[dropcap]Ở[/dropcap] những năm đầu tiên, video game vẫn chưa phải là một ngành công nghiệp triệu đô như hiện nay, chúng được tạo ra như một hình thức giải trí đơn giản và gọn nhẹ cho mọi người thông qua những thiết kế đơn giản và không quá phức tạp như vượt chướng ngại vật, đánh bóng bàn, xếp hình,vv… âm nhạc hay chính xác hơn là âm thanh trong video game khi đó chỉ là những tiếng bip, boop đơn giản của hệ thống nhằm phản hồi lại 1 thao tác nào đó của người chơi. Điển hình nhất chính là tựa game Pong kinh điển được phát triển bởi Atari năm 1972.
Theo dòng chảy của công nghệ, video games cũng theo đó mà tân tiến hơn. Khi thời đại hoàng kim của máy arcade (máy thùng) bắt đầu vào năm 1979, người ta đã được chứng kiến những bước tiến đáng kể trong việc thiết kế một video games và dĩ nhiên rồi, kể cả trong cách vận dụng âm nhạc và âm thanh. Với sự xuất hiện của công nghệ mới, những tiếng bip, boop giờ đây đã trở nên sống động hơn, đa dạng hơn thay vì chỉ lặp đi lặp lại một cách vô hồn và có phần khó chịu như trước. Hãy thử so sánh Space Invaders (1978) với Pong (1972) nhé!
Nhạc nền có vai trò như thế nào trong một trò chơi điện tử?
Nhưng đặc biệt nhất phải nói đến sự xuất hiện của BGM: background music hay nhạc nền. Vậy nhạc nền có vai trò như thế nào trong một trò chơi điện tử?
Câu trả lời ngắn gọn nhất vẫn là để khiến các trò chơi của chúng ta sống động hơn. Nhìn sâu hơn thì việc xuất hiện BGM trong video games là một bước tiến hoàn toàn có thể thấy trước đi. Không gian ý tưởng và chủ đề của các nhà thiết kế đã được nới rộng ra rất nhiều khi giới hạn về mặt công nghệ dần bị xóa bỏ. Thay vì trận bóng bàn đơn giản năm nào, giờ đây chúng ta có những “thứ” tuyệt hơn rất nhiều! Thử vào vai một anh chàng sửa ống nước trong hành trình giải cứu một mỹ nhân từ tay 1 con khỉ (hay tinh tinh gì đấy) khổng lồ nhé! Donkey Kong (1981) cùng đoạn BGM mở đầu đặc trưng của mình quả thực đã khiến tựa game trở nên thú vị hơn hẳn thay vì chỉ beep beep, boop boop như các tiền bối. Đi xa hơn chút nữa, Contra (1987) với những bản BGM ầm ĩ, sôi động hay Super Mario Bros (1989) với bản BGM huyền thoại cực kì catchy của Koji Kondo đều là những ví dụ rất tiêu biểu cho thấy BGM là 1 bước tiến rất cần thiết cho video games. Bạn thấy đấy, cũng như trong điện ảnh, sân khấu: Romeo và Juliet không thể nào thiếu đi “A Time For Us” và người chơi game cũng không thể nào đi tiêu diệt bọn người ngoài hành tinh mà thiếu đi những bản nhạc “máu lửa” hay phiêu lưu trong vương quốc nấm mà thiếu đi giai điệu vui tai đặc trưng của nó. Tạo không khí, tạo cảm hứng hay bất cứ những miêu tả nào tương tự, đó là vai trò đầu tiên của BGM.
Tạm quên những năm 80s đi, chào mừng bạn đến với thập 90s và xa hơn nữa, thế kỉ 21. Với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của ngành tin học nói chung và ngành game nói riêng đã giúp chúng ta đã được chứng kiến một thế giới game tuyệt đẹp, một thế giới mà ngay cả những người đã tạo ra nó cũng chưa bao giờ nghĩ đến. (video games từng được xem là một phong trào nhất thời và khó có thể phát triển sau một loạt biến cố xảy ra trước khi máy NES huyền thoại xuất hiện). Tiêu chuẩn của một tựa game chất lượng hiện nay phải là sự kết hợp tinh tế giữa cả lối chơi (gameplay) và cốt truyện, vì vậy âm nhạc đóng vai trò rất lớn trong việc giúp người chơi hiểu được những thông tin nhà phát triển cung cấp hay xa hơn là thấm thía được những ẩn ý bên trong cốt truyện của một tác phẩm.
Hãy nói về việc áp dụng âm thanh để tạo ra một thông báo cho những sự kiện kế tiếp. Kế thừa vai trò ban đầu là tạo cảm hứng cho người chơi ở từng màn chơi riêng biệt, âm nhạc nay còn có thêm một chức năng khác là báo hiệu cho những sự kiện sắp xảy ra trong trò chơi. Cách dùng này tỏ ra rất hiệu quả ở những trò chơi có yếu tố đánh boss hay các trò chơi hiện đại hơn khi chứa đựng rất nhiều nội dung khác nhau. Hiệu quả nó đem lại chính là một trải nghiệm thoải mái hơn cho người chơi, giúp họ sắn tay áo, cầm chắc tay cầm và chuẩn bị tinh thần cho 1 trận chiến khó nhằn hoặc ngược lại là thở phào nhẹ nhỏm vì nguy hiểm đã qua. Rõ là cái tiếng báo động WARNING khi boss sắp xuất hiện trong Megaman giúp ta chuẩn bị tốt hơn thay vì trò chơi khiến ta lao thẳng vào boss như trong Super Mario Bros đúng không?
Nếu phải nói thì cá nhân người viết thấy dòng Pokemon (1996) vận dụng điều này rất tuyệt vời: một bản nhạc nền vui tươi, năng động và boom, âm thanh báo hiệu một cuộc chiến phát ra: a wild Rattata appeared, BGM trở nên kịch tích và gay cấn, đưa người chơi ngay lập tức vào thể sẵn sàng cho cuộc chiến, cứ như mấy liều Adrenaline liên tiếp ấy!
Và một lần nữa, cũng như điện ảnh, âm nhạc trong game cũng đóng vai trò lớn trong việc tạo dựng bối cảnh ở một số thời điểm đặc biệt trong cốt truyện. Khiến tựa game của mình trở nên đáng nhớ và khiến người chơi nhận ra được những thông điệp được gửi gắm là mục tiêu của mọi nhà làm game, âm nhạc chính là chìa khóa quan trọng để đạt được điều này.
Nhưng thú vị ở chỗ, cách dùng có thể được chia thành 2 kiểu: âm nhạc được cả người chơi lẫn nhân vật nghe được hay âm nhạc chỉ dành cho người chơi. Ở một số game, chúng ta sẽ bắt gặp nhân vật thưởng thức một bản nhạc từ những người hát rong hay những đài radio, yếu tổ này tỏ ra rất thú vị khi nhà phát triển có thể khóe léo lồng ghép thêm các bình luận của nhân vật về bản nhạc và từ đó người chơi có thể có 1 cái nhìn rõ hơn về cá tính, nguồn gốc của nhân vật mình đang điều khiển và thậm chí và về cái “thế giới” tồn tại bên trong game, yếu tố này thường được bắt gặp ở các tựa RPG. Đối với người viết thì tựa game vận dụng yếu tố này tuyệt nhất là Metal Gear Solid: Peace Walker với Sing A Song aka The Boss’ Song.
Còn đối với những bản nhạc chỉ dành cho người chơi, ngoài mục đích được sử dụng như những tín hiệu trong gameplay như đã nói trên, chúng còn sẽ được sử dụng như một thứ “vũ khí” để đánh vào tâm lý người chơi, nhằm để lại những ấn tượng mạnh và khó quên. Ở những cutscene hay phân đoạn đặc biệt, như khi nhân vật chính đối mặt với một sự kiện bất ngờ hay một nỗi bi kịch hay cũng có thể là khi tình yêu và hy vọng xuất hiện. Lúc đó hình ảnh và không gian sẽ dựng sẵn 1 “cái bẫy”, âm nhạc sẽ trở thành một “cú đá” rất mạnh, “sút” người chơi thẳng vào cái bẫy cảm xúc đã được giăng ra khi tiếng đàn bắt đầu vang lên. Đoạn cutscene sau của NieR:Automata (2017) là một ví dụ hoàn hảo:
Hoặc một ví dụ khác đến từ Life is Strange (2012):
Ngoài ra thì sử dụng âm nhạc thành công nhất phải nói đến các rhythm game! Một thể loại game được xây dựng hoàn toàn xuay quanh âm nhạc cơ mà, và còn là một trong những thể loại thú vị nhất từng được tạo ra bởi những nhà thiết kế game. Guitar Hero (2005) đã thỏa niềm mong ước của rất nhiều người khi nó được ra mắt, bạn có thể lắc lư theo điệu nhạc và “càn quét” các phím bấm theo đúng nhịp điệu bài hát mà không cần phải thông qua bất kì khóa đào tạo nhạc lý nào, nhưng có lẽ sẽ cần một chút luyện tập đấy. Dĩ nhiên theo thời gian, rhythm game cũng đã được phát triển theo rất nhiều hướng đi mới lạ và độc đáo, đôi lúc có hơi kì quặc và lố lăng nhưng không thể phủ nhận rằng tất cả những nỗ lực đó đã tạo thành một món ăn tinh thần vô cùng chất lượng, không thể thiếu với mọi game thủ ngày nay, thậm chí là cả đối với những người yêu âm nhạc.
Vai trò cuối cùng của âm nhạc trong video game chính là hack não chúng ta
Vai trò cuối cùng của âm nhạc trong video game cũng là vai trò đáng yêu nhất của nó! Chính là hack não chúng ta, bạn có biết khi thư giãn cùng một bản nhạc hay trong game, ngay trong khoảnh khắc đó bộ não chúng ta đã bị tiêm nhiễm bởi một loạt dữ liệu và một thời gian sau, có thể là một thời gian rất dài sau khi bạn tưởng chừng đã quên đi mọi thứ về tựa game đó nhưng thật tình cờ, bản nhạc đó lại vang lên và đấy là lúc “chúng nó” bắt đầu hoành hành, nổi da gà, dựng long, mồ hôi hay thậm chí là cả nước mắt đấy. Vô cùng nguy hiểm, bản thân tôi đã từng nếm trải với các dòng Pokemon, Persona, Life is Strange, NieR, Fire Emblem, Plants vs Zombies và Metal Gear Solid!
Mời các bạn nghe qua thử bản nhạc đã đi liền với cả tuổi thơ tôi đến tận bây giờ!
Và đó là những vai trò cơ bản nhất của âm nhạc trong một video game, về sau này một số tựa game còn sử dụng nó theo những cách không thể ngờ tới hơn nữa cơ, Quantum Break (2016) là một trong số đó đấy và tôi thực sự mong đợi trong tương lai, âm nhạc sẽ còn được vận dụng như thế nào trong việc tạo ra một video game chất lượng!
Có thể thấy âm nhạc đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong kỹ thuật làm game thời hiện đại đồng thời nó cũng là nhu cầu thiết yếu của mọi người chơi. Quả thực tôi không thể mường tượng ra một cuộc sống thiếu vắng âm nhạc là như thế nào chứ chưa kể là một video game. Âm nhạc đã làm rất tốt, cực kì tốt vai trò của nó kể từ khi nó được phát minh ra và hẳn rồi, giới gamer chúng ta đều phải cám ơn nó vì đã mang lại cho chúng ta vô số những tựa game tuyệt vời! Xin cám ơn ai đã đọc đến tận những dòng này!