Dishonored 2: người kế thừa chưa trọn vẹn

Khách quen

  

Với sự thành công ngoài mong đợi của Dishonored, dĩ nhiên một hậu bản đã ngay lập tức được lên kế hoạch và bạn biết đấy, Dishonored 2 ra mắt vào ngày 11/11/2016.

15 năm sau những sự kiện xảy ra trong Dishonored, người chơi lại một lần nữa quay trở lại với đất nước hư cấu Empire of the Isles. Trong những năm qua, Emily Kaldwin trong cương vị Nữ Hoàng cùng với người cận vệ trung thành đồng thời cũng đã được hé lộ chính là cha ruột của Emily: Corvo Attano, đã đẩy lùi được đại dịch Rat Plague, giải quyết vô số mâu thuẫn trong và ngoài nội bộ hoàng gia và phần nào đưa Dunwall quay về với yên bình. Nhưng số phận vẫn chưa hề buông tha đất nước này, một âm mưu cướp ngôi khác lại diễn ra và lần này chính tay Emily sẽ phải “nhúng chàm” để đoạt lại những gì vốn dĩ thuộc về mình. Dĩ nhiên một sự kiện “độc đáo” như vậy chắc chắn sẽ không thể nào qua mắt The Outsider, thực thể bí ẩn tượng trưng cho The Void cũng như chính là cội nguồn của phép thuật trong thế giới Dishonored. Như vậy, hành trình trả thù của Emily đã bắt đầu đúng như cách mà Corvo đã trải qua 15 năm trước.

Tôi mất khoảng 20 giờ đồng hồ để hoàn thành Dishonored 2 với một playthrough Clean Hand (không giết một người nào) và Shadow (không bị kẻ địch phát hiện) cũng như đã bỏ thời gian mò mẫm tất cả các map và nhặt sạch sẽ collectible. Sau đây là bài đánh giá dựa trên trải nghiệm thực tế của tôi trong quá trình chơi.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào Dishonored 2 của tôi là khá tốt, giao diện Menu của game được thiết kế rất đẹp mắt, mỗi tùy chọn lại được sử dụng một font chữ khác nhau tạo nên một cảm giác rất “Dishonored”, bí ẩn và hỗn loạn. Dishonored 2 cũng có một tính năng mới mà cá nhân tôi cảm thấy rất hay và hữu ích cho người chơi, đó chính là các tùy chỉnh đồ họa sẽ được thể hiện ngay ở model của hai nhân chính ở màn hình Menu, điều này giúp người chơi thoải mái thử nghiệm các hiệu ứng đồ họa khác nhau cho phù hợp với ý mình nhất mà không cần phải mất thời gian đợi loading hẳn vào trong game.

Ấn tượng đầu rất tốt là thế nhưng nhanh chóng Dishonored 2 đã khiên tôi phải thất vọng một chút, chính là cuộc hội ngộ với The Outsider. The Void của Dishonored 2 khác hoàn toàn so với phiên bản trước, nếu lần trước The Void mang màu sắc dịu nhẹ nhưng lại tỏ ra rất huyền bí và vô tận như một giấc mộng thì The Void của Dishonored 2 lại đậm một màu đen nhám và nó tạo ra một cảm giác hoang mang và sợ hãi hơn là sự tò mò, có lẽ đây chỉ là cảm nhận cá nhân nhưng tôi cảm thấy The Void của Dishonored 2 hơi bị “công nghiệp”, không độc đáo như The Void cũ và có phần hơi “edgy”. Nhưng đáng nói nhất phải là chính bản thân nhân vật The Outsider, lần này ông ta nói rất nhanh và giọng nói cũng có phần “trẻ trâu” hơn trước, không còn toát ra cái cảm giác của một thực thể thần thánh vượt trội hơn con người như cách mà Billy Lush đã thể hiện quá xuất sắc ở phần trước. Điều này tạo cho tôi một dự cảm không lành về mảng cốt truyện của game và tôi đã đúng.

Câu chuyện của Dishonored 2 tệ hơn Dishonored rất rất nhiều lần, cực kì dễ đoán và đơn giản, thậm chí có phần lung tung là tất cả những gì tôi có thể nói về hành trình của Emily trong Dishonored 2. Ở Dishonored, câu chuyện của Corvo không thể nói là xuất sắc nhưng nó có thừa sức hút để duy trì sự hứng thú của người chơi, dàn nhân vật của phiên bản này cũng rất thú vị, các nhân vật trọng tâm đều có những phát triển tính cách và nội tâm rất hay. Tiền bối đã làm tốt như vậy nhưng ở Dishonored 2, các nhân vật rất vô hồn và đơn giản, không có ai thực sự để lại một điểm nhấn đáng nhớ, ngay cả chính Emily cũng sỡ hữu một động lực rất hời hợt trong việc trả thù, nhìn chung tất cả các tuyến nhân vật đều tệ hơn Dishonored rất nhiều.

Ngay cả ông lái xuồng Samuel trong Dishonored còn thú vị hơn các nhân vật của Dishonored 2

Tuy nhiên đó chỉ là phần cốt truyện, còn ở những phần khác lại là một câu chuyện khác, hãy nói về độ họa trước. Phong cách đồ họa của game không thay đổi quá nhiều so với phiên bản tiền nhiệm. Nếu ở phần trước Arkane đã vẽ nên một thành phố Dunwall trong thời kì cách mạng công nghiệp đồng thời cũng đang hứng chịu một đại dịch khủng khiếp với một tông màu xám xịt, u tối rất thành công, từng tòa nhà đổ nát với xác người chất đống, từng con hẻm tăm tối với những tiếng rít đáng sợ của bầy chuột lẫn với tiếng rên rỉ của những người bệnh tạo nên một thành phố độc nhất vô nhị không lẫn vào đâu được trong thế giới game.

Ở Dishonored 2 lần này, Arkane lại một lần nữa hoàn thành rất tốt công việc của mình, Karnaca hiện lên với một tông màu ấm nóng thể hiện rất tốt đặc trưng của một vùng đất miền Nam với khí hậu nóng ẩm, trái ngược hoàn toàn với Dunwall. Thay thế cho đại dịch Rat Plague của Dunwall, ở Karnaca người ta đang phải đối phó với nạn Bloodfly, những con côn trùng mang dáng dấp những con muỗi khổng lồ, chúng làm tổ trong xác chết của những khu nhà bỏ hoang và thừa sức giết chết một người trưởng thành nếu dám bén mảng tới gần. Cuộc sống của người dân nơi đây dường như cũng không thua kém gì Dunwall trong những ngày đen tối 15 năm trước, lãnh đạo cùng quân lính áp bức, bóc lột nhân dân, những cuộc đổ máu tranh chấp lãnh thổ của những thế lực nhỏ lẻ trong thành phố khiến xác người trên đường phố không phải là điệu gì quá xa lạ và đề tài tán gẫu ưa thích của người dân dường như luôn là việc làm sao để qua mắt quân lính và thoát khỏi cái nơi đáng nguyền rủa này. Thêm vào đó là các nâng cấp rất đẹp về ánh sáng, đổ bóng và khử răng cưa, nhìn chung có thể nói đồ họa của Dishonored 2 là một bản nâng cấp của Dishonored. Đây là một điều rất đáng mừng với những người yêu thích phong cách đồ họa ấn tượng của Dishonored (như tôi).

Lần này Arkane cũng đã đầu tư hẳn cho sản phẩm của mình một engine riêng là Void Engine chứ không còn sử dụng Unreal Engine phổ thông như phiên bản trước, có lẽ vì vậy nên cử động của các nhân vật mượt mà và đẹp mắt hơn hẳn. Nhân vật chính lần này cũng sẽ có khả năng vừa chạy vừa tự do vượt chướng ngại vật và dĩ nhiên tất cả những cử động đó đều rất trơn tru nhịp nhàng, đây cũng là một trong số ít điểm khác biệt so với Dishonored, điều này có lẽ để nhằm mục đích mở ra cho người chơi nhiều phương án để vượt qua các thử thách hơn.

Như tôi đã nói, với vai trò là một bản nâng cấp của Dishonored, gameplay tuyệt vời của người tiền nhiệm nay lại càng được trau chuốt hơn nữa. Bên cạnh Corvo với những kĩ năng đến từ phần trước, người chơi sẽ được giới thiệu một nhân vật chơi được hoàn toàn mới, Emily sỡ hữu những năng lực hoàn toàn mới lạ và đặc trưng, điểm đáng khen nhất là chúng tương tác với môi trường xung quanh rất tuyệt vời, hơn hẳn những gì chúng ta có thể làm được với Corvo trong Dishonored. Và theo cảm nhận cá nhân của tôi thì bộ năng lực của Emily tỏ ra thú vị nếu chơi với phong cách hành động lén lút hơn là bộ kỹ năng mang hơi hướng “một chọi tất cả” của Corvo.

Hơn thế nữa, từng năng lực lại được mở rộng ra các nhánh phụ với nhiều chức năng khác nhau tạo tiền đề mở ra nhiều lối đi mới, phong phú hơn rất nhiều so với Dishonored. Tuy nhiên có một điểm trừ nhẹ là số lượng Rune (đơn vị điểm nâng cấp năng lực) mà game cung cấp lại quá nhiều dẫn đến việc người chơi có thể dễ dàng mở khóa hầu hết các nhánh phụ của các năng lực và trở nên quá mạnh một cách không cần thiết, tôi tin là hạn chế số lượng Rune lại vừa đủ sẽ khiên người chơi suy nghĩ kĩ hơn với các lựa chọn nâng cấp của mình, từ đó tạo ra một trải nghiệm thú vị hơn rất nhiều.

Và nói về sự tư do trong lối chơi và các lựa chọn để hoàn thành một nhiệm vụ thì Dishonored 2 đã rất xuất sắc trong việc kế thừa và phát triển những gì tinh túy nhất của người tiền nhiệm. Giờ đây các màn chơi trong Dishonored 2 được thiết kế với một quy mô lớn hơn rất nhiều từ đó cũng cung cấp cho người chơi nhiều lựa chọn để xâm nhập hay khám phá xung quanh hơn, đáng khen nhất là với những màn chơi rộng lớn này thì việc truy tìm những collectible tỏ ra thú vị hơn hẳn, lần này chúng sẽ được giấu ở những nơi hiểm hóc hơn và đôi khi sẽ cần “động não” một chút đấy.

Lady Boyle’s Last Party – màn chơi độc đáo của Dishonored

Dishonored 2 theo tôi sỡ hữu cho mình 2 màn chơi đặc biệt hấp dẫn hơn phần còn lại, đó là The Clockwork Mansion và The Crack In The Slab. Với The Clockwork Mansion chúng ta sẽ phải tìm cách loại bỏ một thiên tài cơ khí ngạo mạn bên trong chính tòa dinh thự được thiết kế rất độc đáo của hắn ta và với màn chơi còn lại là The Crack In The Slab thì người chơi sẽ phải hành động ở 2 mốc thời gian khác nhau cùng một lúc để hoàn thành nhiệm vụ. 2 màn chơi này thực sự khiến tôi nhớ đến một màn chơi khác cũng độc đáo không kém trong Dishonored là Lady Boyle’s Last Party.


Nhìn chung, Dishonored 2 đem lại một trải nghiệm hành động lén lút với các yếu tố immersive sim rất hấp dẫn, có thể xem là người kế thừa xứng đáng của Dishonored nếu không nói đến phần cốt truyện đáng thất vọng, dù sao thì tôi cũng khuyên bạn thử qua tựa game này nếu bạn đã từng mê mẩn hàng chục giờ liền với Dishonored hay chỉ đơn thuần là bạn đang muốn chơi một tựa game stealth action thật hay. Nhưng xét trên phương diện cá nhân là một fan bự của Dishonored thì thực sự là trải nghiệm của tôi với Dishonored 2 không được thoải mái cho lắm, có lẽ là vì cốt truyện quá chán của nó không đủ sức hút để tạo động lực cho tôi chơi tiếp, có lẽ là vì một The Outsider trông như một gã phê thuốc đang cố chào hàng bạn và có lẽ cũng là vì khi đoạn credit vang lên mà vắng bóng đoạn nhạc ma mị “Honor For All” cùng với lời chào tạm biệt của The Outsider.

Oh well

Honor for all of the big and the small

Well the taller they stand, well the harder they fall

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện