Vác theo cây đinh, ta đi diệt thần (P.4)

Khách mới

  

Oh boy, và cuối cùng thì chúng ta đã tới chặng cuối của Pantheon of Hallownest rồi. Khoảng cách từ P.1 tới P.4 của series này là khoảng 2 tháng hơn, nhưng thời gian cần để hoàn thành Pantheon 5 là khoảng 50 phút thôi, rất là “nhanh”!!!! Hy vọng bài hướng dẫn của tôi sẽ giúp ích cho các bạn phần nào đó trên đường đến vinh quang của bản thân mình <3

36. Soul Tyrant:

Soul Tyrant là phiên bản giấc mơ của Soul Master.

Không có gì nhiều để bàn thêm về lore của con này, bạn có thể đọc lại phần Soul Master ở P.2 của series. Bạn cũng có thể thử dream nail con boss để đọc mấy dòng dialogues khá hay ho của nó. Và chúc bạn may mắn nếu muốn thử…

Soul Tyrant không phải là một con boss khó, ít nhất là với bộ kỹ năng cuối game của bạn. Tuy nhiên, nó rất khó chịu vì teleport liên tục và bạn sẽ liên tục gặp khó khăn để gõ trúng nó. Một con boss câu giờ, nhưng xuất hiện ở gần cuối một cái thử thách dài thòng lòng. Team Cherry quả thật rất biết cách chọc điên người chơi, và bòn rút tính kiên nhẫn của họ, lol.

37. Markoth:

Markoth là Dream Warrior bạn gặp sau một cái cột void đen thui ở Kingdom’s Edge.

Markoth và Thistlewind là 2 thành viên duy nhất của tộc Moth cầm vũ khí và rời bỏ bộ tộc của mình đi ngao du thiên hạ. Pale King đã giải phóng tộc Moth khỏi ý thức hệ của Radiance, và ban cho họ ý chí tự do riêng. Tuy nhiên, với ý chí riêng của mình, Markoth lại có luận điểm riêng và cho rằng Pale King cũng chỉ là một Radiance thứ hai, và quyết định rời bỏ Vương quốc, xa rời xã hội để đi tìm tự do đích thực cho mình, thoát khỏi mọi thứ tôn giáo và thần thánh ở xung quanh. Và… chết. Đúng là sống đơn giản thôi cho nhẹ đầu.

Markoth là một con boss trứ danh ở P5. Điều này không có nghĩa nó là boss khó nhất ở đây, nhưng vì có quá nhiều chiến binh phải bỏ mạng ở đây và mãi mãi không gặp được boss cuối nên nó khá là nổi tiếng. Đấu trường đặc biệt của Markoth ở P5 là cái được cải tiến thành công nhất, biến nó thành một con boss đáng sợ. Cái khiên luôn xoay xung quanh khiến cho việc gõ trúng Markoth mà ko bị dính một hít khá là khó khăn. Và khốn nạn hơn là cái khiên có thể thay đổi chiều quay của mình mà không hề báo trước. Bạn cũng rất dễ bị ăn hai sát thương một lúc ở trận này, nếu mấy cây kiếm hất bạn văng khỏi platform và té xuống dưới. Markoth có 2 phase, phase 1 có một khiên và phase 2 có 2 khiên.

Khi Markoth dùng chiêu xoay khiên, một khiên sẽ từ từ li tâm ra xa dần rồi thu lại dần về vị trí cũ, khiên thứ 2 thì sẽ luôn xoay ở một khoảng cách vừa phải. Do đó, ở phase 2, bạn nên chưởng phép Shade Soul vào Markoth càng nhiều càng tốt để nhanh kết thúc trận. Ngoại trừ Nailart thì rất khó để đánh Markoth bằng kiếm ở phase này. Ở phase 1, bạn nên chơi cẩn thận để tiết kiệm máu (rất nên, vì con boss sau cũng ỉa chảy không kém) và trữ soul cho phase 2. Lúc an toàn nhất để lao vào gõ Markoth là khi nó xài chiêu xoay khiên, còn lại thì bạn nên ưu tiên né mấy cây kiếm hơn là dí sát theo Markoth. Bạn cũng có thể hồi lại máu khi Markoth xoay khiên, tuy nhiên, bạn cần xác định vị trí của Markoth để biết cái khiên có bao phủ hết toàn bộ 5 cái platforms không. Chỉ bắt đầu hồi máu nếu bạn biết chắc là cái khiên sẽ không đá trúng mình.

38. Grey Prince Zote:

Grey Prince Zote là boss giấc mơ hoàn toàn hư cấu của Zote. Giấc mơ khùng điên này nằm trong một bức tượng Zote tại tầng hầm nhà Bretta ở Dirtmouth.

Nếu trong thực tế, chúng ta có hội chứng fan cuồng các idol K-pop hay Khá Bảnh, thì trong Hollow Knight, ta có fangirl Bretta và idol Zote. Grey Prince Zote là hình tượng Zote hoàn toàn hư cấu mà Bretta ảo tưởng ra từ mấy lời ba hoa, bịa đặt của Zote. Thường mấy idol ngoài đời cũng có một giáo phái fandom bâu xung quanh, nên việc Grey Prince Zote được tôn làm thần trong Godhome là hoàn toàn hợp lý, hơn cả Pale King.

Boss thứ 2 trong combo kinh hoàng Markoth-Zote. Cả hai đều là boss dễ rút máu người chơi và khi đứng chung với nhau, bạn sẽ chết nhanh hơn cả cách crush block tin nhắn mình. Là một sản phẩm hoàn toàn hư cấu từ trí tưởng tượng bệnh hoạn của Bretta, Zote có mọi thứ của mấy con boss khác: đòn cận chiến, shockwaves để đánh xa được spam tùm lum, 2 loại đệ tử, bombs, tuyệt kỹ bỗng nhiên đi bộ, khả năng tự định hướng lại theo vị trí người chơi và cả đòn đánh trốn ra ngoài màn hình. Descending Dark là người bạn hoàn hảo của bạn trong trận này. Mỗi khi bạn chưa biết làm gì để né, Descending Dark. Quá nhiều Zotelings và bombs, Descending Dark. Zote bay ra khỏi màn hình và sắp đè bạn, Descending Dark. Zote huơ huơ cây kiếm vào mặt bạn, Descending Dark (rồi dash ra rồi nhảy lên pogo nhé).

Với đủ máu thì bạn hoàn toàn có thể tank Zote, và boss tiếp theo cũng khá là đơn giản nên hoàn toàn có thể tank, nhưng chỉ khi bạn có đủ máu thôi. Và Markoth thì thường không cho phép bạn có đủ máu để sống sót khỏi Zote, chứ nói gì đến tank. Đánh cẩn thận Zote nghĩa là phải kéo dài trận đấu, mà càng kéo thì càng dễ mắc sai lầm. Zote sẽ ngất khoảng 2-3 lần và đây là cơ hội an toàn nhất cho bạn hồi máu, chỉ được khoảng 1-2 cục thôi. Một cơ hội hồi máu khác là khi Zote triệu hồi mấy quả bomb trầm cảm màu trắng (gọi là trầm cảm là vì cái Journal của tụi bomb này, khá là hề hước). Một điểm thú vị đó là nếu bạn để Zote bị con Vengefly King cạp chết ở Greenpath, bạn sẽ skip hoàn toàn Grey Prince Zote, ngay cả trong P5. Từ 42 boss còn 41 boss, dễ thở hơn hẳn đấy.

39. Failed Champion:

Failed Champion là phiên bản giấc mơ của False Knight.

Giấc mơ được trở nên mạnh mẽ và giải phóng dân tộc của một con dòi màu trắng yếu ớt. Tuy nhiên, luôn có một thằng ku cầm kiếm đi cà khịa và làm thịt mình, hết “False” rồi lại “Failed”, lol.

Một con boss đơn giản cuối cùng trước khi Tam Đại Boss của Hollow Knight xuất hiện. Ở trận Failed Champion, bạn nên dùng dream nail để hồi đầy toàn bộ máu trước khi bước vào trận sau. Con boss sẽ xỉu 3 lần, và ở lần thứ 3, nếu bạn không gõ kiếm vào mặt, nó sẽ không bao giờ tỉnh lại, cho phép bạn tha hồ dream nail và hồi máu. Phải nói là Team Cherry đặt con này trước 3 con boss khó nhất game là một lựa chọn sáng suốt. Cho dù bạn có trầy trụa, khổ sở thế nào ở 38 con boss trước, thì đây là nơi hồi phục “ẩn” cho bạn trước 3 trận quyết định thành bại. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng bạn không được chủ quan ở con boss này. Failed Champion khá là nhanh, gây gấp đôi sát thương và bạn không gặt được soul từ bộ giáp.

Cộng thêm rằng bạn có lẽ sẽ có rất ít máu sau khi đánh Markoth và Grey Prince Zote, nên bất kỳ cây chùy hay shockwaves nào vào mặt cũng sẽ làm bạn xanh xao đấy. Khi Failed Champion xỉu lần 1, hãy dream nail nó đủ để được 2 lần phép. Khi nó tỉnh lại và cố nhảy ra giữa sàn đấu, hãy Abyss Shriek một phát, gõ thêm vài phát và nếu con boss vẫn chưa xỉu lần 2 thì Shade Soul từ xa. Lặp lại tương tự cho lần xỉu 2 và bạn an toàn ở lần xỉu 3. Lưu ý là bạn nên dream nail rồi gõ một cái chứ đừng nên dream nail 2 lần liên tiếp vì Failed Champion có thể sẽ tỉnh lại nếu không bị gõ ở hai lần xỉu đầu và bạn hoàn toàn mất lượt.


40. Nightmare King Grimm:

Nightmare King Grimm là phiên bản ác mộng của Troupe Master Grimm.

Thực chất thì Nightmare King Grimm là hóa thân của Nightmare’s Heart thì đúng hơn là một phiên bản mộng giới của Troupe Master Grimm. Bạn có thể nhìn thấy cái bóng của Nightmare’s Heart ở background của trận này, cả ở Godhome và Dirtmouth. Khác với các dream boss khác, Nightmare King Grimm có các dream dialogues hoàn toàn khác với Troupe Master Grimm, không chỉ ở nội dung mà cả ở tone giọng. Dung Defender và White Defender cũng có các đoạn hội thoại này khác nhau, nhưng chúng đều phản ánh một chàng hiệp sĩ thân thiện, yêu quý Pale King và 4 người bạn của mình. Troupe Master Grimm thì giống một quý ông lịch thiệp, trong khi Nightmare King Grimm thì rất lạnh lùng, những câu thoại dường như không bộ lộ cảm xúc:”Những vị thần… bị trói buộc bởi các nghi thức”, “Sức mạnh ẩn sâu… Từ Trái tim”, “Những vùng đất tách biệt… Ác mộng kết nối toàn bộ”.

Mặc dù Grimm là một vị thần đúng nghĩa, khác với á thần như Hornet, nhưng Grimm không sinh ra đã là thần. Nightmare’s Heart mới đích thị là vị thần của cõi Ác mộng, và Grimm chỉ là một vật chứa. Để đổi lại sức mạnh thần thánh và sự thông tuệ, Grimm hy sinh những giấc mơ và ý chí riêng của mình cho Nightmare’s Heart. Và do đó, Nightmare King Grimm không phải là giấc mơ của Grimm, mà là hóa thân của Nightmare’s Heart. Cơ thể của Grimm có lẽ vẫn là phàm tục, và nó có thể chết. Do đó, một nghi thức chọn ra một vật chứa mới phải được tiến hành, và con Grimmchild nhỏ mà bạn đã nuôi lớn sẽ đánh bại Nightmare King Grimm, hấp thụ Nightmare’s Heart và sẽ sớm trở thành kẻ thừa kế.

Nightmare King Grimm là một boss khó, không có gì để bàn cãi ở đây. Không có cách gì để dễ ăn con boss này, ngoại trừ luyện tập nhận biết và né chính xác 6 chiêu thức của nó. Bạn có thể thử build tank với Shaman Stone và Quick Slash hoặc build hồi máu với Deep Focus và Shape of Unn, tuy nhiên, tôi không nghĩ sẽ quá hiệu quả ở đây. Shadow Dash là người bạn đáng tin cậy trong trận này, bạn có thể lướt qua người Grimm để né đòn khá dễ dàng, nhất là chiêu Uppercut và Dive Dash. Các chiêu của Nightmare King Grimm như sau:

  • Fire bats: Grimm sẽ thả 4 con dơi lửa từ vạt áo choàng của mình theo thứ tự cao-thấp-cao-thấp. Cách tốt nhất để né là đi về phía con dơi thứ 2, ở vị trí thấp rồi nhảy qua nó và dash ngay trên không. Bạn sẽ tiếp cận được Grimm và gõ được từ 2-3 nhát. Bạn cũng có thể dùng Shape of Unn và Quick Focus để lao về phía Grimm cũng như hồi máu, vì Shape of Unn làm hitbox của bạn rất nhỏ, có thể luồn an toàn qua mấy con dơi ở thấp.
  • Uppercut: Grimm sẽ lao ngắn về phía bạn rồi bay lên trời, thả ra một dàn mưa lửa. Bạn có thể dash qua người Grimm rồi đứng yên, hoặc xê dịch một chút tùy vị trí rơi của cơn mưa lửa, hoặc lướt ra xa rồi quay lại thật nhanh chém một phát. Lưu ý là không di chuyển quá nhiều sau khi dash, trừ phi bạn ở rất xa Grimm, để dễ né cơn mưa lửa hơn. Lưu ý thứ hai là ở cả chiêu Uppercut và Fire bats, bạn không được chạy về phái Grimm quá sớm, nếu không Grimm sẽ lùi lại và bạn sẽ dash thẳng vào người nó. Grimm cũng đôi khi đổi chiêu thức giữa chừng (chỉ giữa 2 đòn này) nếu bạn để nó phải lùi lại.
  • Dive Dash: Grimm sẽ xuất hiện từ trên trời, rồi lao xuống theo vị trí của bạn rồi dash theo hướng bạn đang đứng, để lại một vệt lửa to. Đơn giản nhất là double jump để né hoàn toàn chiêu này. Nếu muốn tấn công, bạn có thể pogo, nhưng hơi khó ăn. Descending Dark khi Grimm lao xuống cũng là một cách hay để gây nhiều sát thương và né cái vệt lửa. Nếu nhanh, bạn có thể đi tới một tí về phía ngược lại với Grimm và ngay trước khi Grimm lao xuống, quay lại gõ một cái rồi dash nhanh qua vệt lửa.
  • Cloak Spikes: Grimm tạo một bãi chông từ cái áo choàng của mình. Khác với Troupe Master Grimm, Nightmare King không xuất hiện ở đòn đánh này nên bạn chỉ cần lo né thôi. Khoảng cách giữa hai cái gai ở trên không thì lớn hơn ở dưới đất nên bạn có thể nhảy để dễ điều chỉnh. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đòn này quá khó để né, chỉ là đôi khi nó hơi áp lực vì bạn sẽ mải miết đi tìm Grimm và di chuyển bừa.
  • Flame Pillar: Grimm đứng yên trên không và triệu hồi 4 cột lửa dí theo người chơi. Dễ nhất để né chiêu này là bấm nhấp phím di chuyển và từ từ đi về phía Grimm. Khi cột thứ 4 đã xuất hiện, bạn có thể thoải mái đi bình thường và tấn công tùy thích, nail hoặc Abyss Shriek. Shape of Unn sẽ giúp bạn hồi máu và né đòn này rất dễ. Bạn cũng có thể hồi đúng một cục khi cột lửa thứ 4 xuất hiện nhưng phải bấm nhanh nếu không có Quick Focus và Shape of Unn.
  • Pufferfish: Cũng như Troupe Master, Nightmare King chỉ dùng đòn này khi nó ở các mức 75%, 50% và 25% máu tối đa. Nếu bạn đã đứng ở ngay giữa sàn đấu, có thể bấm nhanh một Abyss Shriek khi Grimm dùng chiêu này rồi mới lao về góc để né. Bạn không nên quá ôm góc ở chiêu này mà đứng hơi ở giữa một tí, để khi Grimm thả 2 quả cầu lửa thấp ở gần nhau, bạn có thể rơi về góc để né ngọn lửa, giúp bạn không phải bấm nút nhảy quá nhanh so với tốc độ phản xạ thông thường của mình.

Nightmare King Grimm không xuất hiện ở bất kỳ Pantheon nào trước đó. Do vậy, bạn có thể sẽ hoàn toàn bất ngờ và chết rất nhanh nếu không đọc trước danh sách boss của P5. Rất khó để bạn thắng được Grimm liên tiếp mà không luyện tập, nên chắc hẳn bạn sẽ chết ở đây nếu không luyện Nightmare King trước khi vào P5. Dĩ nhiên, đó là nếu bạn qua được ải Markoth-Zote hay No Eyes-Traitor Lord cái đã. Một điều may mắn nho nhỏ là Nightmare King ở Godhome có ít máu hơn một tí so với phiên bản Godhome.

Spa:

Trạm nghỉ cuối cùng rồi. Oh boy, nếu bạn cảm thấy hồi hộp, lo lắng hay đói bụng thì nên nghỉ một tí ở điểm này, khi còn kịp.


Pale King:

Trạm nghỉ đặc biệt cuối cùng với vị thần ẩn danh quan trọng nhất của cả game – Đức vua của Vương quốc Hallownest – Pale King. Để cứu lấy Vương quốc của mình khỏi giấc mơ chết chóc của cựu thần Radiance, Pale King đã hy sinh hàng ngàn đứa trẻ con ruột của mình, khiến tâm trí của chúng chết ngạt trong thứ nước void đen ngòm và đáng sợ dưới đáy Abyss. Các thí nghiệm về void cuối cùng đã phản pháo lại ông ta, bằng chứng là bóng tối bao trùm phòng Ngai vàng và những hạt bụi void bay lơ lửng khắp nơi từ xác những con Kingsmould đã trở nên bất ổn. Đây cũng có lẽ là lý do ông ta đã hô biến cả tòa lâu đài White Palace của mình vào mộng giới, để bảo vệ Hallownest khỏi sự tấn công thứ hai của bóng tối. Godseeker cũng xác nhận tại P5 rằng sự biến mất của Pale King là rất khó hiểu, không một dấu vết để lại.

41. Pure Vessel:

Pure Vessel là phiên bản hoàn hảo (hoặc ít nhất là cận hoàn hảo) xưa kia của The Hollow Knight, và là boss độc quyền của Godhome.

Pure Vessel, vật chứa hoàn hảo, là niềm mơ ước và tự hào của Pale King. Và vì được làm con cưng, nó được vỗ béo và huấn luyện tốt hơn các anh em bị bỏ rơi cho chết của mình. Tuy nhiên, có một bí mật thầm kín mà nó đã cố giấu để rồi gây ra thảm họa cho Hallownest: nó không hoàn hảo như cha nó nghĩ. Có lẽ là ngay từ đầu, đã chẳng có đứa trẻ nào trong các vật chứa là hoàn hảo, là hoàn toàn rỗng tuếch cả. Và hơn hết, trớ trêu thay, chính tình yêu thương của Pale King lại là con dao cuối cùng làm bùng nổ bao tâm tư, tình cảm trông tâm trí của đứa trẻ ấy. Để làm cha hãnh diện, để làm cha vui, cậu bé Pure Vessel đã không một lời nào, không một sự ca thán hay lẩn trốn mà nhận cái nhiệm vụ tự sát ấy, luôn tự buộc mình phải ngừng suy nghĩ và cảm nhận. Và ngay cả khi đã biết bản thân đã thất bại, là một phế phẩm, cậu vẫn dũng cảm chọn cái chết để tự giải thoát bản thân mình khỏi sự điều khiển và trao trả nhiệm vụ thiêng liêng lại cho người anh em xứng đáng hơn. Những phẩm chất cao quý ấy lại chính là ngòi nổ cho sự hủy diệt của Hallownest. Thật trớ trêu thay. Và cũng thật đáng thương cho một sinh vật, rất nhân tình, nhưng lại nên sinh ra là một con quái vật thì hơn.

Cùng với Nightmare King Grimm, Pure Vessel tạo thành bộ đội hai con boss thần tốc của game, nhưng các chiêu thức thì lại rất rõ ràng. Bộ chiêu của Pure Vessel có phần chặt hơn Nightmare King Grimm và cực kỳ khó để hồi máu trong trận này, trừ những lúc nó xỉu, nhưng cũng chỉ được vỏn vẹn một giọt nếu không có Quick Focus. Bộ chiêu thức như sau:

  • Lunge: Pure Vessel chĩa kiếm về trước và lướt một khoảng 50% sàn đấu. Nhảy lên và pogo hoặc lướt qua người nó là 2 cách trả đòn tốt nhất.
  • Triple Slash: Pure Vessel chém 3 nhát về phía trước rất nhanh. Cách trả đòn y như chiêu trên. Nếu bạn pogo tốt, có thể parry được cả 3 nhát chém và gây nhiều sát thương hơn. Không tự tin thì cứ lướt qua.
  • Soul Daggers: Pure Vessel phóng ra một chùm những con dao găm. Cách tốt nhất để trả đòn là lướt qua chùm dao găm, nhưng bạn phải canh thời điểm chuẩn để không đụng trúng. Đôi khi, bạn đứng hoàn hảo đủ xa để mấy con dao loe rộng ra và không trúng bạn, nhưng không nên cược vận may như thế. Lưu ý là vì bạn không nên lướt ngay khi bắt đầu chiêu thức, nên nếu Pure Vessel chuyển qua đòn đánh kế tiếp mà không teleport và là Triple Slash, shadow dash sẽ không hồi phục kịp để lướt qua đòn thứ hai. Luôn nhớ điều này để giữ khoảng cách và để ý shadow dash chứ không lao vào chém bừa sau khi đã lướt qua chùm dao găm.
  • Soul Pillars: Pure Vessel từ trên trời lao thẳng xuống nơi bạn đang đứng và triệu hồi một rừng chông chĩa thẳng từ dưới đất. Điểm đáng sợ của chiêu này là nó khá nhanh và bao quát rất nhiều diện tích. Phần còn lại thì giống hệt chiêu gai áo của Grimm. Tuy nhiên, để tiếp cận và trả đòn tốt ở chiêu này thì khá khó, nên ưu tiên né tránh.
  • Parry: Pure Vessel đỡ và trả đòn chém của bạn nếu bạn gõ vào thế thủ của nó. Chiêu này rất ngẫu nhiên và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào ở giữa các chiêu thức khác. Bạn có thể trả đòn chiêu “trả đòn” của Pure Vessel, nhưng rất khó canh chuẩn. Cách tốt nhất là lướt qua người nó, hoặc đừng spam chém nhanh quá mức kiểm soát.
  • Focus: Pure Vessel ở thế hồi máu như Bug Knight, nhưng thay vì hồi máu, nó tạo ra một trái bomb bự nổ bao quanh mình và sau đó là một rừng bomb nhỏ khác ở xung quanh. Lướt ra ngay khỏi vụ nổ đầu tiên rồi tìm cách tiếp cận lại khi dàn mưa bomb kích hoạt, hoặc chưởng 2 lần Shade Soul. Bạn cũng có thể dùng Descending Dark để né đợt nổ đầu và giữ vị trí để chém tiếp. Nếu may mắn, bạn cũng có thể hồi một máu mà không cần Quick Focus nếu nơi bạn đứng không dính vào mấy trái bomb nhỏ. Pure Vessel chỉ dùng chiêu này khi còn 66% máu.
  •  Void Tendril: Pure Vessel mở vạt áo và phóng ra một cái vòi void màu đen, trải dài 60% sàn đấu. Chiêu này có thể gây bất ngờ nếu bạn quá quen với việc lướt qua mọi chiêu thức. Để trả đòn, double jump và dash về phía boss, sau đó pogo hoặc Descending Dark. Nếu đứng đủ gần, bạn cũng có thể cố lướt qua người nó và chém hoặc Abyss Shriek từ đằng sau. Khá là may mắn nếu làm được.

Khi đã đánh thắng Pure Vessel, một cột sáng chói lòa sẽ xuất hiện từ trên trời và đưa bạn đến với con boss cuối cùng của thử thách Pantheon of Hallownest.

42. Absolute Radiance:

Absolute Radiance là sức mạnh đích thực của Radiance, và là một boss độc quyền của P5.

Radiance là phản diện chính của cả game, là nguồn cơn cho sự sụp đổ của Vương quốc Hallownest. Tuy là vậy, nhưng bà ta không hẳn là một kẻ hoàn toàn xấu xa, mà chỉ đơn giản là một người đang bấu víu giành giựt sự sống cho bản thân mình trước ngưỡng cái chết. Với một vị thần, sự lãng quên đồng nghĩa với cái chết, nhất là với những kẻ không có hóa thân ở thế giới vật lý, như Radiance hay Nightmare’s Heart. Ngay cả Unn, khi bị lãng quên, cũng phải chấp nhận và rơi vào giấc ngủ dài của mình. Radiance đã bị chính những đứa con mà mình sinh ra, của tộc Moth, phản bội và lãng quên. Seer hoàn toàn hiểu cái giá mà bộ tộc bà và Vương quốc phải trả khi được hưởng thụ bao ấm no hạnh phúc kia sau khi đã tìm cách tiêu diệt mẫu thân của mình. Bà hoàn toàn không oán trách Radiance và chấp nhận kết cục của bản thân, mong muốn họ cũng nên bị quên lãng đi thì tội ác của họ mới có thể yên nghỉ. Ở Godhome, sự cuồng tín của bọn Godseeker giúp Radiance lấy lại được sức mạnh vốn có của mình và trở thành Absolute Radiance.

Mặc dù đã nhanh hơn phiên bản Radiance ở ending Dream No More, Absolute Radiance thực chất vẫn chưa thần tốc được như Nightmare King Grimm hay Pure Vessel, nhưng các đòn đánh thì hiểm hóc và khó né hơn nhiều, thế nên nó vẫn là boss khó nhất game, và nó phải nằm ở vị trí cuối cùng của một chuỗi liên tục 42 con boss. Cho dù bạn có giỏi đến mức leo được tới Absolute Radiance chỉ trong một lần thử, thì bạn chắc chắn vẫn bỏ mạng ở đây. Trận boss này rất dài, và Absolute Radiance có tổng cộng là 6 phases. Chi tiết các phase như sau:

Phase 1:

  • Beam Burst: Absolute Radiance phóng ra lần lượt 3 chùm laser từ mặt mình, mỗi chùm xoay một góc 60 độ, tùy vị trí người chơi. Nếu bạn không né được chùm thứ nhất thì… không có gì để nói, cứ đứng yên đó đi, vì rất hiếm khi 3 chùm rơi vào cùng một chỗ, dù đôi lúc chùm 1 và 3 có thể. Còn nếu bạn né được chùm 1 thì chạy lại đứng vị trí chùm 1 để né chùm 2 và tương tự. Khi đã né được chùm 3, hãy Abyss Shriek một phát. Đó là phép tốt nhất để đánh Absolute Radiance.
  • Sword Burst: na ná chiêu trên nhưng là 2 chùm kiếm. Né cũng dễ hơn, và hãy nhớ Abyss Shriek.
  • Sword Rain: một cơn mưa kiếm từ trên trời rơi xuống. Tốt nhất là né được vào mấy khoảng lớn giữa hai chùm kiếm, nhưng ngay cả giữa 2 thanh kiếm sát nhau, vẫn có khe hở để né được.
  • Sword Wall: 3 bức tường kiếm với những khoảng hở sẽ di chuyển theo chiều ngang, nói chung là phiên bản trục Ox của Sword Rain. Nhảy đúng độ cao và dash để né chiêu này. Đôi khi bạn sẽ hên và cả 3 đợt đều có khoảng hở ngay dưới đất và tha hồ hồi máu hay Abyss Shriek.
  • Wall of Light: một cột sáng khổng lồ bao phủ toàn bộ chiều dọc của sàn đấu và di chuyển ngang từ bên này qua bên kia. Khi gặp chiêu này, dùng shadow dash để lướt qua cái cột, hoặc Descending Dark càng nhanh càng tốt. Vì khi cột sáng tiến về trung điểm sàn đấu, Absolute Radiance có thể kích hoạt ngay một chiêu khác đè lên và khá khó để né 2 chiêu cùng lúc. Đôi khi cái cột khá là troll và sẽ biến mất ngay giữa sàn đấu, sau đó xuất hiện lại ở phía kia và di chuyển ngược lại.
  • Orb: cứ mỗi giây, Absolute Radiance một trái banh ánh sáng và dí theo người chơi. Mỗi lần có khoảng từ 3-4 trái banh. Một chiêu thức khá khó chịu vì mớ banh dí khá là chuẩn, và nó có vài bug hiển thị, như là đôi khi trái banh biến mất nhưng hitbox vẫn còn… Bạn nên nhử trái banh bay sát mặt đất rồi đột ngột dash đi để nó đâm vào mặt sàn rồi biến mất. Shadow dash xuyên qua trái banh cũng làm nó biến mất.

Phase 2: tương tự như phase 1 nhưng Absolute Radiance sẽ mọc gai ở một nửa sàn đấu. Bạn có thể Descending Dark hoặc shadow dash vào hàng gai này để chúng tạm thời biến mất trong 6-8s. Bạn vẫn phải ưu tiên né chiêu Wall of Light ngay cả khi nó xuất hiện từ phía có gai. Nhớ rằng bạn có thể pogo lên hàng gai để quay về vị trí cũ nếu không đủ soul để Descending Dark.

Phase 3: gai ở sàn sẽ mọc ở hai bên mép và Absolute Radiance chỉ dùng chiêu Sword Rain liên tục ở phase này. Một phase nhỏ trung chuyển với phase 4. Cuối phase này, Radiance sẽ ngất xỉu và bạn có dư thời gian để hồi đầy 6 máu.

Phase 4: đấu trường sẽ thay đổi từ mặt đất bằng sang 7 cái platforms to nhỏ khác nhau. Đây thường được xem là phase khó nhất của trận đấu, với lý do tương tự như Markoth. Di chuyển né đòn sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, một vài chiêu thức cũng chậm hơn ở phase này như Beam Burst và Sword Wall. Chùm tia laser của Beam Burst là chùm phân kỳ, nên bạn càng ở xa Radiance thì càng dễ né, thậm chí có thể đứng hồi máu chán chê. Đây là một khác biệt thú vị giữa trận này và Pure Vessel/Nightmare King Grimm, các đòn đánh tuy khó né hơn nhưng lại chậm hơn và nhiều sơ hở hơn để hồi máu. Chiêu Sword Burst sẽ hơi hơi dí theo vị trí người chơi nếu ở quá xa, nên nó nguy hiểm hơn ở phase 1 một chút. Chiêu Sword Rain hoàn toàn bị lược bỏ. Nếu bạn nhắm không né được mấy trái banh ánh sáng, hãy nhảy luôn xuống vực vì chỉ mất một máu so với ăn trái banh thì mất hai. Khi Radiance hiện ra ngay trước mặt bạn, đừng vội spam chém ngay, chỉ chém 1-2 nhát thôi rồi Descending Dark ngay để đón đầu chiêu thức kế tiếp. Nếu bạn quá lo lắng, hãy đứng vững ở một platform (ưu tiên 2 cái ở giữa) để chờ Radiance teleport tới gần chứ đứng dí theo.

Phase 5: Radiance không xuất hiện ở phase này mà chỉ phóng xuống một cột laser dí theo. Bạn sẽ phải leo lên một quãng platform với cái laser dí sát đít. Càng lên cao thì nó nhắm càng chuẩn nên bạn đôi khi phải lừa nhảy ra xa rồi dash trở lại platform để Radiance không headshot bạn ngay tại điểm rơi. Khi phase 4 bắt đầu chuyển sang phase 5, hãy hồi máu càng nhiều càng tốt vì ở dưới đáy, Radiance chủ yếu bắn bừa cho vui, và rất hiếm khi dính trúng platform. Nếu dính trúng thì số bạn xui thật vì đây sẽ là lần hồi máu cuối cùng của bạn đấy.

Phase 6: Khi đã leo hết cột platforms ở phase 5, ta đến phase cuối cùng với chỉ 2 platforms và Radiance chỉ có một chiêu duy nhất: Orb Barrage: chùm banh ánh sáng. Đây là phase hoàn toàn mới, độc quyền cho Absolute Radiance. Các banh này xuất hiện chậm hơn các phase trước, cứ 2s mới có một trái mới, nhưng chúng sẽ xuất hiện đều đặn liên tục, thế nên bạn hoàn toàn không thể hồi máu dù cho bạn có charm gì đi nữa. Ở phase này, một là bạn pogo trên đầu Radiance và lừa cho trái banh bay ra khỏi màn hình để nó biến mất ngay, hoặc dash qua lại giữa 2 platforms rồi tùy cơ mà nhảy lên chém Radiance. Ngay khi leo hết phase 5 và nhảy lên platform trái của phase 6, thường bạn sẽ đủ thời gian để Abyss Shriek một lần trước khi Radiance teleport.

Embrace the Void ending:

Xin CHÚC MỪNG!!!!!!!!!! Bạn đã hoàn thành thử thách tối thượng Pantheon of Hallownest và gia nhập nhóm 3% số người chơi trên Steam giành được achievement này. Ban đầu, nó được cho là quá khó và khắc nghiệt, tuy nhiên, tình yêu của fandom dành cho Hollow Knight là quá lớn và hàng trăm người đã không ngại bỏ ra cả trăm giờ luyện tập hết, nào là Oblobbles rồi Markoth, Zote, Nightmare King và Radiance để hoàn thành P5.

Và Ending mà bạn lấy được khá là xứng đáng. Khác với God of War 3, Kratos trở nên trầm cảm và tự sát sau khi tàn sát mọi vị thần; Bug Knight trở thành vị thần khủng khiếp nhất của Hallownest sau khi đã trảm hết mọi vị thần ở Hallownest. Shade Lord là cái tên cho vị thần mới này. Thực thể này có vẻ như là một ý thức hoàn toàn mới, và Bug Knight chỉ là một trong số hàng ngàn linh hồn cấu thành vị thần bóng tối này.

Ngay khi vừa ra đời, Shade Lord đã đá đít Radiance, nắm đầu Godseeker và tìm cách thoát ra ngoài Hallownest. Chẳng biết cơn ác mộng nào thực thể này muốn mang lại nữa đây, hay nó chỉ chui về Abyss để ngủ. Nếu bạn đã tặng cho Godseeker bông hoa Delicate Flower thì bông hoa sẽ bộc lộ sức mạnh bí ẩn của mình và hoàn toàn xóa tan cả Shade Lord lẫn Godseeker khỏi thế giới thực.

Điểm tốt duy nhất mà ending này mang lại có lẽ là việc The Hollow Knight đã sống sót và thoát ra khỏi Black Egg Temple, đoàn tụ với người em cùng cha khác mẹ Hornet. Là nhân vật đáng thương nhất của game, đây có lẽ là một ân huệ to lớn cho cậu bé, dù rằng ending này hơi bị quá màu mè để làm True Ending.

Và series cẩm nang “du lịch cùng Pantheon of Hallownest” xin được phép kết thúc tại đây. Cám ơn mọi người đã theo dõi và còn… kêu réo tôi năng viết tiếp… See ya!!!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly