Deadbolt
Có thể nói Deadbolt là một phiên bản khác của Hitman, thậm chí còn khó hơn nữa. Bạn sẽ đóng vai tử thần và lần lượt thanh trừng các hang ổ của quỷ dữ, và đây là thời hiện đại rồi nên bạn sẽ được sử dụng súng ống và các loại vũ khí khác nữa chứ không theo cách truyền thống là cầm lưỡi hái nữa (bạn cũng có thể mở khóa lưỡi hái và sử dụng nếu thích). Nghe qua có vẻ ngầu vì cầm súng các kiểu như gangster, nhưng cái gì cũng có điểm yếu ngay cả thần chết cũng vậy, chỉ cần ăn một phát đạn hay một phát đánh là bạn sẽ chơi lại màn đó. Deadbolt được thiết kế chủ yếu theo phong cách stealth-action chứ không phải rambo, màn chơi và môi trường cũng được thiết kê rất kỹ lưỡng nên không phải bạn cứ đạp cửa xong vào xả đạn là qua màn được đâu, mà phải tính toán kỹ lưỡng ngay từ khi đứng ngoài cửa – xem xét xử ai trước rồi đi đâu và nhiều thứ khác nữa. Ngoài ra điểm nhấn của Deadbolt là nhạc nền rất hay, làm cho mỗi màn chơi không trở nên nhàm chán – đặc biệt khi bạn chế quá nhiều và chơi lại nhiều lần.
Undertale
Undertale là một trong những game nhập vai hiếm hoi không có đánh nhau, mà lại có cốt truyện cảm động và lôi cuốn. Game nói về một đứa trẻ tên là Frisk bị lạc vào thế giới quái vật và đang tìm cách quay về, dọc đường Frisk gặp rất nhiều quái vật và nhiều tình tiết xảy ra mà bạn có thể toàn quyền quyết định, nó cũng ảnh hưởng tới hậu quả sau này. Đây là game duy nhất mà bạn có thể sử dụng lòng tốt bụng và vị tha để chiến thắng quái vật, thay vì cứ phải chơi khô máu với chúng. Và những màn chiến đấu cũng lạ mắt nữa, nó được kết hợp giữa thể loại bullet hell và nhanh tay lẹ mắt chứ không phải chọn kỹ năng rồi chọn mục tiêu để đánh, cũng nhờ vậy mà bạn có thể đối đầu với các loại quái vật mà không làm tổn thương chúng. Undertale có cốt truyện đơn giản, nhưng những tình tiết cực kỳ lôi cuốn và cảm động ngay từ khoảng 30′ chơi đầu tiên, nhân vật được thiết kế rất đặc trưng và có điểm nhấn đến nỗi chơi một lần là sẽ nhớ mãi.
World of Goo
World of Goo tuy đã ra mắt khá lâu, nhưng đây là một trong những tượng đài game giải đố thời đó. Game áp dụng vật lý và những màn chơi được thiết kế độc đáo không đụng hàng, ngay lập tức World of Goo trở thành cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thời kỳ mà Game Indie còn là một cái gì đó nhỏ nhắn và mơ hồ. Trong “thế giới chất nhầy” này, những gì bạn làm là sử dụng những giọt chất nhầy xây thành thứ cần thiết để làm sao đạt được mục đích của màn chơi – ý tưởng giống như Cut the Rope hay Where’s my Water thời nay vậy, nhưng bạn sẽ tự tay xây mọi thứ.
Crypt of the NecroDancer
Lấy ý tưởng từ những game dungeon crawling, nhưng Cryp of the NecroDance lại biến nó thành một…sàn nhảy sôi đông và xóa đi không khí u tối của một hầm ngục đầy quái vật. Ngay cả tên game cũng được chơi chữ và thể hiện rõ gameplay, trong game bạn sẽ điều khiển nhân vật nhảy tới lui theo nhịp điệu, và cũng bằng cách đó bạn sẽ hạ gục các loại quái vật trong hầm ngục từ quái vật chất lỏng cho tới rồng. Và nói tới nhịp điệu thì tất nhiên nhạc trong game rất lôi cuốn và vui tai, những bản nhạc nền sôi động kết hợp với cách chơi theo nhịp điệu đôi lúc sẽ làm bạn quên đi là mình đang chơi một game dungeon crawling. Tất nhiên khi nhắc tới dungeon thì những thứ như item, hay shop là không thể thiếu, gây cấn hơn nữa là game được thiết kế theo hướng roguelike hay nói tóm tắt là chết thì chơi lại từ đầu.
Prison Architect
Khác với The Escapists là bạn sẽ đóng vai tù nhân vượt ngục, còn trong Prison Architect thì bạn sẽ đóng vai quản ngục. Nhiệm vụ của bạn là xây dựng một nhà tù vừa đầy đủ vừa tiện nghi với số tiền vốn có sẵn, vì phải quản lý và xử lý mọi trường hợp xảy ra trong đó. Nghe thì đơn giản nhưng khi chơi bạn sẽ thấy sự phức tạp của công việc, không giống ngồi mát ăn bát vàng chút nào. Bạn sẽ chỉ huy mọi thứ như xây dựng, xử lý tình huống, xét xử và tử hình tù nhân. Khi xét xử và tử hình, bạn cũng được biết thêm qua những đoạn hội thoại kể truyện cùng những hình minh họa, những câu chuyện về tù nhân rất sâu sắc và lôi cuốn tới nỗi bạn sẽ theo dõi từng chi tiết không bỏ qua một chữ.
The Escapists
Một trong những game vượt ngục hay nhất tới giờ, hoặc cũng có thể nói là game duy nhất. The Escapists sẽ đưa bạn vào một thế giới của những bộ phim vượt ngục hay và nổi tiếng như Prison Break và Escape Plan. Vượt ngục không phải là chuyện xảy ra trong một sớm một chiều mà phải trải qua nhiều ngày, thậm chí vài tháng để chuẩn bị và lên kế hoạch. The Escapists cũng mô phỏng độ chi tiết và công phu như vậy, không phải chỉ cần đi tới A lượm B, nói chuyện với C, sau đó đi ra D để thoát mà phải trải qua nhiều chi tiết phức tạp hơn rất nhiều. Ở trong tù là một xã hội thu nhỏ, bạn phải giao du với nhiều người, tìm kiếm sự giúp đỡ cũng như giúp đỡ lại người khác để trao đổi thứ gì đó. Tích góp những vật dụng nhỏ nhặt, bạn sẽ từ từ chế tạo được những thứ hữu dụng hơn phục vụ cho mục đích trốn thoát. Game chỉ cho bạn một màn tutorial đơn giản mà thôi, sau đó chỉ với màn đầu tiên bạn sẽ phải mất mấy tiếng đồng hồ “lạc trôi” trong tù vì không biết mình sẽ làm sao để thoát.
Fran Bow
Fran Bow nằm trong danh sách những game kinh dị không lấy những màn hù dọa làm điểm mạnh, thay vào đó là cốt truyện và tình tiết bí ẩn. Điểm mạnh của Fran Bow là artstyle ấn tượng, toát lên được cảm giác kinh dị và làm người chơi ớn lạnh khi nhìn vào. Ngoài ra với cốt truyện với nhân vật chính là Fran có vấn đề về thần kinh thì không khí trong game càng trở nên độc đáo hơn, mọi thứ trong game đều mang nhiều âm hưởng, có thể vừa u tối vừa đáng sợ – nhưng song song với đó lại cảm thấy trong sáng và đầy hy vọng. Fran Bow theo phong cách point & click giải đố thuần túy, nhưng cốt truyện xuất sắc đã khiến game trở nên nổi tiếng – làm mưa làm gió trên Steam.
Terraria
Một trong những game survival 2D nổi tiếng cùng thời với Minecraft, 2 tựa game này thường đi song song với nhau. Cả hai đều có nét tương đồng là xây dựng – sáng tạo – khám phá – chế tạo và sinh tồn, Terraria thường được mệnh danh là Minecraft 2D nhưng thực chất lại hardcore hơn nhiều. Terraria thiên về khám phá và phiêu lưu trong thế giới 2D rộng lớn, thay vì tập trung vào sáng tạo như Minecraft. Ngoài ra game cũng mang âm hưởng của những game đi cảnh hồi đó, với hệ thống đồ đạc và boss rất hoành tráng, nhìn có thể thấy đơn giản những nhưng màn đánh trùm của Terraria thực chất rất gây cấn và khó nữa.
Starbound
Ra mắt sau Terraria, Starbound lấy ý tưởng táo bạo hơn hẳn. Vẫn giữ khung sườn bao gồm chế tạo – sinh tồn – khám phá nhưng Starbound lấy bối cảnh tương lai và mở rộng thế giới ra hơn nữa. Không chỉ quanh quẩn vài thế giới trong một địa điểm, bạn có thể du hành tới các hành tinh khác để khám phá. Cuộc hành trình trong Starbound rất lý thú mà bạn sẽ tìm thấy nhiều thứ, mỗi hành tinh là một bối cảnh khác, nhiều thứ mới lạ để khám phá, cả nền văn hóa và sinh vật – thực vật đều khác. Chỉ bằng cách nới rộng thế giới ra tới đẳng cấp vũ trụ và hành tinh, Starbound đã nhanh chóng trở thành hậu duệ của Terraria và trở thành một trong những game đáng chơi nhất nếu bạn yêu thích thể loại này, hoặc nếu bạn đã thử chơi qua Terraria thì chắc chắn phải thử Starbound.
Junk Jack
Junk Jack là một phiên bản sinh sau đẻ muôn của 2 game Terraria và Starbound. điểm nhấn của Junk Jack là màu sắc tươi sáng hơn, dễ làm quen và dễ chơi hơn. Junk Jack giảm độ khó của game và kết hợp với màu sắc tươi tắn và tạo hình thân thiện hơn, để những ai cảm thấy Terraria hay Starbound quá phức tạp có thể chơi được. Tuy vậy nhưng thế giới trong Junk Jack cũng rất rộng và có nhiều thứ để khá phá chứ không hẳn là phiên bản đơn giản hóa từ những game đi trước, bạn cũng phải mất khá nhiều thời gian để làm quen và tìm hiểu vì mô tuýp chế tạo – sinh tồn kiểu 2D.