21. Goat Simulator Waste of Space
Đôi lúc những nhà phát triển game chỉ muốn tạo ra một sản phẩm mang tính giải trí cao mà không cần quan tâm tới những thứ khác. Một trong những thứ quan trọng nhất của game đó là cốt truyện, nhưng đôi lúc nó trở nên không cần thiết trong một số game – điển hình đó là Goat Simulator. Nếu ai đã từng nghe qua tựa game này rồi thì trong game, bạn sẽ đóng vai một chú dê đi phá phách – cà khịa với những con người xung quanh. Goat Simulator cũng có nhiều phần, và trong Waste of Space thì bạn sẽ được thỏa sức tung hoành ngoài không gian. Ở ngoài không gian thì thậm chí còn thú vị hơn nhiều, bạn có thể quậy phá trong những trạm không gian, hay điều khiển phi thuyền các loại, nói chung là có rất nhiều thứ để bạn làm để giải trí.
22. LEGO® Star Wars™: The Force Awakens
Lego nổi tiếng với dòng đồ chơi lắp ráp chất lượng, không những vậy mà sau này những tựa game còn được phỏng theo Lego để cho ra những sản phẩm độc đáo – pha trộn giữa đồ chơi và game. Các game Lego đều có chung một khung sườn đó là dựa theo cốt truyện và thêm yếu tố giải đố, trong game bạn sẽ chơi như một game hành động đi cảnh bình thường, xen kẽ vào đó là những màn tìm đường hay giải đố bằng cách lắp ráp những mảnh Lego lại với nhau – đây cũng là điểm đặc trưng ăn khách của dòng game Lego. Như tên game đã nói thì bạn sẽ tham gia vào những cuộc chiến giũa các vì sao, cốt truyện và tình tiết cũng sẽ được bám sát như trong phim nhưng sẽ vui nhộn hơn nhiều vì mọi thứ đều là Lego.
23. ROME: Total War
Dòng game Total War nổi tiếng vì những trận chiến dựa trên lịch sử, nhưng không chỉ là những nhóm nhỏ quân lính tượng trưng đâu. Những trận chiến mà Total War tái hiện lại đều được thể hiện ở quy mô lớn, quân lính không còn tượng trưng nữa mà được thể hiện với số lượng rất lớn – thể hiện được độ chân thật cũng như sự hoành tráng. Với chủ đề Rome, bạn sẽ được chỉ huy – lên kế hoạch cũng như chuẩn bị quân lính cho những cuộc chiến xáp lá cà thời La Mã. Và không chỉ thiên về mặt quân sự đâu, mà bạn phải tận dụng chiến thắng từ sau mỗi cuộc chiến để xây dựng một đế chế mới.
24. Banner Saga 2
Ấn tượng đầu tiên mà bạn có thể thấy đó là đồ hoạ của Banner Saga được thiết kế rất chi tiết và đẹp, khi mới vào game bạn sẽ có cảm giác như đang thưởng thức một bộ phim hoạt hình về Viking vậy. Banner Saga là tựa game nhập vai chiến thuật đi theo lượt nhưng cốt truyện trong game còn hơn như vậy, tình tiết trong game không được thiết kế theo hướng tuyến tính mà bạn sẽ toàn quyền quyết định, mỗi hành động hay lời nói của bạn sẽ ảnh hưởng đến những những tình huống sau này. Ấn tượng thứ 2 mà bạn sẽ bắt gặp khi tham gia vào trận chiến đầu tiên, các cử động của nhân vật rất sống động từ tấn công, trùng đòn hay chết. Tiếp nối phần một, phần hai này sẽ sử dụng những lựa chọn của bạn từ phần một để nối tiếp câu chuyện, vậy là một hành trình Viking nữa lại bắt đầu.
25. Really Bad Chess
Cờ vua trên di động cũng hay là món “nhậu” của nhiều người khi muốn giết thời gian, nhưng đôi lúc sử dụng cờ vua để giải trí thì có hơi nhàm chán một chút. Chính vì vậy mà Really Bad Chess đem tới một ý tưởng hoàn toàn mới, vẫn là cờ vua bình thường nhưng tất cả con cờ sẽ được ngẫu nhiên số lượng. Như vậy thì mỗi màn chơi sẽ là một thử thách thật sự, bạn có thể hên và được nhiều con cờ có lợi, hoặc cũng có thể xui chỉ được những con tốt mà thôi. Để thắng được thì thay vì phụ thuộc vào tài tiên đoán cũng như khôn khéo, thì giờ đây bạn phải kết hợp luôn cả tài xoay xở nữa.
26. RollerCoaster Tycoon® Classic
Xây dựng công viên giải trí là một trong những sở thích cũng như ý tưởng game thú vị nhất. Đó cũng là lí do mà tựa game Roller Coaster Tycoon lại thành công ngay từ phần đầu tiên, phần mà đồ họa còn rất cỗ lỗ sĩ, nhưng từ đó mà game lại ra mắt thêm nhiều phần nữa. Tới nay thì độ hot của game vẫn còn, đặc biệt là khi được lên nền di động, mọi kí ức như ùa về. Cũng giống như tên, RollerCoaster Tycoon Classic vẫn giữ được vẻ cổ điển từ đồ họa đến gameplay. Trong game bạn vẫn sẽ làm công việc của một ông chủ đó là quản lý, phát triển công viên vui chơi tàu lượn của mình ngày một lớn rộng hơn.
27. Batman – The Telltale Series
Một lần nữa Telltale với tài thêu dệt truyện của mình đã biến Batman thành một game không còn đánh đấm hành động nữa, mà trở thành một game dạng tiểu thuyết tương tác. Nhưng vì cốt truyện vốn có của Batman nên những màn đánh nhau là không thể thiếu rồi, nên bạn cũng sẽ tham gia một chút khi giúp Batman thi triển những đòn đánh. Ngoài ra những lựa chọn khi có tình huống xảy ra sẽ có ảnh hưởng tới kết quả sau này, và nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng dài về sau – xuyên suốt 5 tập trong game.
28. Samorost 3
Phần tiếp theo của tựa game giải đố point & click, Samorost 3 chứa đầy trí tưởng tượng và những câu đố cực kỳ hóc búa. Phong cách đồ họa theo kiểu siêu thực, nhìn lúc đầu thì hơi lạ mắt nhưng càng lâu sẽ thấy được cái đẹp của Samorost. Thế giới trong game rất thú vị và trong phần 3 này bạn sẽ phiêu lưu khá nhiều để giải đố, mỗi vùng bạn đặt chân xuống là hàng tá câu đố để mày mò, nhiều khi bạn còn phải đi qua lại giữa các địa điểm để tìm đáp án. Các câu đố trong Samorost đánh lừa người chơi rất nhiều, có những câu đơn giản ngay trước mắt nhưng bạn lại tưởng nó khó, còn có những câu thì ngồi cả tiếng cũng mò không ra. Nhưng cũng đỡ là trong game cũng có walk through phòng trường hợp bạn bí đường.
29. Reigns
Reigns là một game cũng có thể nói là xây dựng, nhưng cách chơi thì khá kì lạ. Bạn sẽ đóng vai một vì vua cai quản một vương quốc, và việc bạn cần làm chỉ là giải quyết mỗi khi có vấn đề nảy sinh. Mỗi vấn đề sẽ có 2 lựa chọn, và lựa chọn đó sẽ ảnh hưởng tới 4 chỉ số của vương quốc đó là tín ngưỡng – người dân – quân đội – tài chính, nếu một trong 4 chỉ số này tụt xuống tới đáy thì chuyện xấu sẽ xảy ra – đồng nghĩa với việc bạn sẽ thua. Game không thiết kế theo hướng endless mà có một hệ thống nhiệm vụ và cột mốc hẳn hoi. Mới chơi thì bạn sẽ thấy nó cực kỳ đơn giản, nhưng chỉ sau 5′ thì bạn sẽ thấy nghiện vì độ lôi cuốn kỳ lạ của nó.
30. Sorcery! 4
Board game là một thể loại tuy hơi kén người chơi, nhưng bù lại nó khá hay đối với những ai yêu thích nhâm nhi qua từng nước đi. Sorcery! 4 là phần kế tiếp của loạt game Sorcery, game được thiết kế theo kiểu board game và có yếu tố RPG. Cốt truyện của phần 4 cũng có liên quan tới những phần trước, tuy nhiên bạn không cần phải chơi các phần trước mà có thể nhảy ngay vào phần 4. Game sẽ yêu cầu bạn tương tác với rất nhiều thứ, như quyết định hành động khi đang trên đường đi, đụng độ và sử dụng những chiêu thức với quái vật, hay đối thoại với những nhân vật khác cũng như tương tác. Game có khá là nhiều thứ để bạn học hỏi và làm quen, nên những ai yêu thích thể loại board game hoặc hard core RPG chắc chắn sẽ rất thích.