Ngẫm về “Tấm card ác quỷ”, những đồng tiền và cám dỗ

Khách quen

  

Link phim cho bạn muốn xem

https://m.facebook.com/watch/?v=887751711783983&_rdr

Hồi đọc Doraemon có một tập khiến tôi khiếp sợ thực sự. Đó là “Tấm card ác quỷ”. Nobita không có tiền mua quyển truyện tranh, hỏi xin Doraemon không được bèn lục được tấm thẻ lớn này trong phòng. Con quỷ mỏ nhọn hiện lên với vẻ nhợt nhạt, yếu ớt, thở hồng hộc như vừa thoát nghìn kiếp nạn, đưa cho cậu bé một giao kèo: mỗi lần lắc tấm thẻ được 300 yên, bù lại nó sẽ lấy của cậu 1mm. Ngay lần đầu tiên lắc thẻ, Nobita lật đật đứng trước gương để xem mình có biến mất không. Thấy cũng không thay đổi nhiều, cậu thở phào nhẹ nhõm. Lòng tham con người vô đáy, cám dỗ lại không thể dừng. Ngây thơ và ngốc nghếch, Nobita bao thầu cả bộ truyện cho Shizuka, rồi chịu cả những trò đòi vặt của Jaian và Suneo. Rồi ba mẹ cậu cũng lắc cả núi tiền để thoả mãn cho việc thiếu tiền trong tuần của mình. Khi ấy nỗi sợ về việc chỉ còn là hạt cát khiến Nobita phải thành thật với Mèo Máy. Khi trở về kích cỡ bình thường, Nobita lại tiếp tục dụ khị cậu bạn về việc lắc thẻ này.

Khi đọc tập này lần đầu tiên, tôi đã có cảm giác rờn rợn về sự đánh đổi này. Mới gần đây, khi ngẫm nghĩ về việc kiếm tiền lúc ra trường, lại thấy sợ hơn khi thấy cảnh người lớn, trong đây là bố mẹ của Nobita cũng lao vào việc tiêu xài thoải mái. Nếu trong gia đình tôi, mẹ đã hỏi tôi tấm thẻ này có từ đâu ra, và phạt cấm cản tôi đủ kiểu. Đằng này người lớn cũng bị cuốn vào đồng tiền từ trên trời rớt xuống. Tránh khỏi đám tiền của cho cần rất nhiều sự thức tỉnh. Nếu trong truyện, sự tham lam trả giá bằng chiều cao của cậu nhóc thì ngoài đời sự trả giá ấy còn có thể đánh đổi bằng an toàn danh tính, tính mạng và uy tín bản thân. Nếu không đếm xỉa đến phẩm giá bản thân, sớm muộn gì sự nghèo đói và xé lịch cũng đến chào xin. 

Ảnh khiến mình ám ảnh nhất. Nguồn: Zing

Khi xem “Tấm card ác quỷ”, tôi thấy sự liên hệ của bản thân mình với  Nobita. Khi mới có tiền, Nobita háo hức đến mức muốn ban phát điều ấy với tất cả mọi người. Hồi đi học tiểu học năm lớp 1 lớp 2, tôi không được người lớn cho tiền tiêu vặt ăn căn tin. Ngày đầu tiên đi học, nhìn những đứa bạn ra căn tin đối diện trước lớp cầm trên tay bịch siro tam giác, tôi không thể kìm lòng được. Tối hôm đó, tôi cố gắng mở hộp tiết kiệm của mình mà người lớn hay cho vài ngàn để bỏ vào. Cuối cùng chỉ được 3 đồng 200, ngày hôm sau mua được một bịch nước để bằng bạn rất khoái chí. Lật đật khoe người lớn thì bị quở ngay: “Không được mang tiền để mua đồ linh tinh. Con nít dùng tiền sẽ hư”. Bịch nước thì không mút cũng không sao, nhưng làm sao cưỡng lại trước mùi thơm thoảng nhẹ của hũ bột táo, cả mùi thơm của phần xanh lá cục tẩy được. Bố mẹ không dạy ta được thì tự mình phải có cách để có món ấy, thế là tôi bắt đầu xin bạn. Đem về nhà và bị mắng tiếp. 

Dù bị mắng như vậy, cảm giác thèm thuồng vẫn cứ bám theo dai dẳng. Những sợi mì vàng óng tẩm đường từ bịch mì trẻ em có bao bì Chú Mèo Garfield cứ vương vấn ở kẽ tay những đứa bạn cùng lớp khiến tôi thòm thèm. Một buổi tối sau khi đi đám cưới, không biết sao tôi có được 5000 đồng.Thời điểm đó 5000 đồng là số tiền quý giá lắm rồi, mệnh giá cao nhất mua được tất cả các món đồ. Không biết lũ bạn xung quanh có bao nhiêu, nhưng thấy đứa nào cầm tờ tiền giấy xanh dương hay đồng bạc năm nghìn vàng là đủ oách. Giờ ra chơi chạy ra mua hai bịch mì trẻ em chưa kịp ăn thì trống đánh. Lúc cô chủ nhiệm vắng lớp, giờ tự quản, tôi lấy một bịch xé ra ăn khoe với lũ bạn trước lớp. Thế là con lớp trưởng đến tịch thu rất thô bạo, năn nỉ mãi nó không trả lại. Khi nó thấy mình khóc thống thiết thì đến vỗ về an ủi bảo sẽ đền. Vì nó cũng khá xinh nên tin, ai dè đời dạy mình đếch nên tin những con như vậy, vì nó hứa nhưng cuối cùng có làm đâu, còn bắt nạt mình suốt năm lớp 2. Con này cũng có tiền sử mượn bạn 2000 mỗi ngày không bao giờ trả, sau này khi cả đám nói xấu nó mới biết. 

Sau đợt đó, những giờ ra chơi là một đợt xin ăn. Có lúc tập thể dục, không hiểu sao thấy tụi bạn bảo mì trẻ em ngon lắm còn cúi xuống sân xi măng nâu ẩm ướt nhặt để ăn. Tôi không nhớ nhiều về những lúc xin ké bạn miếng bánh tráng dầu, hay bạn đút ké món nào đó trong miệng. Chỉ nhớ và xấu hổ lúc mình cùng đám bạn dị biệt kia mặc đồ thể dục cúi xuống bốc tay ăn những sợi mì trẻ em bẻ nát ấy, dù ướt nhẹp dính cát nhưng chẳng hiểu sao lại thấy ngon.

Mỗi lúc tôi hỏi bà nội tại sao không cho tiền, bà chỉ nói: “Hằng ngày đủ ăn rồi, ăn ba cái vớ vẩn làm gì”. Xong một đêm tôi thỏ thẻ hỏi bà: 200 đồng không ăn vặt thì làm gì. “Mua được một bó rau”. Không rõ rau gì, bà tôi cũng không phải người giỏi tính toán, nhưng tôi vẫn nhớ. Cảm giác khi nghe xong ân hận vãi, trong khi mình tiêu hoang thì số tiền đó dùng để nuôi mình một bữa ăn no. Bữa ăn ở trường thì chán chết, thịt xay kiểu quỷ gì nhét cả gan và đậu que, thế là tôi từng móc họng ói ra để ních được cả bữa, mang tiếng để được ăn ngoan. Bữa ăn vặt, những lần xin ăn ké là cách cứu đói bù lại cho những lần móc họng, bữa rau dở tệ hay sáng ăn cơm trắng với chà bông nhạt thếch. Nên những lúc không có miếng, vẫn còn một món: móng tay. Ơn giời tẩy giun đều đặn nên chưa bao giờ lên báo vì búi giun đầy trong ruột, chỉ là đến lúc bà nội và cô bảo xòe bàn tay ra để cắt thì giấu nhẹm đi thôi.

Sau này tôi ngẫm lại chuyện không cho con nít ăn quà vặt không xuất phát nhiều từ lý do con nít hư khi tiêu tiền nhiều của bà, mà có lẽ đến từ nỗi lo của người làm bác sĩ Nhi khoa – bố tôi. Mối quan tâm về việc con nít béo phì đó không hề sai chút nào, chỉ đến khi sau này đi thực tập Nhi và dự định theo chuyên khoa Nhi, tôi mới hiểu cảm giác của người làm cha làm mẹ lúc đó.

Năm lớp ba, ông nội tôi không biết có mối quan hệ hay ra sao với cô bảo mẫu năm lớp 1 (nên nhờ đó tôi có ăn chậm, bỏ nhiều thức ăn cũng không bị đánh mắng nặng nề) nên mỗi lần gặp cô lúc ấy là được ăn miễn phí, từ cá viên chiên đến trứng cút, kẹo mút các thứ. Cho đến một hôm tôi hỏi một cô bảo mẫu cũ khác có được ăn như vậy không, cô bảo không trả tiền thì không có ăn. Sau này hỏi mẹ ra tôi mới biết đằng sau sự miễn phí và ngọt dịu là một sự trả giá không hề ít, nên mới có chuyện ông nội đến nhà cô, rồi tôi được cho mấy con búp bê nhựa rẻ tiền nho nhỏ mỗi thứ sáu khi qua lớp các em nhỏ. Và người tinh ý phát hiện ra điều đó, chính là nhỏ lớp trưởng ở trên mà tôi nói. Mà giờ ngẫm lại, nhớ lại hình ảnh các cô bảo mẫu lụi cụi chiên từng viên cá, luộc từng cái trứng cút bỏ vào bịch, thấy tội cho những người ấy. Vì năm đó trường tôi phải xây lại, chia làm hai cơ sở, nên có lớp học một buổi, lớp học hai buổi bán trú. Với các lớp học bán trú, các bạn được ăn bằng suất ăn công nghiệp đựng trong khay nhựa. Nên những bảo mẫu bị tước mất công việc cấp dưỡng của họ, bèn làm việc khác để được trả công. Nhưng vẫn không thê thảm như ở thời điểm COVID bây giờ.

Cũng vào năm đó, tôi bắt đầu có tiền ăn vặt. Lấy lý trấu là có cô bảo mẫu làm bên căn tin, nên tôi cũng dần thấy dễ dàng hơn để ăn ở căn tin. Thời điểm ấy là đỉnh cao của sự sung sướng, đến giờ vẫn thấy vậy. Sáng đi học, còn những hôm thi học kỳ ở cơ sở Hương Khê thì có mặt buổi chiều. Mỗi buổi như vậy, ông nội đợi lúc bà nội đi liền cho tôi hơn cả 5000. Ba tờ năm nghìn chứ ít! Ngày đó không hiểu sao lại hảo món trứng cút luộc, nên chiều chiều cứ một bịch to tự chấm muối tiêu. Rồi lấy tiền mua kẹo mút cho một đứa mình cũng thinh thích trong lớp. Trước thời Chupa Chups thống trị các đám kẹo mút thì Golia đặc sắc hơn gấp nhiều lần so với vị quá ngọt và béo của kẹo mút kia. Rồi mua cả cơm cháy, siro ăn với vài đứa nữa.

Cái cảm giác có tiền thật thích, không thua kém ai, và cũng chẳng phải mang mác nhục nhã khi xin ăn đứa nào. Cũng từ khi có tiền, bắt đầu biết chữ “mượn tiền” là gì. Mà phải mất thời gian rất rất lâu mới biết nghĩa là gì. Mượn đồ thì biết còn mượn tiền thì không. Đỉnh cao của việc được cho tiền tiêu vặt, là có bữa bà nội thấy tôi mang về 1 cây giấy cuốn có màu khá đẹp, chỉ cần vẩy nhẹ cái cán là ra hình xoắn ốc. Thế là ông bà cho tôi tận hai mươi để mua những cây này ở căn tin trường mới. Hôm đó không hiểu sao rất nhiều đứa đến mượn tôi. Tôi mua được ba cây, thì cho mỗi đứa mượn một, hai nghìn. Mà chúng nó có biết mình là ai đâu, nên lúc đưa tiền cho nó tôi bảo mình cho nó luôn, thấy như bố thí vậy. Lúc về nhà kể cả nhà nghe về việc cho bạn “mượn” tiền, bà nội và bố mẹ được phen cười vỡ bụng, khi đó mới hiểu ý nghĩa của từ đó.

Khi ông nội mất đã lâu, tôi mới kể chuyện lại cho mẹ. Và có lần khi viết bài để tham gia một cuộc thi, chị họ tôi cũng chia sẻ về thời thơ ấu với biết bao món ăn vặt giấu hai bác mà ông nội mua cho. Trong năm đó, vì ham thú ăn uống mà tôi lên cân chóng mặt, đến mức bố phải giao kèo đi mười lần lên xuống cầu thang mới được một cục kẹo. Thậm chí nhảy dây điên cuồng phải hơn nghìn cái mỗi ngày. Cả mấy nghìn đồng được trao đổi lại bằng mấy nghìn lần nhảy dây và đi cầu thang. Sau đợt ấy, tự dưng tôi dần mất cảm giác thèm thuồng với những món ăn vặt ấy. Cảm giác sợ mập vì từng bị chế giễu là “đồ con ba bư mập” lấn át cho những lần thèm ăn, thi thoảng cũng xin bạn 1, 2 miếng bánh snack nhỏ là cùng. Lên cấp 2 cấp 3 thì tiền tiêu vặt được cho hàng tuần nên cũng không sợ nữa. 

Nghĩ về những lần mất dụng cụ học tập hết từ lần này qua lần khác được ông mua cho, và lần mẹ buông câu: “Mẹ không phải máy làm ra tiền”, tôi nhận ra bản thân mình đã may mắn thế nào. Thực ra lần đầu xem tập truyện “Tấm card ác quỷ” ấy, tôi đã cười khẩy và không mảy may ghê sợ. Bởi vì những người lớn đã ra sức tạo cho tôi một tấm chắn an toàn trước những cám dỗ ghê gớm ấy. Và khi lớn lên, khi dần tự bỏ tiền để mua từng món đồ, tôi lại nhớ về những lần ông nội hay bố bỏ tiền ra. Ấn tượng về những tờ tiền với Bác Hồ vẫn in trong tâm trí từ lần đầu thấy bạn bè ăn căn tin đến bây giờ. Khi người lớn bỏ tiền ra cho một đứa con nít, chính họ tự mua hạnh phúc cho mình. Cho dù ngày xưa tôi từng bị béo phì do ăn vặt, nhưng bây giờ tôi vẫn biết ơn ông nội vì chí ít đó là món cứu đói và tôi có thể san sẻ với bạn bè mình. Bởi trong Doraemon, tôi rất thích hình ảnh ông Nobi mò ví để đưa tiền tiêu vặt cho con “Bố cho con tiền đây!”. Bố tôi đã thay ông nội sau này cho tôi tiền tiêu vặt, thậm chí tích rất nhiều tiền lẻ dư thừa cho đi xe bus. Giờ sắp ra trường cũng dần học cách bớt phụ thuộc. Và tự hỏi mỗi khi tự tay bỏ tiền ra, hay nhận tiền từ người khác, không rõ đâu là hạnh phúc, đâu là thoả mãn, đâu là cám dỗ. 

Chỉ biết rằng mỗi lần cứ chạm một bước sơ sẩy thì bỗng có một cánh tay kéo tôi lại thật mạnh. Thậm chí tôi còn cười: chỉ vì một tập truyện mà phải cuốn vào tấm thẻ ấy sao. Nhưng nhiều lúc ở độ tuổi cấp 3, rất nhiều lần bản thân ham lướt Opera Mini trong giờ học mà phải liên tục nhờ Mobifone ứng tiền. Lên đại học có những lần vì muốn ăn ngon mà ngày sau mượn bạn 10-20 nghìn để bù lại. May thay lần nào cũng trả đủ. Tôi có một cô bạn rất hay, chưa bao giờ thiếu nợ người khác một đồng nào cả, dù mỗi tháng dạy cho học trò lấy có 400k để mua truyện. 

Tấm card ác quỷ mô phỏng rất giống với một hình thức thanh toán mà một số người sa vào không lối thoát: thẻ tín dụng. Nhiều người mua sắm tiêu xài vô độ để rồi nợ nần không lối thoát. Xung quanh tôi, có những bạn bè có gia cảnh nghèo khó do người thân dính vào rượu chè, cờ bạc, cá độ liên miên. Và đứng ra chịu trận là vợ con, họ hàng, người yêu của họ. Không có một tấm card nào đứng ra để khuyên răn để họ sợ như Nobita sợ biến mất. Những người gánh chịu nợ nần này tiếc thay không phải là tấm card, mà với họ như chiếc túi thần kỳ của Doraemon vậy. Chỉ cần những người thân có được đồng tiền nào là con nợ lại đến “lắc”, “móc”. Rồi cái vòng đói nghèo cứ lẩn quẩn.

Nobita biến thành người tí hon thì có thể sống ở Thế Giới Xì Trum. Nhưng toàn thân nguyên vẹn mà không kiểm soát nổi bản thân thì còn đáng sợ hơn. Tấm card ác quỷ không chỉ có một ở ngoài đời. Nó có thể là thẻ tín dụng, người vay nặng lãi hay hàng loạt thứ không tên khác. Và cái giá phải trả còn cay đắng hơn thay, có khi bằng cả tính mạng. Và cũng là tấm card ác quỷ ấy, xuất hiện vào lúc người ta túng quẫn nhất. Khi công việc hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu sống, sự sa ngã ắt có thể xảy ra. 

Nói chứ thế mà ước vọng của hầu hết mọi người là “Ăn cả thế giới” hay check in muôn nơi. Foody, Now, Baemin, và đủ thứ loại ứng dụng mua sắm và du lịch khác là những nơi hút ví tiền bất kể giới tính nào. Từ quyển truyện của Nobita đến thế giới ngoài đời muôn hình vạn trạng. Hết cám dỗ này đến cám dỗ khác, người ta mau chóng thành “con đỗ nghèo khỉ”, rồi lại hì hục hy sinh sức khoẻ thời gian để kiếm lại số tiền đã mất. Thắng được cám dỗ để kiềm mình vừa phải là hay.

Bé Ann Công Chúa.


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện