Đánh giá Call of Duty: World War 2

Khách quen

  

Sau nhiều năm chinh chiến ở các mặt trận hiện đại từ tương lai gần cho đến tương lai xa tít thì lần này có vẻ như Activision muốn chiều fan một lần, thế là chúng ta có CoD:WW2 được nhào nặn trong tay studio Sledgehammer, cũng là nơi đã tạo ra phiên bản AW mà riêng tôi cảm thấy rất ấn tượng.

“Sự hồi sinh khi quay về nguồn cội” – xin được trích dẫn câu nói trong bài viết của bác Hùng Lý vì tôi nghĩ không còn câu nói nào có thể tóm gọn lại trải nghiệm mà CoD:WW2 mang lại chính xác hơn.

D-DAY, cuộc đổ bộ huyền thoại đã giải phóng nước Pháp và đưa lực lượng Hoa Kỳ tiến vào châu Âu nhằm hỗ trợ các đồng minh cũng như hình thành thế gọng kìm cùng Hồng Quân Liên Xô ở phía Đông. Người chơi sẽ đồng hành cùng với Ronald “Red” Daniels và những đồng đội trong sư đoàn bộ binh số 1 tiến đánh bờ biển Omaha.

Phải nói đây là một trải nghiệm đậm chất “giải cứu bình nhì Ryan”, những chiếc xuồng máy chưa đến được bờ biển đã phải tan nát vì những đợt pháo kích, cửa xuồng mở ra và những người lính xấu số sẽ phải hứng chịu mưa đạn đến từ những ụ sung MG42 cực kì chết chóc và Red cũng sẽ phải xông lên phá vỡ hàng rào bằng thuốc nổ và từ đấy mở đường cho tất cả tiến đánh các tuyến phòng thủ còn lại. Màn chơi mở đầu đậm chất điện ảnh này đối với tôi không khác nào nắng hạn gặp mưa rào, quá hoành tráng, quá hào hùng, một thiết kế rất tuyệt vời nhằm khơi dậy ngón lửa hào hứng trong long những người chơi lâu năm.

Trái ngược với những người lính đặc nhiệm đi đến đâu, xác quân địch chất đống đến đấy trong các phiên bản trước, ở CoD:WW2 chúng ta cũng sẽ được thấy xác chất thành đống nhưng lần này là của những người đồng đội ở sư đoàn 1, tiếng kêu gào, tiếng chửi thề bất lực kèm với khung cảnh hỗn mang, người thì bò lết với cả đôi chân đã bị thổi bay bởi bom đạn, người thì cố gắng kéo xác đồng đội vào chiến hào,… Ngay cả chính bản thân người chơi lần này cũng sẽ đối mặt trở lại với một thử thách gần như đã biến mất khỏi dòng CoD, thanh máu. Chỉ 1 thay đổi này thôi cũng đã khiến tựa game trở nên khó hơn rất nhiều cũng như giúp người chơi cảm nhận rõ ràng hơn cái bối cảnh tàn khốc của chiến tranh thế giới thứ 2, sẽ là ẩn nấp liên tục và tỉa địch với súng trường, sẽ là hé đầu ra là toi mạng vì bọn bắn tỉa chứ không còn lối chơi càn quét Rambo, hay 360 no scope các kiểu.

Những màn chơi trong CoD:WW2 cũng tỏ ra rất thú vị, ngoài những thiết kế truyền thống như tử thủ, càn quét lô cốt địch,… thì lần này chúng ta có thêm những thứ rất WW2 như dọn dẹp địch với súng phun lửa, len lỏi qua làn đạn để đặt bom lên xe tăng địch hay chỉ điểm cho đồng đội tiến lên nhằm phá một công sự kiên cố, chiếm những bệ pháo phòng không và hỗ trợ cho không quân,… Nhưng điểm cộng sáng nhất ở khía cạnh này phải là những màn chơi hành động lén lút hay stealth được thiết kế đặc biệt, ngoài xâm nhập vào lòng địch bằng súng tỉa kèm hỗ trợ giảm thanh như CoD:MW cùng Capt.MacMillan đã thể hiện quá xuất sắc năm nào thì lần này chúng ta có cả một màn chơi đậm chất điệp viên với nhiệm vụ xâm nhậm vào cơ sở của Đức Quốc Xã bằng danh tính giả. Con người như vậy là đã đủ nhưng trải nghiệm WW2 sẽ không thật hoàn hảo nếu như thiếu đi những cỗ máy chiến tranh. Yên tâm chúng ta sẽ được điều khiển xe tăng huyền thoại Sherman trong một màn đấu tăng trực tiệp và đồng hành cùng không quân trong một chiếc tiêm kích P47, cả 2 phần chơi đó đều rất thú vị nhưng vẫn chưa hoàn hảo, lý do tôi sẽ nói sau. Ngoài ra thì còn một số yếu tố trong gameplay lần này rất đáng khen, phải nói đến những pha heroic action rất thú vị, người chơi sẽ phải tìm cách xông ra ngoài làn đạn để kéo một người đồng đội đang bị thương về phía sau, nhanh tay giết tên địch đang giằng co với người đồng đội khác,… hoặc là bỏ mặc bọn họ, cá nhân tôi đã phải replay rất nhiều lần ở một checkpoint chỉ để cứu một anh lính xa lạ, một yếu tố nhỏ nhưng là một mảnh ghép rất quan trọng của CoD:WW2.

Nhưng đáng khen nhất phải là hệ thống squad, giờ đây những đồng đội đi chung sẽ không còn vô dụng như những lần trước, họ sẽ cung cấp đạn dược, gói cứu thương, đánh dấu quân địch hay gọi không quân oanh tạc khi người chơi giết đủ một số lượng kẻ địch hay thực hiện heroic action và với số lượng quân địch đông như kiến ở chiến trường Tây Âu thì những pha hỗ trợ đó không thừa đâu, thậm chí phải nói là rất cần thiết ở những độ khó cao hơn. Ngoài ra thì những pha ném bắt lựu đạn hay gói cứu thương kèm mấy câu nói như “Here, Daniel!” hay “Got some ammo for you, private!” cũng rất ngầu nữa.

Đồ họa và âm thanh tuyệt vời dưới bàn tay của Sledgehammer cũng đã góp phần quan trọng trong việc hình thành không gian, bối cảnh. Những chi tiết trên vũ khí và môi trường, những pha bom nổ khiến đất cát văng tung tóe kèm theo máu thịt, những quả pháo phòng không nổ liên tục trên bầu trời và những tiếng súng, tiếng cạch cạch cạch keng của M1 Garand hay tiếng rít gió của những chiếc máy bay Stuka ngay trước tiếng bom nổ, tất cả đều được thiết kế rất tuyệt vời và đã giúp chiến trường trong COD:WW2 đã trở nên sống động hơn bao giờ hết, Búa Tạ đã làm rất tốt việc của mình ở mảng này.

Bối cảnh không gian quá tuyệt vời, thiết kế màn chơi cũng rất xuất sắc là vậy nhưng CoD:WW2 vẫn khiến phần nào trong tôi thất vọng vì đã mong chờ nhiều hơn một chút. Cũng như mọi sản phẩm giải trí khác, bên cạnh những điểm sáng đó thì vẫn còn một số bất cập.

Phần điều khiển xe tăng và máy bay dường như được thiết kế khá sơ sài khi điều khiển bằng bàn phím và chuột, mặc dù là phần chơi đó không phải bất khả thi nhưng nó đã khiến một số người bao gồm cả tôi rất khó chịu vì một hạn sạn vớ vẩn như vậy lại tự dưng có mặt.

SPOILER

Phải nói đến là thời lượng chơi tương đối ngắn, dù đúng rằng CoD từ trước đến nay cũng không sở hữu thời lượng chơi dài nhưng những phiên bản tiền nhiệm dù ngắn những rất chất và khiến người chơi nhớ mãi, CoD:WW2 chỉ với 11 màn chơi không quá dài, trái hẳn với 15 màn chơi cũng với bối cảnh WW2 rất tuyệt vời trong CoD:World at War. Mặc dù cuộc phiêu lưu ở sư đoàn bộ binh số 1 cùng Red và những người đồng đội đã rất tuyệt vời nhưng cái kết của game có phần khiến tôi cụt hứng vì nó khá bất ngờ, tôi cứ nghĩ rằng sau khi họ về quê nhà như những người hùng thì chúng ta sẽ lại được sát cánh cùng một nhân vật khác để tiến đánh Berlin và kết thục cuộc chiến tại châu Âu nhưng không, chỉ đến Rhine là hết. Tiếp đến là về tính toàn cầu của chiến tranh thế giới, COD:WW2 chỉ tập trung hầu hết vào Mỹ và kẻ địch là Đức Quốc Xã, những quốc gia hiếm hoi khác được góp mặt một chút là Anh và Pháp, COD:WaW đã từng tuyệt vời với cả mặt trận Thái Bình Dương và Đông Âu. Một cuộc hội quân cùng Liên Xô tại Berlin chắc chắn sẽ khiến CoD:WW2 giá trị hơn rất nhiều, ít nhất là tôi nghĩ vậy. Hy vọng sẽ có những gói DLC trong tương lai bổ sung thêm các phần này để cái tên World War 2 thực sự đúng với tên gọi đó.

Nhìn chung thì CoD:WW2 là một tựa game ấn tượng, một trải nghiệm đậm chất điện ảnh đầy hào hùng và bi tráng, đáng để bạn chơi qua nếu muốn tìm cho mình một chút không khí tàn khốc của chiến tranh hay gia nhập vào một sư đoàn và theo dõi những bất đồng nội bộ, mâu thuẫn bên trong và kèm theo đó là cả những sự hy sinh, mất mát, tình đồng đội cao đẹp giữa những con người nơi chiến trường.
“No mission too Difficult. No sacrifice too great. Duty First!”

Các bác gạch đá em nhẹ nhẹ nha, cám ơn các bác đã đọc ạ.

Bài được viết bởi bạn Võ Bảo. Vô cùng cảm ơn bạn đã dành thời gian viết bài.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly