Xin chào anh em và chào mừng anh em đã quay trở lại với Meme Studio. Tiếp tục cho ra mắt phần thứ hai trong series Hướng Dẫn Tân Thủ kỳ này, tụi mình sẽ đi sâu hơn vào lối chơi cũng như những điểm khác lạ trong Dota Chu mà các anh em Liên Minh có thể sẽ cảm thấy bỡ ngỡ nhé. Ok, không cần dài dòng nữa. Hãy cùng bắt đầu thôi.
Thứ nhất, Dota sẽ không có các phép Bổ Trợ như Tốc Biến. Thay vào đó, chúng tồn tại dưới dạng trang bị trong game mà ai cũng có thể mua được, chẳng hạn như với Tốc Biến thì trong Dota đó sẽ là Blink Dagger với tính cơ động cao và thời gian hồi chiêu nhanh hơn Tốc Biến nhiều. Bên cạnh Blink Dagger, còn có Force Staff với khả năng đẩy mục tiêu đi một khoảng cách xa, Eul’s Scepter of Divinity có thể lốc mục tiêu lên, hay Scythe of Vyse có khả năng biến người ta thành lợn.
Deny, Deny và Deny. Deny là một khái niệm khác nhau cơ bản giữa DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại. Ý nghĩa của Deny là việc tự tiêu diệt những mục tiêu đồng minh, bao gồm lính, công trình và cả đồng đội,… trong một số trường hợp nhất định để giảm thiểu tối đa những lợi ích mà đối phương có thể thu lại được từ cái chết của mục tiêu đó.Nói tóm lại, nếu muốn trở thành một người chơi DOTA 2 giỏi, việc thành thạo “last hit” và “deny” là một điều bắt buộc. Đầu tiên, bạn có thể tập luyện với máy để làm quen việc vừa Last hit vừa Deny trước khi thực sự tham gia vào một trận đấu thật.
Dota không có phép Biến Về. Bạn chỉ có thể mua những món trang bị có khả năng tương tự như Town Portal Scroll hay Boots of Travel. Bạn cũng chỉ có thể biến về nhà chính hoặc các công trình bên phe và quá trình biến về cũng sẽ bị gián đoạn khi bạn dính phải hiệu ứng làm choáng.
Một số trang bị bá đạo có thể kể đến trong Dota, đó là Black King Bar, hay còn được gọi là BKB. Với khả năng kháng lại mọi đòn phép trong một khoảng thời gian ngắn thì đây gần như là trang bị cần phải có của bất kỳ tướng Xạ Thủ hay Carry nào trong Dota. Một số trang bị hữu ích khác có thể kể đến như Bottle hay Aghanim’s Scepter cũng rất được ưa chuộng. Và nếu anh em nào có thắc mắc về những món trang bị này thì hãy comment bên dưới phần bình luận cho tụi mình biết với nhé.
Bên cạnh đó, với những anh em đã quen với địa hình trong Liên Minh Huyền Thoại cũng cần lưu ý là ở đây, chúng ta ủng hộ phá rừng. Nói cách khác, bạn có thể phá cây cối xung quanh, nấp trong góc khuất hay thậm chí là bay xuyên rừng xuyên núi. Một dân chơi bá đạo có thể dễ dàng yasuo 1 chấp 5, until 20p gege như thường. Trong Dota cũng có một vị tướng có khả năng ăn cắp chiêu thức, và lại có những tướng khác có khả năng khống chế creep rừng, số khác còn cho phép bạn điều khiển đa dạng mục tiêu trên bản đồ.
Nói về sự khác biệt địa hình trong Dota Chu và Liên Minh thì đây lại là một câu chuyện khá dài. Nhìn chung thì bản đồ trong Dota 2 sẽ tạo cảm giác rộng rãi hơn khá nhiều so với Summoner’s Rift. Chính vì thế, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng liên lạc giữa các thành viên cũng như khó khăn hơn trong việc hỗ trợ đồng đội kịp thời. Để khắc phục điều này, hãy hạn chế tối đa việc đi lẻ và tác chiến một mình. Tốt nhất hãy di chuyển theo tốp từ 2 đến 3 người trở lên. Nếu buộc phải độc lập tác chiến, hãy chọn những vị trí gần trụ bảo vệ nhất hoặc có tầm nhìn rộng để dễ bề hoạt động. Hãy nhớ, luôn có sẵn một cuộn giấy vệ sinh Town Portal Scroll trong người. Nếu đã lặn lội lâu trong tựa game Liên Minh Huyền Thoại, hẳn là bạn đã quen với những pha biến về Nhà Chính kịp thời trong khi đang bị địch thủ đuổi đến sát đít.
Và dĩ nhiên, Dota Chu cũng không có những bụi rậm bí ẩn nơi các đôi tình nhân lén lút xồ ra gank lẻ bạn như trong Liên Minh. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có các mục tiêu tàng hình khác ẩn nấp trong game đấu của bạn. Trong Dota Chu có khá nhiều trang bị giúp bạn có khả năng tàng hình trong một khoảng thời gian như Glimmer Cape, Shadow Blade hay Silver Edge và dĩ nhiên là ai cũng có thể mua được nó.
Mặc khác, vai trò Đi Rừng đối với dân chơi Dota 2 cũng không được mọi người có thiện cảm. Ai cũng có thể Đi Rừng, miễn là bạn có ích. Creep trên các đường đấu cũng có thể giúp bạn chịu đòn khi farm rừng. Với những người chuyên chơi Hỗ Trợ thì một trong những bài học căn bản của vị trí này đó là khả năng Stack và Pull Creep. Nói một cách đơn giản thì bạn phải biết cách hạn chế creep trên lane dâng cao về phía địch bằng mọi giá. Và cách cơ bản nhất đó là dụ chúng hướng về phía các bãi quái rừng. Với vấn đề này nếu các bạn muốn tìm hiểu sâu hơn thì hãy comment bên dưới phần bình luận cho tụi mình biết với nhé.
Sự phức tạp trong Dota 2 còn đến từ tính thực tế trong các hiệu ứng chuyển động. Với mỗi con tướng khác nhau thì ngay cả các thao tác tấn công cơ bản cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi tốc độ xoay người, tốc độ tấn công hay thậm chí là hướng ra chiêu của vị tướng đó. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Meme Studio thì bạn sẽ chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để có thể quen dần với các hiệu ứng chuyển động của từng con tướng. Bước tiếp theo để nâng cao kỹ năng của bản thân đó là học cách last hit và câu kéo địch thủ mà thôi.
Khái niệm Thú vận chuyển. Bởi bản đồ trong Dota 2 có sự chênh lệch khá nhiều so với bản đồ Summoner’s Rift, chính vì thế ở giai đoạn đầu, bạn sẽ có cảm giác như thời gian di chuyển từ Hồ Máu ra các khu vực chiến đấu lâu như bắt xe về làng Đo Đo vậy. Điều đó cũng phần nào dẫn tới sự ra đời của dịch vụ Ship hàng Thú vận chuyển, hay thường gọi là Courier. Thú vận chuyển hoạt động như một anh shipper chăm chỉ, mang vật phẩm tới cho bạn và sẽ tự động quay trở về. Bản thân Thú vận chuyển cũng có khả năng kháng tất cả các đòn tấn công vật lý trong một khoảng thời gian ngắn, và nếu bị giết hại thì chúng sẽ quay lại với chủ nhân sau khoảng 2 phút lên bảng đếm số. Thông thường trước tới nay mỗi phe chỉ có 1 Thú vận chuyển, thế nhưng ở phiên bản 7.23 hiện tại thì mỗi người chơi đều đã có sẵn một em Thú vận chuyển ngay từ khi trận đấu bắt đầu.
Bên cạnh đó, khác với Liên Minh Huyền Thoại, trên bản đồ Dota 2 có tồn tại tới 3 cửa hàng trang bị. Một cái ở Hồ máu, nơi buôn bán hầu hết các trang bị Cơ bản và Công thức ép đồ. Hai Cửa hàng khác được gọi là Secret Shop, bao gồm một cái nằm kế trụ đầu, đường trên phe Radiant và một cái nằm kế trụ đầu, đường dưới của phe Dire. Secret Shop là nơi buôn bán những món trang bị có giá trị cao hơn và không bán ở Cửa Hàng ngay tại Hồ Máu. Bên cạnh đó, từ phiên bản 7.23, Dota 2 còn có sự xuất hiện của những món trang bị rơi ra khi bạn đánh quái rừng có tên gọi Neutral Item. Trang bị Rừng sẽ chỉ rớt sau một vài mốc thời gian cố định và giá trị sẽ tăng dần từ Bậc 1 tới Bậc 5.
Baron thật ra có phải là Roshan? Không, không hề. Mặc dù xét về lịch sử khai sinh thì Baron trên thực tế được lấy cảm hứng từ Roshan và tên đầy đủ của nó cũng là Baron Nashor, tức đảo chữ của Roshan. Và có thể bạn chưa biết thì cái tên Roshan vốn dĩ được đặt theo tên… quả bowling của Guinsoo – một trong những người đầu tiên tạo ra custom map nổi tiếng của War3 là Dota Allstar và đồng thời cũng là người mà sau đó đã trở thành nhà thiết kế game cho Liên Minh Huyền Thoại. Và sau đó, tất cả đã trở thành lịch sử.
Quay trở lại với câu chuyện thì trong khi Liên Minh Huyền Thoại có tới 2 mục tiêu quan trọng trong trận đấu bên cạnh Nhà Chính, đó là Rồng Ngàn Tuổi và Baron, thì trong Dota 2 chỉ có một mà thôi và mục tiêu đó chính là Hang Roshan. Mặc dù Roshan về bản chất khá giống với Baron, tức là một con siêu thánh thú mập địt ngốc nghếch, chỉ có thể đi lại trong khu vực của mình, nhưng khi giết được nó, phe của bạn sẽ nhận được một vật phẩm có tên gọi là Aegis of the Immortal với khả năng Cải tử hoàn sinh dành cho người sở hữu nó.
Bên cạnh đó, những chú Rồng Nguyên Tố trong Liên Minh cũng được thay thế bằng 2 vị trí mọc Rune ở 2 đầu bờ sông trong Dota 2. Cứ mỗi 2 phút, Rune sẽ mọc ngẫu nhiên ở một trong hai đầu sông và sở hữu các hiệu ứng nhất định. Những Rune này sẽ hoạt động tương tự như các bùa lợi từ linh hồn rồng, bao gồm gia tăng tốc độ di chuyển, thời gian hồi chiêu, hồi phục toàn bộ sức khỏe, gấp đôi lượng sát thương, tạo ra các bản sao và cho phép khả năng tàng hình.
Các công trình trong Dota 2 cũng có sự khác biệt rõ rệt về tính chất. Khác với Liên Minh, trụ bảo vệ trong Dota 2 không có lớp giáp nào cả. Thay vào đó, chúng sẽ có aura tăng giáp cho các tướng đồng minh đứng ở gần xung quanh. Và dĩ nhiên, để tránh các thanh niên ham hố đánh nhau thì trụ nào cũng có hiệu ứng Tầm Nhìn Chuẩn và bắn cũng đều thấm như nhau cả. Bên cạnh đó, khu vực Nhà Chính trong Dota 2 trông cũng có vẻ chật chội hơn so với Summoner’s Rift. Cụ thể, phía sau Trụ bảo vệ nhà lính sẽ có 2 nhà lính: Một Nhà Lính Tầm Xa và một Nhà Lính Cận Chiến. Riêng Nhà Lính Cận Chiến có chỉ số Phòng Thủ cao hơn Nhà Lính còn lại và bao gồm cả khả năng hồi máu. Đặc biệt các bạn cần lưu ý một điều là toàn bộ công trình trong Dota 2 sẽ không có cái nào có khả năng mọc lại cả. Một khi bị đánh sập là một đi không trở lại nha các ông. Dẫu vậy, tương tự như Janna, Dota Chu cũng có một số con tướng có khả năng thi triển hiệu ứng bảo vệ lên công trình như Treant Protector, Lich hay Orge Magi, vân vân và mây mây.
Ok. Tạm thời chuyên mục hướng dẫn tân thủ ngày hôm nay sẽ dừng lại tại đây. Và trong video phần tiếp theo, tụi mình sẽ nói sâu hơn vào chất tướng trong Dota 2 cũng như những điểm giống và khác nhau giữa các Champ và Hero. Qua đó, Meme Studio cũng sẽ gợi ý với các anh em dân chơi Liên Minh một số hero có nét tương đồng với champ yêu thích của các ông để cho dễ làm quen với game chết nhé.