Cách đây khoảng mười hai năm, vào thời kì hoàng kim của hệ máy PS2, các tựa game JRPG liên tục tạo ra những cú hit trên thị trường game thế giới. Có thể kể qua những tên tuổi nổi tiếng thời bấy giờ như Final Fantasy X, Final Fantasy XII, Kingdom Heart 2, Persona 3,… Một điều đáng tiếc cho mình là vì nhiều lí do khách quan mà thời kì đó mình không có cơ hội tiếp cận với console, chỉ biết làm bạn với chiếc PC mà thôi. Nhưng mà cái khó ló cái khôn. Không chơi được game trên PS2 thì mình mày mò các trình giả lập. Nhờ đó mà mình đã có cơ hội tiếp xúc với Persona 4, một trong những tựa game đỉnh cao của thể loại JRPG.
Cuộc phiêu lưu đầu tiên
Các bạn nào thường chơi game Nhật chắc không lạ gì với cái tên Persona. Tuy nhiên hiện tại, ít người để ý rằng tên đầy đủ của dòng game này là Shin Megami Tensei: Persona. Đây là một phân nhánh của dòng game Shin Megami Tensei do hãng ATLUS phát triển. Do sự nổi tiếng của thương hiệu Persona mà bây giờ dòng game này chỉ còn được gọi ngắn gọn là Persona. Tuy vậy bạn nào chơi cả hai dòng Shin Megami Tensei và Persona sẽ thấy rất nhiều điểm chung. Ví dụ như là mô hình nhân vật giống nhau xuất hiện ở cả hai dòng game này hay là hệ thống các kĩ năng. Persona ghi dấu ấn riêng trong lòng khán giả với thể loại chơi Dating Sim rất đặc trưng. Bên cạnh đó, Persona còn được lồng ghép với Tarot khiến nó trở nên vô cùng đặc biệt.
Chính vì những lí do trên đây mà ngày xưa mình đã quyết định chơi thử Persona. Cảm giác rất là hấp dẫn. Nhưng với những hiểu biết của một thằng nhóc cấp ba thì thật sự mình chưa đủ khả năng để cảm nhận hết những cái hay của game. Vì nhiều lí do mà chuyến phiêu lưu của mình với Persona 4 không đi được đến hồi kết. Hành trình dang dở trong game khiến mình khá tiếc nuối. Tuy nhiên cơ hội lần hai đã đến với mình khi ATLUS quyết định đưa Persona 4 Golden lên PC vào hè năm nay. Ngay lập tức mình đã tậu em nó về để bắt đầu lại cuộc hành trình dang dở của hơn mười năm trước.
Học để chơi game
Persona là một dòng game xuất hiện rất nhiều yếu tố về đời sống hàng ngày tại Nhật Bản. Bạn không sinh ra là hiệp sĩ ở một vùng đất xa xôi nào đó, bạn là một học sinh trung học với những hoạt động bình thường như biết bao người khác (chỉ có đánh quái cứu thế giới là khác thường thôi). Do đó, để cảm nhận được những cái hay trong game thì bạn cần phải có hiểu biết nhất định về văn hóa và ngôn ngữ của nước Nhật. May cho mình là trong hơn mười năm qua, mình đã trau dồi vốn tiếng Nhật lên mức kha khá và cũng đã có cơ hội sang Nhật. Vì vậy khi tiếp xúc lại với Persona 4 Golden, mình thấy được rất nhiều điều thú vị. Chẳn hạn như lễ Tanabata vào 7/7 hay là lễ hội văn hóa (Bunka Sai) được tổ chức thường niên tại trường.
Ngoài yếu tố về cuộc sống ở Nhật, Persona còn có món “đặc sản” Tarot nổi tiếng. Rất nhiều yếu tố trong game gắn liền với 78 quân bài Tarot huyền ảo. Một may mắn khác cho mình là trong khoảng thời gian vừa qua, mình cũng đã có vài năm nghiên cứu và thực hành về Tarot. Do đó khi tiếp xúc lại game, mình dễ dàng cảm nhận được những cái hay mà ATLUS đã đầu tư vào trong game. Từ việc gắn liền câu chuyện của từng nhân vật với những quân Major Arcana hay là những con quái trong game (Shadows) được đại diện bởi Arcana nào.
Nhờ những kiến thức trên mà hành trình lần hai của mình với Persona 4 Golden trở nên thuận lợi hơn nhiều so với ngày xưa. Trong series bài viết này mình sẽ ghi lại những cảm nhận của mình về game với góc nhìn là một game thủ cũng như là người học về Tarot.
Khi anh hùng cũng chỉ là học sinh
Nếu đã quá quen thuộc với những nhân vật chính dạng hiệp sĩ, lãng tử, siêu chiến binh,… của các dòng game Nhật thì có lẽ bạn sẽ hơi ngạc nhiên với Persona. Nhân vật chính của game là Yu Narukami, một chàng trai thành thị đúng chuẩn. Tuy nhiên vào đầu năm học lớp 11, cha mẹ của Yu phải chuyển ra nước ngoài công tác một năm do đó anh đành phải về thị trấn Inaba hẻo lánh sống với ông cậu Dojima. Nhưng ngay khi đặt chân đến Inaba, Yu Narukami đã bị cuốn vào một vụ án giết người hàng loạt đầy bí ẩn. Kể từ đây, anh chàng học sinh lớp 11 này phải chiến đấu chống lại một tên sát nhân thần bí để bảo vệ người thân và bạn bè.
Ngay tại phần mở đầu game này thì bạn đã có thể thấy một mô típ rất quen thuộc trong các tựa anime hay manga của Nhật. Đó là học sinh chuyển trường (hay còn gọi là Tenkou Sei). Công việc quan trọng nhất của Yu Narukami không phải là xông pha giết quái để cứu thế giới như biết bao game khác. Việc đầu tiên mỗi ngày của anh là cắp sách tới trường. Vâng, đây chính là đặc điểm của thể loại game Dating Sim, bạn sẽ thực hiện các sinh hoạt hàng ngày cùng với nhân vật. Bên cạnh việc đi học thì Yu Narukami cũng sẽ tham gia vào những hoạt động quen thuộc khác như câu lạc bộ sau giờ học, đi chơi cùng bạn bè, làm thêm kiếm tiền, trồng rau, câu cá,… Game đã tái hiện lại khá đầy đủ cuộc sống của một học sinh cấp ba tại Nhật. Nếu bạn nào yêu thích văn hóa Nhật hay các tựa anime, manga thì mình khuyên là nên chơi game để có thể trải nghiệm phần nào về cuộc sống ở đây.
Có bạn sẽ tự hỏi rằng, làm những công việc hàng ngày như vậy chán chết thì sao? Phi vào Dungeon đi farm quái không sướng hơn sao? Xin thưa rằng nhà phát triển đã tính toán rất kĩ. Những hoạt động bên lề không phải chỉ để cho vui mà chúng sẽ giúp bạn phát triển các mối quan hệ với những nhân vật trong game được gọi là Social Link. Nhờ đó mà bạn sẽ nhận được thêm nhiều kinh nghiệm hơn khi dung hợp ra các Persona. Đồng hành với Yu Narukami trong hành trình chiến đấu còn có những bạn học ở trường Yasogami. Họ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong trò chơi. Khi bạn phát triển Social Link với những nhân vật này, Persona của họ sẽ học thêm những kĩ năng mới giúp ích trong quá trình chiến đấu. Do vậy, việc tham gia vào các hoạt động hàng ngày là một điều bắt buộc khi chơi Persona 4 Golden.
Persona là gì?
Trước khi giới thiệu về Persona, mình xin nói sơ qua trước về Tarot. Đây là một bộ bài gồm 78 quân, chuyên dùng để bói. Hiện tại thì phong trào Tarot ở Việt Nam đang khá phát triển nên chắc một số bạn cũng đã từng đi xem bói Tarot rồi. Trong một bộ bài Tarot được chia làm hai loại, đó là 22 quân Major Arcana và 56 quân Minor Arcana. Major Arcana là những quân bài đại diện cho những sự kiện lớn, những biến động lớn. Ví dụ Chariot, Death, Devil,… Còn Minor Arcana tượng trưng cho những sự kiện nhỏ hơn, mang tính tức thời. Trong game Persona sẽ có sự xuất hiện của cả Major và Minor Arcana. Tuy nhiên Major sẽ có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều.
Khái niệm Persona trong game có thể được giải thích là nhân cách của mỗi con người khi đối diện với những khó khăn thử thách. Nhân cách này sẽ được thể hiện thông qua một thực thể và có thể triệu hồi ra khi chiến đấu. Mỗi nhân vật trong game sẽ có một Persona duy nhất, trừ nhân vật chính. Mỗi Persona sẽ thuộc về một Major Arcana khác nhau. Ví dụ Jiraiya của Yosuke thuộc về Magician còn Tomoe của Chie thuộc về Chariot. Nhân vật chính của chúng ta là một người có khả năng đặc biệt khi anh có thể sử dụng nhiều Persona khác nhau của tất cả 22 Major Arcana.
Trên đây là phần đầu trong loạt bài của mình về Persona 4 Golden. Trong các phần sau mình sẽ giới thiệu kĩ hơn về game cũng như các yếu tố liên quan đến Tarot.
Viết tiếp đi bạn