Nhân một lần nghe ending theme của Courage The Cowardly Dog

Khách quen

  

Nhờ bữa trước bạn Henry Mason có viết một bài về bộ phim này, tự dưng mình mò Youtube nghe nhạc kết cho series và hứng lên viết bài này.

Bỗng dưng thấy rưng rưng. Vì đoạn nhạc nghe có vẻ hơi buồn bã tèo teo có liên quan đến kỷ niệm đẹp với Cartoon Network.

Mình biết đến Cartoon Network lần đầu tiên vào năm lớp hai. Đó là một hôm mình bị ốm, lúc đó bà bị ốm phải vào viện hay đi đâu ấy, cô đi công tác, mình bèn qua nhà bác ở một đêm. Cả ngày vui chơi với đống đồ chơi trong tủ kính của ông anh họ, lăn lê bò toài đến đêm ngủ với bác thì phát sốt. Thế là cả đêm không ngủ được, người cứ bứt rứt trở mình liên tục. Bác cứ phải lau mát, cho uống nước chanh và uống Tylenol hạ sốt. Bác mình có một đêm mệt mỏi với đứa tăng động như mình đến sáng hôm sau. Mình như một bà hoàng, nằm trên ghế ngả, có bác lau mát và bảo ăn cái gì, mắt dán vào vào chiếc TIVI hộp đang chiếu Ed, Edd, Eddy. Bác cứ nhẹ nhàng dỗ dành “Bé Bo ráng ăn ngoan, hết sốt rồi mốt còn quay lại với bác coi Cà Chua… (lúc đó chưa biết rành tiếng Anh nên nghe Cartoon thành Cà Chua). Lúc về nhà bà nội mình vẫn sốt và hâm hấp trong người, thêm buồn vì Cà Chua không có ở nhà. Bà coi kênh nào thì coi theo, với chờ giờ chiều để xem hoạt hình trên VTV và tối xem hoạt hình trên HTV7.

Năm lớp ba (vẫn là thời ấy), nhà mình mới bắt đầu đăng ký dịch vụ của SCTV gắn truyền hình cáp. Hình như lúc này nhà đã thay TV mới rồi nhỉ. Và mình gặp lại “Cà Chua” của mình. Ấn tượng sau này của mình với kênh là chiếc logo trắng đen và đoạn nhạc tranh đấu đi kèm với nó. Và mình choáng ngợp bởi số lượng phim của kênh này. Không có giữa chừng dừng thời sự, không phải ngồi xem những phim chán ngắt chất chứa drama không đầu không đuôi của người lớn. Không một bóng người, không lời nói. Chỉ có nét vẽ hoạt hình và tiếng Anh. Và hễ lần nào mình mở ra cũng đang chiếu một phim nào đó.

Mình nhớ sau tuần đầu tiên xem phim, lúc bố chở về nhà, mình đã bám sát sau lưng bố để kể tất cả những tựa phim ấn tượng. Buồn cười nhất là lúc kể về phim Xiaolin Showdown, con bé lớp 3 đã phát âm thành Hia – lin – bởi mình ấn tượng với quả đầu đinh nhà tu của thằng lùn nhất team. Kể từ khi có Cartoon Network, thời khoá biểu bắt đầu thay đổi dần. Mình trở nên năng suất hơn hẳn, xem TV liên tục không thèm ngủ trưa. Và đây là cách vận hành của một tấm gương mẫu mực điển hình:

  • Một ngày lúc đi học là sáng xem Looney Tunes phiên bản em bé, rồi xem Dexter, đi học cả ngày để bàn với mấy thằng con trai về những bộ phim đang thịnh hành. Trưa về ăn cơm dán mắt vào Ed, Edd, Eddy và tia qua một tí Sheep In The City. Ngủ trưa thành ngủ chiều, ngồi dậy học bài vẽ vời dăm ba thứ từ sách dạy vẽ manga. Đến giờ ăn cơm lại mở tivi xem VTV chiếu phim thiếu nhi, rồi đá banh với ông nội. Rồi nghỉ giữa hiệp để HTV chiếu tuỳ phim (thời đó nhớ nhất là Thị trấn Providence – theo lời người anh họ, và Tom and Jerry Show).
  • Trong tuần Cartoon Network sẽ chiếu các series phim, cuối tuần chiếu những phim dài. Phim đầu tiên nhớ đến giờ là cô bé Madeline, bị lừa đi lao động khổ sai và trốn thoát an toàn, và bạn các cô bé cắt ngắn một phần tóc để san sẻ nỗi buồn với bạn. Rồi Batman và Joker, Batman- Robin, series Hotwheels, Lego. Thường mình không thích lắm, vì… dài mà dốt tiếng Anh. Nên sẽ chờ cho qua để xem tiếp phim khác. 

Lúc biết đến Cartoon Network, mình thích xem đủ thứ và nghiện để có nhiều trải nghiệm khác nhau. Còn với bố, chỉ có hai thể loại phim: phim nói tiếng Anh chuẩn và phim nói tiếng Anh nhảm nhí. Tiếc thay phim nói tiếng Anh rõ ràng lại toàn đánh đấm bạo lực – Teen Titans, Justic League (lần đầu mình thấy một nữ anh hùng). Còn lại toàn phim nói tiếng Anh không chuẩn – chắc mấy thím hi vọng cũng xem mấy series thô bỉ kiểu “Cow and Chicken” (nhớ hoài phát âm chiệc kiến), I Am Weasel. Toàn những phim đặc sắc trước khi có Pink Panther và Adventure Time vô.

Nhưng không gì bằng Courage The Cowardly Dog, chiếu mỗi chiều trước lúc ăn cơm.

Mình không biết vì sao khi nghe ending theme này, lại buồn man mác. Phim này được cái nét vẽ và cốt truyện dị. Có lẽ thời điểm đó ông nội mình mới ngủ dậy để nấu gói phở Đệ Nhất. Hoặc giờ đó là giờ làm việc với mớ phẩm màu, hay sau khi hết phim đi giao hàng ở đâu đó. Cũng có hôm là đi siêu thị trên chiếc xe Dream, để mình chờ xem ông có mua gì ở giỏ xe – tờ báo mới nào cũng được.

Một năm sau, mình không xem phim này buổi chiều nữa. Những thú vui khác nhường chỗ cho sự gương mẫu đến độ cận thị khi đi khám. Một năm sau ông mình sa sút trí tuệ. Và mình có thú vui mới: Disney Channel. Cũng không còn thân thiết với ông nội nữa.

Courage The Cowardly Dog không phải là bộ phim vẽ đẹp. Với bố mình thì các phim của Cartoon Network nét vẽ nham nhở, không “đẹp” theo chuẩn của Disney. Nhìn qua Disney thì cách phối màu, các theme, vibe nào cũng giống nhau. Cái hay của Cartoon Network, do mỗi phim từ các hãng khác nhau nên độ hài hước (humor) khác biệt, nhạt mặn khác nhau. Đa dạng nhưng không tạp nham. Disney sau này cũng cố như Cartoon Network, nhưng chẳng ai muốn coi với Upin Ipin cả.

Courage The Cowardly Dog có nhiều chi tiết nham nhở, đáng sợ, hài nhất là con chó run run rồi bật cả thế giới. Nó xấu xí, nhưng lại nhiều sắc màu, tưng tửng, sống động. Giống với thời điểm mà mình trải nghiệm lúc đó vậy.

Lúc mình không thân thiết với ông nội nữa, vì sợ chứng sa sút trí tuệ, mình tập bước vào thế giới của sự đứng đắn và “cool” hơn. Cartoon Network trở nên nhảm nhí.

Và giờ mình lại nhớ nó. Có lẽ những thứ nhảm nhí và xấu xí ấy là thứ tuyệt đẹp đáng nhớ hơn cả sự hoàn mỹ lấp lánh kia.

Cũng tối hôm sau, mình có nghe lại nhạc phim “Mucha Lucha”. Bữa đó mình khó chịu với ông, thét lên “Không thèm”, không rõ vì lý do gì. Mà lúc đó 11 giờ khuya, ông bắt đi ngủ. Giờ cũng không mở Cartoon Network, cũng không còn cái sự lấc cấc, nhà ông bà cũng đem đi thuê, và cũng không còn người xưa nữa. Và cũng không còn bộ phim ấy ngày xưa. 

Bé Ann Công Chúa

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện