Hai triệu năm trước, loài người đứng trước một cơ hội lớn lao. Các loài thú ăn thịt cỡ lớn biến mất, thảm thực vật thay đổi khiến cho tổ tiên chúng ta quyết định “chuyển nhà” từ trên cây xuống mặt đất. Để thích nghi với môi trường mới, chiếc đuôi dần biến mất, khả năng đứng bằng hai chân xuất hiện, thị giác và thính giác được tăng cường… Sự biến đổi này khiến thể tích não bộ chúng ta tăng một cách đáng kể. Dần dần theo thời gian, chúng ta học được cách sử dụng công cụ và hợp tác với nhau. Tuy nhiên bước đột phá chỉ xảy ra khoảng 50 000 năm trước. Với việc sử dụng được lửa, loài người cổ đại đã chính thức tiến hóa thành người hiện đại và trở thành giống loài bá chủ trái đất. Lửa giúp tổ tiên của chúng ta khuất phục thiên nhiên và theo một cách nào đó làm chúng ta thông minh hơn. Các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng bộ não người đã có những bước tiến bộ vượt bậc trùng với thời điểm những phát hiện vĩ đại được tìm ra. Lửa giúp loài người chúng ta bảo quản và chế biến thực phẩm, chống chọi với thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống và mở ra yếu tố đời sống tinh thần. Từ những giây phút yên vui bên đống lửa, loài người đã có những suy tư trừu tượng đầu tiên về thế giới. Không còn lo lắng về thú dữ hay thiên tai, loài người đã bắt đầu nhìn ngắm thế giới và tự đặt những câu hỏi đầu tiên: Thế giới này có gì, chúng ta là ai và đến từ đâu… Đó vẫn là những câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ cho đến tận ngày nay. Con người đang cần mẫn bước từng bước trên trên hành trình kiếm tìm chân lý này. Tuy đã in bóng một vài dấu chân, nhưng vẫn cần thật nhiều bước chân nữa để đi đến.
Thế nào là chân lý
Từ xa xưa con người đã cãi nhau về vấn đề này. Thales, Pythagoras, Plato, Aristotle… Mỗi người đều có những quan điểm riêng về thế nào gọi là chân lý. Nhìn chung nền triết học phương Tây cổ đại muốn tìm kiếm một lời giải cho mọi câu hỏi “nằm ngoài” con người. Họ dùng lập luận thông qua quan sát và đưa ra quan điểm về một vấn đề tự nhiên. Nếu quan điểm này giải thích đúng (tương đối) và không bị phản bác thì được gọi là chân lý. Người Hi Lạp là những người đặt nền móng cho nền khoa học sau này. Với phương pháp lập luận khách quan thông qua tư duy logic và kiểm chứng bằng quan sát thực nghiệm, có thể nói họ là những người thầy đầu tiên của nhân loại. Họ không bằng lòng với cái không biết và vì thế họ không đồng ý với những lí giải của tôn giáo. Đó cũng là tiền đề cho cuộc tranh cãi bất tận giữa khoa học về tôn giáo sau này. Giữa sự hiểu biết và niềm tin, đôi khi thật khó dể chọn một.
Ngày nay, khái niệm “chân lý” không còn hoàn mỹ như trước. Khi tiến vào sự mênh mang của tri thức, loài người đã nhận ra rằng từ “chân lý” mang tính chủ quan và thay vào đó, họ tìm ra các lý thuyết khoa học. Trọng lực, cơ học cổ điển, các định luật nhiệt động học, thuyết tương đối… là các lý thuyết khoa học. Lý thuyết khoa học là các lập luận logic về một vấn đề khoa học đã được chứng minh và kiểm chứng, tuy nhiên không mang tính tuyệt đối. Việc lập luận và kiểm chứng có thể không xảy ra đồng thời với nhau, ví dụ như thuyết tương đối của Einstein mới được kiểm chứng thời gian gần đây. Một lý thuyết khoa học đứng vững khi nó đưa ra một cách lí giải logic (thường là thông qua mô hình toán học) và giải thích một cách tương đối những quan sát thường ngày. Nó chỉ bị bác bỏ khi mô hình toán học có lỗ hổng hoặc khi có những thực nghiệm sai (những quan sát ở trường hợp đặc biệt). Hãy nhớ rằng mô hình địa tâm của Ptolemy (Trái đất là trung tâm) cũng là một lý thuyết khoa học và được thế giới tin tưởng cho đến tận thế kỉ 16. Ai cũng có thể mắc sai lầm, khoa học cũng vậy.
Bất cứ một lý thuyết khoa học nào (đặc biệt là vật lý) cũng chỉ mang tính tương đối. Dù cho những kết quả thực nghiệm phù hợp với lý thuyết bao nhiêu lần đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể bảo đảm rằng kết quả ở lần thực nghiệm tiếp theo (điều kiện khác, môi trường mới) sẽ không mâu thuẫn với lý thuyết. Khi muốn bác bỏ một lý thuyết, bạn chỉ cần tìm ra một thực nghiệm không phù hợp với lý thuyết đó. Một lý thuyết tốt được đặc trưng bởi một điều: Nó có thể thực nghiệm và quan sát ở nhiều điều kiện khác biệt.
Con đường đi từ quan hiện tượng đến phát kiến một kiến thức mới là một con đường khó khăn. Đôi khi chúng ta có thể phán đoán nhưng không đủ công nghệ để thực nghiệm. Đôi khi chúng ta có thể quan sát thực nghiệm nhưng các lập luận lại mâu thuẫn gay gắt với nhau. Điều may mắn là không phải mọi tri thức cũ đều “vứt sọt rác” mỗi khi người ta tìm hiểu ra tri thức mới. Nó giống như là một sự nâng cấp về mặt hiểu biết và nó bao trùm lên nhau, khi mà tri thức mới được phát triển từ tri thức cũ và tri thức cũ chỉ đúng trong một số trường hợp. Hãy nhìn vào ví dụ cơ bản sau:
+ Tập số đầu tiên là số tự nhiên 1, 2, 3, 4… Người cổ đại sử dụng vào mục đích đếm và lưu giá trị quan sát được.
+ Khi tiến vào giai đoạn văn minh mà cụ thể là Hi Lạp cổ đại, chúng ta phải xử lý các bài toán hình học. Số Pi là ví dụ tiêu biểu, ở đây chúng ta đã tư duy ra số thập phân và cách thức hình thành số hữu tỉ.
+ Qua thời gian, số 0 và số âm được người Arap đưa vào để xử lý các bài toán quản lý.
+ Số phức và số ảo được sử dụng đầu tiên vào thế kỉ 16. Chúng được sử dụng để giải các bài toán hệ phương trình và miền đại số.
+ Số mờ (số đa giá trị) được chấp nhận gần đây khi phải xử lý các bài toán đa logic.
Ví dụ dễ hiểu là nghịch lý Kẻ nói dối: A nói rằng “A sai” . Giả định rằng A đúng, thì nghĩa là “A sai” là đúng, suy ra A sai . Ngược lại, nếu giả định A sai thì nghĩa là “A sai” là sai, suy ra A đúng. Như vậy, luôn tồn tại một nghịch lý, đó là A luôn vừa đúng vừa sai. Số mờ được sử dụng để giải quyết và kết nối các bài toán như trên.
Qua ví dụ trên ta có thể thấy rằng các quy tắc về số tự nhiên sẽ không còn tuyệt đối đúng cho số nguyên và tương tự các nguyên tắc số nguyên không áp dụng được cho số phức. Các định lý khoa học cũng có con đường tương tự. Với tốc độ phát triển của nền khoa học kĩ thuật như ngày nay, việc của giới khoa học là tìm kiếm các quy tắc mới đồng thời kết nỗi những quy tắc cũ lại với nhau. Mục đích tối cao của khoa học là tạo ra một lý thuyết duy nhất có khả năng giải đáp toàn bộ vũ trụ. Thực tế điều này là rất khó. Thay vì tổng quát chúng ta đang phân bài toán này thành từng phần và nghiên cứu lý thuyết cho từng phần riêng lẻ. Thuyết tương đối và lý thuyết về cơ học lượng tử là hai cột trụ của vật lý hiện đại ngày nay với những đối tượng nghiên cứu khác nhau, và bản thân chúng tồn tại những mâu thuẫn sâu sắc. Thuyết tương đối mô tả lực và cấu trúc của vũ trụ. Ngược với nó, cơ học lượng tử lại mô tả những hiện tượng ở phạm vi cực kì nhỏ. Giới hàn lâm hay nói đùa rằng ngày con người kết hợp được hai lý thuyết này với nhau là ngày chúng ta tiến tới vị trí của chúa trời. Thậm chí người ta còn đùa rằng có một giải Nobel vật lý và một lệnh bắt cóc đã được chuẩn bị sẵn cho bất cứ ai tìm ra được nghiệm chung giữa hai lý thuyết. Con người nổi tiếng nhất thế kỉ 21 chắc hẳn là đây.
Một con đường dài
Quay trở lại con đường đi tìm chân lý của loài người. Từng có một thời kì mà niềm tin đã cấm đoán sự hiểu biết. Có lẽ đế chế La Mã cổ đại phải chịu trách nhiệm phần nào khi phá hủy nền văn hóa Hi Lạp cổ đại đồng thời thúc đẩy quá trình lan truyền của tôn giáo trên bờ cõi châu Âu. Một điều dễ hiểu là quốc gia nào có tôn giáo thì dễ cai trị và phát triển hơn. Tuy nhiên chính điều đó phần nào hạn chế môi trường học thuật vốn đòi hỏi sự tự do tranh luận.Việc sụp đổ của nền cộng hòa La Mã đã kéo châu Âu bước vào thời kì Trung cổ tăm tối. Vùng Trung Địa và Phương Đông đã bắt kịp Phương Tây ở giai đoạn này. Phải đến tận thế kỉ 16 với những người khổng lồ như Newton, Galilei, Copernicus… thì phương Tây mới vượt lên dẫn dắt nhân loại trong cuộc kiếm tìm tri thức. Mỗi một phát kiến mới về khoa học là một đòn bẩy cho nền kinh tế và điều đó lí giải sức mạnh của phương Tây trong nửa cuối thiên nhiên kỉ thứ hai. Có thể nói rằng con đường đi tìm chân lý cũng chính là con đường để loài người trở nên mạnh mẽ hơn. Mạnh hơn để hiểu, để chinh phục và để thay đổi. Từ cái ngày bước đi bằng hai chân, tìm ra lửa, sáng tạo ra toán học và triết học rồi dùng nó để nghiên cứu tự nhiên… loài người đã có những thành tựu đáng để tự hào. Hãy cùng tưởng tượng về cái ngày chúng ta tìm ra một thứ “lửa” mới và cả nhân loại bước sang trang. Đó sẽ là gì? AI, vật chất mới hay là phương trình năng lượng đặc biệt? Chúng ta hãy cùng kiên nhẫn chờ xem!
Bài viết hay, nhưng CH La Mã sụp đổ, sau đó đến ĐQ La Mã, rồi phân tách Đông/Tây, rồi mới đến ĐQ Tây La Mã sụp đổ mở ra kì trung cổ chứ nhỉ.