Battlerite – một làn gió mới vừa đổ bộ trên Steam vừa qua, và đem tới một cách chơi rất thú vị mà lại nhanh gọn. Được gán cho thể loại MOBA nhưng Battlerite lại hầu nhưng không có nhiều yếu tố đó. Gameplay trong Battlerite bao gồm một trận đánh với nhịp chơi nhanh gọn lẹ, không rườm rà bởi những thứ thường thấy ở những tựa game MOBA khác. Đi theo hướng giống với Heroes of the Storm, Battlerite bỏ hẳn hệ thống item, người chơi chỉ vào gặp mặt rồi nện thôi không cần mua bán gì cả. Khác hơn nữa là Battlerite không có creep (lính) hay turret (trụ) gì cả, người chơi chỉ tập trung giết đối phương để giành chiến thắng mà thôi.
Đồ họa
Battlerite có phong cách đồ họa rất dễ nhìn và bắt mắt, có thể nói đồ họa của Battlerite bị ảnh hưởng bởi Dota 2 và League of Legends. Cả hai nền đồ họa này trung hòa lại với nhau để tạo nên phong cách của Battlerite, không quá thật và tối như Dota 2 nhưng lại không quá hoạt hình như League of Legends nên rất gây ấn tượng cho người chơi.
Nhân vật được thiết kế khá là cá tính từ ngoại hình cho tới tính cách và giọng nói, cho đến giờ thì dàn nhân vật trong Battlerite đang giữ được nét đặc trưng mà không đụng hàng, những ai chơi qua sẽ thấy được nhân vật và kỹ năng được thiết kế rất khác mà không mượn ý tưởng từ game khác. Nhưng lý do cũng là vì gameplay của Battlerite theo một hướng hoàn toàn khác nên cả dàn kỹ năng cũng phải đi theo cho phù hợp.
Bản đồ trong Battlerite thì chưa nhiều vì vẫn còn Early Access, tóm gọn lại thì chỉ có khoảng 4 bản đồ mà thôi. Bốn bản đồ này lại khá giống nhau và hầu như không có điểm khác biệt đột phá và rõ ràng, thứ duy nhất bạn thấy được hầu như chỉ là phong nền và chủ đề mà thôi, nên phần này của game vẫn chưa thể hiện được gì nhiều. Nhưng nhìn chung thì bản đồ được thiết kế khá tỉ mỉ và chi tiết, chưa phát hiện được lỗi nào nghiêm trọng, thậm chí cũng không thấy có lỗi.
Gameplay
Bây giờ tới phần hay của game. Battlerite có gameplay được thiết kế theo hướng cực kỳ khác biệt, nên hầu như cụm từ MOBA không còn chính xác để miêu tả game này nữa. Thay vì điều khiển chính bằng chuột và sử dụng kỹ năng bằng phím như các game MOBA hiện nay, thì Battlerite lại cho bạn điều khiển di chuyển bằng WASD và sử dụng kỹ năng và tấn công bằng bàn phím lẫn chuột. Đó là điểm khác biệt biến Battlerite trở thành một game bắn súng với góc nhìn từ trên xuống, thêm vào đó là một yếu tố duy nhất của MOBA đó là đối đầu với đối phương trong một bản đồ tương tự đấu trường.
Kỹ năng trong Battlerite rất phức tạp vì mỗi champion đều có tới 7 kỹ năng để sử dụng. Bạn sử dụng chuột để điều khiển hướng thi triển kỹ năng hoặc hướng tấn công, 2 nút trái và phải chuột sẽ là tấn công thường và một kỹ năng đi kèm. Kế đó là các nút như Q – E – R – F – Space, trong đó Space đa số là kỹ năng tạo sự cơ động cho các champion, Q và E là kỹ năng bình thường. Riêng E và F là hai kỹ năng đặc biệt và chỉ sử dụng được khi bạn sạc đủ năng lượng, bạn sẽ có 1 thanh năng lượng dưới thanh máu được chia thành 4 đoạn, R chỉ tốn 1 đoạn để sử dụng còn F thì sử dụng cả 4 đoạn vì là chiêu cuối. Hoàn toàn không có mana, nên bạn có thể sử dụng thoải mái chỉ giới hạn là chờ thời gian hồi lại chiêu mà thôi.
Luật chơi trong game cũng rất đơn giản, vào là hiểu liền vì không có gì phức tạp, ngay cả tính chiến thuật cũng không nhiều. Hiện tại có 2 chế độ 2v2 và 3v3 mà thôi, tuy nhiên bản đồ thì cũng vậy. Game mode hiện tại chỉ là vào đánh 6 vòng, đội nào thắng được 3 vòng là thắng luôn. Để thắng được một vòng thì nhiệm vụ đơn giản chỉ là tiêu diệt hết đối phương, nhưng bản đồ sẽ có thêm những thứ linh tinh làm cho trận đấu không trở nên buồn tẻ. Bản đồ sẽ xuất hiện những hạt phát sáng màu cam và màu xanh lá, màu xanh lá sẽ hồi cho champion một ít máu khi lượm, màu cam thì sạc thanh năng lượng để sử dụng chiêu E và R. Ở giữa bản đồ còn có một quả cầu với mã màu tương tự như hạt phát sáng, thành viên đội nào phá hủy và phải dứt điểm quả cầu thì sẽ nhận được hiệu ứng buff. Vòng đấu sẽ kết thúc khi 1 đội bị tiêu diệt hoàn toàn, hoặc đến khi hết giờ, hệ thống sẽ thu hẹp bản đồ lại bằng một vòng sáng hình tròn, những đối tượng đứng ngoài vòng tròn đó sẽ mất máu và chết, đây là cách làm cho vòng đấu không kéo dài quá lâu với những trường hợp câu giờ hoặc AFK.
Phần thú vị nhất mỗi khi bước vào một vòng đấu là chọn Battlerite – trùng tên với game. Battlerite là một loại buff bị động bạn sẽ chọn trước khi bắt đầu mỗi vòng đấu, sẽ có 3 Battlerite cho bạn chọn, mỗi Battlerite là một loại buff bị động tăng cường cho 1 trong 7 kỹ năng của champion (tương tự như Heroes of the Storm khi lên cấp). Phong cách đánh và chiến thuật của bạn cũng bám sát theo Battlerite mà bạn chọn, bạn có tổng cộng 60 giây trước mỗi vòng để chọn Battlerite lận nên cứ từ từ mà đọc chú thích.
Champion
Có tổng cộng 15 champion hiện tại trong Battlerite, về vị trí và vai trò thì hình như vẫn chưa hoàn thiện vì game mới phân ra Melee, Ranged và Support mà thôi. Mỗi champion vẫn sẽ có đầy đủ 7 kỹ năng như đã nói ở trên, và khi mới vào chơi thì bạn phải mất khá nhiều thời gian để đọc và hiểu cách thức hoạt động của từng cái. Về khoảng champion thì không có gì để chê, ngoại trừ việc chọn champion và tìm trận đấu. Battlerite khá ngược đời là chọn champion trước rồi mới tìm trận đấu, và khi đã tìm được trận rồi là bạn không đổi được champion nữa. Việc này cũng dẫn tới diễn biến và kết quả của mỗi trận cũng khá là hên xui, ví dụ như khi bạn chọn một champion support mà tìm trận lại gặp đồng đội support nữa thì rất vất vả.
Bạn có thể ngăn chuyện này xảy ra bằng cách mời bạn chơi chung, như vậy thì bạn có thể chọn được champion mình thích mà vẫn bảo đảm được sự phối hợp giữa các thành viên trong đội. Dường như là mỗi trận đấu của Battlerite không cho trùng champion trong cùng đội lẫn đội đối phương, vì đánh cũng khoảng gần 10 trận rồi mà không thấy lần nào trùng champion, như vậy cũng hay để tránh tình trạng giành chơi champion chẳng hạn.
Làm đẹp
Hệ thống làm đẹp cho champion trong game cũng rất thú vị. Mỗi champion sẽ có skin ngoại hình của champion, skin vũ khí, thú cưỡi (giống Heroes of the Storm). “Độ xịn” của những món này cũng chia thành mã màu: Trắng (Common) – Xanh dương (Rare) – Tím (Epic) – Cam (Legendary). Những món này bạn sẽ có được khi mở rương, rương có được khi bạn làm nhiệm vụ hoặc khi lên cấp (cấp của champion mà bạn chơi) hoặc sử dụng tiền trong game để mua rương (tiền cũng có được từ nhiệm vụ và lên cấp).
Phần này thì chỉ dành cho những ai thích sưu tập là chính thôi, có một món Legendary cũng gọi là tự hào này nọ chứ. Nhưng đa số là để khoe lúc tìm trận cùng bạn bè hoặc kết thúc mỗi vòng thôi, chứ trong trận thì nhân vật bạn nhìn khá nhỏ nên không thấy được gì nhiều.
Tổng kết
Battlerite tuy có cách chơi mang nét của một tựa game MOBA nhưng nói đúng ra thì giống kiểu bullet hell hơn, khác tí là bạn chơi cùng nhiều người chơi khác. Battlerite khá hay, thích hợp cho những ai yêu thích những thể loại nện nhau trong một bản đồ khép kín, đặc biệt hơn là những người muốn thư giãn bằng game trong khoảng thời gian hạn hẹp, một trận chỉ kéo dài tối đa 10′ nên cũng rất thích hợp cho những ai làm văn phòng. Battlerite hiện tại chỉ mới Early Access thôi nhưng phần nội dung cũng đạt khoảng 80% rồi, sau này chỉ cần thêm vào champion mới – skin mới – bản đồ mới – cách chơi mới mà thôi.
Tuy nhiên khuyết điểm lớn của game có lẽ là phần tìm trận, chọn champion trước rồi tìm trận đấu thì không hay lắm, như vậy thì rất hên xui cho những ai chơi một mình. Battlerite tuy mang vóc dáng của một tựa game thể thao điện tử tương lai, nhưng cách mà gameplay thể hiện bây giờ thì lại dành cho casual player hơn là hardcore player, nhưng với nội dung hiện tại thì tính giải trí của Battlerite rất cao.Với mức giá $20 trong Steam để chơi Early Access thì cũng không lớn lắm, bạn sẽ được chơi tất các champion đang có trong game mà không tốn thêm gì. Một tựa game kết hợp nhiều yếu tố mỗi thứ một chút từ MOBA – bullet hell cho tới top down shooter, Battlerite đúng là đem lại làn gió mới cho tình trạng gameplay đang bão hòa hiện nay.