“Siêu nhân Mami” và nỗi nhớ dai dẳng khi truyện còn dở dang

Khách quen

  

Siêu nhân Mami là bộ truyện của tác giả Fujiko Fujio tôi đọc trước cả Doraemon. Năm lớp ba, tôi sống trong khoảng thời gian huy hoàng của việc sau việc đi học một buổi về nhà đọc truyện tranh và xem phim Cartoon Network. Sau khoảng thời gian dài ngấu nghiến đủ thể loại truyện tranh Việt Nam, Chú Thoòng, Xì Trum rồi Na Tra Truyền Kỳ, trước thềm lớp bốn, bố đem Siêu nhân Mami về sau một ngày làm việc. Tay mân mê quyển truyện, tôi nhớ mình phấn khích đến mức đã tự chế ca khúc chỉ lặp đi lặp lại tên tác giả hàng chục lần, vừa nhìn quyển truyện vừa hát nghêu ngao cả ngày.

Mami khác lạ hoàn toàn so với những nhân vật truyện tranh không chỉ ở nét vẽ, mà ở bộ tóc ngắn có hai đầu vểnh lên màu hung của Mami. Trang phục của cô bé cũng là điều khiến tôi luôn háo hức trước ngày ra tập truyện mới. Mami sẽ mặc bộ váy nào, cô bé sẽ làm gì cùng với chú chó Kompoko? Năm ấy cũng mới có quyển Vẽ nhân vật theo phong cách Nhật Bản, mắt nhân vật nào nhân vật nấy đều khó nhằn cả ra. Thế mà mắt, cơ thể của các nhân vật trong Mami lại đơn giản. Thế là mỗi khi tan học, tôi lăm le cuốn lịch để xé, ngồi hí hoáy vẽ Mami. Dĩ nhiên là xấu hoắc. Nhưng tôi vẫn thích vẽ, không vẽ đẹp là nhờ thằng bạn cùng bàn vẽ giùm.

Tôi mải mê chìm đắm trong những cuộc giải cứu kỳ thú của Mami cho đến tập 5. Bố bảo Siêu nhân Mami không còn bán nữa. Bộ truyện được vẽ vào năm 1996, nên bố an ủi tôi chắc khi đó tác giả qua đời nên truyện còn dở dang.

Nỗi buồn cũng nhanh chóng qua đi. Thần Đồng Đất Việt vẫn còn để đọc, Xì Trum vẫn còn đó để mơ tưởng về thế giới màu xanh đông đúc. Truyện tranh này hết thì có truyện tranh khác. Không truyện thì có phim hoạt hình. Một thời gian sau đó, tôi bắt đầu đọc Doraemon, bố mua chỉ để tôi rèn tiếng Anh, nhưng toàn đọc chữ tiếng Việt và thích thú với các món bảo bối. Doraemon phong phú, đa dạng và tập trung vào đời sống tiểu học, cốt truyện fantasy hơn. Nhưng sau này Doraemon không để lại cho tôi cảm giác nhớ nhung và mân mê như với Mami. Chắc truyện chỉ vương vấn khi còn dang dở. Vì không có kết nên luôn phải vấn vương. 

Hoặc do lý do khác.

Siêu nhân Mami kể về Mami, là một cô học sinh lớp bảy hậu đậu và bình thường như mọi học sinh khác. Bố cô là họa sĩ mãi không thành danh, và Mami hay làm mẫu cho ông (mãi sau này mới biết con nhỏ làm mẫu nude wtf sốc toàn tập). Cô bé phát hiện ra siêu năng lực trong một lần cậu bạn thân Takata ra tay đánh nhau với bọn đầu gấu: cô đã dùng ngón tay dịch chuyển cậu bạn thân lên cành cây tránh nguy hiểm. Rồi tiếp theo đó là khả năng đọc thấu ý nghĩ của người khác. Nhờ sự trợ giúp đắc lực của Takata, Mami đã thực hiện nhiều cuộc giải cứu và mang lại nhiều điều tốt đẹp với những người xung quanh.

Siêu nhân Mami tập trung nhiều vào Mami, những suy nghĩ nội tâm và cách cô bé nhìn nhận và đối xử thế giới xung quanh mình. Mami khi ấy học lớp bảy, đang trong độ tuổi định hình bản thân và nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Liệu việc cô bé sở hữu siêu năng lực ở tuổi 13 có gì khác lạ, so với những hình mẫu siêu nhân khác? Đó là cô bé đặt câu hỏi: mình sẽ sử dụng năng lực này như thế nào? Mình phải thích nghi với chúng ra sao? Làm sao để giấu bố mẹ mình (vì bố Mami từng phản đối gay gắt). Và năng lực này sẽ đưa mình đến đâu?

Trong suốt những tập truyện, chúng ta thấy được hai thế giới thú vị của Mami. Một mặt, ở thế giới thường ngày, đó là cô bé hậu đậu, vật lộn với việc học hằng ngày, làm mẫu cho bố và nấu ăn dở tệ. Lúc nhận tín hiệu nguy hiểm để đi giải cứu, vẫn một Mami hậu đậu và vô ý nhưng vô cùng nhạy bén và xoay sở tốt. Người bạn Takata đắc lực luôn tìm tòi và làm ra những công cụ đắc lực để hỗ trợ cho cô, cũng như làm quân sư cho cô những lời tư vấn vô cùng hợp lý. Ban đầu, tôi từng tưởng hai nhân vật này là cặp đôi, nhưng sau đó tôi lại ngưỡng mộ tình bạn của hai người họ thật sự. Ngược với Mami, Takata học giỏi, nấu ăn ngon và khéo tay. Ban đầu cậu ngộ tưởng mình có sức mạnh của Mami, sau đó thất vọng và giúp đỡ cô bé.

Tôi nghĩ rằng, bất kỳ ai đã đọc bộ truyện này ít nhiều đều muốn sở hữu hai năng lực dịch chuyển tức thời và khả năng đọc ý nghĩ người khác, nhất là cho những ai từng trầy trật khá nhiều trong công cuộc hiểu xem crush có thích mình không thì nó vô cùng cần thiết. Nhưng gần đây khi đọc lại bộ truyện, tôi nghĩ năng lực của Mami chỉ là nền phụ, điều khiến người đọc phải thích thú trầm trồ. Sức mạnh ấy chỉ có thể có nhờ tấm lòng nhân hậu của Mami cũng như ý thức về việc sử dụng phép thuật đúng cách. Dù thi thoảng vô ý, nhưng Mami rất dễ bất bình với những điều bất công. Tập khiến tôi nhớ nhất vào lúc tiểu học lại là tập truy tìm người hãm hại Takata – bạn thân của Mami. Mami đã đi sâu vào ký ức của cậu bạn cùng lớp – vốn là thủ phạm do bị tụt hạng so với Takata để nói chuyện với người cha trên thiên đường, để người cha ấy vỗ về cậu con trai gục ngủ do kiệt sức với việc học. 

Đến giờ vẫn nhớ câu “Người ta chỉ chết vì ngu chứ có ai chết vì học giỏi đâu” =)))

Hay tập nhà phê bình đáng ghét, cô bé đã vô cùng bức xúc trước sự gắt gao của ông họa sĩ, cô quyết trả thù bằng được, sau đó lại thương cảm trước mong muốn cống hiến kể cả khi mắc bệnh nan y.

Không chỉ ở Mami, những nhân vật phụ ở nhiều tập truyện đều mang những tâm tư rất thật về sự khắc nghiệt của nghề nghệ sĩ. Cha Mami sau bao nhiêu năm vẫn vật lộn với việc tìm kiếm tên tuổi, cưới một tiểu thư giàu có nhưng cuối cùng gia đình họ nhiều lúc vẫn ăn cơm độn khoai. Nhưng ông vẫn háo hức như một đứa trẻ khi chỉ cần ai đó hỏi và muốn mua tranh của mình.

Trở lại tập truyện nhà phê bình khắc nghiệt, ban đầu ông rất khó chịu với lời phê bình, nhưng cuối cùng ông lại mỉm cười và thầm cảm ơn với góp ý đó. Tôi cũng thích cách ông trò chuyện với Mami, như hai người bạn vậy. Có khi lại thư thái khi bắt gặp hình ảnh người nghệ sĩ Fujio tự thú nhận một phần về cách ông tạo cảm hứng mỗi khi bí ý tưởng vẽ – bằng cách đi bộ. Và cũng có lúc khổ đau, đường cùng, khi có một tập kể về người ca sĩ hết thời cố gắng tìm kiếm cái chết, để rồi con người đang nghĩ quẩn phải dừng lại khi giọng hát của mình khiến người khác hoàn lương.

Có thể đó là cách tác giả cố gắng gửi gắm những trăn trở và nỗi lo của nghề vẽ truyện hay nghệ sĩ nói chung. Rằng kể cả khi thiếu tiền, người họa sĩ chân chính sẽ không từ bỏ đam mê. Rằng niềm an ủi lớn nhất của người nghệ sĩ, là cần có một ai đó, người thân, bạn bè hay chỉ một người. Rằng sự khắc nghiệt của việc hết thời có thể đưa một người kết liễu cuộc đời ra sao.


Mỗi tập truyện của Mami đều là cách cô bé học cách thấu hiểu người khác. Đằng sau sự khắc nghiệt, khó khăn hay có phần xấu xa, con người đều ẩn chứa một phần nào đó lương thiện, nhưng vì hoàn cảnh đẩy đưa, họ sa vào tội lỗi, hay khó khăn với người khác. Cuối cùng, tất cả đều kết lại bằng tình người, bằng sự thấm thía và cảm giác sảng khoái. Chỉ muốn “A” thật to và cười thật đã.

Thực sự thì so với Doraemon, bộ này đỉnh hơn nhiều và mang nặng triết lý hơn. Doraemon thiên về gia đình, còn Mami thì mỗi chapter đều mang đậm philosophy hết. Bộ này đọc càng lớn càng thấm, xứng đáng để đọc lại. Giờ thì vẫn đang để dành tiền để mua đủ 9 tập truyện, thật sự.

Vĩnh Anh

Các trang truyện trong bài được lấy từ nettruyen.com 


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly