Ra đời từ những năm 1952, có thể nói rằng Astro Boy là một hình tượng bất diệt của nền manga/anime Nhật Bản. Và cho đến nay cậu bé đó đã gần chạm đến ngưỡng 70 mà những người có cơ hội tiếp xúc, có cơ hội đọc và xem thì chắc giờ cũng đã ở lứa tuổi già trâu. Có thể tự hào với con cháu rằng trước Goku, Naruto, Luffy của bọn bây thì chúng ta cũng có một anh hùng tuyệt vời như thế đấy. Được tạo nên bởi người mệnh danh là God of Manga – Osamu Tezuka, với một phong cách đặc trưng, nội dung bất ngờ đến mức không tưởng cùng nét vẽ đơn giản mà cuốn hút, mang đậm những vẻ đẹp nguyên thủy, sơ khai của truyện tranh, Astro Boy đã chạm đến trái tim của hàng triệu người trên thế giới. Đó là về một cậu bé robot mang trái tim của một con người, là niềm tin, sự hy vọng.
Đôi lời gửi đến ông, tác giả truyện tranh mà tôi kính trọng nhất. Osamu Tezuka là người đặt những viên gạch quan trọng cho nền văn hóa anime/manga Nhật Bản. Công sức, tài năng của ông vẫn được người đời sau ca tụng và nhớ đến, lấy đó làm cảm hứng sáng tác như Fujiko (Doraemon), Akira Toriyama (Dragon Ball), Naoki Urasawa (Pluto, Monster, 20th Century Boys). Trong sự nghiệp vĩ đại của mình, ông đã sáng tác hơn 700 Manga ứng với khoảng 17.0000 nghìn trang truyện, tương đương 10 trang truyện mỗi ngày. Mà cho đến những giây phút cuối đời, mong muốn của ông vẫn là tiếp tục vẽ, tiếp tục sáng tác. Tên tuổi của ông gắn với những đại kiệt tác như Phoenix, Buddha, Black Jack (Bác sĩ quái dị), và đặc biệt nhất chính là Astro Boy.
Ông đã từng học y khoa và trải qua chiến tranh nên cảm nhận rõ ràng ranh giới giữa sự sống và cái chết. Cùng những kinh nghiệm, tinh túy mà ông cóp nhặt trong suốt cuộc đời, đã tạo nên một phong cách, một lối kể chuyện nhân văn giàu triết lý cuộc sống, bộc lộ những câu chuyện với nội dung đồ sộ, nặng nề, ám ảnh đến mức gai người. Nhưng ẩn trong đó là những hạt mầm của sự sống và hy vọng mà ông gieo vào, để chúng lớn lên, cho ta thêm niềm tin về những điều tốt đẹp luôn luôn ẩn hiện trong cuộc sống.
Một điều đặc biệt nữa trong các câu chuyện của ông, chúng ta luôn thấy được những hành động ngớ ngẩn, các nhân vật ngốc nghếch đã tạo nên một phong cách hài hước đặc trưng của Osamu Tezuka. Nó như một trạm dừng chân, một ánh đèn, một điểm save game mà chúng ta có thể ngưng nghỉ, có những giây phút giải trí để tiếp tục đoạn đường phía trước. Các nhân vật quen thuộc luôn song hành, xuất hiện đan xen nhau trong các tác phẩm, đó là những giáo sư mũi to, cậu bé ba mắt nay trở thành A Thuyết Nhị trong Buddha, hình ảnh chú lợn, hay đâu đó là bác sĩ Jack, Astro lạc trôi đến đây.
Tôi tiếp xúc với truyện của ông từ khi còn nhỏ và thực sự ông chính là người thứ hai sau Fujiko khiến tôi ghi nhớ cái tên, khiến tôi say mê, khiến tôi mừng như bắt được vàng khi thấy tên ông trên những cuốn truyện khác. Nhưng khác với Fujiko, khi tôi tìm đến ông để thanh thản tâm hồn, để tìm về chốn bình yên, Tezuka lại đưa tôi trở về thực tại với những câu chuyện chân thực nặng nề mà mỗi lần đọc là một lần chiêm nghiệm, là suy tư, là đặt nặng trong đầu rồi xúc động đến tột cùng. Tôi nhớ lắm những đêm gặm nhấm Phoenix và Buddha, dâng trào trong tâm trí là những cảm xúc hỗn độn, đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Nhớ lắm mình đã rung cảm thế nào trước sự kì vĩ đó, nhớ lắm mình đã thấy nó thật lớn lao và đẹp đẽ biết nhường nào.
Với Phoenix thì như một cuốn biên niên sử vĩ đại ghi chép các biến cố, sự kiện của loài người trong dòng chảy vô tận của thời gian. Còn Buddha thì như một bức tranh khổng lồ miêu tả về những kiếp người, về hỉ nộ ái ố, về sinh lão bệnh tử và ở đấy có hành trình tìm kiếm chân lý mới, cứu rỗi những kiếp người khổ hạnh đó của hoàng tử Tất Đạt Đa. Thật khó để tìm kiếm những thứ đẹp đẽ như vậy nữa, cũng vì thế tôi mất đi cảm hứng đọc truyện suốt một thời gian dài, cảm thấy khó chịu, căm ghét những bộ truyện kém chất lượng mà lại được sản xuất rộng rãi bây giờ với nội dung nhàm chán, nhạt nhẽo, tạo hình nhân vật đẹp đẽ mà trống rỗng cùng những chiêu trò câu khách rẻ tiền chỉ trực chờ khoe vú khoe mông.
Cũng vì yêu thích những tác phẩm của ông mà Astro Boy đã đến với tôi như một lẽ tất nhiên. Những nét vẽ đơn giản mà lôi cuốn ấy đã làm tôi mê mẩn và cũng vì đi thuê, đi mượn mà có lẽ nó vẫn in sâu vào tâm trí. Không giống như những anh em khác, Astro Boy có lượng người đọc kém hơn rất nhiều ở Việt Nam. Bị xuất bản một cách kém chất lượng, cả bản dịch lẫn bản in và bị cắt xén rất nhiều về nội dung, truyện mua được đầy đủ cũng rất khó chứ nói gì đến việc tìm kiếm ở hàng thuê. Nhưng những ai đã từng đọc thì đều say đắm cái sự vĩ đại của nó. Thậm chí nó đã từng xuất hiện ở Việt Nam những năm 60 và trở thành hồi ức khó quên với các bậc cha chú. Sau đó Astro Boy được xuất bản dưới nhiều cái tên khác nhau như Thái không phi thử, Siêu nhân tí hon 2, Atomu cậu bé tay sắt hay mới đây là Cậu bé robot của NXB Kim Đồng năm 2006. Và quả thật những ai còn nhớ, còn giữ được những ấn bản đó thì cực kì tuyệt vời và đáng trân trọng lắm đấy.
Astro Boy tuy không phải là tác phẩm hay nhất của ông nhưng nó là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới. Hình tượng về cậu bé nhỏ đi giải cứu thế giới này đã trở thành tuổi thơ của biết bao thế hệ, là hình mẫu của các robot bây giờ. Chính anime về Astro Boy cũng đã khai sinh ra ngành công nghiệp anime. Có thể nói rằng khi nhắc đến Astro Boy thì người ta sẽ nhớ tới ngay Osamu Tezuka hay nhắc tới Osamu Tezuka người ta sẽ nghĩ tới ngay Astro Boy. Ở đó ta sẽ tìm được những điều đặc trưng nhất, riêng biệt nhất của ông. Có lẽ vì vậy mà tác giả Fredeik L. Schodt đã chọn Astro Boy để viết về cuộc đời ông trong cuốn The Astro Boy essays.
Astro Boy được sáng tác vào năm 1952 và kết thúc năm 1968. Đặt trong một thế giới giả tưởng nơi con người có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, các robot được phát triển liên tục hàng ngày để phục vụ con người. Robot được tạo ra ngày càng hoàn thiện và giống con người hơn, chúng thông minh, có suy nghĩ độc lập, ít than vãn và năng suất lao động cao. Để đảm bảo an toàn và quyền lợi của con người, tất cả robot phải tuân thủ mười điều luật sau.
1. Robot được tạo ra để phục vụ nhân loại.
2. Robot không bao giờ được giết hoặc làm bị thương con người.
3. Robot sẽ gọi người tạo ra chúng là cha.
4. Robot có thể làm bất cứ điều gì, ngoại trừ làm ra tiền.
5. Robot không bao giờ được ra nước ngoài mà chưa có sự cho phép.
6. Robot nam và nữ sẽ không bao giờ thay đổi vai trò.
7. Robot không bao giờ được thay đổi ngoại hình hoặc nhân dạng khác mà không được phép.
8. Robot được tạo ra khi trưởng thành sẽ không bao giờ hoạt động như trẻ em.
9. Robot không được lắp ráp các robot khác đã bị con người loại bỏ.
10. Robot không bao giờ được làm hỏng nhà hoặc công cụ của con người.
Đoạn trích nằm trong bộ phim Astro Boy (2009) cho ta cái nhìn khái quát về thế giới tương lai này
Con trai của Tenma là Tobio sau đó đã bị chết trong một tai nạn xe hơi. Quá đau xót trước sự ra đi ấy, ông đã vận dụng toàn bộ trí lực của mình để tạo ra một robot giống hệt con trai mình nhằm thay thế người con đã mất. Dưới bàn tay tài hoa cùng với bộ óc siêu việt của mình, Astro đã ra đời. Ông yêu thương Astro hết mực. Và bởi vì là một robot nguyên sơ, Tenma luôn dành hết mọi thời gian dạy cậu tập đi, dạy cậu cách cười, dạy cậu những tri thức của mình. Ông hứa với lòng sẽ trở thành một người cha tốt, dành nhiều thời gian cho cậu, mỗi khi được chứng kiến Astro vui đùa và nở nụ cười thì ông cảm thấy đây chính là giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời
Thế nhưng cái hạnh phúc mong manh ấy đã sớm bị phá vỡ, Tenma chợt nhận ra một điều Astro không thể thay thế hoàn toàn Tobio. Astro không lớn lên như con người, sẽ mãi mãi giữ nguyên hình dạng như thế. Ông phải chấp nhận một sự thật đau đớn rằng con trai ông đã ra đi mãi mãi, Astro chỉ là một sản phẩm do ông tạo ra, một vật thay thế. Càng nhìn Astro chỉ càng làm ông nhớ đến Tobio. Bộ óc vĩ đại của loài người, cha đẻ của robot ấy vẫn luôn giữ trong lòng những định kiến, những rào cản về máy móc. Ông luôn coi robot là những công cụ vô tri, chúng sinh ra chỉ để phục vụ cho loài người, hay đúng hơn là những nô lệ bậc cao. Trong những giây phút nóng giận nhất, ông đã không muốn nhìn mặt Astro nữa, chắc có lẽ càng nhìn, nỗi đau của ông càng lớn lên.
Ông đã bán Astro cho Hamegg – một chủ rạp xiếc. Cậu trở thành công cụ kiếm tiền cho hắn, bị hắn hành hạ, bóc lột, phải chiến đấu với các robot khác, mua vui cho con người. Đáng thương thay, cậu phải rời khỏi nơi từng là mái nhà yên ấm, xa rời vòng tay của người đã từng yêu cậu hết mực mà không hiểu vì lý do gì một cách âm thầm, không cảm xúc bởi cậu chưa từng được dạy khóc là như thế nào.
Nếu như Dr.Tenma là người có công sinh thành thì Dr.Ochanomizu là người có công nuôi dưỡng và giáo dục với Astro. Chính ông là người đã cứu Astro khỏi rạp xiếc, thoát khỏi cảnh chiến đấu với đồng loại để giành giật sự sống. Dr.Ochanomizu đã khai phá những sức mạnh tiềm ẩn trong người cậu, cho cậu một gia đình người máy, cho cậu được đi học như bao đứa trẻ khác. Ông là người có quan điểm trái ngược với Tenma, với ông, robot là bạn của con người.
Astro có những sức mạnh siêu phàm với động cơ 10.0000 mã lực, biến đổi tay chân thành động cơ tên lửa, phóng ra những chùm tia cực mạnh từ tay, thông thạo hàng chục ngôn ngữ hay khả năng siêu thính giác và hai chiếc súng ẩn ở mông (thực sự nó cực kì hữu dụng trong nhiều trường hợp mặc dù khi nghe khá là ngớ ngẩn). Một năng lực siêu đặc biệt nữa chính là cảm nhận được người tốt kẻ xấu thông qua một cái nhìn. Đó mới là năng lực mạnh mẽ nhất của Astro. Câu chuyện của Astro Boy sau đó là hành trình của cậu bé nhỏ đi giải cứu thế giới, bảo vệ con người, bảo vệ đồng loại của mình, bảo vệ công lý và lẽ phải.
Đọc đến đây có lẽ bạn sẽ nghĩ một câu chuyện thật đơn giản, một hướng đi thường thấy ta có thể bắt gặp ở bất cứ đầu truyện nào bây giờ. Lúc tôi bắt đầu được tiếp cận với Astro Boy, chính cái tên của tác giả là thứ lôi kéo tôi. Cái thời đó Goku, Doraemon, Itto, Conan đã thực sự làm mưa làm gió ở Việt Nam mất rồi. Astro vẫn có một chỗ đứng trong lòng tôi, nó đầy đặn và đủ sức hút để lật giở từng trang, và có lẽ nó vẫn sẽ mang những dấu ấn như thế cho đến khi internet phát triển. Tôi được tiếp cận đầy đủ không cắt xén những bản tiếng Anh của bộ truyện này. Đến lúc này tôi mới cảm nhận được nó thật tuyệt vời, nó khác xa những gì đọng lại trong kí ức, sự sáng tạo của tác giả thật quá sức tưởng tượng, cái hay cái tinh túy chính là nội dung. Trước hết hãy bàn sâu hơn về thế giới mà ông đã xây dựng.
Chắc hẳn khi xem đoạn trích trên bạn sẽ cảm thấy có những thứ không bình thường, nó không đơn thuần là một bộ phim cho trẻ em, không đơn thuần là vui tươi. Và thật sự một điều, những gì Astro Boy thể hiện trên phim ảnh, trên anime đã được lược bỏ và thuyên giảm đi rất nhiều lần. Có một nhận định rất hay rằng thế giới mà Fujiko tạo ra trong Doraemon là một thế giới hoàn hảo, công nghệ phát triển vượt bậc, nơi mà các robot chung sống với con người như những người bạn, giúp đỡ, yêu thương, đùm bọc che chở. Một thế giới đặc biệt diệu kì, là ước mơ niềm khao khát đặt chân tới của biết bao thế hệ.
Còn thế giới trong Astro Boy lại thật tàn nhẫn và đen tối. Tại đây robot bị bóc lột sức lao động, chúng có trí tuệ, có khả năng suy nghĩ nhưng không bao giờ được coi trọng, chỉ là những công cụ hay nói đúng hơn là những nô lệ bậc cao. Mười điều luật về robot được ra đời chỉ nhằm mục đích là bảo vệ quyền lợi của con người, càng đào sâu vào sự phân biệt giai cấp.
Tác giả đã mượn thế giới robot này để nói về sự phân biệt giai cấp, nói về những tầng lớp xã hội, nạn phân biệt chủng tộc. Giáo sư Taba Koh trong truyện đã nói với Astro đại ý rằng đầu thế kỷ 20 khi người da đen đã giành được sự bình đẳng thì khi robot ra đời lại bị đối xử tàn nhẫn hơn. Một sự thay thế và minh chứng con người luôn luôn như vậy. Con người đã từng nghĩ rằng mình được tạo ra bởi thượng đế, cảm tạ và thờ phụng thượng đế thì trên góc độ của các robot, chúng ta chính là thượng đế của họ. Sẽ ra sao khi những đứa con của chúng ta vùng lên đòi quyền tự do, bình đẳng bởi lẽ chúng nhận ra những sự thật, mình sinh ra chỉ là công cụ để bóc lột, các thượng đế đang tôn thờ chỉ đem lại khổ đau và bất hạnh cho chúng?
Xoay quanh một thế giới đó, những nội dung và sự sáng tạo của Tezuka thật quá sức tưởng tượng và cách giải quyết cũng thật sự hợp lí và bất ngờ chứ không kiểu khơi khơi ra rồi để đấy. Chúng ta sẽ bắt gặp về sự đấu tranh cho robot, biểu tình bãi công đòi quyền lợi, đòi được nghỉ ngơi. Cuộc cách mạng do robot đứng đầu, cho đến việc bảo vệ tổng thống robot đầu tiên, chuyện tình yêu giữa những robot với nhau, nguồn gốc thực sự của loài người, thượng đế loài người chính là ai,… Những nội dung cực kì bất ngờ sẽ khiến chúng ta xúc động, hay thậm chí là khóc tự bao giờ, vì nó lớn lao, cao thượng lắm.
Con người không thể sống trong môi trường ô nhiễm, bức xạ còn robot thì hoàn toàn có thể. Sẽ ra sao khi bước vào thời kì hậu tận thế, những người làm chủ thế giới bây giờ lại chính là robot? Chúng coi loài người là thú tiêu khiển, nuôi con người như những con vật trong nhà, coi loài người tử chiến như những thú vui, trớ trêu tạo vật của con người bây giờ lại làm lại y hệt những gì con người đã làm với chúng. Đây cũng là phần truyện tôi thích nhất ở Astro Boy, những mặt tối con người được hiển hiện hay nụ cười của những con robot cứ thế ám ảnh mãi. Tình yêu có thực sự tồn tại hay hận thù, định kiến chi phối tất cả? Nó cứ quanh quẩn mãi trong đầu khiến tôi suy tư.
Chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra nhiều câu chuyện lấy cảm hứng từ nhiều danh tác thế giới như Romeo and Juliet, Sherlock Homles hay Gone With The Wind, cùng với lối vẽ đậm chất điện ảnh, nhân vật như cử động được trong các khung tranh. Astro Boy đã vượt qua khuôn khổ của những cuốn truyện tranh thông thường, nó giống như một tác phẩm nghệ thuật, đặt những dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của manga/anime sau này. Từng chi tiết nhỏ trong đó đều gợi mở ra những sự thật trần trụi, những điều tàn khốc về cái thế giới công nghệ mới của con người.
Đó là hình ảnh không thể nào quên được về Bailey – một robot dũng cảm, dám ước mơ có được sự tự do, bình đẳng như con người mà đi đến văn phòng thành phố đăng kí quyền công dân. Anh đã đứng trước cửa văn phòng hét lên một cách sung sướng, tận hưởng những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi rồi bị chính những con người xung quanh đó tức giận, xông đến đập nát thành từng mảnh vụn.
Hay như tiến sĩ Taba Koh, một con người luôn đấu tranh cho quyền lợi của robot. Chính ông và Bailey đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của Astro. Giây phút quyền bình đẳng cho robot được ban hành, ông đã khóc. Ông đã khóc vì sự cố gắng dài đằng đẵng suất 20 năm của mình. Ông đã quyết định biến mình thành robot, để được xứng đôi với cô gái robot mình đã từng yêu, đã từng từ chối lời tỏ tình của ông vì mặc cảm robot là bậc thấp hèn so với con người. Họ sẽ đến nhà thờ để làm lễ cưới, sẽ trao cho nhau những gì tốt đẹp nhất và bên nhau trọn đời. Ông hứa với lòng sẽ đấu tranh cho robot đến cuối đời bởi dù đạo luật mới được ban hành nhưng những mâu thuẫn, định kiến vẫn còn đó, những kẻ cực đoan vẫn chực chờ ngoài kia. Thế nhưng một quả bom, một tiếng nổ kinh hoàng, một khung tranh u ám hiển hiện sau đó, cả hai đã chết khi trên đường thành hôn. Đây cũng là phong cách đặc trưng của Tezuka, không hồi tưởng, không khóc lóc sướt mướt liên miên, chỉ một khung tranh hay chỉ một tiếng nổ, mọi thứ thật đơn giản nhưng để lại một nỗi ám ảnh vô cùng.
Giữa một thế giới đen tối, ám ảnh như thế, Astro vẫn là biểu tượng của chính nghĩa, biểu tượng của công lý. Vì sở hữu cho mình khả năng nhận biết cái xấu và cái tốt, tôi hoàn toàn đặt niềm tin, không bao giờ lo việc cậu sẽ thay đổi tâm tính. Cậu sẽ không bao giờ nghiêng về phía con người hay về phía robot, cậu yêu quý đồng loại của mình nhưng sẽ không bao giờ vi phạm những điều luật về robot, luôn giúp đỡ con người. Nhưng cũng vì thế mà đôi lúc tôi cảm thấy tức giận vô cùng khi chứng kiến Hamegg hành hạ và đánh đập cậu. Hắn bóc lột sức lao động của cậu, lừa dối không cho cậu gặp lại mẹ của mình lần cuối trước khi bà qua đời, bắt cậu phải đấu đến chết với các robot khác.
Hắn có xấu xa không? Rất xấu xa! Chính cậu đã chỉ ra hắn là kẻ xấu xa nhất. Thế nhưng tại sao cậu lại cứu hắn khi quả tạ sắp rơi vào đầu hay thoát khỏi đám cháy ở rạp xiếc? Tại sao cậu không bỏ mặc hắn rồi xiềng xích được tháo bỏ, cậu sẽ được tự do? Bởi lẽ cái xiềng xích to lớn nhất không phải là Hamegg mà là bộ luật robot, là robot được tạo ra để giúp đỡ con người, là robot không được làm hại con người, là chính thế giới này. Một rào cản vô hình đặt nặng lên vai những robot bấy giờ, giống như việc số phận của chúng đã được an bài, sinh ra với kiếp nô lệ.
Và có lẽ giây phút lắng đọng nhất bộ truyện là những giọt nước mắt của Astro khóc thương cho đồng loại. Cậu phải chiến đấu sống còn với các robot ở rạp xiếc, cậu không muốn làm vậy nhưng lại quá mạnh so với đồng loại ở đó. Mọi thứ diễn ra quá nhanh khi cậu không thể kiểm soát được, một cú đấm, một khung tranh.
Astro luôn dằn vặt bản thân, luôn cho rằng đó là lỗi của bản thân. Khi đọc lại nhiều lần, ngẫm lại, tôi mới thấy cảnh tượng đó thật đẹp nhưng cũng thật buồn thảm biết bao. Cậu bé nhỏ không muốn làm hại bất cứ một ai, bất cứ một sinh vật sống nào. Khác hẳn những anh hùng bây giờ giết người như ngóe, thích thể hiện cái tôi, muốn thể hiện cái nội tâm sâu sắc nhưng thật sự sáo rỗng hơn bao giờ hết. Sự ăn năn đó, xót thương đó không chỉ lặp lại một mà rất nhiều lần trong tác phẩm, cho chúng ta thấy ấm lòng hơn bao giờ hết. Không giống và khác xa hoàn toàn những đầu truyện thích thể hiện sự dark deep một cách vô lí, phi logic, nhân vật như những kẻ bất mãn, chỉ thích chửi, thích rủa cho sướng mồm sướng thân.
Khi đọc xong Pluto và đọc lại Astro Boy, tôi mới ngộ ra những điều ẩn sâu, những thứ mình chưa hiểu, những gì tác giả Naoki Urasawa muốn truyền đạt, muốn mọi người hiểu rõ hơn về Astro Boy. Những dồn nén mà cậu bé Astro đã phải chịu đựng, đã phải nếm trải, một áp lực đè nặng lên cậu, áp lực đè nặng lên hai chữ anh hùng. Con người có thể quên nhưng đối với robot thì không bao giờ, chỉ có thể xóa đi kí ức đi mà thôi. Những điều kinh khủng cậu đã đối mặt, những góc tối, những âm mưu, những đau thương mất mát luôn hiện hữu trong bộ nhớ của cậu.
Dù là một robot mạnh mẽ nhưng cậu vẫn chỉ là đứa trẻ, con người vô hình chung đã đặt nặng lên người cậu, coi việc cậu chiến đấu vì con người là lẽ dĩ nhiên. Astro vẫn là thế, vẫn chiến đấu không vì bản thân hay ham muốn nào. Cậu bảo vệ một ngôi làng khỏi bom đạn chiến tranh mặc cho có phải hết nhiên liệu và ngưng hoạt động; cậu chọn cho mình một nơi hoang vắng để ra đi, nằm lên bãi cỏ rồi từ từ nhắm mắt để những người thân yêu không phải lo lắng, không phải nghĩ ngợi gì về mình; sẵn sàng hi sinh bản thân để cứu lấy trái đất. Ngay cả khi có cho mình một điều ước, cậu cũng chỉ muốn có sự bình đẳng giữa hai giống loài, robot sẽ ngang bằng với con người.
Những câu chuyện của Osamu Tezuka vẫn vậy, vẫn mang một sức nặng vô hình, mang lại những tâm tư, những suy nghĩ nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là sự nhân văn, chúng ta vẫn thấy được những mầm sống, vẫn thấy được niềm tin và hy vọng. Astro chính là vậy, là ngọn lửa thắp lên giữa giông bão, những mầm sống sẽ không ngừng lớn lên. Đây chính là một kiệt tác bất hủ của manga Nhật Bản, một hình tượng vĩ đại không ai có thể phủ nhận hay bác bỏ, một robot có trái tim của một con người.
Bài viết tuyệt vời lắm, cảm ơn bạn!!