Chương I: Game Online
Con người chúng ta trưởng thành theo năm tháng, mà trưởng thành thì nghe hàn lâm quá, gọi là đổi thay theo năm tháng thì đúng hơn (tốt xấu chưa biết). Nếu như ngày xưa mình đắm chìm trong cơn mơ về dòng game 4-bit đến 16-bit thì ngay khi bước sang tuổi 12 mọi thứ dần sai khác. Theo như thế giới quan của các ngòi bút viết báo giai đoạn nguyên thủy, người chơi game được chia làm ba loại chính:
- Chơi game thật nhiều loại
- Chơi một loại nhưng nhiều giờ
- Loại trung hòa
Về sau khái niệm chơi một loại phát triển rộng lên tầm thi đấu, WCG cũng được coi là biểu tượng duy nhất mà game thủ lấy làm vinh dự khi đám nhóc láng giềng gạ hỏi “Sao anh không đi học?”
Về phần mình, vào giữa năm 11 tuổi mình đã biết tiếp xúc đến những tựa game PC đình đám, combo Warcraft III: Reign of Chaos + Frozen Throne được mình mua không dưới 10 lần để cài. Không hẳn là vì nó quá hay, chỉ là nó cực kỳ phổ biến ở các tiệm net lúc bấy giờ. Mình cũng thay đổi theo thời gian, trước cày retro nhiều, thời điểm 11 – 12 tuổi thì lại điên cuồng đầu tư mua dĩa bất chấp có chơi xong hay không. Và đây cũng là mặt xấu của tệ nạn sao chép đĩa lậu, ta sẽ không thể nào thưởng thức trọn vẹn một tựa game nếu như chi phí chi trả để sở hữu nó quá rẻ.
Lần đầu tiên mình bước vào tiệm net cũng là một khoảnh khắc đáng nhớ. MU Sài Gòn với exp x1, item drop x0.5 là một trong những game cuốn hút đám nghiện lúc đó (xin lỗi nếu có đụng chạm, quang cảnh ở tiệm net khi ấy nó vô cùng nát, mà mình nghĩ hiện trạng cắm đêm ở net cũng không khác là bao, chỉ khác ở chỗ tiệm net nó sang hơn mà thôi). Rồi kỉ niệm nhờ vả người khác tạo dùm email, mấy thằng lõi chơi net cũng đểu, tạo xong nó nhớ dùm pass luôn, mình thì hiền có nghĩ đến chuyện gì nhiều được chơi là mừng rồi. Game online thứ hai mình cảm thấy thích chính là Priston Tale, game cũng không đặc sắc lắm được cái nó có bản đồ, MU chơi mãi chỉ toàn nhớ tọa độ rất nản. Dĩ nhiên một vài tựa game có server “ve chai” mà hot cũng đều được cập nhật ở quán net, mình cũng có thử qua hầu hết và không dừng chân mỗi tựa quá 24 tiếng đồng hồ. Vì mình nhận ra, tiệm net sẽ vui nhất là khi có anh em thân hữu cùng chơi, và các tựa game đó nó không nhất thiết phải tập trung quá nhiều về nhân vật. Từ suy nghĩ đó dẫn đến một thời gian ngắn sau đó mình chọn lựa Rakion, Rune, Dday, Gunbound mỗi khi có dịp hội đủ anh em mà thôi.
Kỉ niệm giao thoa 11 – 12 tuổi có thể nói là đáng nhớ nhất của giai đoạn chơi game, có cái gì đó vẫn còn yêu thích niềm vui mà game offline mang lại, đường truyền ADSL là một thứ xa xỉ khủng khiếp, bất chấp công nghệ phát triển nhưng vẫn không dám đầu tư một đường truyền ADSL tại gia nữa.
Bước sang tuổi 12 thì giai thoại Võ Lâm Truyền Kỳ bắt đầu, nó kéo dài tương đối lâu với mình, vả lại, mình cũng chẳng có thành tựu gì nhiều phần vì không đủ thời gian để đua với hàng trăm nghìn hảo hán (VLTK cũng có lúc đạt 100000 người chơi cùng lúc), phần vì điều kiện không có để tiếp tục lâu dài. Nếu cứ mỗi 50k thì được một tuần chơi liên tục như vậy thì tiêu tốn cả 200k trong một tháng. Con số quá khủng khiếp đối với thằng học sinh cấp 2 ạ. Mà thực tâm nói đến tận giờ mình vẫn thấy nó thú vị hơn các sản phẩm của VNG sau này, có thể nó không hay nhất nhưng nó đã thể hiện được thứ cốt lõi của dòng game online: tính chất cộng đồng. Xét về khía cạnh này và nếu không tính VLTK thì cộng đồng Lineage2.vn mình đánh giá là số một năm 2005 đổ lại. Không quá đông (tầm 500) nhưng cảm giác giống như ai cũng biết mặt nhau từ diễn đàn ra tới đấu trường, rất vui. Có một điều đáng tiếc là mình bỏ qua TS Online, mặc dù nó nổi chả thua gì VLTK cả. Chắc tại nó nhìn bựa bựa cứ nhảy nhót đánh vớ vẩn đâm ra không khoái. Sau này chơi lại chút chút thấy ừ cũng hay, một thời đáng nhớ của tuổi học trò.
Giai đoạn 13 – 15 tuổi mình không đề cập nhiều vì đa phần xoay quanh các tựa game online nổi nhưng không trụ lâu. Đầu lớp 9 mình bắt đầu nghiêm túc với DotA nhưng đó là giai thoại khác, nó không tiện để đưa vào post này vì quá dài.
Chương II: Game Offline
Kể từ giai đoạn chuyển giao công nghệ 11 – 12 tuổi thì thời gian mình dành cho các game offline không còn nhiều như trước nước. Mà nguyên do chính cũng phụ thuộc ở phần cứng con máy PC của mình, số là nó yếu quá, về sau mua được cái card VRAM 32mb thì đỡ hơn chút xíu.
Khởi điểm của chuyện tự mua dĩa là các tựa game tổng hợp. Cụ thể: Gameboy Advance top game. Cũng tương tự như SNES về mặt đồ họa cách chơi. Tính hơn thua theo cảm tính của mình thì SNES ăn ở chỗ đa dạng về nội dung còn GBA thì hỗ trợ đa ngôn ngữ, GBA được biết đến nhiều hơn vì hình thức nén game vào CD 700MB là quá dễ dàng so với cài dĩa mềm năm nào.
Tính chất phổ cập của GBA cũng ảnh hưởng đến cách chọn lựa game trải nghiệm của mình. Mình chỉ để ý đến các tên game nào thú vị một chút, hoặc ít nhất cũng từng nghe đến và hàng xóm chuộng game đó thì chơi. Ký ức về Pokemon Red/Blue/Yellow hay Gold/Silver/Sapphire cũng gọi là có với giang hồ. Vài game để lại ấn tượng tốt như Recca. Đòi hỏi người chơi phải xem truyện mới qua được trận đánh với rồng Kokku, trận đấu xem như thắng khi lượng máu đôi bên tương đương và phải thấp hơn nửa cây, hoặc cả hai cùng tung đòn đồng thời triệt hạ lẫn nhau (cái này mình có test dĩ nhiên khá khó nếu thực sự chơi trên GBA). Mình không đề cập đến FFTA vì chờ đợi một hiệp sĩ nào đó viết về nó.
Giai đoạn tiếp theo là Big Fish game, Flash game, Popcap game… (nói chung là các game mini). Ở đây mình không tìm được game thực sự có chiều sâu về nội dung nữa. Nhưng về mảng giải trí thì rất tốt. Nó tốt đến nỗi người ta bỏ tiền hàng giờ chỉ để chơi Feeding Frenzy trong tiệm net đó các hiệp sĩ à. Đa phần thể loại của dòng game mini dạng này nó xoay quanh giải đố và đi cảnh. Điển hình kể đến như Dynamite (bắn trứng khủng long), Mummy Maze Deluxe (xác ướp cổ đại). Không nhiều lời, chẳng ồn ào nhưng lại gây nghiện. Khuyết điểm lớn nhất là không co-op được. Mà chơi một mình mãi cũng có lúc chán phải không?
À… Biết rõ tính chất cùi bắp của con PC thành ra hễ tìm mua đĩa luôn miệng đọc câu thần chú:
“Chị ơi, có game nào nhẹ nhẹ, hay giống game <từ khóa tên game> không?”
Mình cứ lặp lại gần trăm lần như thế, dĩa hư cũng siêng mang ra đổi vậy mà người ta cũng không mắng nhiếc gì, haiz.
Cũng nhờ câu thần chú đó mà mình biết đến thêm nhiều tựa game thú vị hơn, ngay cả emu Winkawak/Neogeo cũng nhờ hỏi theo từ khóa <giống GBA> mới biết được. Sau giai đoạn mini game thì mình chính thức gia nhập biệt đội săn dĩa PC game. Mình tạm chia thành nhiều nhóm và kể ngắn gọn vài tựa mà bản thân cảm thấy ấn tượng nhất.
RTS: có Red Alert, Dune, War III, Battle Realms, Starwar Galatics Battle War, Cossack, Stronghold, Kuf (story hay cỡ Warcraft), Celtics King, Total War, Kohan, Startrek, Homeworld (cái này bá vãi).
TBS: có K&M, Warlord, Heroes.
4X: CIV, Zues, Ceasar.
Godgame: Sim, Populous (game này bá vãi), Dungeon Keeper.
Action: Rune, Oni, C.S, Chaos Legion, Onimusha, R.E.
S.Action: Hitman. Giai đoạn này chỉ có ba tựa được nhắc đến: Hitman, Metal Gear Solid và Splinter Cell mình quyết định chọn theo đuổi Hitman.
Về mảng RPG phân loại theo xu hướng thì có hai loại chính:
- WRPG: Gothic, Morrowind, Divine Divinity, Baldur Gate.
- JRPG: Hầu như mình không tìm thấy tựa game nào ngoài các Visual Novel? Phần chính hẳn là do tiếng Nhật (giờ thì nhà nhà học tiếng Nhật rồi). Ngoài FF7, FF8 thì không có game nào.
Adventure: mình không chuộng lắm có lẽ nhỏ tuổi không cảm được cái hay của nó. Thể loại này thực sự rất hay vì hầu như mọi câu văn trong game đều phải hiểu để tìm cách giải. Mình chọn Broken Sword vì bà chị đã cày nát game này, có gì “hack” chút cũng được mà haha.
Racing: Dịp để mắt đến thể loại Racing hiện đại trên PC là lúc ông anh nhờ mua dĩa NFS 5: Porsche Unleashed. Ồ well… đua xe với FPS đạt 16 17 gì đấy hẳn là thú vị.