Game Dev Tycoon – Trải nghiệm cảm giác làm ra game như thế nào

Khách quen

  

Nhà sản xuất: Greenheart Games

Ngày sản xuất: 10/12/2012

Hệ máy: Windows, Linux, IOS, Android

Game Dev Tycoon là tựa game thuộc thể loại mô phỏng, quản lí, Sandbox khá là hấp dẫn. Nội dung chính của game là đóng vai một người làm game và tạo ra tựa game của riêng mình, game còn miêu tả lại lịch sử ngành game diễn ra thế nào, khởi đầu là lúc ngành công nghiệp game chỉ mới bắt đầu được khai sinh ra, lúc mà những cỗ máy PC còn sử dụng màn hình thùng với tên gọi dân gian là “màn hình mõm chó” và cỗ máy 4 nút được tạo ra.

Mở đầu game thì mình chỉ là người duy nhất trong team để tạo ra tựa game của mình, tự thành lập nên công ty game để làm game. Công nghệ đầu tiên làm ra game cũng rất là đơn giản, khi mà khởi đầu chỉ có 2 lựa chọn về đồ họa lúc đó là Text Based và 2D.

Gameplay chính vẫn là tự chế game của mình, nhưng nó không đơn giản chỉ là vài cái click chuột là xong mà phải biết lựa chọn đúng về sự sắp xếp phân bố tập trung vào các yếu tố xây dựng tựa game như đồ họa, gameplay, âm thanh, cốt truyện,… Bạn phải tập trung đúng vào yếu tố cần thiết khi mà xây dựng nên game, ví dụ như bạn làm một tựa game thể loại đua xe mô phỏng mà lại tập trung hết vào cốt truyện, quest thì chắc chắn cái game này sẽ thất bại và đánh giá thấp ngay.

Một điều mình rất ấn tượng về game là số lượng chủ đề để làm ra game rất là nhiều và cực kì phong phú, hầu như là có toàn bộ toàn bộ chủ đề đã được mang làm game ở ngoài đời (trừ porn với hentai ra).

Game chỉ cho ta 6 thể loại chính để kết hợp với chủ đề để tạo ra game là Action, RPG, Strategy, Simulation, Adventure, Casual. Ban đầu người chơi chỉ có thể chọn một thể loại nhất định để làm game nhưng về sau có thể mở khóa được chức năng chọn 2 thể loại như Action-RPG,…

Ngoài làm ra game, ta còn có thể tự tạo ra engine làm game của riêng mình, càng tạo ra nhiều game để tăng level thì sẽ có thêm các chức năng nâng cấp engine mới, toàn bộ đều được mở khóa bằng Research Point, một loại điểm số mà ta kiếm được thông qua làm game và một số công việc khác.

Theo thời gian thì sẽ có các nền tảng Console khác nhau xuất hiện và game cũng bám sát khá là thực tế khi mà miêu tả đúng vòng đời mà một số loại máy bị “chết yểu” trong thời xưa ngoài đời thật, và cũng có nói luôn về việc Sony và Nintendo định hợp tác với nhau tạo ra Playstation nhưng hủy kèo rồi Sony tự chế ra luôn hay là cỗ máy PS3 hồi mới ra mắt quá đắt đỏ rồi dẫn đến đối thủ Xbox 360 vượt lên trên mình,… và tới bản update bây giờ thì nền tảng máy mới nhất mà game cho ta làm là Nintendo Switch, PS5 và Xbox đời kế tiếp. Tất nhiên để tránh bị bản quyền ghé thăm nên tất cả đều được đổi tên.

Khoảng thời gian đầu thì chúng ta có thể chọn làm game cho nhà làm game lớn như ở ngoài đời là Ubisoft, Square Enix, EA,… Chúng ta có thể kiếm được nhiều fan hâm mộ công ty của mình hơn trong giai đoạn đầu game bằng cách này, vì nếu không đủ fan mà làm các game lớn thì sẽ có doanh thu thấp. Game sẽ yêu cầu ta làm game theo đơn của các nhà thầu lớn chọn cho mình, nhiều lúc nó có mấy lựa chọn rất là vãi đái như game Zombie Casual dành con nít trên PC. Tất nhiên là cái này cũng phải đổi tên luôn vì bản quyền ghé thăm.

Ngoài ra trong game còn có cả sự kiện E3 trong đó, thông thường thì mình nên làm game trong khoảng thời gian này để giúp độ Hype cho game mình được tăng lên để kéo doanh thu lên.

Nếu game của bạn được điểm 9 hay 10 thì coi như là tiền vô như nước ấy, một thận ăn 3 thận. Nếu như game bạn dở, bạn lỗ nhiều tiền thì ngân hàng sẽ cho phép bạn mượn tiền nhưng đến hạn phải trả, không có tiền để trả thì game over.

Về cuối game thì game sẽ cho phép chúng ta làm ra game MMO hay tự tạo ra console của công ty mình, mà tạo game MMO nó cũng mệt lắm khi mà phải duy trì nó liên tục và nó tốn kém tiền cực kì, tương tự với console, muốn cho nó sống lâu thì phải chế thêm nhiều game độc quyền cho nó để kéo doanh thu lên, mà kiểu dáng console của mình thì game tự cho sẵn, 100% là rip-off tạo hình máy của mấy công ty nổi tiếng.


Giai đoạn đầu game nếu như có nhiều tiền để đổi đời thì mình sẽ không còn ở trong cái gara để làm game nữa mà sẽ thuê được văn phòng và thuê nhân viên cho công ty, cơ chế thuê nhân viên cũng chia làm 3 loại, loại 1 là tập trung về chỉ số Technology, loại 2 là cân bằng cả 2, loại 3 là tập trung về chỉ số Design. Tùy theo mức tiền mình bỏ ra để tìm người thì sẽ kiếm được những nhân viên có chỉ số cao.

Trải dài trong game thì có một số easter egg va reference khá là hài, nếu như bạn chịu tìm hiểu về thị trường game hay tin tức về game thì cũng nhận ra kha khá. Game vẫn còn nhiều chức năng với nhiều thứ thú vị lắm, nếu bạn chơi thì thấy nó thú vị hơn thay vì ngồi kể ra ở đây.

Game Dev Tycoon cũng là một game giải trí khá tốt mà mình thấy rất thú vị, chơi 3 lần rồi mà vẫn thấy ghiền, dù cho nó không có mô phỏng được hoàn toàn 100% như đời thực nhưng nó vẫn khá là hay đối với một thể loại game như thế này, nếu như bạn nào có thời gian thì cũng nên thử qua.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện