp lệ, nhưng cái cách họ dùng nó thì đa phần chỉ cho thấy điều ngược lại—rằng họ chẳng có budget nên hãn hữu mới phải động đến pixel art. Bạn nói xấu về sự thiếu sáng tạo của game AAA thế nào cũng được, nhưng chắc chắn một điều rằng trong khi bạn vẫn còn mải mê tìm cách truyền tải cái tâm tư nghệ thuật của mình, thì những nhà phát triển game AAA họ đã dành rất nhiều thời gian để hiểu về người chơi của mình, cũng như hiểu về con người nói chung. Chính vì vậy mà bản thân các tựa game indie đa phần cũng đều mắc phải những lỗi rất sơ đẳng trong art direction, trong gameplay, và trong nhiều những thứ khác. Nghệ thuật hậu hiện đại có nghĩa là một sự hoài nghi với những thứ best practices hay những tiêu chuẩn đã được đặt ra như thể là chuẩn mực bất dời, chứ không phải có nghĩa là bạn cố gắng đưa sự hỗn loạn vào chỉ để tạo cảm giác rằng bạn có điều gì đó sâu sắc để nói.
Nói chung là trước mắt không thấy có gì quá thú vị. May là đêm qua không thức khuya.