Sky: Children of the Light. Ánh sáng và bầu trời

Khách quen

  

Vào năm 2012, Journey, một tựa game phiêu lưu, được nhà phát triển Thatgamecompany cùng nhà phát hành Sony đem đến cho người chơi trên toàn thế giới. Journey rất khác biệt so với những tựa game nổi cùng thời như Far Cry 3 hay Dishonored khi sở hữu nền độ họa chú trọng đến giá trị nghệ thuật thay vì độ chân thật của từng vật thể, cũng như chỉ cho người chơi một cốt truyện tương đối khó để hiểu rõ, thay vào đó là chú trọng nhiều vào việc đem đến những trải nghiệm mới mẻ. Và rồi, thật bất ngờ là trong lễ trao giải The Game Award thường niên, tựa game đã giành được giải game hay nhất trên PS3 và hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ khác, chính nhờ vào sự khác biệt ấy.

Thế nhưng, hôm nay mình sẽ không đánh giá về tựa game trên, mà mình muốn nói về một tựa game khác vừa ra mắt trong năm 2019 này. Có thể nói đây chính là người kế thừa của Journey, một tựa game đã giữ được những cốt lõi đã làm nên thành công, tựa game đó mang tên Sky: Children of the Light.

Sky: Children of the Light là một tựa game được phát hành vào tháng 07 năm 2019 dành cho nền tảng iOS và hiện tại đang là bản open beta cho Android. Ngay từ khi ra mắt, tựa game đã chiếm được cảm tình của nhiều game thủ trên thế giới cũng như các nhà đánh giá game khi sớm nhận được đề cử cho game mobile hay nhất của The Game Awards 2019 và game mobile của năm tại 2019 Golden Joystick Awards. Có thể thấy, đây là nỗ lực của nhà phát triển khi đem đến một làn gió mới vào thị trường game mobile đang khá “nhàm chán”, và thực sự đạt được những thành tích đáng kể.

Khi ta nhìn vào thành công của Journey, ta sẽ thấy được phần lớn là nhờ vào gameplay hết sức ấn tượng. Giá trị của tựa game không nằm ở đích đến, mà nó được rút ra qua những trải nghiệm trên chặng đường đi đến đích. Phần chơi của game cho phép người chơi phối hợp với người khác, chỉ duy nhất một người lạ mà ta tình cờ gặp trong cuộc hành trình, từ đó cấu thành những tương tác vô cùng đặc biệt, để lại trong người chơi những cảm xúc khó tả ở tận những giây cuối cùng.

Vậy còn Sky: Children of the Light thì sao? Vẫn giữ nguyên phong cách làm game của mình, Thatgamecompany đã đem những yếu tố đã làm nên thành công của người tiền nhiệm, phát triển nó và đưa vào tác phẩm mới của họ.

Sky: Children of the Light cho chúng ta vào vai một đứa trẻ thuộc về một giống loài cổ xưa. Giống loài này đến từ các vì sao và ánh sáng của họ, ánh sáng của những ngôi sao, đang lụi tàn dần. Và nhiệm vụ của người chơi là phải thắp lại ánh sáng của những ngôi sao ấy bằng chính ngọn lửa của bản thân. Đấy là toàn bộ cốt truyện của tựa game. Tương tự như Journey, tựa game này cũng có các cutsceen nhỏ, chỉ có một cutsceen có thoại và có rất ít thoại được dùng để dẫn dắt cốt truyện.

Từ hòn đảo nhỏ mở đầu, người chơi sẽ được đưa qua sáu khu vực khác nhau, từ sa mạc của Isle of Dawn cho đến khu rừng mưa Hidden Forest. Nhưng ấn tượng nhất vẫn phải là Valley of Triumph, một ngọn núi tuyết khổng lồ, nơi người chơi có thể trượt từ đỉnh núi xuống, khá giống với Alto’s Adventure, một tựa game vô cùng ấn tượng từng làm mưa làm gió trên iOS và Android. Thế giới trong Sky: Children of the Light là khá rộng lớn, tuy chỉ có sáu khu vực và một khu vực phụ, nhưng mỗi nơi đều ẩn giấu nhiều bí ẩn, khuyến khích người chơi bước ra khỏi lộ trình có sẵn để tìm hiểu và khám phá thế giới thú vị này.

Âm nhạc trong game là những bản nhạc không lời, được lồng ghép cực kì phù hợp vào từng phân đoạn. Từ cảm giác hào hứng khi lần đầu vượt qua những chòm mây để đến với cánh đồng trên trời Daylight Prairie trong tiếng nhạc piano du dương; cho đến sự căng thẳng, rùng rợn của âm thanh khi lần đầu tiên chạm trán con Dark Dragons/Krill ở Golden Wasteland; hay bản nhạc được chơi khi người chơi đến gần với kết thúc trong Vault of Knowledge.

Nhà phát triển cũng rất chú ý đến âm thanh của môi trường xung quanh. Tiếng bước chân khi đi trên từng môi trường khác nhau cũng sẽ có sự khác biệt, tiếng gió rít mỗi khi người chơi bay lượn trên không hay tiếng vọng phát ra khi ta bước vào trong một cái hang bất kì. Chính sự tỉ mỉ ấy đã khiến cho phần âm thanh của game không hề thua kém khi so sánh với những game cùng thể loại, mà thậm chí còn ấn tượng do đây là một tựa game phát hành dành cho người chơi trên điện thoại.

Giống với Journey, Sky: Children of the Light vẫn xoay quanh việc khám phá môi trường thế giới xung quanh nhưng giờ đã rộng lớn và đa dạng hơn rất nhiều. Nhân vật của người chơi vẫn có cho mình khả năng bay lượn. Những linh hồn trong game mỗi khi được khám phá sẽ cho các emotion, giúp người chơi thể hiện cảm xúc qua các hành động, hay thu thập những Star/Winged Light để tăng khả năng bay cũng như khả năng chống chịu. Nhắc đến khả năng chống chịu, nó là ngọn lửa, là ánh sáng của nhân vật. Ngọn lửa ấy có thể bị dập khi người chơi đi dưới mưa, bị phân tán bởi môi trường xung quanh hoặc mất đi khi bị tấn công bởi sinh vật trong game. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ mất màu và bị rơi mất Star, nếu Star bị rơi ấy không được nhặt lại kịp lúc thì nó sẽ bị tan biến.

Các Black Dragon trong game chính là mối hiểm họa chính của người chơi, các sinh vật này có tạo hình và cách hoạt động khá giống các các Guardian trong Journey. Ở khu vực Eye of Eden, người chơi vừa phải né những tảng đá, vừa phải tránh ánh mắt của những Black Dragon vì nếu bị đá va phải hay bị tấn công, người chơi sẽ nhanh chóng mất ngọn lửa, khiến cho hành trình trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ánh sáng dễ tan biến, nhưng vẫn luôn có cách để thắp lại. Một số sinh vật trong game có khả năng thắp lại ngọn lửa trong bạn, một số còn giúp bạn di chuyển qua những vị trí khó một cách dễ dàng hơn. Ngọn lửa từ những ngọn nến cũng giúp thắp lại ánh sáng.

Phần chơi mạng của Sky: Children of the Light cũng là điểm sáng của game. Giống như Journey, game cũng đem lại những trải nghiệm thú vị với người chơi khác thông qua hệ thống giao tiếp có một không hai. Giờ đây chúng ta không chỉ gặp một người chơi khác, mà trong một khu vực, chúng ta có thể bắt gặp 2-3 người chơi thậm chí lên đến 8 người trong cùng một khu vực. Bạn có thế đang trượt một mình trên hồ băng, bỗng nhiên từ xa xuất hiện hai người chơi khác, nắm tay nhau và khiêu vũ, hay khi ngọn lửa của bạn vụt tắt khi đi dưới mưa, một người nào đó chạy đến chìa ra một cây nến giúp thắp lại ánh sáng cho bạn.

Giao tiếp với người chơi khác giờ đây trở nên dễ dàng hơn nhờ các emotion cực kì đáng yêu thu thập được trên chuyến hành trình, thậm chí chúng ta còn có thể chat được với người khác với một số điều kiện nhất định. Người chơi có thể kết bạn với nhau bằng cách trao cho nhau những ngọn nến, để cùng khám phá, phiêu lưu cùng nhau. Ngoài những điều kể trên, còn có một số những tính năng thú vị khác như thay đổi trang phục, chơi nhạc cụ,…


Tất nhiên tựa game nào cũng có một vài khiếm khuyết nhất định. Điểm yếu dễ thấy nhất đó chính là khả năng tối ưu hóa của game còn khá kém, hoặc do thiết bị mình dùng chơi game hơi yếu (Redmi Note 7), mà game thường xuyên xảy ra hiện tượng giật lag. Những mảng đồ họa có vẻ như chưa được chăm chút cho lắm khi có cảm giác như đang chơi ở độ phân giải 240p trên youtube. Vài khu vực của game có phần hơi lộn xộn, khiến việc điều khiển còn nhiều chỗ chưa được mượt mà. Thế nhưng, tựa game vẫn còn đang trong beta và sẽ được cập nhật liên tục trong tương lai nên mình tin là tựa game sẽ sớm khắc phục những điểm hạn chế nho nhỏ trên.

Tóm lại, cốt truyện của Sky giờ đây rõ ràng và dễ hiểu hơn mà vẫn rất độc đáo. Nền đồ họa vẫn giữ nguyên phong cách nghệ thuật quen thuộc, tạo hình nhân vật có phần dễ thương, đáng yêu. Gameplay được phát triển và cải tiến từ người tiền nhiệm. Thatgamecompany đã xuất sắc tạo ra một tựa game mới mẻ, phù hợp với những ai đang tìm cho mình một trải nghiệm khác biệt cùng những giờ phút giải trí nhẹ nhàng.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện