Chuyện về những chú “dế dũng cảm”

Khách quen

  

Nay thấy ông chủ quán tâm sự loài “dế” thông minh, mình mới có dịp nhớ nhung về những khoảnh khắc mất ăn với “dế” dù rằng “dế” của mình là “dế dũng cảm” chứ không thông minh phổ biến như hiện nay. Thực ra việc mình chơi dế cũng có đề cập trong phần 2 của loạt bài tâm sự chuyện chơi game của mình nhưng hầu như lướt qua khá nhanh, nếu anh em có hứng thú thì có thể xem lại tại đây từ phần 1 (có cập nhật thêm ở phần 3). Do mình đã tốn không ít thời gian đầu tư vào mảng mobile nên quyết định chia sẻ thêm bài này nữa.

Vì sao gọi là “dế dũng cảm”?

Vì khi có va đập dữ dội, có gặp khó khăn bao nhiêu thì chúng vẫn ở lại bên cạnh hoạt động tốt. Minh muốn nói đến những con Nokia thế hệ trước. Những con Nokia không chạm đến ngưỡng cửa của sự tiến bộ mang tên Android hay Window Phone. Lại kể về thời cắp sách đến trường, lần đầu tiên mình được chạm đến con Nokia 8250. Đây là con dế màn trắng-đen đầu tiên mình được cầm vào. Kích cỡ thì cũng thanh lịch và nhỏ gọn, điểm đặc biệt của nó là cho phép soạn thảo các bản nhạc đơn âm, thành ra vào những lúc mẹ vắng nhà mình hay lấy trộm để soạn mấy bài mất ngủ của Beethoven hay Mozart. Dĩ nhiên mình chỉ làm dựa trên thính giác, cảm thấy gần đúng thôi chứ không hề có sheet chuyên nghiệp gì. Và cũng chính con 8520 này mình được trải nghiệm rắn săn mồi thứ thiệt. Đối với thế hệ điện thoại trắng-đen, thứ mà ngoài game hấp dẫn với mình chắc chỉ là những đoạn sms bông đùa của tuổi trẻ. Công nhận, bây giờ hòa lẫn với công nghệ thì chuyện nhắn tin bằng giao thức SMS trên điện thoại là chuyện ngớ ngẩn, với chục tin nhắn như vậy là có đủ tiền nạp để nhắn hàng chục tin trên FB Messenger rồi phải không?

Bẵng đi thời gian, con 8520 cũng ra đi trong một chuyến viếng thăm của mấy tay anh chị trong xóm. Bằng một cách nào đó, tụi nó móc cây vào cuỗm mất chú dế yêu, mà cũng may chỉ có mất điện thoại chứ mất tiền bạc lại mệt. Vậy là phụ mẫu có dịp đi sắm chiếc mới, lần này là chú T100 của hãng Samsung. Chiếc điện thoại này cho phép hiển thị nhiều màu hơn (theo như gsmarena thì hơn 4k màu) và cũng kiểu dáng hấp dẫn hơn khi có nắp gập. Theo kinh nghiệm sử dụng, mình đánh giá Samsung rất chịu khó đầu tư nắp gập, không biết họ có thuê chuyên gia nghiên cứu không nhưng rõ ràng nhiều chị em chuộng việc dùng nắp gập hơn là nguyên khối như của Nokia, thành thử phụ mẫu ưng mua là vì đẹp chứ không vì công năng. Nói vậy cũng có nghĩa là ngoài chuyện mẫu mã đẹp ra thì T100 rất “yếu” trong nhiều khoản như dễ bị gãy, hư màn hình, nút bấm thì bị cứng dễ lờn abc… Đặc biệt quan trọng là thư viện game cũng nghèo nàn nếu chỉ có rắn săn mồi thì mình chơi cái 8520 không sướng hơn sao?

Giai đoạn này là giai đoạn rất thịnh của cặp chiếc lá. Hễ ai có chiếc là là thấy sang rồi, cũng giống như thời Iphone 3g hay IP 4 vừa ra mắt vậy đó. Thiết nghĩ, đồ sang vậy mua về tốn kém cơm nước trong nhà còn chưa xong thành thử phụ huynh cũng không màng đến chúng nhiều. Sau này mình cũng có dịp trải nghiệm qua và cũng có thấy chúng không như mong đợi. Tuy nhiên mình vẫn đánh giá cao kiểu cách thiết kế của tụi nó, nhìn quả thực rất ấn tượng.

Đầu năm lớp 6 cũng là lúc ông anh thi xong đại học. Ổng được phụ huynh tặng cho con Motorola V3, cái con mà xưng bá thế giới trong khoảng bề dày. Nó được gọi là siêu mỏng ở thế hệ đó. Mình thì không được đụng vào nó và chỉ sau khi ổng sang năm 2 thì mới tặng mình xem như quà sinh nhật. Thực ra con V3 này cũng có cái thú vị, nó chạy khá mượt các bộ phim. Chụp ảnh cũng đẹp (thời đó thôi nha), mình vẫn thích nhất là bộ phím của nó. Rõ ràng những đường nét xẻ xuyên suốt bộ phím khiến cho người dùng cảm thấy như xài hàng công nghệ cao, chưa kể các phím không hề dễ lờn, bấm thì mấy năm vẫn nảy như vừa mới mua mới kỳ diệu. Điểm trừ lớn nhất của nó là nắp gập và có độ phân giải 176×220. Một cái độ phân giải cực kỳ khó chịu đối với dòng game J2ME trên điện thoại.

Sang năm lớp 7, mình được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng hấp dẫn, thằng bạn cùng lớp cầm con Nokia siêu mỏng viền đỏ chơi một tựa game chiến thuật cũng hấp dẫn chẳng kém: Ancient Empire 2. Đây cũng chính là nơi khởi nguồn đam mê với dòng game J2ME trên điện thoại. Chú dế mà thằng bạn sử dụng là Nokia Express Music 5310. Thiết kế rất nhỏ nhưng lại có võ, đúng với tên gọi, dòng Nokia Express Music cho phép xuất loa ngoài với chất lượng âm thanh tuyệt vời. Thậm chí đi xe trên đường để loa ngoài alo vẫn ngon lành. Nhưng mà đối với mình thì thứ tuyệt vời nhất chính là cấu hình của nó rất đỉnh để chơi game. Màn hình 240×320, 16 triệu màu và chạy hệ điều hành Symbian s40v3. Theo mình thì đây là một trong những chiếc điện thoại đáng mua nhất bất kể có phải dân cày game (điều này chắc chắn luôn!) hay không. Mình thì thèm thuồng xin nó chơi được vài màn, mà công nhận Ancient Empires 2 cũng là một game đỉnh trên điện thoại. Thậm chí đối với Hỏa Ấn nó còn có chút nhỉn hơn bởi vì yếu tố thử thách trong game rất cao. Một cái nữa là cho phép chơi custom map, thành ra các tay hacker trên mạng liên tục sản xuất các map tận dụng tính năng chơi tùy chọn khi đã hoàn thành các màn Campaign. Thậm chí còn có cả bản clone bên Việt, bên Tàu ăn theo nữa. Nói chung nếu có trong tay chú dế Nokia s40v2 thì phải tải về chơi một lần cho biết nhe.

Dù sao đó cũng là một câu chuyện buồn, vì làm gì mình có đủ tiền mua con 5310 thời điểm đó (nó vừa ra mấy tháng à). Bằng số tiền dạnh dụm ít ỏi cộng thêm tiền từ sinh nhật, mình chạy đi xin phụ mẫu mua cho một con nokia giá tầm 400k đổ lại lấy cớ là mua điện thoại liên lạc :)) (Nói mua chơi game chắc ăn chửi banh xác). Ở mức giá này thì tương đối bên Sony Ericsson là nhiều, cũng có kha khá con nắp gập Samsung nhưng mình rõ ràng không thích vì nó chơi game có ngon đâu. Vậy là mình pick con số đỏ nhất trong đó: Nokia 5200. Dòng nắp trượt cũng không xa lạ gì, Nokia hay Sony Ericsson lẫn Samsung đều có nắp trượt nhưng vì độ tối ưu mà để chơi game thì không ai sánh bằng dế Nokia cả. Mình khởi “khởi nghiệp” với con 5200 cũng không tồi, nó có khung hình 128×160, hiển thị 260k màu và chạy trên nền Symbian s40v2 nốt! (cái này công nhận cũng hên tại hồi đó làm gì biết tra thông tin internet các kiểu). Từ đây mình bắt đầu làm quen với việc tải game trên wapsite. Các bạn cũng biết đấy, chi phí tải game rất đắt đỏ. Để sử dụng kết nối internet thì phải đăng ký gói GPRS, phí cho mỗi KB khá thốn mà tốc độ nó lại cực kỳ sida nữa. Cứ tính trung bình một game 250KB là sẽ tốn tầm 3500 vnd (Mình tải game khá nhiều nên ước lượng được khoảng này không nhớ phí GPRS hồi đó bao nhiêu). Game Ancient Empires 2 là bản tải đầu tiên trong cuộc đời game mobile của mình luôn. Dĩ nhiên với mình thì nó là tựa game best nhất của giai đoạn đó rồi thành thử ra cứ tranh thủ học xong là chơi mà chơi không xong thì phải trốn đi lên sân thượng chơi nốt cho xong màn tại làm gì có save giữa màn. Trang Wapsite đầu tiên vào là waptrick và đến tận bây giờ nó vẫn còn sống minh chứng cho sự trường tồn mạnh mẽ qua thời gian. Giờ thì nó có cả android nữa. Tuy nhiên số game trên waptrick nhanh chóng được mình trải nghiệm hết (tốn tầm hơn trăm nghìn để tải). Nên điều tiếp theo mình muốn là tìm một wapsite khác có chất lượng hơn, lang thang trên mạng cũng có nhiều wapsite nhiều cái của việt nam nhưng chủ đề lung tung lắm. Vì tính ra wapsite trước phát triển cũng mạnh chẳng kém forum html đâu. Hên xui sao đó tìm được hai quả wapsite đỉnh là wapday.com và wapking.in. Hai trang này của tụi Nga, có nhiều game độc đáo được giới thiệu mà thiệt ra là những game của kích cỡ màn hình lớn được tụi nó resize lại (bị cái là một số game hay thì lại mang tiếng Nga). Hay cái chỗ tụi nó resize mà không hề có lỗi lầm gì, chạy vừa đẹp màn hình vừa mượt mà bởi nên mình luôn thích tải trực tiếp từ wapsite hơn là lên mạng downfile .jar về cài.

Vì số lượng game ngày càng tăng, nhu cầu hoàn thành game cũng tăng lên, thời gian lại eo hẹp khiến cho mình mất tập trung vào nhiều thứ. Dẫn đến một hôm đi học mà để quên luôn chú dế yêu trong bàn, thế là bye bye chú dế yêu chuyên game, chính chủ đầu tiên trong cuộc đời. Lúc sau lên lớp 9 mình được cấp lại một con khác, con này xịn hơn đồng thời cũng là bản nâng cấp của 5200 là Nokia 5300. Mình cứ ngỡ là nó chắc cũng “ngang ngang” 5310 tại số gần bằng ai dè hiển thị màu thì thua xa (vẫn là 260k màu giống 5200) nhưng được cái nó có màn hình to hơn. Điều mà trước đây mình luôn muốn thay đổi vì chuẩn 240×320 có cả kho tàng game hay trong đó. Cũng vẫn là vài bước khởi động sau khi mua dế: đăng ký GPRS, truy cập Wapsite quen thuộc, tải. Sau một thời gian check thì cũng hết, mà công nhận game rất nhiều và đa dạng. Đặc biệt các sản phẩm của Gameloft khá xịn, đó là những con Asphalt đời đầu, Might and Magic 2. Ngoài ra có các sản phẩm của EA cũng hay không kém như The Sim, Zoo Tycoon… Còn một số game chiến thuật cũng đặc sắc như Romans and Babarian hay Age of Hero. Đặc biệt Age of Hero làm một series truyền kỳ khá lôi cuốn không khác bao tựa game Warcraft III nổi tiếng trên PC cả. Nhưng nhìn chung tất cả các game chiến thuật + RPG liệt kê trên Wapsite quen thuộc mình đã trải nghiệm đủ. Mức độ thèm thuồng tăng cao thành ra mình bắt đầu lấn sân sang các chuyên trang tải file .jar trên Internet. Trang đầu tiên mình muốn đề cập là mobiles24.com. Trang này cực kỳ lớn về nội dung game Java, nó lại có giao diện tìm kiếm theo khung hình rất dễ dùng, đặc biệt là chất lượng game cũng vô cùng đảm bảo. Hầu hết các game Java mà có chú thích “Multiscreen” thì đều hoạt động tốt trên mọi dòng máy kể cả khác Nokia. Tuy nhiên theo kinh nghiệm mình đã test thì thông thường sẽ luôn có các bản đặc biệt bào chế riêng cho từng hãng vì mã phím mỗi hàng quy định khác nhau dù có cùng khung hình. Ví dụ Motorola thì quy định ngược hai phím Left – Right so với Nokia. Và đó là lý do mình cần phải tìm một nguồn khác để có thể đáp ứng được nhu cầu khi cần thiết. Game trải nghiệm trên chú dế 5300 phải nói là vô vàn. Quá nhiều sự lựa chọn ở mọi thể loại. Puzzle có Archon, Catan, Puzzle Quest. Action có Might and Magic 2, Hero Lore, Unreal Tournament. RPG có Elven Quest, Quest for Alliance. Simulation có Deep, Zoo Tycoon, Strategy có series Townmens, Age of Hero, Revival, The Settlers, Ancient Empire. Đua xe có gì ai cũng biết rồi Asphalt. Thậm chí máy cũng đủ mạnh để chơi một số giả lập của Gameboy, Nes nữa nhưng mà không khuyến khích chơi vì tốc độ rất sida. Chỉ có thể chơi tốt Pokemon Red, Blue, Green, Yellow thời trắng đen thôi. À Zelda trắng đen cũng đáng để xếp vô danh sách game đáng chơi nốt.

Nokia 5300 sau một thời gian sử dụng vì mình bấm quá nhiều, bấm khi cả sạc thành ra bị chai pin rồi cũng bị lạc mất trong một buổi học văn hóa ngoài giờ :)) (hồi đó học cực lắm, học nguyên ngày ở trường rồi còn vác xác lên trung tâm ngồi nghe tụng tâm trí đâu nữa. May là có dế Nokia khuây khỏa lúc rảnh khi về nhà). Thế là phụ huynh quyết định không mua nữa, ông anh thấy tội quá nên tặng cho con Motorola cũ kỹ ngày trước. Và tới đây là một giai đoạn khác của vọc vạch game J2ME. Như đã đề cập bên trên, Motorola V3 có kích cỡ khung hình 176×220, đây là chuẩn khung hình hiếm không phổ biến như 128×160 hay 240×320 như của Samsung, Nokia. Một số dòng của Blackberry, Sony Ericson và của Motorola thì lại xuất hiện. Thành ra ngoài mặt trận Mobiles24.com mình buộc lòng phải tìm kiếm thêm nơi khác để đào. Và thế là tìm đến được trang wapsite nổi tiếng của Ấn Độ Peperonity.com. Trang này phải nói là tuyệt vời bởi vì nội dung rất đa dạng. Nó không chỉ là trang cho tải game mà còn là nơi kết giao bạn bè như mạng xã hội, cho viết blog, rồi gửi quà v.v… Giai đoạn thịnh vượng, là mỗi ngày có một game mới được resize lại từ các chuẩn màn hình Nokia. Mình thích nhất ở trang này là họ có rất nhiều tùy chọn bất kể sử dụng màn hình nào, hãng nào, ngôn ngữ nào (họ dịch sang ngôn ngữ khác luôn). Đặc biệt nhất là màn comment yêu cầu những game nào muốn resize sẽ được giải quyết sớm nhất có thể. Đó là ký ức đẹp. Bây giờ thì nó quá nát rồi. Là nơi chuyên gạ ch*ch từ các thanh niên Ấn Độ. Bữa mới vào xem thì còn bị gạ nữa nè, may là mình chat I’m Man motherfu*ker các kiểu mà chúng nó vẫn kêu show show :(. Nói chung là source trên đó vẫn còn, anh em nào muốn lên tải thì vô tư. Một số link thì có thể chết rồi thì chúc may mắn thôi. Muốn tìm cứ gõ từ khóa: “<tên game> +  <size_màn_hình> + peperonity.com” là được.

Giai đoạn sử dụng V3 thì mình chẳng có tải game nhiều, cơ bản là do V3 không có hỗ trợ thẻ nhớ, V3i thì lại có (feelsbadman). Thành ra mình phải dùng tool hạ chất lượng nhạc chuông lại để có thể chứa được nhiều game hơn. Mà cái khó ló cái khôn anh em à, trong lúc loay hoay với đống nhạc chuông đơn âm chết tiệt mình lại tìm ra thánh đường nhạc chuông về game: http://www.midishrine.com dẫu biết cũng chỉ là đơn âm nhưng có phải là nó đỡ hơn nghe lý cây bông đơn âm không? Haha. Với kích cỡ vài chục KB thì quá dễ dàng bổ sung vào danh sách nhạc chuông tin nhắn rồi. Còn nói về game java trên V3, game đỉnh nhất là Ancient Empires 2 không thể chơi được nhưng bù lại mình khám phá ra tựa game đỉnh cao khác là Prehistoric Tribes mà dân Việt hay gọi là Bộ Lạc Thời Tiền Sử ấy. Ngoài ra, game trên V3 mình thường trực nhất là Townmens với Revival. Tụi nó có tính thử thách cao nên chiếm thời gian kha khá mình rất thích. Thường khi hoàn thành game quá ngắn sẽ rất hụt hẫng. Bởi vậy trên V3 game action mình chuộng nhất là Deep, một game lai giữa mô phỏng, nhập vai và bắn tàu rất thú vị.


Thời điểm tồi tệ nhất của hành trình chơi game mobile phải nói đến lúc cuối cấp 3, dĩ nhiên thành tích học tập bết bát đã bị phụ huynh để mắt đến. Mình đã bị tước đi toàn bộ vũ khí trong tay không còn gì cả. Đến nỗi không được chơi gì cũng chỉ được cấp đúng tiền cho một dĩa cơm và 2 lượt gửi xe. Quá khốn đốn, mình chỉ biết giải trí bằng việc trở lại thiết kế boardgame trên giấy ngày xưa (không còn gì để chơi thì chơi tiếp trong não :)) ). Tầm 3 tháng trước khi thi vì thấy tội quá nên ba mẹ cho xài con Samsung C240 max sida. Cấu hình rởm lại còn có khung hình 120×120 đúng bó tay. Thật may mắn là anh em gấu Nga trên Wapday.com đã cứu rỗi với quả resize đầy chất lượng với game Real Tournament. Thế là ngoài game đánh caro vớ vẩn giờ có thêm sự lựa chọn game hành động chất lượng :)). Do khung hình quá nhỏ lại không có game nào chất lượng mình lại chỉ biết lang thang trên các wapsite tìm hứng thú khác. Thế là từ đây lại tìm ra một thể loại game khác nữa gọi là Wapgame. Nó cũng giống như webgame vậy, có những chỉ số rồi có đồng hồ đếm thời gian sự kiện các kiểu. Thể loại này cũng có nhiều sự lựa chọn trong đó nổi nhất là GTA Wapgame. Sau mấy ông Việt xin source về chế lại một số game tương tự cũng lấy đề tài xã hội đen. Mình thì không hứng thú với GTA nên cũng không tham gia, duy chỉ quan tâm đến cái gọi là Gothic-world.mobi. Ở đây mô tả khá chính xác những quái vật bên trong Game Gothic trên PC. Thời đó mình có chơi Gothic nên hiển nhiên thấy có Wapgame này là quất liền. Cũng có lập clan riêng để cày. Tiếc là một thời gian sau tay tác giả bỏ game. Nghĩ lại tiếc hùi hụi vì chưa xin được source :(.

Hành trình chơi game trên điện thoại khởi sắc vào năm đầu tiên của đại học. Mình được chọn lựa một chú dế mới và mình quyết định chọn Blackberry 8520 với mã hiệu 8520 như đánh dấu một bước đi mới :)). Không ngờ RIM OS khá khó chịu trong giai đoạn mới làm quen. Các tính năng quen thuộc của Symbian không hề có trong Blackberry, đổi lại RIM OS cung cấp các phương thức truyền tin, soạn thảo với bộ bàn phím chất lượng không thể tin nổi. Nói thiệt nếu Blackberry chạy Android mà trên mấy con có phím giá mắc xíu thì cũng mua. Đúng là bàn phím ma thuật! Trở lại với vấn đề game trên Blackberry. Đơn giản là BB cũng cho phép chạy Java nhưng khổ cái là bộ phím QWERTY của BB khác xa hệ thống phím truyền thống của điện thoại thông thường. Mình đành phải tìm kiếm trên các website. Nhưng lại khó khăn hơn vì peperonity làm gì có hỗ trợ Blackberry? Thật may là Việt Nam lại có diễn đàn bá đạo hơn nữa đó là chuyên trang Tinh Tế. Nói không ngoa, Tinhte.vn là nơi hội tụ dân chơi BB mạnh nhất ở VN rồi. Nếu như nói hàng Apple, Samsung nổi tiếng nhất ở Tinhte thì chỉ đúng ở hiện tại mà thôi vì trước đó Blackberry là box mạnh nhất. Trong đám post về game, mình tìm thấy post của đại hiệp rái cá. Anh này cho ra lò cả bộ sưu tập luôn mới ghê, toàn game ARPG hay thôi. Một số game Tàu còn được hack gold với Việt Hóa luôn. Ổng còn nhận Resize nữa. Mình cũng có tải Hero Lores về chơi một thời gian thấy cũng hơi hao hao chú BB quá đâm ra không ham thể loại ARPG nữa. Thế là chọn lựa game JRPG nhẹ nhàng hơn. Và đó cũng là lúc mình tiếp cận với Final Fantasy 1 phiên bản Java. Đây rõ ràng là phiên bản xịn nhất của tất cả các phiên bản được port lại. Nó kế thừa toàn bộ “chất” của FF1 trên Famicom nhưng lại có đồ họa của GBA. Nếu như là một người từng trải nghiệm đủ các phiên bản FF1, mình đảm bảo các bạn sẽ nhận thấy được sự khác biệt giữa chúng tuy không nhiều. Với mình, việc đánh giá game hay dở phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có tính thử thách (độ khó) của game. À cái này chắc mốt viết riêng một bài phân tích sau.

Nói chung kể từ lúc thương hoa tiếc ngọc em BB 8520 thì ẻm cũng sống lâu với mình hơn so với đàn anh Nokia trước. Đến tận cuối năm 3 đầu năm 4 thì mình mới tự sắm con Xiaomi Redmi Note 2. Giai thoại Android bắt đầu từ đây rồi. Mình cũng có nghe đến vài tựa game chơi trên Android, cũng thử rồi xóa chắc có lẽ do hình thức chơi nó hơi nhàm chán. Một game hành động làm sao cứ chọt chọt rồi quái chết dễ vậy được? Lại còn chiếu quảng cáo vớ vẩn lúc chơi nữa. Rồi thì đến một ngày, mình bắt đầu công việc mới tại một tờ báo chuyên viết về game. Lúc này thì họ hỏi mình chọn viết gì, mình thì mạnh nhất chắc chắn là Dota (Chơi từ thời vnbattle.net, gamevn guide gủng gì cũng kinh qua hết rồi) nhưng lại không muốn viết về nó :)). Mình nghĩ game mobile sẽ có tính thử thách hơn, và thế là đâm đầu vào cái Google Play tải lấy tải đề game về test. Ban đầu thì test mấy game nổi tiếng, sau thì test mấy game lạ vì theo chủ đề mỗi ngày. Mình thì lại thích mấy game lạ hơn thành thử rất nỗ lực truy tìm game lạ và test nó. Một số game rất là ấn tượng về art lẫn về gameplay phải kể đến trước hết là Magink – một sản phẩm theo mình tìm hiểu là đồ án tốt nghiệp của một nhóm sinh viên Trung Quốc. Game thứ hai là Blade of Conquest, nó giống như Mount and Blade vậy, cách chơi khá thú vị. Game thứ ba là Ramble Planet, thực ra mình vẫn không hiểu chính xác game này là như thế nào :)). Mình chỉ tìm hiểu về engine làm ra nó là OHRRPGCE, nó cũng giống RPG Maker nhưng nhẹ hơn nhiều. Bạn nào muốn tham khảo thêm thì click vào đây còn đây là forum chuyên thảo luận của engine này.

[…]

Hề, nói chung là giờ mình vẫn còn lưu lại một số game trong con Xiaomi Redmi Note 2 (Thiệt may là em ấy vẫn còn chứ không chết yểu). Đa phần đều là các game dị biệt, đơn giản là mình thích trải nghiệm những con game lạ lẫm một chút để xem mấy anh dev mong muốn truyền tải điều gì. Còn kêu mình cầm điện thoại chơi Liên Quân hay Vainglory các kiểu thì xin thua :)). Không có ý phê phán gì nhưng thiệt là không hợp gu khó chơi lắm. Cái nữa là mình có sử dụng nhiều hơn danh sách điện thoại trên đây nhưng hầu hết đều không khai thác được tính năng chơi game. Tuy nhiên nếu anh chị em nào muốn muốn đồ cổ loại tốt thì nên chọn BenQ hoặc Sony Ericsson dòng Walkman. Hai hãng này chơi multimedia khá ngon dù chơi game như shit.


Hết rồi!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • Quydon9 - 13.11.2018

    Bạn làm mình nhớ 2 con game AE2 và EoH3 quá! AE2 chơi solo custom vui hết sẩy. EoH3 dẫn t đến vs Heroes 3+5. Ăn ngủ suốt 5 năm Đh


    • Gray Knight - 14.11.2018

      Có những năm tháng khó quên vậy mà :3


  • smiling knight - 21.09.2022

    bạn này viết bài rất không đúng, điện thoại của Sony Ericsson chơi game tốt hơn, nó hỗ trợ nhiều Ram hơn và hỗ trợ đa nhiệm