Anime Recommendation: Akame Ga Kill – Cái giá phải trả cho một cuộc cách mạng.

Khách mới

  

Giới thiệu

Con người dường như luôn có những mục tiêu riêng dành cho bản thân, chúng ta luôn tự nhủ rằng mình sẽ cố gắng hết sức vượt qua tất cả những khó khăn gian trở để đạt lấy cái đích cuối cùng. Xong trên thực tế liệu chúng ta có thực sự ý thức được những thách thức phía trước chặng đường mà bản thân phải đương đầu? Qua 24 tập phim, Akame Ga Kill đã xuất sắc đặt ra cho người xem một câu hỏi: Liệu con người sẵn sàng hi sinh đến mức nào để đối lấy được độc lập và tự do?

Tóm tắt thông tin

Tên anime: Akame ga Kill!
Thời gian phát hành: 7/7/2014 – 15/12/2014.
Studio: White Fox.
Số tập: 24.
Thể loại: Hành động, bạo lực, viễn tưởng, siêu nhiên.
Một số anime tương tự: Tokyo Ghoul, Mirai Nikki, Re: Zero, 86.

Sơ lược nội dung

Akame ga Kill! là một bộ anime được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Takahiro. Bộ phim theo chân Tatsumi, một cậu thiếu niên xuất thân từ một ngôi làng nghèo khó tìm đến thủ đô với hi vọng đổi đời và làm giàu cho làng của cậu. Bước chân tới thủ đô, Tatsumi vỡ mộng khi khám phá ra sự tha hóa và suy đồi của con người nơi này. Tầng lớp quý tộc tinh hoa chỉ chăm vơ vét của cải và coi mạng sống của người dân như cỏ rác. Quân đội hay cảnh vệ vốn phải có trách nhiệm bảo vệ dân chúng thì nhắm mắt làm ngơ để mặc những kẻ có địa vị cao thỏa sức hành hạ những người ở dưới. Sau khi chứng kiến những người bạn thời thơ ấu của mình bị hãm hại, Tatsumi quyết định chấp nhận lời mời gia nhập Night Raid, một tổ chức sát thủ được thành lập với mục đích lật đổ chính quyền và đem lại tự do và sự công bằng cho dân chúng.


Cảm nhận cá nhân

1. Akame Ga Kill máu me và tàn bạo hơn những nhiều bộ anime hành động đơn thuần mà bạn đã quen mặt.

Giống như Chain Saw Man hiện tại đang làm mưa làm gió thị trường anime do mang nặng tính bạo lực và máu me, ở thời điểm ra mắt, Akame Ga Kill cũng đã khiến rất nhiều fan trong cộng đồng xem anime phải dậy sóng vì sự tàn nhẫn và khốc liệt của câu chuyện. Trái ngược hẳn so với rất nhiều bộ phim hành động phiêu lưu cùng thời kì, Akame Ga Kill đi thẳng vào vấn đề và xây dựng một thế giới đen tối đầy tàn khốc nơi mà bản thân các nhân vật luôn phải chấp nhận đi giữa làn ranh giới giữa sự sống và cái chết. Không cần những màn giới thiệu nhân vật quá dài dòng hay những câu đối thoại dài lê thê như nhiều bộ anime khác, mỗi tập phim của Akame Ga Kill đều ngập tràn những cảnh hành động chiến đấu mãn nhãn khiến người xem phải sởn gai ốc.

Dẫu cho có cốt truyện nhanh và gần như là đánh nhau liên tục, xong Akame Ga Kill vẫn đảm bảo được yếu tố chiều sâu trong tính cách của các nhân vật trong câu chuyện. Qua mỗi tập phim và từng cảnh chiến đấu, khán giả dần hiểu thêm về nhân vật trên màn ảnh thông qua các hành động hay phong cách của họ trên chiến trường. Thông qua cách các nhân vật tương tác với nhau, ta dần biết thêm được về quá khứ của mỗi người, lí do họ quyết định tham gia vào cuộc cách mạng và chính những câu chuyện ấy đã đem lại sự đa dạng về gam màu cho Akame Ga Kill. Động lực để chúng ta ở đây tuy có khác nhau, xong chúng ta đều có cùng chí hướng, đều nhìn về một phía và sẵn sàng lăn xả, sống chết vì nhau để đạt được một mục tiêu chung.

Một điểm cộng nữa của Akame Ga Kill chính là tốc độ ra đòn trong mỗi trận đánh cũng như sự đa dạng về chủng loại vũ khí trên chiến trường. Nếu như bạn đã có kinh nghiệm xem những anime đánh đấm huyền thoại như Naruto hay Dragon Ball, ắt hẳn các bạn cũng sẽ biết đến những đoạn hội thoại dài lê thê đến phát nản giữa các nhân vật ngay giữa khi chiến trận đang diễn ra. Tệ hơn nữa, đó là những tràng hồi tưởng không có hồi kết về quá khứ của nhân vật mà có thể chiếm tới ba hay bốn tập phim. Kinh điển nhất có lẽ vẫn là “thông não chi thuật” nổi tiếng trong Naruto, khi mà hai bên đang giao chiến thì quyết định dừng lại dùng lí sự của bản thân và rồi trận chiến kết thúc với sự hụt hẫng của người xem.

Akame Ga Kill tuy không hoàn toàn thoát ly khỏi phong cách kể chuyện trên, song những phân cảnh mang tính kể trên được cắt ngắn đi tối đa nhằm tránh việc khán giả bị đứt mạch cảm xúc khi xung đột đang nổ ra. Các phân cảnh đánh nhau thường khá liền mạch, căng thẳng khi mà các nhân vật tập trung vào làm sao để kết liễu được đối phương một cách dứt khoát, hiệu quả nhất thay vì bỗng dưng hồi tưởng lại về quá khứ của bản thân.

2. Vì có cái chết nên cuộc sống của con người mới có ý nghĩa.

Điểm nhấn thứ hai trong cốt truyện của Akame Ga Kill chính là yếu tố đã gắn liền xuyên suốt với cuộc đời mỗi con người kể từ khi được sinh ra: Sự sống và cái chết. Ngay từ những tập đầu của bộ phim, các thành viên trong nhóm Night Raid đều đã ý thức và sẵn sàng đối mặt với sự thật tàn khốc: Công việc họ đang làm có thể khiến họ phải trả giả bằng mạng sống bất cứ lúc nào không hay. Chúng ta thường hay sử dụng phép tưởng tượng: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng tôi còn sống trên đời này thì liệu tôi nên sống thế nào” như một cách khích lệ bản thân cố gắng và không hối tiếc về những hành động của mình. Thông qua mỗi tập phim, ta có thể cảm nhận được phong cách này trong chính những hành động thường ngày của Night Raid. Mỗi người trong nhóm đều tỏ ra vui vẻ, chín chắn và cháy hết mình với đam mê cũng như luôn quan tâm chăm sóc những người đồng đội của mình. Họ ý thức được tình thế “tứ bề thọ địch” mà bản thân phải đương đầu, những khó khăn thử thách khi dám thách thức lại chế độ cầm quyền xong vẫn quả cảm lao mình về phía trước với hi vọng về một tương lai tương sáng hơn.

Thứ duy nhất công bằng dành cho tất cả con người chính là cái chết. Dẫu có chuẩn bị kĩ càng về cả thể chất lẫn tinh thần đi chăng nữa thì khi những cuộc xung đột vũ trang xảy ra ắt sẽ có thương vong. Khi xem Akame Ga Kill, bản thân người viết khuyên khán giả nên có sự chuẩn bị về mặt tâm lý rằng tất cả các nhân vật, cả thiện lẫn ác đều có thể mất mạng. Do tính chất của tổ chức Night Raid là giết chóc và ám sát, các thành viên trong đội luôn phải đặt bản thân vào giữa lòng địch nơi hiểm nguy luôn chập chừng chờ đợi họ. Có thể nói mỗi nhiệm vụ đều là một bản ác tử hình treo lơ lửng trên đầu các thành viên. Sau mỗi lần ám sát thành công thì thử thách kế tiếp lại càng trở nên khó nhằn hơn khi chính quyền ngày càng đề cao cảnh giác và ngày càng thắt chặt an ninh. Kết quả là mỗi mục tiêu trước đã khó thực hiện thì giờ gần như trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Chính cái ranh giới 50/50 giữa sinh và tử là thứ khiến Akame Ga Kill trở nên thu hút người xem. Một lỗi mà nhiều show hành động hay mắc phải chính là việc tác giả tạo ra một vùng quá “an toàn” dành cho phe nhân vật chính. Ắt hẳn chúng ta không còn lạ gì chuyện trong nhiều cảnh đánh đấm người xem đã biết trước kết quả phe chính nghĩa sẽ thắng và an toàn bất kể kẻ địch có làm gì đi chăng nữa. Trong Akame Ga Kill, gần như mỗi thắng lợi dù to lớn hay nhỏ nhoi đều đòi hỏi những cái giá phải trả rất đắt. Liệu bạn có chấp nhận được việc hoàn thành một nhiệm vụ được giao xong đổi lại một đồng đội thân thiết mà bạn đã gắn bó lâu năm phải hi sinh? Liệu bạn có chấp nhận đánh đổi tính mạng của chính mình cho một cuộc cách mạng mà kết quả sau cùng chưa chắc đã là thắng lợi?

3. Xã hội đa số không có ai tốt hẳn, cũng gần như chẳng có ai là người xấu hoàn toàn và đôi khi nó thực sự bất công với tất cả chúng ta.

Khi lớn lên ta dần ý thức được xã hội mà bản thân đang sống không hoàn toàn chia ra trắng và đen mà thường sẽ khoác lên một gam màu xám xịt. Con người không có ai hoàn toàn tốt cũng như hoàn toàn xấu trong những hành động của mình. Triết lý này trở thành một định luật bất thành văn trong Akame Ga Kill. Ngoài sự xuất hiện của phe chính diện, tác giả của còn dành rất nhiều thời gian để xây dựng tính cách và chiều sâu cho các nhân vật phản diện làm việc cho chính quyền thủ đô. Trái ngược với một Night Raid luôn hoàn động lén lút ngoài vòng pháp luật là Jaegers: Một tổ chức cảnh sát bảo vệ sự an toàn cho các lãnh đạo cấp cao cũng như giữ gìn an ninh hòa bình cho thành phố. Người xem không khó để nhận ra Jaegers gần như là một phiên bản đối lập hoàn toàn với Night Raid, gần như tồn tại như một phép phản chiếu cho câu hỏi: Nếu các thành viên Night Raid không quyết định đứng lên đấu tranh thì cuộc sống của họ sẽ ra sao.

Hầu hết các thành viên trong Jaegers đều không hoàn toàn xấu xa, họ vì những lí do khác nhau như miếng cơm manh áo hay tình yêu với quê hương mà tham gia vào chiến trường. Nhiều người trong số họ hiểu được mặt tối của tầng lớp thượng lưu, song họ cố gắng thay đổi bộ máy từ bên trong nhiều hơn thay vì lựa chọn giết đi chính những người cùng sắc tộc với mình như Night Raid. Akame Ga Kill đã khắc họa rõ nét nhất nguyên do chính dẫn đến những bất hòa trong xã hội: Chúng ta đều bắt đầu với những mục tiêu lý tưởng cao đẹp, chỉ là đôi lúc những mục tiêu ấy mâu thuẫn với góc nhìn của người khác về cuộc sống mà thôi. Cá nhân người viết tin rằng sự xuất hiện của Jaegers thực sự đã đưa Akame Ga Kill lên một tầm cao mới, giống như Batman cần một Joker để hoàn thiện mình, sự đối đầu giữa hai tổ chức như hai thái cực âm và dương bổ khuyết cho nhau dẫn đến một cốt truyện vừa giật gân vừa có tính chiều sâu trong cách kể.

Ai cũng có giấc mơ, ai cũng có thể sở hữu trí tưởng tượng bay bổng, song liệu có bao nhiêu người có thể hiện thực hóa tầm nhìn của bản thân? Cốt truyện của Akame Ga Kill công bằng đến một cách tàn nhẫn. Bạn có thể sống liêm khiết cả đời, luôn giúp đỡ hết lòng vì người khác? Sinh mạng của bạn vẫn hoàn toàn có thể bị tước đi theo những cách tàn khốc nhất. Bạn là một kẻ sống tham lam, sẵn sàng dẫm đạp lên muôn loài vì mục đích làm giàu cho bản thân? Cái chết vẫn sẽ chập chờ bạn bất kể tài sản của bạn có đồ sộ đến đâu.

Chính cái cảm giác đặt sinh mạng mình trên dây làm cho ta trân trọng hơn cuộc sống mà mình đang có. Tất cả các giá trị như đạo đức, triết lý, niềm tin đều bị gạt sang một bên khi mà giờ sống sót trở thành mục tiêu duy nhất. Bộ phim cho ta một cảm giác uất ức, khó thở với hiện tại rằng không phải cứ sống lương thiện là đời sẽ tốt hơn những kẻ tham lam. Sau cùng, có lẽ tác giả muốn gửi gắm thông điệp rằng bất kể bạn có đang làm gì với cuộc đời bản thân mình đi chăng nữa thì hãy cứ cháy hết mình và trân trọng từng khoảnh khắc bạn được ban cho trên thế giới này.


Tổng kết

Điểm cộng:

Những người lồng tiếng làm rất tốt công việc: Một trong những yếu tố dẫn đến thành công của bộ phim chính là khả năng bộc lộ cảm xúc của các diễn viên lồng tiếng. Có cảm giác như các nghệ sĩ thực sự nhập tâm vào vai diễn, góp phần thổi hồn và thể hiện cá tính của nhân vật đến với khán giả.

Cảnh chiến đấu mã nhãn, thực tế: Các phân cảnh hành động diễn ra với tiết tấu nhanh, liền mạch, animation tuy chưa đạt đến tầm xuất sắc nhưng có đủ sự tỉ mỉ sẽ khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình mỗi khi những phân cảnh chiến đấu xảy ra.

Tạo hình nhân vật bắt mắt, tính cách bù trừ cho nhau: Một nhân vật trong Akame Ga Kill đều mang trong mình một “Teigu”: Một cổ vật có khả năng cung cấp cho người sử dụng một siêu năng lực đa dạng từ khả năng đọc được suy nghĩ người khác cho đến điều khiển băng giá theo ý muốn của bản thân. Sự phong phú về phong cách chiến đấu mang lại sự khó đoán trên chiến trường khi mà các nhân vật phải tận dụng tối đa vũ khí của bản thân cũng như tìm cách khắc chế khả năng đặc biệt của đối thủ.

Điểm trừ:

Đôi lúc lạm dụng giết chóc và máu me: Nổi tiếng với sự tàn khốc song cũng có một số thởi điểm Akame Ga Kill có hơi đi quá đà trong công cuộc sát phạt. Với phương châm gần như tập phim nào cũng có người hi sinh, đôi lúc những cái chết của các nhân vật có phần hơi gượng ép và có phần quá “nhiều” và có thể làm khiến một số khán giả bội thực với các phân cảnh giết chóc.

Kết

Nếu bạn muốn một bộ anime hành động mang tiết tấu nhanh, một làn gió mới sau khi xem qua những bộ anime chiến đấu kinh điển thì Akame Ga Kill hoàn toàn có thể là một lựa chọn bạn có thể thử qua. 24 tập phim cũng không phải là quá dài cho một hành trình đi tìm lý tưởng, tự do và bình đẳng nơi các nhân vật dùng lưỡi kiếm, ngọn lao để diễn tả những khát vọng sống và giấc mơ của chính mình.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện