Vác theo cây đinh, ta đi diệt thần (P.3)

Khách mới

  

So… cũng chả cần dông dài nữa nhỉ, tiếp tục 10 vị thần tiếp theo của Vương quốc Hallownest thôi!!!!!

26. Watcher Knights:

Watcher Knights là boss của Watcher Spire tại City of Tears.

Watcher Knights là đội vệ binh được chính Dreamer Lurien cắt cử để bảo vệ thân xác ngủ yên của mình. Với một giấc ngủ ngàn năm thì đây quả là một hàng phòng vệ… ngu hết chỗ nói, vì đám lính này chỉ là bọ phàm trần, trước sau gì mà chả chết. Trong game, nhân vật chính Bug Knight gặp đám Watcher Knights lúc chúng chỉ là còn là những bộ giáp rỗng không, và bị những con ruồi da cam điều khiển để ngăn chặn bước tiến của cậu bé. Một điều thú vị nữa là Team Cherry ban đầu còn tính cho Lurien ngu hơn bây giờ nữa khi không hề có hàng phòng vệ nào, và Watcher Knights là boss của một tòa tháp khác. Cuối cùng thì mấy lão hết thời gian nên gộp cả hai tháp vào làm một luôn.

Trừ việc bạn không thể ăn gian giết trước một con bằng cái đèn chùm như ở thế giới thực thì trận này không có gì thay đổi ở P5. Với shadow dash và dàn trang bị thiện chiến cuối game thì đám này khá là nhẹ nhàng. Một cơ hội hoàn hảo để bạn trả thù bao đau thương và nước mắt khi đấu với chúng ở thế giới thực.

27. Uumuu:

Uumuu là boss của Teacher’s Archives tại Fog Canyon.

Uumuu là một con quái nhân tạo do Dreamer Monomon tạo ra để bảo vệ cơ thể yên ngủ của mình. Khác với Lurien, Monomon là một học giả thông minh vô đối, thế nên bà có những hai lớp phòng thủ (ba nếu bạn tính luôn khu rừng đầy mìn Fog Canyon ở ngoại vi), mà lớp nào cũng bền vững và liên kết với nhau. Sự liên kết này đều tập trung vào người học trò Quirrel của bà, và nhằm mục đích để cả hai hàng phòng thủ sẽ dễ dàng bị phá vỡ khi thời cơ đến và bà sẽ gọi Quirrel quay về Hallownest. Uumuu dường như cũng bị nhiễm chất độc da cam, nhưng lạ lùng thay, cũng như lũ sứa ở Fog Canyon, nó vẫn trung thành với nhiệm vụ của mình và liên tục nhắc đến Monomon trong tiềm thức.

Uumuu trong Godhome nói chung khác hoàn toàn với phiên bản ta đánh chung với Quirrel. Người bạn dũng cảm của chúng ta đã chết, và do đó, để đánh bại Uumuu trong Godhome, ta phải chém mấy con sứa nổ vào hạt nhân của Uumuu. Ở P5, lớp acid dưới đáy sẽ được thay bằng một lớp khói độc, nên bạn không thể thoải mái rơi xuống được nữa. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng nhiều lắm, và hầu hết vẫn là bạn phải canh thời điểm chuẩn để chém mấy con Ooma vào Uumuu thôi. Bạn nên tìm thời điểm tốt để dream nail Uumuu hoặc Ooma nhằm lấy càng nhiều soul càng tốt và hồi lại máu, vì sau trận Watcher Knights thì 4 trận còn lại của phân đoạn này đều rất khó để hồi phục.

28. Winged Nosk:

Winged Nosk là một phiên bản mới của Nosk và hoàn toàn độc quyền của P5, tương tự như Sisters of Battle.

Nosk là một con quái vật bí hiểm sống lẩn khuất bên dưới Deepnest. Khả năng đặc biệt của Nosk là giả dạng, dựa trên ký ức của con mồi mà nó nhắm đến. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn đang lang thang ở Deepnest và gặp crush đang vẫy tay tươi cười với mình, thì hãy biến khỏi đó ngay, vì đó là Nosk giả dạng đấy (dĩ nhiên, không ai cấm bạn cắn bã vì đã quá vã cả). Ở Deepnest, Nosk giả dạng thành chính Bug Knight, vì với một sinh vật trống rỗng chứa đầy bóng tối, thì ký ức khá là xa xỉ. Dù vậy, trong hang ổ của Nosk, bạn vẫn có thể thấy khá nhiều các vessels bị treo lủng lẳng nơi đây, chứng tỏ con quái vật này đã ăn rất nhiều anh em của ta, và ngay cả những con Devouts khổng lồ cũng không thể thoát. Ở P5, Nosk lấy hình dạng của Hornet, một chi tiết cực kỳ thú vị ở đây. Điều này dường như chứng tỏ trí óc rất nhân văn của cậu bé Bug Knight. Từ khi quay về Hallownest, cậu đã gặp gia đình của mình, và đã coi đứa em gái Hornet là một ký ức quan trọng, đến mức mà Nosk sẽ đọc được dễ dàng giữa bóng tối vô tận kia.

Winged Nosk là một sự kết hợp giữa Nosk và Vengefly King. Và nó bay xa hơn Vengefly King, nên bạn thường chỉ có một cơ hội đánh khi nó sà xuống thôi. Cánh của Winged Nosk rất dài, nên bạn sẽ phải nhảy cao hết sức để pogo lên đầu nó. Nếu bạn muốn hồi máu, bạn phải dash xuyên qua cơ thể Winged Nosk thay vì nhảy lên cao rồi bắt đầu bấm hồi ngay.

29. Great Nailsage Sly:

Great Nailsage Sly, cũng như Oro, Mato và Sheo, là boss độc quyền của Godhome.

Đinh thánh Sly là sư phụ của ba Nailmasters Oro, Mato và Sheo, và do đó, ông ta có thể lão luyện dùng cả ba Nailarts một cách thuần thục hơn học trò mình nhiều. Tiếc là lão này bị tư bản hóa, và gác đinh đi mở shop bán giá cắt cổ sống qua ngày. Thời gian Sly vận xong một Nailart của mình đúng bằng thời gian mà charm Nailmaster’s Glory cho phép bạn làm.

Sly là một boss khá khó, rất nhanh và hitbox nhỏ. Nếu bạn đã qua được P4 thì có lẽ bạn sẽ cảm thấy Sly dễ thở hơn rồi. Tuy nhiên, có khả năng bạn đã quên cách đánh con boss này, thì đây là lúc mà bạn phải cố mà luyện tập đấy, Sly mới chỉ là số 29 thôi. Một điều mà có lẽ bạn không dám thử, đó là tank phase 1 của Sly. Sly có khá ít máu, và do đó, chiến thuật này là hoàn toàn có thể. Ở phase 2 thì chắc chắn bạn nên đánh cẩn thận. Co hội hồi máu duy nhất trong trận này là khi Sly bị ngất, hoặc animation trung chuyển giữa 2 phase. Cuối trận, bạn có thể dream nail Sly để có thêm soul hồi máu, thay vì chào.

30. Hornet (Sentinel):

Hornet Sentinel là trận đấu thứ hai với người em gái tại Kingdom’s Edge.

Yeah, Hornet. Nói hết ở P.1 rồi, quay lại đó mà đọc nhé!

Trận này không có gì khác biệt, có nhạc là bài Daughter of Hallownest – version đỉnh hơn của bản Hornet thường. Với bộ kỹ năng cuối game thì Hornet 2 khá là dễ, có thể tank. Tuy nhiên, nếu bạn đã thất thu máu quá nhiều từ 3 trận trước thì bạn sẽ hơi bị vã mồ hôi đấy, vì ngay cả khi bạn không tank, Hornet vẫn khá dễ va chạm với bạn.

Spa:

10 boss tiếp theo sẽ là cấp độ khó đấy. Nghỉ ngơi, thư giãn, duỗi cơ và uống nước thôi!!!

31. Enraged Guardian:


Enraged Guardian là trận thứ hai của Crystal Guardian, nằm ngay trên căn phòng của trận đầu tiên ở Crystal Peak.

Một con bọ giận dữ.

Well, chắc là chỉ có 9 trận khó thôi nhỉ. Enraged Guardian gây nhiều sát thương hơn Crystal Guardian nhưng cơ bản thì không có gì khác, thế nên cứ shadow dash và liên tục chém nó tới chết thôi. Phòng boss này thực chất nhỏ hơn phiên bản thật một tí và bạn không leo tường được do pha lê mọc dày, nhưng mà nó cũng chả làm con boss khó hơn tí nào với bộ kỹ năng cuối game cả.

32. Lost Kin:

Lost Kin là phiên bản giấc mơ của Broken Vessel.

Một điểm thú vị giữa các dream boss và phiên bản thế giới thực của chúng, là cái tên. Nếu ban đầu, nhân vật chính chỉ nhận định sinh vật này là một cái xác vụn vỡ (Broken Vessel), thì trong mộng giới, nó đã biết được sự thật rằng cái xác này đã từng là một người anh em của mình (Lost Kin).

Các dream boss hầu như không có gì đổi thay so với phiên bản ngoài Godhome. Lost Kin rất nhanh, di chuyển ngẫu hứng, và xả đạn cùng đám đệ như mưa. Bạn nên kết thúc trận này càng nhanh càng tốt. Phép Shade Soul thường sẽ gõ hai lần vì con boss khá là nhẹ. Có thể dùng charm Defender’s Crest để đám mây cứt tự xử hết đám đệ.


33. No Eyes:

No Eyes là Dream Warrior ở thánh điện Stone Sanctuary tại Greenpath.

No Eyes là một nạn nhân của đợt dịch chất độc da cam khủng khiếp xưa kia. Trong cơn điên loạn khi bị mất ngủ bởi thứ ánh sáng trong những giấc mơ ấy, No Eyes đã tự móc mắt mình và bầy con ra ngoài. Sau đó, có lẽ nó đã bị hồn ma của những đứa con này ám đến chết. Những con ma màu trắng trong trận đấu chính là oan hồn của những đứa con của No Eyes, còn chính con boss thì không ngớt ngân nga một bài hát ru ghê rợn, thứ được dân gian cho là có thể chống lại luồng sáng chói mắt trong mơ.

Đấu trường đặc trưng ở P5 của No Eyes có lẽ là cải tiến thành công thứ nhì, chỉ sau Markoth. Đấu trường này biến No Eyes từ một con boss khá dễ trở thành một thứ đáng gờm, khá xứng đáng với vị trí của nó ở P5. Bạn sẽ rất dễ mất hai máu ngay tức khắc vì tông vào một con ma, rồi bị va đập ngay vào gai có ở khắp mọi nơi. Platform nơi bạn spawn ra đầu trận có lẽ là nơi an toàn nhất để hồi máu, nếu bạn cần (vì trận đấu sau hầu như không thể hồi máu mà không có charm hỗ trợ tận răng). Tuy nhiên, cực kỳ không đảm bảo là bạn sẽ hồi thành công, và có thể sẽ phải ngắt giữa chừng và mất hết số soul. Cần hết sức bình tĩnh và không nóng vội ở trận này. Không nên dí theo No Eyes quá gắt mà luôn ưu tiên việc né đám ma trắng trước.

34. Traitor Lord:

Traitor Lord là boss chính của khu vườn Queen’s Gardens.

Là vị thủ lĩnh thứ 4 của tộc bọ ngựa, và là một kẻ phản bội dân tộc của mình để đi theo tiếng gọi nơi hoang dã. Mặc cho khả năng có thể chống lại chất độc da cam của tộc bọ ngựa, Traitor Lord và đám môn đồ cho rằng uống nước cam không bổ ngang cũng bổ dọc. Chúng bị đuổi khỏi làng bọ ngựa ở Fungal Wastes và đi xâm chiếm khu vườn Queen’s Gardens của Nữ hoàng Hallownest. Các tộc nhân phản bội này đều có thể hình to lớn hơn đồng bào của mình, chứng tỏ cho sức mạnh đặc biệt mà chất độc da cam cung cấp. Traitor Lord có một đứa con gái, đã tự tử (chắc vậy) vì bị cha từ chối mối tình đồng tính của mình với vị hiệp sĩ đến từ nơi xa lạ Ze’mer. Bạn có thể thấy ngôi mộ của cô gái xấu số này cùng những bông hoa Delicate Flower coi như lời tạm biệt của Ze’mer trong trận đấu với Traitor Lord ở P5.

Đấu trường ở P5 có phần to lớn hơn phiên bản thực ở Queen’s Gardens, nên nếu bạn đã đánh quen trận này, thì nó càng dễ hơn thôi. Traitor Lord không quá nhanh, nhưng ra đòn rất quyết liệt và dí khá dai. Gần như không thể hồi máu trừ khi có charm Quick Focus và Shape of Unn. Boss này gây gấp đôi sát thương nên cần tập trung và giải quyết nhanh gọn. Một mẹo nhỏ là khi Traitor Lord đang rơi từ trên trần nhà xuống ở đầu trận, bạn có thể chưởng từ một đến hai lần phép Abyss Shriek. Không nên sử dụng shadow dash quá tùy tiện, tối đa một lần cho mỗi đòn tấn công, vì sẽ có chiêu của Traitor Lord mà bạn bắt buộc phải dùng shadow dash để né. Một phương án khác để thay thế là phép Descending Dark, cho bạn đủ i-frames để thoát khỏi chiêu thức trên.

35. White Defender:

White Defender là phiên bản giấc mơ của Dung Defender.

White Defender là dạng hiệp sĩ của chú bọ hung Ogrim khi còn đang hầu Pale King. Đấu trường bên ngoài Godhome của White Defender sẽ hé lộ cho người chơi biết về nhân dạng của 4 hiệp sĩ còn lại trong nhóm này. Khá là đáng nhớ.

White Defender di chuyển khá là nhanh và nhiều chiêu thức diện rộng. Tuy nhiên, nó có một điểm mù là bên góc của sàn đấu. Bạn có thể núp thoải mái ở hai góc này để hồi máu khi cần. Bạn không thể dùng Descending Dark để hất White Defender ra khỏi mặt đất như với Dung Defender. Thay vào đó, khi White Defender bay lên không từ dưới đất, hãy chưởng từ một đến hai phát Abyss Shriek.

Spa:

Chỉ còn một trạm nghỉ nữa thôi là thử thách dài đằng đẵng này sẽ kết thúc. Tuy nhiên, 7 boss còn lại sẽ khá là khó và dễ làm bạn công cốc hết toàn bộ mớ thời gian vừa qua đấy. Bạn có thể nghỉ ngơi và thư giãn một tí ở đây nhé.

White Lady:

Trạm nghỉ đặc biệt thứ 2. White Lady là Nữ hoàng của Hallownest và là vị thần của sự sinh sôi. White Lady đã cùng với Pale King tạo ra hàng ngàn những đứa trẻ, trước khi Nhà vua nhúng toàn bộ trứng vào thứ chất lỏng đen đặc của Abyss. Cảm thấy tội lỗi vì sự đồng lõa của mình, White Lady đã tự phong ấn bản thân lại tại Queen’s Gardens, thế nên Godseeker đã không thể mời được bà vào trong ngôi đền Godhome của chúng.

Hẹn gặp lại ở kỳ cuối nhé!!!!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện