Đánh giá Red Dead Redemption 2

Rockstar Games đã trở lại sau 5 năm kể từ khi ngày ra mắt của Grand Theft Auto V với Red Dead Redemption 2 (RDR2), phần tiếp theo của tựa game bối cảnh cao bồi miền tây từ năm 2010. Kể từ ngày ra mắt, RDR2 đã nhận được vô số những điểm 10/10 từ các trang báo lớn.

Hiện tại đang có tổng điểm là 97 trên Metacritic và có khả năng khá là cao để chiếm lấy danh hiệu GOTY năm nay. Nhưng liệu RDR2 có thật sự xứng đáng với những điểm 10 đó không?

Bắt đầu từ đồ họa. Cũng đã được 2 năm rồi từ ngày Rockstar tung ra teaser trailer cho RDR2, thời gian trôi nhanh quá nhỉ? Ngay từ giây đầu họ cho chúng ta thấy những cánh đồng bát ngát với hiệu ứng ánh sáng rất đẹp mắt, và họ nói rằng tất cả đều là video được quay in-game trên PS4. Ban đầu mình nghĩ là thể nào cũng có downgrade, nhưng khi được tận mắt trải nghiệm thì xin khẳng định là gần như không hề có downgrade gì cả. Tất nhiên là trên con PS4 slim của mình, thi thoảng khung hình sụt khá sâu khi đi vào các thị trấn đông đúc, nhưng có thể nói là RDR2 là một trong những game có đồ họa ấn tượng nhất trong năm nay. Còn chưa kể đến vô số những chi tiết nhỏ nhặt mà R* đã cho vào trong game để tạo nên một thế giới sống động và chân thực hết mức có thể làm, ví dụ như là dái ngựa sẽ teo lại khi trong thời tiết lạnh, xác người/động vật sẽ phân hủy sau một thời gian,… cùng vô số điều khác mà trong suốt quá trình chơi chưa chắc tôi đã chứng kiến hết.

Hệ thống animation cũng rất chi tiết, thể hiện rõ trong các đoạn cutscene và kể cả trong gameplay, rất ấn tượng với một tựa game có quy mô lớn như là RDR2 đây. Trước ngày ra mắt game, đã có rất nhiều bài báo lớn phản ánh về vấn đề tiêu cực trong khâu quản lý của R*, nhưng một khi bạn được tận tay trải nghiệm RDR2 rồi thì bạn sẽ biết là những tuần làm việc quá giờ căng thẳng của các dev R* đã không hề bị phí phạm một giây nào.

Thế còn gameplay thì sao? Nhiều người cứ nói rằng RDR chỉ đơn giản là GTA phiên bản cowboy, nhưng tôi nghĩ đấy là không đúng. Tất nhiên cả hai game đều là thế giới mở, nhưng về các cơ chế thì hầu như tất cả đều khác hẳn so với GTA, cụ thể là so với GTA5, tựa game trước đó gần nhất của R*.

Về các cơ chế của RDR2 thì game gom nhặt khá nhiều từ các game trước đây của R*, cộng thêm một số cơ chế mới mà trước đây R* chưa từng làm. Đầu tiên là hệ thống stat của nhân vật. Arthur (nhân vật chính người chơi điều khiển), ngoài thanh máu, stamina và Dead Eye ra thì còn có hệ thống Honor trước đây đã có ở RDR1: nếu người chơi làm nhiều điều xấu thì Honor sẽ giảm, nhiều điều tốt thì Honor sẽ tăng, đơn giản vậy thôi.

Để tăng thêm phần nhập vai cho game, người chơi sẽ cần phải ăn ngủ đúng giờ; ví dụ nếu không đi ngủ trong một thời gian dài thì thanh máu và Dead eye của Arthur sẽ luôn ở mức thấp (cơ chế này được nhặt về từ Bully, khác ở chỗ là Arthur không ngất lịm đi luôn mà có thể nốc đồ ăn để cho tỉnh ngủ). Săn thú trong game, tuy chỉ là một side activity mà người chơi có thể tùy ý muốn làm hay không, cũng được làm khá chi tiết. Da của mỗi con thú là phần quan trọng nhất vì bạn có thể lột da chúng để bán lấy tiền và phục vụ crafting, và mỗi con thú đều có chất lượng da nhất định (3 sao là cao nhất). Bạn sẽ cần phải “học” mỗi loại thú để biết xem dùng súng gì và loại đạn gì, bắn vào đâu để có thể có chất lượng da tốt nhất. Săn thú cũng sẽ giúp lấy được luôn thịt của chúng, và bạn có thể nấu lên và ăn, thay vì phải tốn tiền mua đồ ăn hộp trong siêu thị. Thuốc thang cũng có thể được craft từ việc lượm cây cỏ rải rác trong game.

NHƯNG, những cơ chế survival này tôi cảm giác như là R* chỉ làm cho có thôi nhằm tăng độ thú vị cho những ai muốn chơi kiểu “hoang dã” như vậy, tại vì có những nhiệm vụ chính trong campaign sẽ cho bạn rất nhiều tiền, đến nỗi bạn có thể mua sạch cả cửa hàng tạp hóa mà chưa chắc đã hết tiền, kể cả đạn dược, quần áo và các thứ khác. Trong quá trình campaign, Arthur và đồng bọn có một khu trại riêng. Bạn có thể cống tiền cho cả nhóm để nâng cấp các thứ như là chất lượng lều trại, đồ ăn, đạn dược, thuốc thang miễn phí, hoặc đưa da thú cho Mr Pearson để giúp trại thêm đẹp hơn… NHƯNG một lần nữa cái này nó lại không hề được chuyển hóa thành cái gì ý nghĩa về gameplay cả, kể cả việc craft đồ cũng không hề có một cảm giác thay đổi gì quá rõ rệt về character progression. Cái này là một điểm trừ khá đáng tiếc của RDR2 khi mà R* đã mất công tạo nên những hệ thống phức tạp như vậy để rồi không mang lại quá nhiều kết quả cho người chơi, khiến nó trở nên phí phạm. Cái này cũng một phần là do game quá là dễ, lẽ ra R* nên có thêm một độ khó kiểu “Hardcore” hay “Survival” cho người chơi thì chắc chắn sự phí phạm này sẽ được giải quyết ngay.

Hầu hết các game của R* tuy là thế giới mở, nhưng cấu trúc các nhiệm vụ trong game của họ đều bám rất sát theo một đường thẳng mà họ đã lập ra nhằm tạo một cảm giác cinematic hơn. Trong RDR2 đây cũng vậy, bạn chỉ cần chệch ra khỏi đường thẳng đó một chút thôi là cũng sẽ dẫn đến “Mission Failed” ngay lập tức, rất ít không gian cho sự sáng tạo. Kèm theo đó gameplay của hầu hết các nhiệm vụ đều chỉ xoay quanh mỗi nấp rồi thò đầu ra bắn, thi thoảng bật Dead eye lên để cho nó ngầu. Còn chưa nói đến là điều khiển ở trên console rất thiếu chính xác. Mình đã tốn kha khá thời gian điều chỉnh, lên youtube để xem nhưng vẫn không thể nào chữa được lỗi này. Ngắm súng bắn cảm giác rất khó chịu và không được mượt, nên tôi phải dùng auto-aim gần như là hầu hết các cuộc đọ súng, rất thất vọng vì đã có nhiều game góc nhìn thứ ba khác trên console làm điều này tốt hơn nhiều. Thật sự là nếu không có cốt truyện và kịch bản cực tốt của game gánh thì các nhiệm vụ trong RDR2 chắc chắn sẽ rất nhàm chán.

Đọc những lời chỉ trích bên trên thì chắc các bạn nghĩ là game thất vọng lắm nhỉ, nhưng thực sự không hẳn là như vậy. Gameplay của R* có thể còn nhiều lỗi lầm nhưng thế giới mà họ tạo nên vẫn luôn đứng trên các game khác ít nhất một bậc. Nghe có vẻ cliche nhưng mà tôi ko có từ nào khác ngoài “sống động” để miêu tả về thế giới viễn tây của RDR2. Vì game lấy bối cảnh năm 1899 nên tất nhiên không phải chỗ nào cũng là những thành phố đông đúc được, nhưng kể cả những cánh đồng bát ngát hay là những cánh rừng rậm, những khu đầm lầy đi chăng nữa thì cái sự sống động đấy nó vẫn không hề mất đi. Ngoài đồ họa tuyệt vời ra, những con người và cả những con vật đều góp phần tạo ra nên một thế giới rất chân thật mà nhiều game thế giới mở khác chưa đạt đến được. Thi thoảng trên đường đi, các random encounter trong game sẽ xuất hiện. Đó có thể là một tên vượt ngục muốn bạn giúp đỡ, một nhóm trộm muốn trấn lột bạn, hay thậm chí là băng đảng KKK nữa.

Còn có cả các nhiệm vụ Stranger rải rác ở trong game, ở đó có những nhân vật hết sức thú vị và những câu truyện đều được dựng lên với một kịch bản rất hay. Khi được đến với những thị trấn, tuy rằng chỉ có một vài thị trấn có mặt trong game thôi, nhưng mỗi nơi lại có một cái gì đó nó rất khác nhau, cảm giác như là chúng cũng đều là những nhân vật với những cá tính riêng vây. Như là thị trấn đầu tiên mà game giới thiệu cho người chơi, Valentine, với đường xá chỉ toàn bùn là bùn, luộm thuộm. Hay là Saint Denis, “thành phố của tương lai”, với những ống khói đen xì nghi ngút từ những nhà máy, đường xá được lớp gạch đàng hoàng cùng những con người ăn mặc chỉnh tề, giàu có. Thực sự mà nói, nếu bạn bỏ qua phần hành động của RDR2 và coi nó là một sự trải nghiệm, quên đi rằng là bạn đang chơi một trò chơi điện tử, thì chắc chắn RDR2 là một game không thể bỏ qua, không thể.

Như đã nói ở trên, người chơi được vào vai Arthur Morgan, một tay súng kỳ cựu của nhóm cướp Van der Linde. Bối cảnh là vào năm 1899, khi mà vùng đất Mỹ đang tiến đến thời kì chuyển giao, và thời kì của những tên trộm ngoài vòng pháp luật như là Arthur đã sắp kết thúc. Pháp luật đã trở nên chặt chẽ hơn, và họ sẽ không hề khoan nhượng.

Câu chuyện của RDR2 là một câu chuyện về những con người sống ngoài vòng pháp luật, sự đổi thay của thời thế và sự hối cải, giống như tiêu đề của game, “Redemption”. Dutch van der Linde, với tính cách và lý tưởng của một nhà lãnh đạo, đã cùng đồng bọn chinh chiến và cướp bóc trên vùng đất miền Tây hoang dã này biết bao nhiêu năm. Đối với những người trong cuộc, băng đảng này là tất cả những gì họ có, nó như là một gia đình vậy.

Trong quá trình của campaign, người chơi cũng như Arthur được chứng kiến những khúc thăng trầm của băng đảng Van der Linde, được gắn kết với những con người trong nhóm đúng nghĩa là một gia đình thực sự. Và cũng ở mảng này R* đã chứng tỏ rằng họ hoàn toàn có khả năng để tạo nên những nhân vật đáng tin và có chiều sâu như thế nào. Dutch van der Linde, một tên trộm khét tiếng nhưng có tính cách của một nhà lãnh đạo thực thụ, với một lý tưởng khác người. Arthur Morgan, nhân vật chính của game, tuy là một tên trộm không khoan nhượng, lạnh lùng, nhưng luôn quan tâm đến những người thân xung quanh anh. Hay là John Marston và Abigail Roberts, hai nhân vật trở lại từ phần 1, một cặp vợ chồng trẻ với một đứa con, bấu víu lấy nhau để sống dưới danh của những tên trộm… Còn rất nhiều những nhân vật khác trong game đều đáng được nói đến, và chắc chắn rằng sau khi những chapter cuối cùng của game kết thúc và bạn chợt nhân ra rằng diễn biến của RDR1 là như thế nào, bạn sẽ cảm thấy nuối tiếc khi nhận ra rằng những người mà Arthur, John và bạn gọi là gia đình giờ đã không còn nữa, bởi vì thời thế đã thay đổi, xã hội đã không còn chỗ cho những kẻ như họ nữa.

Tuy rằng cốt truyện của game bị ngắt quãng bởi đến 2/3 của chapter 5 là ở trên đảo hoang Guarma gần như rất vô nghĩa, về tổng thể RDR2 vẫn rất thành công khi gây dựng nên một câu truyện rất đặc sắc và đáng để người chơi chú ý, với những nhân vật và những khoảnh khắc hết sức đáng nhớ.

Kết luận

Red Dead Redemption 2 không hẳn là một tựa game 10/10 như nhiều các nhà báo đã nhận xét, khi mà vẫn còn nhiều các khúc mắc không hề nhỏ trong gameplay. Nhưng như tôi đã nói, nếu bạn coi RDR2 nó là một trải nghiệm thay vì là một trò chơi điện tử, thì chắc chắn bạn vẫn khó có thể bỏ qua tựa game này.

Điểm mạnh:


  • Cốt truyện kịch tính, cuốn hút, với nhiều nhân vật hay
  • Đồ họa tuyệt vời
  • Thế giới sống động và chân thực

Điểm yếu:

  • Gameplay còn nhiều khúc mắc khá lớn

3,5/5 – Xém chút nữa là “must buy”.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly