Đánh giá game “The ABC Murders” – Bạn hiểu Poirot đến mức nào?

Khách mới

  

Biết mình là fan của thể loại game suy luận phá án nên anh bạn thân tặng mình bản tiếng Anh quyển The ABC Murders của Nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie, xong anh ấy nói trên Steam cũng có game này, em chơi thử đi. Mình lon ton lên Steam tậu về ngay (may sao ngay đợt giảm giá nên mình mua chỉ có 24k). Sau khi chơi lại 3 lần thì mình muốn chia sẻ một chút về nó. Liệu đây có phải là một tựa game chuyển thể thành công?

Lưu ý: Bài viết có chứa vài đoạn spoil nội dung game.

“The ABC Murders” – Chuỗi án mạng ABC là một trong những vụ án nổi tiếng nhất của vị thám tử lừng danh Hercule Poirot. Thay vì vụ giết người xảy ra tại một địa điểm duy nhất, vốn là khuôn mẫu thông thường của Christie, thì câu chuyện này mang đến một tên sát nhân hàng loạt, giết người trên khắp nước Anh. Hắn khiêu khích ngài thám tử của chúng ta bằng những lá thư nặc danh, chứa nội dung về những vụ án sẽ xảy ra theo thứ tự bảng chữ cái. Câu chuyện trong trò chơi bắt đầu sau khi lá thư đầu tiên được gửi đến nơi ở của Poirot, gợi ý về một vụ giết người ở Andover.

Điều thu hút mình nhất khi nhìn vào game chính là đồ họa cel-shading vô cùng độc đáo (cel shading là mô phỏng “cảm giác hai chiều” lên một đối tượng trong không gian ba chiều thường thấy ở các game hiện đại). Game có góc nhìn camera cố định và sẽ chuyển góc nhìn khá mượt mà như zoom in/out khi Poirot chậm rãi khám phá môi trường xung quanh. Màu sắc của game mang phong cách vintage, gợi cho người chơi cảm giác đang thật sự hòa mình vào không khí của nước Anh những năm 1930. Cảnh vật được tô vẽ tươi sáng và cổ điển với những con đường lát sỏi tại trung tâm một thị trấn cổ kính. Một bãi biển tĩnh lặng nằm ôm lấy những ngôi nhà, một căn biệt phủ nằm trên ngọn đồi hướng ra biển, hằng ngày chứng kiến vị chủ nhân xấu số ra đó ngắm hoàng hôn. Tất cả tạo nên bầu không khí mà một game về Hercule Poirot nên có. Nhưng chắc đây cũng là điểm mạnh duy nhất của game.

Những dãy nhà theo phong cách Victorian ở bờ biển Bexhill, nơi diễn ra vụ án thứ 2.

Những dãy nhà theo lối kiến trúc Victorian ở bờ biển Bexhill, nơi diễn ra vụ án thứ 2.

Đây là một game thuộc thể loại phiêu lưu góc nhìn thứ ba, việc làm quen với cách điều khiển cũng không có gì quá nhọc. Bạn có thể điều khiển Poirot đi lại bằng chuột phải hoặc dùng các phím WASD như mình. Môi trường xung quanh sẽ hiện ra các điểm cần tương tác, bạn chỉ việc di chuột xung quanh, các manh mối sẽ từ từ lộ diện. Khi di chuột vào các nhân vật khác cũng sẽ hiện ra 2 loại tương tác cho bạn điều tra:

  • Biểu tượng mắt kính (“Observation” – Quan sát) giúp bạn nhìn nghi phạm kỹ hơn và tìm được manh mối qua ngoại hình và biểu cảm của họ.
  • Biểu tượng hộp thoại (“Conversation” – Đối thoại) giúp bạn tìm manh mối thông qua các cuộc trò chuyện.

Thay vì đứng ở góc nhìn của Arthur Hastings để quan sát và ghi chép lại vụ án giống như trong sách thì ở game này, bạn sẽ hóa thân thành thám tử Hercule Poirot để suy luận và tái cấu trúc các sự kiện. The ABC Murders là một game suy luận phá án theo tuyến tính, bạn phải điều tra hết toàn bộ một khu vực thì game mới “thả” cho bạn sang khu vực tiếp theo hoặc vụ án tiếp theo. Điều này cũng khá hợp lý và, suy cho cùng, đúng với tâm lý của tên hung thủ, hắn gây án theo thứ tự alphabet, nên khi và chỉ khi Poirot hoàn thành các nhiệm vụ ở một hiện trường thì hắn mới tiếp tục thực hiện các kế hoạch tiếp theo.

Các manh mối xuất hiện khá nhiều khi bạn trò chuyện với nghi phạm hoặc các nhân chứng. Có những câu thoại đậm chất Poirot, cũng có những câu thoại cho bạn chơi trò “good cop – bad cop”, giây trước đang tử tế hỏi thăm nhân chứng, giây sau đã cục súc nói “chị im đi”. Nhưng yên tâm, đây không phải là một game “choices matter” (các lựa chọn sẽ ảnh hưởng kết quả), nên bạn cứ chọn bất cứ ô thoại nào cũng được, đường nào cũng đến La Mã. Không có chuyện “suy luận của bạn là đường thẳng, chỉ vì lỡ bấm thoại sai mà rẽ ngang”. Lựa chọn thoại tự do như vậy vô tình tạo ra những khoảng trống phi logic trong suy luận của bạn. Về phần mình, mình đã suy luận rất nghiêm túc trong vụ án đầu tiên, về sau khi nhận ra cơ cấu game rồi thì mình để mặc cho game dẫn mình đi đâu thì mình đi đó, có puzzle thì giải, chứ mình không dùng nhiều chất xám nữa.

Có một tính năng khá là buồn cười và thừa thải, theo ý kiến của mình, đó là Ego points, nó sẽ thể hiện độ am hiểu của bạn về phong cách của Poirot. Mình lấy ví dụ: Ai cũng biết Poirot rất tự hào về bộ râu của ông, nên ông hay để ý đến ngoại hình, đặc biệt là bộ râu. Nên mỗi khi bạn tương tác với chiếc gương trong một căn phòng, kể cả đó là hiện trường gây án, bạn lập tức được cộng 3 Ego points. Bạn sẽ phải thực hiện 11 lần soi gương và chải râu nếu muốn nhận achievement của game. Chải râu một chút thì vui, chải râu nhiều chút thì không bình thường. Đâu đó ở lần chải râu thứ 6, mình đã nghĩ “Nếu Poirot thật sự dừng lại để chăm lo cho ngoại hình mỗi lần nhìn thấy gương thì ông ấy có khác gì một con bé tóc vàng hoe làm đội trưởng đội cổ vũ trong một bộ phim học đường nào đó đâu?”. Tóm lại, có tổng cộng 600 Ego points, nhưng bạn đừng cố cày cuốc Ego points làm gì vì đến cuối cùng nó chẳng có ý nghĩa gì cả, cũng chẳng có achievement nào dành cho nó. Kể cả một completionist như mình cũng chả muốn cố gắng.

Trong quá trình điều tra, bạn sẽ đi nói chuyện với các nhân chứng và tìm hiểu môi trường xung quanh, tất cả để phục vụ một mục đích tối thượng là thu thập chứng cứ và phát triển các giả thuyết để bắt hung thủ. Sau khi nhận ra hung thủ sẽ gây án theo thứ tự alphabet và bị dắt mũi đi khắp nơi, nhiệm vụ của bạn là sử dụng những chứng cứ đã tìm được để xâu chuỗi lại và tìm điểm chung giữa các vụ án. Các puzzle sẽ xuất hiện để tăng độ khó cho game, để nhắc bạn rằng đây là game cần chất xám, hoặc để đánh thức bạn sau mỗi lần Poirot đi bộ.

Có 2 dạng puzzle:

  • Puzzle ở môi trường xung quanh: Mở vật phẩm.
  • Puzzle suy luận: Sắp xếp các manh mối để tìm hung thủ.

Cả 2 dạng puzzle trên đều không quá khó và không thể thất bại. Các puzzle mở khóa, mặc dù không nhiều, đều khác nhau và khá đơn giản. Bạn sẽ mở khóa các loại tủ, hoặc sẽ xếp hình, hoặc sẽ sửa đồ vật. Bạn sẽ nhặt được những vật phẩm dùng để giải puzzle nằm rải rác xung quanh, hoặc có thể xoay vật phẩm để tìm manh mối mở khóa được viết lên chính vật phẩm đó (khác nào nói “hãy chiếm lấy em đi.”) Và đừng có đùa, có hẳn inventory cho bạn trữ đồ, nhưng không phải trữ theo dạng thu thập vật phẩm, mà bạn chỉ được lấy những gì game cho, và chỉ cần liếc một cái là biết những món đồ đó cần dùng ở đâu, không thể nào sai được. Vậy nên mình có cảm giác game thiếu đi độ đa dạng và tính thử thách cần có của một game phá án, nhưng suy cho cùng thì mớ puzzle này cũng cứu game khỏi sự đơn điệu, và khỏi những lần đi bộ của Poirot.

Một puzzle mở khóa

Trước khi giải các puzzle suy luận, bạn sẽ phải đi thu thập manh mối, lời khai, bằng chứng bằng cách quan sát, trò chuyện với các nhân chứng và nghi phạm, sau đó trả lời các câu hỏi diễn ra trong đầu của Poirot. Rất nhiều lần Poirot sẽ thông báo “It is time to put the brain cells to work” (“Đến lúc động não rồi”) sau khi điều tra kỹ càng một khu vực. Puzzle suy luận là một bản đồ tư duy, bạn phải chọn những suy luận đúng để trả lời các câu hỏi mang tầm vóc vũ trụ như “Hung thủ có thông minh không?”. Và khi đã chọn đúng thì câu trả lời hiện ra “Hung thủ thông minh vô cùng.” Ahihi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có những câu hỏi mang tầm vóc lớn hơn cả vũ trụ, hẳn là hai cái vũ trụ, đó là “Chúng ta biết gì về hung thủ?”, khiến bạn phải xem lại rất nhiều các manh mối đã tìm được để trả lời đúng.

Như mình nói, game này không có khái niệm thất bại, nên bạn có thể thử các câu trả lời cho đến khi đúng thì thôi. Và sau khi thử và thử, mình phát hiện ra, có rất nhiều câu trả lời đúng và hợp lý hơn cả những gì game đưa ra, nhưng game không chấp nhận đáp án nào khác ngoài những đáp án đã được lập trình. Lại một điều nữa làm mình không còn muốn suy luận nghiêm túc.

Bản đồ tư duy cùng các manh mối bên dưới

Sau khi đã “động não” rồi thì phần tiếp theo khá hấp dẫn. Bạn sẽ được gặp “anh da đen” đóng vai trò là hung thủ trong phần tái hiện hiện trường gây án. Hastings và Poirot sẽ cùng nhau đặt giả thuyết về cách hung thủ tiếp cận và sát hại nạn nhân. Có tổng cộng 3 lần tái hiện hiện trường, tượng trưng cho 3 vụ giết người mà bạn phải điều tra. Trong quá trình tái hiện, bạn có thể chọn sai hoặc đúng cách hung thủ ra tay, nếu sai thì tái hiện lại từ đầu. Đây là tính năng mà mình thích nhất game vì nó thật sự thú vị. Mình đã cố tình chọn sai nhiều lần để được xem hết những cách hung thủ giết nạn nhân.

Trong 3 cách gây án trên, dùng cách nào để…

… có được vết thương như vầy?


Phần lồng tiếng nhân vật khá ổn, nếu xét theo lượng công việc mà họ đảm nhận. Theo mình tìm hiểu, chỉ có 2 diễn viên lồng tiếng cho cả game, nghĩa là họ phải thay đổi chất giọng cho hợp với hơn 10 nhân vật. Mình có lời khen dành cho JB Blanc, diễn viên lồng tiếng cho các nhân vật nam vì đã thổi hồn cho Poirot một cách xuất sắc. Ngược lại, dù đã làm khá tốt công việc lồng tiếng nhân vật nữ, nhưng Tara Platt, diễn viên lồng tiếng nữ, đã “phá game” khi lồng tiếng cho bà Charlotte Clarke.

Cần phải nói thêm là bà Clarke, hay Lady Clarke, đang mắc bệnh ung thu giai đoạn cuối, được chẩn đoán là chỉ còn vài tháng để sống. Bà bị co giật kèm theo các cơn động kinh khá thường xuyên, bà ngồi chết dí trên ghế nên mình nghĩ giọng nói của bà phải như người đang hấp hối, nói chuyện không ra hơi. Nhưng không, diễn viên lồng tiếng của chúng ta quyết định thổi sự sống vào Lady Clarke bằng cách cho bà có một chất giọng trong trẻo, cao và sáng, nhắm mắt lại và nghe thì không khác gì mấy em loli đang phấn khích vì được gặp ngài Thám Tử Râu Đẹp.

Vậy nên sau khi nghe Lady Clarke trình bày và nghe lại giọng của Poirot, mình cảm giác như được gột rửa tâm hồn bằng chất giọng Bỉ hay ho đó. Chúng ta nên trân trọng những điều hay ho hiếm hoi của chiếc game này.

Chào Loli Clarke

Tổng thời lượng của The ABC Murders khoảng 6 đến 7 tiếng, âu cũng gọi là đã tái hiện được phần nào tuyệt tác của Agatha Christie về mặt hình ảnh. Game cũng không đi quá xa so với những diễn biến đã có trong sách. Mặc dù có những thất vọng nhỏ, nhưng bù lại cũng có những thất vọng lớn ahihi. Sau khi đã “tận hưởng” game một cách thái quá và không cần thiết (3 lần chơi bao gồm 2 lần chơi lại để cày achievement), mình nghĩ đây nên là một game phá án dành cho những ai đang ở bước đầu tìm hiểu thể loại game này, hoặc cho những em nhỏ tuổi nếu có sự hướng dẫn của phụ huynh.

Nhưng để nói cho công bằng, mình có giới thiệu game này với bạn không? Ừ thì, những ai đang tìm kiếm một game nặng suy luận để thử thách giới hạn của bản thân thì đừng nhìn tới game này, nhưng với những ai đang tìm kiếm một câu chuyện phá án nhẹ nhàng, vừa chơi vừa ngủ, à không, vừa chơi vừa suy nghĩ về chuyện đời, chuyện người, mà không cần gấp gáp đến nghẹt thở, hoặc bạn tò mò muốn biết câu chuyện đi từ sách ra game sẽ trông như thế nào, thì game này là câu trả lời dành cho bạn vì nó dễ dàng như đọc ABC vậy.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly