Lúc đó là 7h tối. Trời tối đen nhưng không ai để tâm. Game đấu đã bước sang phút 70, chiến thắng hay thất bại chỉ hơn nhau một khoảng khắc. Màn phím nẩy tanh tách, vài tiếng cục cằn vang lên, những cặp mắt dán chặt vào màn hình. Mới chục phút trước thôi mọi người còn cười đùa với nhau, nhưng hình như đã có sai lầm gì đó. Vâng, chào mừng bạn đến với thế giới của Dota 2, nơi mọi cảm xúc đều có thể mang đi đánh cược.
Dota 2, một tượng đài lịch sử
Dota 2 là một game MOBA (Multiplayer Online Battle Arena) điển hình. Valve, nhà phát triển Dota 2 thì gọi đứa con cưng của mình là ARTS (Action Real-time Strategy). Tựu chung cả hai khái niệm này đều xuất phát từ một bản mod trong Starcraft, sau được Icefrog xây dựng thành 1 custom map mang tên Defense of the Ancients (DotA) nổi tiếng trên thế giới Warcraft. Thành công vang dội của DotA là tiền đề để Valve đưa trò chơi này lên cổng phân phối Steam với cái tên Dota 2. Ngày 13 tháng 10 năm 2010 được đánh dấu là cột mốc ra đời của trò chơi này. Trải qua gần 7 năm phát triển, Dota 2 với nền tảng Source cùng với sự hỗ trợ của Valve cũng như cộng đồng Steam đã dần vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm DotA. Với hàng trăm nghìn lượt chơi thường xuyên cùng những giải đấu quy mô nhiều triệu đô trên thế giới, Dota 2 chính là một trong những game “remake” thành công nhất đồng thời phần nào “định hình” làng game thế giới, đưa MOBA từ một khái niệm xa lạ trở thành một món ăn không thể thiếu của hàng triệu game thủ toàn cầu.
Dota 2, đơn giản nhưng đầy thử thách
Cũng như bao game MOBA khác ra mắt cùng thời điểm, Dota 2 có những thời điểm khó khăn riêng. Thời gian đầu không mấy người mặn mà với Dota 2 bởi vì họ coi đây chỉ là phiên bản “ăn cắp” của DotA. Vốn được mô phỏng gần như chính xác DotA, những cải thiện về mặt đồ họa hay gameplay ở thời gian này là không đáng kể. Cũng như bao dòng MOBA khác, bạn khởi đầu với một nhân vật có kỹ năng riêng và phải phối hợp cùng người chơi khác nhằm bảo vệ căn cứ của mình và tấn công căn cứ đối phương. Mỗi trò chơi sẽ có những tùy chỉnh riêng để tạo nên nét độc đáo cho riêng mình. Sự tùy chỉnh này có thể làm trò chơi thú vị hơn, nhưng một con dao 2 lưỡi nó cũng có thể gây ra sự mất căn bằng, vốn là điều cực kì quan trọng trong các trò chơi chiến thuật thời gian thực. Sự đặc biệt của Dota 2 có lẽ đến từ yếu tố này, khi được IGN đánh giá đây là trò chơi MOBA cân bằng và toàn diện nhất ở thời điểm hiện tại. Có lẽ IGN đã không nói quá khi nhận xét về Dota 2 như vậy, các trận đấu ở đẳng cấp cao gần như là một đấu trí thuần thúy giữa người với người, các yếu tố ngoại cảnh hay mang tính thời kì khác không quá quan trọng.
Khi bắt đầu trò chơi bạn sẽ chọn một nhận vật (hero) của mình, bạn sẽ đi ra đánh quái (creep) để lấy tiền (gold) và kinh nghiệm (exp) nhằm mua đồ (item) và lên level. Bạn sẽ sử dụng các kỹ năng (skill) của riêng mình để giết quái được nhanh hơn hoặc gây nguy hiểm cho hero đối phương. Theo thời gian hero của bạn mạnh dần lên, bạn bắt đầu có khả năng tấn công vào căn cứ đối phương, phá hủy tháp canh cũng như các công trình khác. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để có thể chơi tốt Dota 2, bạn sẽ phải mất hàng trăm đến hàng nghìn giờ chơi. Càng lúc bạn sẽ càng nhận ra có hàng trăm thứ tác động đến trò chơi. Những đối thủ tinh quái, những đồng đội thiếu hợp tác, những chiến thuật tài tình hay thậm chí một sự phá cách trong cách chơi đều là những thứ khiến bạn vừa trầm trồ vừa suy tư. Khác với những trò chơi FPS chiến thuật thời gian thực, Dota 2 là trò chơi cần đủ 5 người để chiến thắng. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân hay một pha xuất thần không thể mang lại chiến thắng. Dota 2 là trò chơi của 5 người trong 60 phút chứ không phải là sân khấu cá nhân của một người trong khoảnh khắc. Chính sự đơn giản trong gameplay nhưng đa dạng trong chiến thuật, đòi hỏi sự ăn ý giữa các thành viên ở mức độ cao, Dota 2 chính là game thích hợp cho một nhóm bạn thân muốn có thời gian vui vẻ cũng như thử thách bản thân mình. Còn gì vui hơn một đêm cuối tuần cả nhóm cùng tụ tập bàn bạc chiến thuật và chơi game cùng nhau?
Nhắc đến sự đơn giản nhưng cân bằng không thể kể đến công lớn của Valve. Valve đã mời rất nhiều cộng tác viên cũ của Dota để phát triển sản phẩm riêng của mình. Icefrog, “Eul”, Lim… những người đã làm nên vinh quang cho Dota nay ngồi cùng nhau để tạo nên Dota 2 như bây giờ. Trung thành với duy nhất một bản đồ cũng như hero từ phiên bản Dota, Valve đang cố gắng vẫn giữ nguyên cái thần sắc cũ đồng thời bổ sung dần dần những chiếc áo mới của riêng mình. Một điều đáng ghi nhận của Valve là biết lắng nghe các góp ý của cộng đồng MOBA, đặc biệt là cộng đồng Dota. Các update được chăm chút cẩn thận, các chi tiết mới được cân nhắc kĩ lưỡng nhằm đảm bảo tính cân bằng vốn là thế mạnh của trò chơi. Không như một số MOBA khác update liên tục hay tạo ra những sự mất cân bằng lớn hay những bug (lỗi game) làm giảm tính chuyên nghiệp của trò chơi, Valve đã có một dự định dài hơn cho đứa con tinh thần của mình: Tương lai là vô cùng hứa hẹn, vì vậy cứ đi chậm mà chắc thôi.
Steam và Workshop, kẻ chống lưng khổng lồ
Thành công của Dota 2 có sự giúp đỡ không nhỏ từ nền tảng Steam với thị trường buôn bán đồ online cũng như cộng đồng Workshop khổng lồ. Valve đã nhận ra tiềm năng của thị trường này và đã khai thác nó một cách rất thành công. Ví dụ tiêu biểu là giải đấu TI với giải thưởng năm nay lên đến hơn 20 triệu đô, vốn được đóng góp một phần bởi cộng đồng qua việc mua các gói đồ trang trí trong game. Valve không vội vàng trong việc phát triển gameplay nhưng có vẻ khá hào phóng trong việc buôn bán “cái đẹp”. Hàng chục nghìn giao dịch vật phẩm ảo Dota 2 diễn ra hàng ngày, có những giao dịch lên đến vài trăm thậm chí vài nghìn đô. Game thủ giờ đây đã được Valve “dọn đường”: Các bạn chỉ cần việc “try hard” và làm đẹp, mọi thứ còn lại cứ để chúng tôi lo. Việc những đồ vật phẩm ảo sau lung linh hơn vật phẩm trước, những chế độ mua đồ hấp dẫn cùng nhiều giải đấu lớn (một dịp rất tốt để tiêu tiền) thật là một đam mê khó cưỡng lại với game thủ. Việc buôn bán tự do các vật phẩm đó trên Market của Steam lại càng dễ cuốn game thủ vào vòng xoáy: mua – đổi – bán –nâng cấp bất tận. Valve và gã béo Gabe Newell đã rất khôn ngoan khi nhận ra điều này, cũng phải thôi, ai cũng yêu cái đẹp mà nhỉ?
Nhắc đến Market thì không thể nhắc đến Steam Workshop và Steam Community, đây có thể coi là một diễn đàn thu nhỏ cho các ý tưởng cũng như thảo luận về game. Nó giúp cho Valve không bao giờ thiếu ý tưởng đồng thời tạo một sân chơi mơi cho những người thích thảo luận hay những nhà thiết kế. Đây cũng là điểm độc đáo của Steam và Dota 2 vô tình được hưởng lợi rất lớn từ việc này.
Tạm kết
Dota 2 căng thẳng, đôi lúc mệt mỏi nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò cũng sự phù hợp của nó cho một trò chơi Esport mang tính đồng đội. Càng chơi bạn sẽ càng bị thách thức. Càng bị thách thức bạn sẽ càng muốn chứng tỏ mình. Bạn có thể vui, nhưng ở Dota 2, bạn cũng có thể chọn cho mình sự chuyên nghiệp!