Câu chuyện về Spec Ops: The Line (P.1)

Khách mới

  

Spec Ops: The Line có lẽ là tựa game tác động lớn nhất với mình lần về mặt chiều sâu thiết kế lẫn cốt truyện. Mình còn nhớ như in cái lần đầu kết thúc trò chơi khi không hiểu chuyện quái gì đang diễn ra vậy. Hai bài viết sau đây sẽ là những nghiên cứu của mình về quá trình phát triển cũng như một chút tản mạn, đánh giá về gameplay và cốt truyện game.

Bắn súng có lẽ là thể loại game kịch tích và dữ dội nhất. Qua hàng ngàn màn đấu súng, hàng vạn kẻ thù được spawn, hàng triệu viên đạn được bắn ra với sự hồi hộp và gay cấn khiến cho bao thế hệ game thủ mê tít. Chúng ta đã quá quen, quá yêu thích cái mô típ người chơi nhập vai trở thành vị anh hùng chống lại cái ác cứu thế giới mà quên đi thực tại, chiến tranh, súng đạn hay chết chóc lại không đơn giản như thế. Đó chính là lúc mà người ta nhắc đến Spec Ops: The Line.

1. Quá trình sản xuất

Có lẽ Walt Williams là một trong những lý do The Line lại nhận được nhiều tình cảm đến như thế

Có lẽ Walt Williams là một trong những lý do The Line lại nhận được nhiều tình cảm đến như thế

Thật ra Spec Ops chính là cả một thương hiệu gắn liền với những năm 90. Đây cũng chính là thời hoàng kim cho gần như cho mọi thể loại game. Nhưng ngoài những Half-Life, Metal Gear Solid hay Thief vẫn còn đình đám cho đến ngày nay thì những thương hiệu như Spec Ops lại bị bỏ lại ở quá khứ. Thậm chí review duy nhất về tựa game đầu tiên của series: Spec ops Rangers lead the way là bởi một youtuber chuyên về những tựa game bị lãng quên. Bốn tựa game tiếp theo cũng không khá khẩm gì hơn khi được xuất bản vào năm 2000 với cái giá cực rẻ và phải làm nền cho Half-Life hay Halo, những game đã làm mưa làm gió trong cộng đồng game thủ cũng như có tác động cực lớn đến ngành công nghiệp game.

Dường như đã nhận thức được mình đang thua cuộc, Take-Two Interactive (giờ đang là chủ sỡ hữu của Rockstar) đã thuê một đội ngũ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này: Barking Dog Studios. Barking Dog Studios có trụ sở tại British Columbia, studio này đã từng phối hợp với Counter-Strike và cũng từng tự mình làm game, trở thành một ứng cử viên sáng giá cho Spec Ops. Barking Dog Studios được đổi tên thành Rockstar Vancouver với mục tiêu là một bom tấn Spec Ops hoàn toàn mới cho hệ máy PlayStation 2. Thông tin chi tiết về tựa game không nhiều ngoại trừ một vài ảnh concept và rằng ban nhạc rock người Mỹ nổi tiếng Queens Of The Stone Age là nhà soạn nhạc chính cho game. Không biết vì lý do từ ban quản lý của công ty mẹ hay vì thiếu vốn mà tựa game đã bị ngừng sản xuất vô thời hạn.

Concept demo của tựa game vào năm 2007

Vấn đề lớn nhất với Rockstar thời điểm đó dường như là cả nhà sản xuất lẫn nhà phát hành đều không biết làm thế nào để định nghĩa một tựa game bắn súng chiến tranh (ngoài việc dĩ nhiên là phải có súng). Không muốn kế hoạch của mình bị chết yểu, Take-Two Interactive lần này kêu gọi các nhà phát triển khác tự đến với mình và nêu ra ý tưởng với hy vọng để hồi sinh dự án đầy tham vọng này. Mãi đến năm 2006, một studio có trụ sở tại Đức tên Yager Development GmbH mới gửi đến một dự án về tựa game hành động đồng đội góc nhìn thứ ba. 2K – công ty con của Take-Two trả lời, yêu cầu Yager làm dựa vào kế hoạch trước đó của Rockstar Vancouver nhưng bị Yager từ chối vì thấy không hợp ý tưởng. Take-Two sau đó mới cho phép Yager một đặc quyền chính là chỉ cần tựa game bắn súng có tên Spec Ops trên đó, thì Yager Development muốn có ý tưởng gì cũng được.

Không cần phải nói, Yager liền chấp nhận thỏa thuận và hai bên bắt tay vào làm. Quá trình sản xuất được chính thức bắt đầu vào năm 2007, thời điểm mà những tự game bắn súng viễn tưởng theo kiểu Halo đang dần lỗi thời và chuyển qua thể loại chiến tranh hiện đại như Battlefield hay Call of Duty. Studio Yager và 2K quyết định mang về Corey Davis làm thiết kế trưởng cùng với Walt Williams và Richard Percy để viết kịch bản. Tựa game lần đầu tiên được ra mắt, quảng bá trước công chúng là vào năm 2009 nhưng không nhận được nhiều sự chú ý cũng như đón nhận vì gameplay và đồ họa không khác tựa game trên thị trường thời đó, cái tên Spec Ops cũng không nhiều người biết đến. Spec Ops: The Line sau đó bị dời đến năm 2011 rồi 2012 khiến cho nó gần như chìm vào quên lãng. Sau ròng rã gần 5 năm giông tố thì tựa game cũng chính thức được phát hành đến tay game thủ trên toàn thế giới (trừ UAE vì cảnh Dubai hoang tàn) vào ngày 26 tháng 6 năm 2012.

2. Gameplay

Nhiều nhà phân tích, đánh giá cho rằng gameplay có nhiều thiếu sót, cơ chế khi bắn súng cũng không có gì đặc biệt, còn nhiều lỗi vặt,… Riêng đồ họa thì tạm ổn, cảnh tượng Dubai bị phá hủy, hoang tàn, tối tăm và khiến cho bạn phải suy ngẫm nhiều điều hơn về vạn vật xung quanh hơn là mải miết kiếm tìm cho được khẩu súng mình thích. Riêng mình, mình cảm thấy gameplay thật sự khá ổn, cơ chế dựa vào môi trường xung quanh để tạo lợi thế cũng khá thú vị, như việc bắn vào cửa sổ để cát đổ xuống tiêu diệt kẻ địch hay việc lưu đạn nổ bay bụi làm mờ mắt. Ngoài ra những việc như có nhiều chế độ bắn súng, đồng đội AI thật sự có thể tự động tiêu diệt quân địch, nhiều thể loại binh lính địch hay việc những yếu tố môi trường như bão cát làm thay đổi gameplay của bạn đã giúp cho màn chơi trôi qua không hề nhàm chán.

Từ chương 1 đến chương 5, quân thù hầu hết đều là cùng một loại với chỗ nấp, bắn là trúng, một vài tên cầm dao lao vào phía người chơi cũng như vài tên vừa chạy vừa bắn. Chương 6 và 7 thật sự là chương khiến cho đạn của bạn lúc nào cũng trong tình trạng thiếu hụt, việc đôi lúc phải xoay xở hay cận chiến khiến cho trải nghiệm của mình dần trở nên kịch tích, căng thẳng. Mọi thứ dần trở nên cao trào từ chương 8 đến 12 và đỉnh điểm là chương 13 khi độ khó của game tăng vọt khiến cho mình không ít lần đập bàn phím vì cay cú.

Gameplay có phần cũ kỹ, thô kệch nhưng cũng khá giải trí

Nhìn chung những kẻ địch dạng thường, dạng mà bạn thường gặp nhất game tương đối củ chuối khi chỉ cần nhắm bắn một viên đạn là bay màu. Về sau, lính có nhiều máu hơn và được trang bị súng hạng nặng, shotgun hay súng ngắm khiến cho lối chơi cũng đa dạng đỡ nhàm chán hơn. Đầu game bạn chỉ cần nấp một chỗ là tiêu diệt được tất cả, về sau việc này cũng khó hơn khi chỗ nấp ít chắn chắn và dễ lộ hơn. Cơ chế nấp bắn khá khó chịu khi đôi khi nhân vật không làm theo ý người chơi, việc trùng giữa nút đánh gần và nút nhảy cũng hay làm mình tức tối. Chiến thuật đấu súng cũng không phải là một điểm sáng của tựa game, khi đồng đội AI đôi lúc cũng bị lỗi, súng trường thì có độ chính xác của một cây súng bắn tỉa, còn shotgun có tầm bắn của một cây SMG.

Sự sáng tạo trong việc thiết kế bối cảnh như chiếc loa phát nhạc thời chiến tranh lạnh hay quan cảnh hoang tàn của Dubai phần nào giúp tựa game trở nên khác biệt. Nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất về Spec Ops: The Line đó chính là câu chuyện mà nó kể.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện