Đáng lẽ là phải viết bài này lâu lâu lắm rồi, lúc Closed Beta cũng có đăng ký mà không được mời nên không chơi được, tới lúc Open Beta mừng quá nên toàn lo chơi tại được có mấy ngày thôi nên không có tiếp thu được gì nhiều. Tới lúc mở cửa chính thức thì chơi nhiều quá đâm ra quên luôn tới hôm nay mới “xuất bản” được hí hí :v.
“Động cơ” nào đã tạo nên Overwatch ?
Overwatch là tựa game chữa cháy của Blizzard, ban đầu các nhân vật trong game thật ra là làm cho một game MMO khủng của Blizzard với tên gọi Titan. Trong đó Tracer là thuộc lớp nhân vật Jumper có khả năng nhảy nhót như Tracer bạn thấy hiện nay. Cũng khá đáng tiếc khi tựa game chày cối phát triển trong 7 năm ròng mà lại bị hủy vào cuối năm 2014, thậm chí fan ruột Blizzard còn không thưởng thức được tí thành quả nào trong 7 năm đó. Titan có thể là một game bom tấn thế chỗ cho WoW khi nó đang già, nhưng ngược lại nó cũng có thể trở thành “chùa bà đanh” do không đủ sức đè WoW. Nhưng cũng nhờ vậy mà bây giờ mình mới có một game bắn súng góc nhìn thứ nhất hay để chơi.
Cốt truyện của game
Cốt truyện của game này thì nói nhiều quá rồi, tóm gọn lại để cho dễ hiểu thì Overwatch là từng là một tổ chức được lập ra để chống lại sự nổi dậy của robot hay còn gọi là Omnic. Qua nhiều năm, một số thành viên trong nhóm thích ăn “gato” nên muốn lật đổ cả tổ chức từ bên trong, vậy là một cuộc nội chiến xảy ra, lúc này các thế lực xấu còn đổ dầu vô lửa, vậy là “thân Overwatch bảy nổi ba chìm” cuối cùng chịu không nổi nhiệt đã phải tan rã và các thành viên tản ra khắp nơi nhưng có một số vẫn hoạt động ngầm. Túm váy lại là vậy, bạn có thể đọc đầy đủ tất tần tật về Cốt truyện của Overwatch và Tiểu sử từng nhân vật trong Overwatch để hiểu rõ thêm.
Cốt truyện chính lấy cái kết là nguyên nhóm bị tan rã, nhiều người chưa chơi hoặc mới chơi chắc nghĩ: “Cốt truyện gì đâu làm tạm bợ quá, không có gắn kết gì với gameplay sau này”. Chính vì vậy mà Blizzard còn làm thêm những đoạn phim lấy bối cảnh sau khi Overwatch tan rã, mốc quan trọng nhất là “Recall”, khi Winston tập hợp lại các thành viên để hoạt động thành một nhóm tự quản. Lúc này Gameplay mà bạn đang chơi hiện tại mới hợp rơ và tiếp tục câu chuyện.
Gameplay có gì hot ?
Nói thẳng ra thì gameplay của Overwatch đúng là không có gì mới mẻ đối với người chơi Team Fortress 2, ngoại trừ hero trong này có kỹ năng riêng mà thôi chứ class thì cả 2 trò đều có. Chế độ chơi cũng tương tự như TF2, bao gồm Escort – Assault – Control, mỗi đội gồm 6 người sẽ tự chọn hero cho mình và phối hợp với 5 người còn lại để làm sao đạt được mục đích của chế độ bạn đang chơi chẳng hạn như hộ tống kiện hàng – giành quyền kiểm soát địa điểm – chiếm / phòng thủ địa điểm.
Nhiều người nói rằng Overwatch là Team Fortress 2 chỉ có điều thêm… mấy cặp mông vào mà thôi. Nói vậy cũng có hơi đụng chạm những ai bỏ ra mấy chục đô mua một game trong khi có thể chơi một game khác tương tự nhưng miễn phí. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, bây giờ bạn cứ thử chơi Overwatch rồi về chơi lại Team Fortress 2 chắc chắn bạn sẽ thấy nản liền, so sánh như vậy thì cũng có hơi bất công tại Team Fortress 2 già rồi còn Overwatch đang tuổi thanh xuân nên ngon hơn là điều đương nhiên.
Lí do tại sao Overwatch ngày càng được nhiều người chơi hơn
Thứ nhất là do quảng cáo nhiều, Overwatch đi muôn nơi, đâu đâu cũng thấy. Thêm một điều nữa là những người đã từng chơi qua bản Beta sẽ thấy được chất lượng của tựa game, mà lúc đó chơi chùa nên rủ nhiều người khác chơi chung. Tới lúc phát hành chính thức rồi là một số người sẽ mua liền, mà mua xong chơi có một mình cũng chán, vô gặp mấy người khác không quen nên không có vui. Vậy là những ai mua game rồi bắt đầu rủ mấy người bạn đã từng chơi Beta mua game chơi chung theo kiểu “ê mua Overwatch đi chơi chung cho vui, tao mua rồi nè…”, cứ như vậy người này nói người kia vậy là bắt đầu có nhiều người bỏ tiền ra mua game chơi hơn.
Yếu tố chính ở đây chính là thương hiệu có sẵn, Overwatch không phải là game độc nhất vô nhị trong thể loại FPS kết hợp với MOBA kiểu này, còn có nhiều game khác nữa như Battleborn và Paladin. Battleborn thì của 2K Games, Paladin của Hi-Rez Studios. Battleborn thì phát hành chính thức sớm hơn Overwatch cả nửa tháng nhưng artstyle có vẻ như không thu hút được nhiều người chơi, gameplay thì đi theo hướng của SMITE nhưng đổi thành góc nhìn thứ nhất mà thôi. Còn Paladin sinh sau đẻ muộn đến từ chung nhà phát hành với SMITE và tới bây giờ vẫn còn giai đoạn Beta, nhưng nhìn gameplay bạn sẽ thấy ý tưởng hero của Paladin và Overwatch đều có điểm tương đồng.
Tuy chưa chơi thử Paladin và Battleborn nhưng đã lỡ dính vô Overwatch rồi là coi như keo dính chuột. Không phải hay tới mức thần sầu quỷ khóc nhưng đã bỏ ra $40 để mua Overwatch rồi lại phải bỏ thêm $60 để Battleborn rồi cày hai game cùng lúc sao? Chung quy là sức hấp dẫn của Overwatch đến từ gameplay vui nhộn là thứ ai cũng thích, kế đến là mấy cặp “chảo” của Widowmaker + Tracer. Một game của Overwatch diễn ra khá ngắn tầm 10′ – 15′ là tối đa và khi chơi thì cực kỳ thư giãn luôn, thắng hay thua đều có điểm kinh nghiệm nhưng thắng thì được nhiều hơn chút, những ai muốn “try hard” thì vào chế độ Competetive để tung hoành.
Cái vui của game là đem dàn kỹ năng vào một tựa game FPS mang tính đồng đội, đây phải nói là cái hay mà người chơi tìm tới Overwatch ngoại trừ thiết kế nhân vậy và art style bắt mắt. Một điểm cộng của game nữa là hệ thống voice chat tích hợp sẵn trong game bạn không cần phải sử dụng phần mềm thứ 3 khác để có thể giao tiếp với nhau. Hơn nữa chiến thuật của Overwatch có phần thú vị hơn những game FPS khác do có thêm kỹ năng của hero nên tha hồ phối hợp đủ kiểu chứ không phải thiên về thuần kỹ năng như CS:GO hay Team Fortress 2.
Overwatch cho bạn mục đích cày cuốc không phải súng ống cấp bậc mà là những món làm đẹp cho nhân vật như: skin – emote – voice line – high light intro – spray và bạn có thể kiếm được miễn phí thông qua Lootbox. Lootbox này bạn sẽ nhận được thông qua việc lên cấp và nó gần như vô tận vì khi lên max level bạn sẽ được reset lại còn xuống 1 và thoải mái cày Lootbox tiếp, bạn có thể tìm hiểu thêm về Lootbox ở đây.
Game này có gì đáng để bạn bỏ ra tối thiểu $40 ?
Bạn sợ gì nhất trong những tựa game bắn súng ?! Đương nhiên là hack/cheat rồi. Overwatch không phải không có hack/cheat nhưng Blizzard làm rất nghiêm về vụ này, bạn có thấy mỗi lần Overwatch chạy là thêm mấy cái Hack shield này nọ không, đâu có đâu vậy mà thử rớ vô một lần là ăn Banned liền. Lý do Blizzard mạnh tay về vụ này là để giữ cho game được sạch, loại bỏ các thành phần phá game và quan trọng nhất là bảo đảm trải nghiệm tốt cho những ai đã bỏ tiền ra mua game. Bạn cứ tưởng Blizzard banned vậy thì mất người chơi, game này phải bỏ tiền ra mua mà, bạn đã mua rồi mà còn hack nữa thì mất tiền thôi, Blizzard vẫn có doanh thu bình thường không mất gì hết mà ngược lại còn lọc được người chơi xấu.
Nhiều người sợ những game có hero này nọ là vụ mở khóa, game miễn phí thì có thể áp dụng được chiêu này tại vì phải bù qua lại cho nhà phát triển một khoảng nho nhỏ. Còn game đã phải trả tiền để mua rồi mà còn phải mở khóa hero nữa thì dẹp luôn, may là Overwatch không tự “bóp” mình bằng chiêu này – tất cả hero đều có sẵn cho bạn chơi không tốn thêm xu nào để mở khóa nữa, đây cũng chính là lí do mà Battle Born bị chìm nghỉm tới bây giờ.
Cân bằng game là điều thứ 2 mà người chơi hardcore quan tâm. Không có vụ nạp VIP, súng VIP hay mua thẻ premium tháng hay gì hết. Các hero trong game cũng được cân bằng liên tục bằng các bản patch thường xuyên như Liên Minh Huyền Thoại vậy, mạnh quá thì nerf nhẹ, ít người sử dụng hoặc yếu quá thì buff lên một chút.
Những chi tiết đáng đồng tiền bát gạo
Thực chất với những nội dung gameplay mà Overwatch hiện đang có, nói theo góc nhìn của một người Việt Nam chơi game nước ngoài thì giá hơi cao, không phải là tiếc tiền nhưng mà ngay cả những người chơi game của Blizzard còn nói tựa game này chỉ đáng khoảng $30 là cao nhất.
Mặc dù giá cao nhưng khi chơi bạn hầu như không có điểm nào để chê được. Các chi tiết trong game được làm rất kỹ chứ không theo kiểu cẩu thả làm cho có, ví dụ như nhân vật có thể tương tác với nhiều thứ xung quanh (chủ yếu đập phá là chính) như tủ lạnh – máy móc – mấy món lặt vặt chẳng hạn. Hay khi chơi Hanzo, bạn đứng nhìn một cái máy chơi game bóng bàn hologram thì Hanzo sẽ nói “No time for games”, hoặc khi gặp Genji trong cùng một đội, 2 nhân vật sẽ chào hỏi lẫn nhau mặc dù với giọng điệu thù hằn sau cuộc gặp mặt ở đền Shimada trong đoạn phim Dragons:
Genji: Whats wrong Hanzo? Don’t you recognize me?
Hanzo: You may call yourself my brother. But you are not the Genji i knew.
Trong trường hợp Genji và Hanzo ở đội khác nhau, một trong 2 người khi hạ gục được nhau thì lời thoại sẽ trở thành một câu tự sướng, ví dụ như khi Hanzo giết được Genji thì: “You were never my equal” – Chưa đủ trình đâu nhóc (tạm dịch). Không những tương tác với hero khác, khi bước vào một map có liên quan tới tiểu sử hero mà bạn đang chơi như Hanzo và Genji khi bước vào map Hanamura sẽ nói: “The master of the Shimada Clan has returned” – “Ramen! *sighs* It’s just not the same anymore”.
Bạn có còn nhớ trailer đầu tiên của Overwatch khi mà Widowmaker và Reaper tấn công vào bảo tàng ở Numbani để cướp găng tay của Doomfist không? Trong game khi chơi map Numbani bạn sẽ thấy một cái y chang nằm trên cái xe chở hàng mà bạn hộ tống/hoặc phòng thủ.
Khó để kể hết những thứ thú vị trong game, chỉ khi nào chơi và chăm chú vào từng chi tiết nhỏ thì bạn mới có thể cảm nhận được cái hay của game. Đặc biệt là khi đã rành rọt về cốt truyện game, hero lore các thứ và khi vô game bạn sẽ cảm thấy nhập tâm hơn và thấy tiền mình bỏ ra là không phí khi bắt gặp những tiểu tiết như thế.