[Anime Review]: Fate/Apocrypha – Ổn, nhưng không phát huy được hết tiềm năng

Khách mới

  

Lưu ý: Bài viết sẽ sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành dành riêng cho Fate franchise, người viết khuyến khích bạn đọc nên ít nhất xem qua một vài phiên bản Fate trước khi đến với nội dung của Apocrypha. 

Giới thiệu: 

Hè 2017 không phải là một khoảng thời gian quá sôi động dành cho các fan của anime. Ngoài những tác phẩm vốn đã nổi tiếng nhờ chuyển thể từ light novel hay truyện tranh như Kakegurui, Made in Abyss hay Classroom of the Elites thì đa số các tác phẩm khác đều không quá nổi bật. Chính vì lẽ đó mà rất nhiều khản giả đã dự đoán rằng Fate/Apocrypha, được chống lưng bởi ông lớn A – 1 Pictures, cùng với một dàn nhân vật hùng hậu sẽ càn quét các bảng xếp hạng và độc chiếm vị trí anime của mùa. Song, dẫu có cho mình một dàn diễn viên đông đảo và tên tuổi (số lượng servant cũng như diễn viên lồng tiếng trong phim nhiều gấp đôi hai người tiền nhiệm Fate/Zero và Fate/Stay Night: Unlimited Blade Works), một lượng fan hùng hậu có sẵn nhờ tiếng tăm của Fate franchise và được cả Netflix tài trợ thì 6 năm sau không có nhiều người còn nhắc đến bộ phim này. Vậy lí do là gì? Tại sao với một xuất phát điểm ổn như vậy mà Apocrypha lại rơi vào cảnh “bị lãng quên”? 

Tóm tắt thông tin:

Tên anime: Fate/Apocrypha.
Thời gian phát hành: 2/7/2017 – 31/12/2017.
Studio: A – 1 Pictures.
Số tập: 25
Thể loại: Hành động, phiêu lưu, khám phá, siêu năng lực.
Một số anime tương tự: Akame Ga Kill!, Re: Creators, Fate/Zero, Fate/Stay Night: Unlimited Blade Works.

Sơ lược nội dung:

Câu chuyện của Fate/Apocrypha tập trung vào cuộc xung đột giữa hai phe “Đỏ” và “Đen” nhằm đoạt được Holy Grail có thể ban cho chủ sở hữu một điều ước nhất định. Khác với những series Fate trước đó chỉ gói gọn xung đột giữa 7 Servants, Apocrypha biến công cuộc tranh giành “Chén Thánh” thành một cuộc chiến đúng nghĩa. Cả hai phe “Đỏ” và “Đen” đều có khả năng triệu hồi servant là những anh hùng đã từng tồn tại trong quá khứ. Với tổng cộng 15 servants tất cả, bộ phim hứa hẹn một cuộc xung đột lớn chưa từng thấy khi mà ai cũng có mục tiêu riêng khi tranh đấu để đoạt lấy Chén Thánh cho bản thân mình.

Cảm nhận cá nhân:

1. Đầu voi… đuôi chuột:

Đây có lẽ là điểm yếu lớn nhất của Apocrypha, điều khiến rất nhiều khán giả phải ngán ngẩm, đặc biệt là nửa sau của series. Nếu có thể dùng một bức tranh để tóm tắt nội dung của bộ phim thì bạn đọc có thể liên hệ tới cái meme về bức tranh con ngựa mà mọi người vẫn truyền tay nhau trên mạng xã hội. Xuyên suốt 25 tập phim, Apocrypha cực kì thiếu ổn định về mặt cốt truyện cũng như animation. Có những tập phim mà khán giả sẽ phải trầm trồ về sự lung linh, tỉ mỉ và chi tiết trong từng nét hoạt họa và từng key animation; song cũng có những tập phim (phần lớn là giai đoạn cuối của series) mà animation được vẽ trông rất… đối phó, tuy xét theo tiêu chuẩn chung thì cũng không hề tệ, nhưngong không thể nào so sánh về mặt chất lượng với những tập phim trước đó.

Nhịp độ của bộ phim cũng là một vấn đề, có những tập phim mà đạo diễn ưu ái để cho các nhân vật ngồi xuống thư giãn cùng nhau và không có chuyện gì xảy ra, song đổi lại cũng có những khoảnh khắc mà người xem bị nhồi thông tin quá đà cũng như cảnh chiến đấu diễn ra quá nhanh và hời hợt. Sự kiện mà series hứa hẹn nhiều nhất, sự xung đột giữa hai phe “Đỏ” và “Đen”, chỉ thực sự bắt đầu từ tập 8 và cũng kết thúc rất chóng vánh ngay sau đó. Người xem cũng không thực sự được chứng kiến hai phe dốc toàn lực chiến đấu khi mà lực lượng của cả hai sẽ luôn bị sứt mẻ vì một yếu tố khách quan nào đó. Chính sự thiếu ổn định trong nhịp độ là điểm khiến nhiều fan cảm thấy thất vọng về bản chuyển thể của Aporcrypha, đặc biệt khi mà nguyên tác chính của câu truyện (Light Novel) hoàn toàn không gặp vấn đề gì trong cách diễn giải nội dung.

2. Phân chia không đồng đều về mặt sức mạnh

Thực tế thì đây không phải là vấn đề quá mới và xuất hiện tương đối nhiều trong các anime hành động. Rất nhiều bộ phim cũng gặp trở ngại tương tự khi tác giả giới thiệu một kẻ phản diện hoặc nhân vật mới quá bá đạo so với mặt bằng chung của câu chuyện. Kết quả là khán giả sẽ phải chịu đựng những cảnh chiến đấu rất gượng và nhiều lúc là vô lý. Apocrypha đáng tiếc cũng đã mắc phải sai lầm kể trên. Trong phim, 2 trong số 15 servants được triệu hồi là Achilles và Shakespeare. Cả hai đều rất nổi tiếng và là cá nhân kiệt xuất trong lĩnh vực của riêng mình. Song nếu đặt Achilles, một trong những anh hùng xuất chúng nhất thần thoại Hy Lạp lên bàn cân về khả năng chiến đấu thì rõ ràng Shakespeare gần như hoàn toàn không có cơ hội giành chiến thắng. Chính vì những kèo không đối xứng như thế mà bộ phim phải sáng tạo ra những tình huống trời ơi đất hỡi để cân bằng lại năng lực của các nhân vật. Một phương pháp khác mà câu chuyện dựa vào chính là khả năng sống dai đến khó tin của một số nhân vật. Đa số các giao tranh trong Apocrphya đều rất khốc liệt và đặt các servant vào thế một mất một còn, song một vài nhân vật cảm giác như luôn được hỗ trợ “bất tử hộ thân”, họ sẽ luôn sống sót bất kể khả năng đơn giản bởi vai trò của họ vẫn cần thiết ở trong cốt truyện.

Một yếu tố vừa là điểm mạnh song cũng là điểm yếu của series chính là dàn nhân vật đồ sộ. Sở hữu dàn sao đúng nghĩa ở cả trong phim lẫn ngoài đời, Apocrypha dường như gặp khó khăn trong việc khai thác hết trần tiềm năng của dàn nhân lực có trong tay mình. Bộ phim có nỗ lực xây dựng cá tính riêng cho từng nhân vật một bằng cách dành ít nhiều những khoảng thời gian riêng cho từng cá nhân để họ dần bộc lộ được cá tính. Song với một câu truyện mà trên danh nghĩa là có hơn 10 nhân vật chính thì việc xây dựng chiều sâu tính cách cho tất cả gần như là không thể. Thế là thành ra bộ phim có rất nhiều nhân vật mang hơi hướng “nửa vời”, bảo là không được đầu tư thì cũng không hẳn, song lại thiếu đi chiều sâu cần thiết để khán giả có thể đồng cảm được với họ.

3. Sai lầm trong cách đặt trọng tâm câu chuyện

Yếu tố cuối cùng mà có lẽ cũng là quan trọng nhất dẫn đến chuyện Apocrypha phải nhận nhiều gạch đá từ người hâm mộ chính là cách câu chuyện xây dựng nhân vật chính. Sở hữu một dàn sao tập hợp các anh hùng đã làm nên huyền thoại trong lịch sử, song trọng tâm chính của Apocrypha lại là… Sieg, một homuculus (người nhân tạo) được nhân giống hàng loạt với mục đích phục vụ cho chiến tranh. Động lực của Sieg trong câu chuyện cũng rất mập mờ, do cấu tạo cơ thể nên các homuculus không thể tồn tại quá lâu và thường mục đích chính của họ là được huấn luyện để hi sinh trên chiến trường. Sieg, bằng những plot armor rất khó tin, dần dần được ban sức mạnh để có được năng lực ngang với các anh hùng trong sử thi và sử dụng khả năng đấy để đi tìm ý nghĩa về cuộc đời cho bản thân mình. Ngay cả khi phải đối mặt với phản diện chính của phim, Sieg cũng chỉ đơn giản muốn ngăn chặn phản diện vì người đó “xấu” chứ cũng không hề đưa ra được một lý tưởng cụ thể nào cho cá nhân mình.

Thực ra nếu xét trên giấy tờ thì ý tưởng về một cá nhân đi tìm ý nghĩa cuộc đời cũng không đến nỗi tệ, đặc biệt nếu ta khai thác tính triết học của bộ phim. Tuy nhiên, nếu đặt động lực của Sieg lên bàn cân cùng với những servant khác, những anh hùng trong những lịch sử vốn đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại và có mong muốn của riêng mình một cách rõ ràng, chứng kiến giấc mơ và ước muốn của họ bị gạt sang một phía để phục vụ cho sự mập mờ trong ý thức của Sieg rõ ràng đã khiến fan không hài lòng. Nói đơn giản hơn thì Apocrypha có rất nhiều lựa chọn trong phương hướng để triển khai cốt truyện và ma xui quỷ khiến thế nào họ lại chọn vào phương án tệ nhất có thể, và kết cục là sự thất vọng toàn tập đến từ người hâm mộ.

Tổng kết:

Điểm cộng:

1. Bài viết đa số toàn chê bai là thế, song hoàn toàn không thể phủ nhận việc Apocrypha đã chuẩn bị quá tốt trong khâu nhân sự. Bộ phim có sự tham gia của một loạt voice actor hạng A như Sakamoto Maaya (lồng tiếng cho Haruko – Slam Dunk, Mari – Evangelion), Sawashiro Miyuki (Shino – SAO, Shion – Psycho Pass) hay Hayami Saori (Yoru – Spy x Family, Shinobu – Demon Slayer), cùng với đó là những anh hùng vốn đã trở thành huyền thoại trong sử thi của loài người như Achilles, Chiron hay Karna khiến cho câu chuyện rất dễ thu hút với người xem.

2. Cảnh chiến đấu và âm nhạc tương đối chất lượng: Dẫu cho thiếu ổn định và nhịp phim có vấn đề, song trong những khoảnh khắc được đầu tư tỉ mỉ thì những phân cảnh trong Aporcypha hoàn toàn có thể sánh ngang với những màn hành động của Ufotable. Âm nhạc cũng là một điểm cộng của phim khi mà cả EGOIST, Lisa cũng như ASCA đều thể hiện rõ tại sao họ là những cái tên sừng sỏ trong giới J – Pop hiện đại.

3. Khả năng xây dựng thế giới, bố cục hấp dẫn: Dẫu cho không thể khám phá hết trần tiềm năng của bản thân nhưng Aporcypha đã vẽ ra một thế giới giả tưởng cực kì phong phú nơi các nền văn hóa trong lịch sử có thể giao thoa với nhau. Khán giả được giới thiệu đến đất nước Romania, một địa điểm hoàn toàn mới lạ chưa hề được khai thác trong anime, nơi mà những nét cổ kính trong kiến trúc của Châu Âu vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Điểm trừ

1. Vì trần tiềm năng quá lớn đến độ gần như không bao giờ có thể vươn tới được: Những lí do thì người viết cũng đã nêu ở trên, song tựu trung thì Aporcypha đã vẽ ra một thế giới hứa hẹn quá nhiều mà gần như không có cách nào có thể đáp ứng được. Ngay cả khi bộ anime đã kết thúc thì người viết cảm giác bộ phim mới chỉ khai thác được tầm 70% những tài nguyên mình sở hữu.

2. Thiếu ổn định trong nhiều mặt (cách kể chuyện, mạch truyện, nội dung): Chính vì bộ phim đôi lúc cho người xem thấy nếu được đầu tư tử tế kĩ lưỡng thì chất lượng sản phẩm hoàn toàn có thể tốt hơn nên độc giả mới thất vọng. Nếu như tác phẩm đã xuề xòa từ đầu thì không nói, điều đáng tiếc đến từ chính việc ta đã phần nào chứng kiến phiên bản tốt nhất của Apocrypha, dẫn đến nhiều tiếng thở dài cho một tiềm năng không bao giờ được khai phá hết.


Kết:

Giới chuyên môn và người hâm mộ sau cùng vẫn đánh giá Apocrypha là một bộ anime “ổn”, dẫu đem lại nhiều tiếc nuối song cũng có những khoảnh khắc đủ để lay động người xem. Đa số đều nhìn lại Apocrypha với một ánh mắt tiếc nuối với những câu từ kiểu “giá như”. Cá nhân người viết cũng đánh giá đây là một tác phẩm xem được, đủ đạt điểm 7/10 dẫu cho bộ phim hoàn toàn có thể đạt được nhiều thành công hơn thế.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện