Thời kì Chiến quốc Nhật Bản (Sengoku Jidai), Mạc phủ Ashikaga bị mất đi quyền lực, các gia tộc lớn nổi lên tranh giành vị thế, đất nước cũng vì thế mà chia năm xẻ bảy. Thời thế tạo anh hùng, mỗi người cát cứ một phương, chiến tranh cứ thế tiếp diễn liên miên. Ai cũng có trong lòng dã tâm muốn nắm nước Nhật trong tay, hướng đến ngôi vị Chinh di Đại tướng quân. Đó là Con hổ xứ Kai – Takeda Shingen, Chiến thần Nhật Bản Uesugi Kenshin – con rồng xứ Echigo, lãnh chúa Imagawa Yoshimoto vùng Sunpu hay lãnh chúa Hojo Ujiyasu. Mà đặc biệt nhất phải kể đến ba con người của thời đại với ba tính cách khác nhau, đã từng nắm trong tay vận mệnh của thiên hạ, bước lên vị trí cao nhất của quyền lực là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu. Nếu con chim không hót, Nobunaga sẽ giết chết con chim, Hideyoshi sẽ làm cho con chim phải hót, còn Ieyasu sẽ ngồi chờ đến khi nào con chim hót thì thôi.
Tiêu đề của bài viết cũng là lời nhận định về ba con người tầm vóc của thời thế. Đó chính là nhận định của nhân vật Hattori Hanzo trong bộ manga ”Hanzou No Mon” (Path of the Assassin) của bộ đôi tác giả Kazuo Koike và Goseki Kojima được sáng tác vào năm 1978-1984. Nhưng Hanzo nghe quen thế, bởi đó là cái tên đã đi vào đủ câu chuyện, giai thoại hư ảo trên bàn nhậu của giới cư sĩ giang hồ.
Có người sẽ thấy hắn đóng mặt nạ hầm hố, đeo dây xích loằng ngoằng và sẵn sàng ghăm nó vào bất kì kẻ thù nào cùng với tiếng gọi thân thương trìu mến, GETTT OVERRR HEREEE… Có người đồn thấy hắn lê la đầu đường xó chợ, nay đây mai đó. Đặc điểm nhận dạng là tay cầm cung, tóc thì buộc, áo hở vai xăm trổ con rồng, nghe phong thanh là xử xong thằng em bố láo nên chán quá bỏ nhà đi bụi. Hay có người lại thấy hắn chạy qua một hàng truyện Jump bên đường, hồ hởi vớ lấy một quyển nhưng bị thằng cha tóc đã quăn lại còn bạc trắng tông vào đít, phải chạy vội vào bệnh viện vì bệnh trĩ tái phát. Sao lắm Hanzo thế nhỉ, bởi khi nhắc đến Hanzo là sự kì bí, là ngầu đét, là ninja xuất quỷ nhập thần, mà nhắc đến ninja là người ta lại phải nhắc đến Hanzo.
Hattori Hanzo (Phục Bộ Bán Tàng, 1541-1596) là nhân vật có thật trong lịch sử Nhật Bản. Ông là một trong 16 võ tướng có công giúp lãnh chúa Tokugawa Ieyasu thống nhất đất nước, mở ra triều đại Mạc phủ Tokugawa kéo dài hơn 200 năm. Người đời gọi ông với nhiều danh xưng là Đệ nhất Iga, Quỷ Hanzo, hay Ninja vĩ đại nhất Nhật Bản, xoay quanh ông là đủ các giai thoại, truyền kì. “Hanzou No Mon” chính là bộ manga kể về cuộc đời ông từ khi còn nhỏ cho đến lúc công thành danh toại, phò trợ lãnh chúa Ieyasu bước lên nấc thang cao nhất của quyền lực.
Bộ truyện được sáng tác vào năm 1978 và kết thúc vào năm 1984 bởi bộ đôi kì cựu trong làng truyện tranh Nhật Bản là Kazuo Koike và Goseki Kojima. Cả hai là một trong số ít những tác giả Nhật Bản đoạt được Hall of Fame của Will Eisner Comic, được ví như Oscar của giới truyện tranh bên cạnh những tên tuổi như Osamu Tezuka (Phoenix, Buddha, Black Jack, Astro boy), Katsuhiro Otomo (Akira, Domu), Hayao Miyazaki (Nausicaä of the Valley of the Wind) hay gần đây nhất là Rumiko Takahashi (Maison Ikkoku, InuYasha, Ranma 1/2). Tác phẩm nổi tiếng nhất, đưa tên tuổi cả hai ra thế giới chính là bộ truyện Lone Wolf and Cub, một tác phẩm thuộc hàng cực kì kinh điển, cực kì đỉnh cao, cực kì tuyệt vời mà những con mọt truyện phải đọc một lần trong đời.
Quay trở lại với bộ truyện Hanzou No Mon thì đây cũng là một bộ truyện cực hay, cực cuốn nhưng thật sự nó rất khó tiếp cận với đại đa số. Đây là bộ truyện dựa theo lịch sử, về chiến tranh, chính trị. Nội dung truyện cũng dành cho lứa tuổi trưởng thành bởi nó tràn ngập các cảnh máu me, trần trụi, cùng những chuyển biến tâm lí chất chứa đầy bản năng con người. Nên cơ hội nó được xuất bản ở Việt Nam thì chắc chắn là con số không tròn trĩnh.
Tiếp phải kể tới nét vẽ. Vì nó ra đời từ cuối những năm 70 nên nó không được bắt mắt so với các bộ truyện bây giờ, những cảnh chiến đấu cũng không rõ ràng. Ban đầu khi tiếp xúc với truyện, những nét vẽ này có thể rối mắt, không hợp nhưng tin tôi đi, một khi đã quen rồi ta sẽ thấy nó đẹp một cách rất mộc mạc, rất dung dị, giống như đang chiêm ngưỡng những bức họa cổ phong Nhật Bản vậy. Những trận đánh lịch sử, những tòa thành, chiến lũy đều rất đẹp, đẹp theo một cách rất riêng. Tạo hình của các nhân vật lịch sử đều thể hiện độ sát thực nhất định. Ieyasu mập mà, bụ bẫm, dáng người phốp pháp. Hideyoshi có khuôn mặt giống khỉ, dáng người nhỏ bé mà nhanh nhẹn tháo vát. Takeda Shingen có vóc dáng to lớn, trọc đầu, râu chữ bát. Azai Nagamasa tướng mạo tuấn tú, nghĩa khí. Và tất nhiên đa số họ đều cạo đầu đúng với lịch sử chứ không tóc tai óng ả, mái mưa, nhuộm xanh đỏ các thứ, vẻ đẹp ẻo lả đâu.
Tiếp nữa là tên các nhân vật vừa nhiều vừa khó nhớ, lấy ví dụ như Matsudaira Takechiyo, Matsudaira Saborou Motonobu, Matsudaira Motoyasu, Matsudaira Ieyasu, Tokugawa Ieyasu (đều là tên của Ieyasu). Hay Kinoshita Tokichiro, Hashiba Hideyoshi, Toyotomi Hideyoshi (đều là tên của Hideyoshi), Hattori Masanari, Hattori Masashige, Hattori Hanzo (đều là tên của Hanzo). Mỗi nhân vật tùy vào ngữ cảnh lại dùng tên khác nhau. Loằng ngoằng thế nhưng khi đọc nghe khá là ngầu đúng không. Để mà nói những người như Hanzo thì từ chính xác nhất, hợp với bối cảnh thì từ “shinobi” là chính xác nhất. Mỗi địa phương thời chiến quốc lại dùng một từ khác nhau để chỉ shinobi như suppa, rappa, kanzaru, kasumono, ryuha, kunoichi,… Trong bộ truyện từ “suppa” được dùng nhiều nhất nên từ đây tôi xin phép được dùng từ này để thay thế cho từ ninja.
Để cảm nhận bộ truyện thì bản tiếng Việt do nhóm dịch Vagabondmanga dịch thuật sẽ là một sự lựa chọn rất tuyệt. Nhóm dịch Vagabondmanga cũng chính là những người đã dịch các bộ truyện cực hay khác như Vagabond, Lone Wolf and Cup, rồi còn Historie, Vinland Saga,… Câu văn rõ ràng, cách xưng hô, tận tâm từng chú thích, từng lời giải nghĩa cuối mỗi chapter về các nhân vật lịch sử đã xuất hiện, những nhẫn cụ ninja đã được dùng hay những điển tích, nhiều khi có thêm một số lời bình luận nữa, đó chính là những điều tôi cực kì ưng ý và biết ơn các bạn đấy. Điều đáng tiếc vào tháng 3 năm nay, tên miền của nhóm dịch đã hết hạn do không đủ kinh phí duy trì, mọi người vẫn có thể tìm đọc bản dịch của các bạn trên các trang đọc truyện khác.
Vì đây là bộ truyện mang những yếu tố lịch sử nên kết quả là điều ai cũng có thể đoán trước. Ba con người của thời đại sẽ không thể bị chết dễ dàng hay Hanzo sẽ vượt qua mọi thử thách. Mọi diễn biến lịch sử khác người đọc đều có thể biết trước. Nhưng tổ chức bữa tiệc vẫn luôn hay hơn khi bữa tiệc diễn ra, quá trình vẫn là thứ hay hơn kết quả. Cùng chung một nghiệm nhưng cách thức giải lại khác nhau và phụ thuộc vào trình độ của tác giả, nên các bộ truyện mang yếu tố lịch sử luôn đem đến cái mới lạ, góc nhìn đa chiều. Sự tài năng của tác giả khi biến tấu, diễn giải nó ra mới là mong chờ nhất. Nếu những điều trên đã làm bạn thấy hứng thú, hãy tiếp tục cùng tôi tìm hiểu sơ lược về những gì đã diễn ra ở phần đầu bộ truyện ở đoạn sau bài viết.
Lãnh chúa 16, Suppa 15
Xứ Mikawa của gia tộc Matsudaira bị kẹp giữa hai kẻ hùng mạnh là Oda và Imagawa. Trâu bò đánh nhau thì ruồi muỗi cũng tèo, nghiêng bên nào cũng không xong. Gia tộc Matsudaira đành chấp nhận đưa người con trai là Ieyasu đến làm con tin để nương nhờ, đổi lấy hòa bình. Hết làm con tin ở xứ Owari của gia tộc Oda rồi lại ở Sunpu của gia tộc Imagawa, không bạn bè, không người thân ở chốn kẻ thù. Có thể nói cái tuổi thơ của Ieyasu cay đắng đầy tủi nhục đến nhường nào. Nhưng thời chiến này là thế, việc hôn phối, trao đổi con tin là lẽ thường tình để đổi lấy cái sự hòa bình mong manh. Số phận những đứa trẻ bị bắt làm con tin, làm vợ kẻ thù dường như đã được an bài.
Đã bao lần Ieyasu bị đem ra chế giễu trước những con người của gia tộc Imagawa, đặc biệt là Imagawa Ujizane con trai trưởng của lãnh chúa Yoshimoto. Ujizane được khắc họa cao lớn, khỏe mạnh, có tài môn Kemari (tú cầu) nhưng bản tính độc ác, hèn hạ, bẩn thỉu. Hắn ta chỉ nhìn Ieyasu bằng nửa con mắt, luôn coi ông là kẻ vô dụng, tầm thường nhu nhược không đáng nhắc đến. Những lần chơi Kemari (tú cầu), những khi đấu kiếm với tiếng cười giễu cợt xung quanh dường như đã khắc sâu vào tâm trí, tuổi thơ của Ieyasu.
Lên 16 tuổi, Ieyasu được sắp đặt kết hôn với con gái một đại thần của gia tộc Imagawa. Đó là nàng Tsukiyama với vẻ đẹp tựa như hoa. Nhưng bông hoa ấy đã sớm không còn tinh khiết, bị vùi dập, héo tàn, đè nén đến trơ trọi cảm xúc bởi chính cha con lãnh chúa Imagawa. Để rồi giờ đây bông hoa đó lại về tay Ieyasu với vẻ đẹp đẽ bên ngoài nhưng héo rục bên trong. Một đám cưới chính trị, không tình yêu, không hạnh phúc được diễn ra giữa hai số phận đáng thương thời chiến. Đáng buồn thay cái sự khổ đau đó cứ bám lấy hai con người họ đến tận cuối đời.
Xứ Mikawa giờ đây bị lệ thuộc và không có quyền tự quyết, giống như một chư hầu. Các samurai của họ luôn bị làm bia đỡ đạn trong các cuộc chiến tranh vô nghĩa, chịu sự sai khiến của gia tộc Imagawa. Thế nên các bồi thần trung thành của gia tộc Matsudaira vẫn còn đó day dứt khôn nguôi nỗi đau gia tộc. Trong đó phải kể tới Hattori Yasunaga, thuộc dòng dõi Iga, con người này vẫn canh cánh những suy nghĩ đó. Ấu chúa chính là hy vọng lớn nhất của gia tộc nhưng giờ đây ngài đang đi làm con tin ở đất kẻ thù, 12 năm đã trôi qua, giờ ngài đã 16 tuổi rồi. Người con út của Yasunaga là Hattori Hanzo thông minh sáng dạ nhất trong số các anh em được ông tin tưởng giao nhiệm vụ thâm nhập Sunpu (lãnh địa Imagawa) để bí mật bảo vệ thiếu chúa. Mối lương duyên giữa hai con người này đã được bắt đầu, Hanzo theo hầu Ieyasu từ đó.
Giờ đây Ieyasu đã không còn cảm thấy cô đơn nơi lãnh địa kẻ thù nữa, vì anh biết Hanzo sẽ luôn ở đó túc trực bảo vệ anh. Ieyasu ở trong phủ, Hanzo sẽ ngồi ẩn mình dưới sàn nhà chờ lệnh. Ieyasu đi ra ngoài, Hanzo sẽ ở trên cái cây nào gần đó. Khi Ieyasu cưỡi ngựa, Hanzo sẽ luôn bám sát theo. Ieyasu nhờ Hanzo truyền dạy những bí thuật của suppa, cách chiến đấu khi ra chiến trường, còn bản thân vẫn hàng ngày đọc thêm binh pháp. Cả hai dần trở nên khăng khít và bền chặt hơn là chủ tớ, bề trên bề tôi, giống như là tri kỉ. Mối quan hệ đã hình thành như thế, lãnh chúa 16, suppa 15. Nhưng sứ mệnh của cả hai vẫn còn rất gian nan.
Trước mặt là Oda của vị lãnh chúa cuồng loạn, nông nổi đầy sức sống mang tên Nobunaga. Người có thể coi như là huynh trưởng của Ieyasu hồi còn đi làm con tin cho gia tộc Oda. Nhưng mối quan hệ đó có gì bảo đảm khi Nobunaga còn sẵn sàng giết chết em trai mình để củng cố ngôi vị. Sau lưng lại là vùng đất của con cáo già Imagawa Yoshimoto người đông thế mạnh. Hơn nữa đó lại là một phần của cái liên minh người ta chỉ nghe thôi đã khiếp sợ – Takeda, Hojo, Imagawa. Trong quá khứ, nội bộ gia tộc Matsudaira cũng vì hai gia tộc lớn này kìm kẹp mà gây ra biết bao tranh cãi, phe phái. Vị lãnh chúa trẻ tuổi sẽ phải làm gì cho gia tộc nhỏ bé của mình bây giờ, theo ai bỏ ai, nương nhờ ai, chống đối ai. Ngay cả những bồi thần trung thành của Mikawa nào dám tin tưởng ấu chúa bị bắt làm con tin từ thưở nhỏ lại có thể gánh vác được trọng trách lớn lao này.
Hojo Ujiyasu chỉ như con ếch cứ giữ khư khư mãi cái lãnh địa của mình. Takeda bị sa lầy bởi phía sau là gia tộc Uesugi xứ Echigo, hơn nữa cái vùng Echizen của gia tộc Asakura cũng chẳng giữ cho hắn được yên ổn. Chướng ngại tới Kyoto giờ chỉ còn cái xứ Owari vắt ngang của Oda nữa mà thôi. Những suy nghĩ đó cứ lớn dần trong đầu lãnh chúa Imagawa Yoshimoto, để rồi cái gì tới cũng phải tới. Khi bông hoa đỗ nhược nở rộ là điềm báo chiến tranh đã cận kề, tiếng trống trận rền vang khắp nơi. 25000 quân do Yoshimoto lãnh đạo tiến như vũ bão vào lãnh địa Oda. Những kẻ đi tiên phong, làm bia đỡ đạn không ai khác chính là Ieyasu và những samurai xứ Mikawa.
Gã khùng xứ Owari và bồi thần chuột hói
Cách đó không xa Mikawa chính là xứ Owari, nơi có thằng trẻ đang làm lãnh chúa, không ai khác chính là Nobunaga. Ông là người ghét bỏ những truyền thống, lễ giáo phức tạp lạc hậu, sẵn sàng tiếp nhận những thứ mới mẻ từ các nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là vũ khí. Tài giỏi, gan dạ có thừa nhưng tính tình quái dị, dở hơi khác với số đông thời đó nên người ta hay gọi ông với biệt danh “gã khùng xứ Owari”.
Nobunaga đã nhờ Hanzo truyền đạt lại rằng cảm thấy có lỗi với Ieyasu hồi nhỏ nên ông sẽ không bao giờ tấn công Ieyasu nữa, đó là lời hứa vĩnh viễn. Ờ thì vẫn là Nobunaga: “Ta có hứa không đánh Ieyasu nữa nhưng đâu có nghĩa ta sẽ tha chết cho người của hắn”. Ông ta là con người tham vọng, tài năng, nhẫn tâm, khó lường, hội tụ đầy đủ những phẩm chất của người lãnh đạo, nắm trong tay quyền sinh sát của thiên hạ.
Đến khi Oda đứng trước một binh biến lớn, đoàn quân của Yoshimoto tiến vào như vũ bão. Quần thần chỉ biết khuyên can Nobunaga xin hàng, vét cạn binh lực của Oda chỉ có 3000 sao có thể đối đầu với đạo quân đông gấp nhiều lần. Những lúc thế này ông chỉ còn trông đợi vào một người mà thôi. “Thằng chuột hói, thằng chuột hói đâu, thằng chuột hói đâu ra đây” – Nobunaga tức giận quát.
“Thằng chuột hói” ở đây chính là Kinoshita Torichiro hay về sau được biết tới là Hideyoshi, khi đó đang là một suppa nhỏ bé dưới trướng của Nobunaga. Khuôn mặt nhăn nheo, già nua như khỉ, dáng vóc nhỏ nhắn nhưng lại vô cùng nhanh nhẹn tháo vát. Anh ta thường đóng giả một lão già bán kim dạo, chu du khắp nơi để thu thập tin tức cho Nobunaga. Xuất thân nghèo hèn, ngoại hình khác thường của y đều đem lại cho người đối diện cái cảm giác khinh thường, không cẩn trọng. Nhưng đó mới là điểm đáng sợ của Hideyoshi, khi người ta còn mải khinh thường, ông ta đã kịp tiếp cận, khai thác, lợi dụng đối phương giống như việc kề lưỡi dao sắc nhọn vào yết hầu từ bao giờ.
Mỗi khi Nobunaga tức giận khôn cùng, Hideyoshi sẽ xuất hiện để pha trò, hiến kế để xoa dịu cái núi lửa đang phun trào ấy. Không có ai lúc này hiểu Nobunaga bằng Hideyoshi cũng như chính Nobunaga hiểu rằng người có thể giúp mình giờ đây chỉ có Hideyoshi. Trước mắt cả hai giờ đây cũng là một thử thách vô cùng khắc nghiệt, ảnh hưởng tới sự sống còn của gia tộc. 25000 quân của gia tộc Imagawa và 3000 quân của gia tộc Oda, quá chênh lệch. Đây chính là trận Okehazama vang danh thiên hạ trong lịch sử thời Chiến quốc.
Trận Okehazama chính là một trong những trận chiến nổi tiếng bậc nhất thời Chiến quốc Nhật Bản. Ở nơi đó, những con người quyền lực nhất của thời đại sau này bắt đầu giao thoa, góp mặt nơi chiến trường. Tài năng, phẩm chất của từng con người đã được kẻ những nét đầu tiên. Gia tộc Imagawa đại bại, giấc mơ Chinh di đại tướng quân cũng theo gót Yoshimoto xuống suối vàng. Danh tiếng, bản lĩnh của Nobunaga vang dội toàn quốc, tài năng Hideyoshi được khẳng định. Ieyasu giành lại quyền tự chủ của gia tộc, chiếm lại thành Okazaki xứ Mikawa không tốn một binh một tốt cùng sự trợ giúp đắc lực của Hanzo. Kết cục của trận chiến mọi người ai nấy đều đã rõ nhưng cái hay, cái thích thú chính là quá trình. Cách mà bộ đôi tác giả biến tấu, thể hiện trận chiến đó như nào mới là điều đáng xem hơn cả vì đây là truyện tranh lịch sử, mọi thứ được biến tấu nhưng đều phải tôn trọng những gì đã diễn ra.
Phía trước Oda còn có vùng đất Mino của gia tộc Saito, nơi có “ngọa long” Takenaka Hanbei đang ẩn mình. Phía sau Mikawa còn tàn quân của Imagawa, còn lại đó kẻ mang nhiều duyên nợ – Imagawa Ujiyane. Gia tộc Takeda của Shingen, gia tộc Hojo, gia tộc Uesugi, các tăng binh Ikko Ikki, tam nhân chúng Miyoshi, liên minh Azai – Asakura,… Còn quá nhiều điều gian nan, quá nhiều đối thủ đang chờ đón những con người này khi muốn chinh phục cái danh xưng Chinh di đại tướng quân.
Nobunaga là lửa, Hideyoshi là nước nóng, Ieyasu là nước ấm
Nobunaga có tài năng quân sự, quản lý phát triển kinh tế ở mức thượng thừa nhưng chính cái tính cách nóng như lửa, tàn bạo như thế mà ông còn mang những biệt danh như Ma vương tầng trời thứ 6, Chúa quỷ. Ông là lửa, là cái sự nóng nảy dồn ép thế cuộc khiến người khác phải quy phục. Người ta có thể tìm đến nơi đó để nương nhờ, tránh đi cái giá lạnh, cô đơn của thời cuộc, nhưng cũng chẳng thể an tâm khi ngọn lửa đó có thể thiêu rụi họ thành tro bụi. Ở bên Nobunaga như chơi với hổ, không biết sống hay chết. Lửa còn thu hút những gã tham vọng, những kẻ dã tâm mà đặc trưng nhất chính là Akechi Mitsuhide, kẻ dám chơi đùa với ngọn lửa.
Hideyoshi là nước nóng, một làn nước của sự hào sảng và mạnh mẽ nhưng không gay gắt như ngọn lửa của Nobunaga. Người ta có thể đến đó để nương nhờ, để sưởi ấm, để nhờ cậy mà không phải bận tâm. Duy chỉ có điều không có một sự ràng buộc rõ ràng nào. Có nóng rồi sẽ lạnh, cả hai có thể đến với nhau vì lợi ích, khi đủ lông cánh rồi tất có thể rời đi để tìm đến một nơi tốt đẹp hơn. Biểu hiện cho tài năng, sự khéo léo của ông ta. Quá hào sảng, quá tháo vát nhưng thật khó để tìm cho mình một tâm phúc ăn ý.
Chẳng nóng rực như Nobunaga, cũng chẳng nguội lạnh nhanh chóng như Hideyoshi. Đó là một làn nước ấm chẳng nóng cũng chẳng lạnh, chỉ giữ người ta muốn yên vị nơi đó, chẳng muốn rời đi. Than trách có nhưng rồi lại an ủi ngay, vừa đấm vừa xoa, vừa nóng vừa lạnh như thế, người ta có đi cũng chẳng đành. Có lẽ vì cách đối nhân xử thế như thế, các bồi thần luôn có sự tôn trọng, trung thành nhất định với Ieyasu, cũng như yếu tố quan trọng giúp ông đạt được danh vọng cao cả. Cái tài của Ieyasu chính là khả năng đối nhân xử thế, thu phục lòng người. Dù hơi khập khiễng nhưng cái tài đó của Ieyasu giống như anh Bị tai to bán dép khởi nghiệp hay Giang ca – “người đâu còn không mau mau cởi trói” vậy, khiến bao anh em huynh đệ hết lòng vì đại nghiệp của minh chủ. Ieyasu giỏi giả vờ, giả nhu nhược, còn trong tâm cực kì vững trãi giống như ngọn núi xứ Mikawa, vẫn luôn coi chờ đợi là niềm vui, là con người có thể coi là đáng sợ nhất thời Chiến quốc.
Thông qua cái nhìn của Hanzo, cùng những sự kiện, tình tiết trong truyện, người đọc lại một lần nữa có thể cảm nhận về ba con người của thời đại, ba tính cách, ba tài năng riêng biệt. Nhiều khi ta có cảm giác như những nhân chứng của lịch sử vậy. Đó quả thực là niềm ham thích đến cực độ của những người yêu lịch sử. Nobunaga thấu hiểu thiên hạ, Hideyoshi thấu hiểu Nobunaga, còn Ieyasu là người thông hiểu cả hai người bọn họ.
Ngoài những diễn biến được xây dựng dựa theo lịch sử, Hanzou No Mon còn mở ra những câu chuyện khác về thế giới ngầm của các shinobi, thế giới của những con người hoạt động trong bóng tối. Những nhẫn cụ, những bí thuật, âm mưu, tâm tư chất chứa, những hiện thực khắc nghiệt của thời Chiến Quốc. Có thể coi samurai là những con chó, chiến đấu nơi ánh sáng, với lòng trung thành tuyệt đối, sẵn sàng giết chết mọi kẻ thù làm hại tới chủ nhân. Còn suppa là những con mèo thoắt ẩn thoắt hiện trong đêm tối, uyển chuyển nhẹ nhàng lấy đi đầu của kẻ địch, phá hoại doanh trại một cách bí mật, mật thám dò la tin tức. Samurai và suppa như một cặp đôi không thể thiếu trong thời chiến, bổ sung tương trợ lẫn nhau.
Có thể nói đây là bộ truyện đặc trưng nhất khi định nghĩa được shinobi là gì, ninja là những con người thế nào, suppa đóng vai trò quan trọng ra sao trong thời chiến thông qua chính con người Hanzo. Bởi Hanzo đã trở thành huyền thoại shinobi, xoay quanh anh là đủ các giai thoại, truyền kì hư ảo. Anh thực thi các nhiệm vụ bí mật mà Ieyasu giao phó. Do thám, phá hoại, ám sát, mỗi quyết định hành động của anh đều đóng vai trò quan trọng đến sự tồn vong, sống còn của gia tộc Tokugawa. Những trận chiến đặc biệt trong bí mật giữa Hanzo với các suppa trứ danh khác được miêu tả. Đặc biệt là với những suppa của gia tộc Takeda tinh anh, điêu luyện đầy bản lĩnh. Và bạn có bao giờ đặt câu hỏi là các nhân vật thời này sao lại chết một cách bí ẩn không, ờ thì chỉ là trùng hợp thôi đấy.
Ngoài ra Hanzo còn là một chàng trai tuấn tú, phong lưu, đa tình. Bộ truyện còn khắc họa nên những bóng hồng đi qua cuộc đời anh, những kunoichi (nữ ninja) đầy gan dạ tài giỏi, sẵn sàng hi sinh hết mình cho người thương. Hay còn đó là dự cảm của chính Hanzo về thời đại shinobi đã dần đi đến hồi kết. Vũ khí công nghệ hiện đại từ các thương nhân Bồ Đào Nha đã dần trở nên quan trọng quyết định đến chiến thắng. Suppa sinh ra trong chiến tranh, trưởng thành tôi luyện trong chiến tranh, phơi xác mình vào nơi bí mật. Vậy khi chiến tranh dần kết thúc, họ còn có ích gì trong cuộc sống.
Nhưng trên tất cả phải nói tới chính là lòng trung thành tận tụy của Hanzo với lãnh chúa Ieyasu, theo hầu người từ khi cả hai còn là những đứa trẻ mới lớn, trải qua biết bao khổ đau tủi nhục để đi đến vinh quang. “Ngươi sẽ luôn đi trước ta, dọn đường cho ta, đưa ta tới nơi bình an. Và như vậy ta luôn có một cánh cửa phía trước, cánh cửa an toàn tên Hanzomon” – Tokugawa Ieyasu.
Shogun 2 và những suy nghĩ
Đã trót yêu Chiến quốc Nhật Bản thì tôi cũng tin rằng ai cũng sẽ yêu luôn tựa game Total War Shogun 2. Người chơi sẽ được chọn lựa một trong những gia tộc thời kì này để xây dựng, dẫn dắt họ hướng đến giấc mơ thống nhất toàn Nhật Bản. Mỗi gia tộc có một lợi thế, địa hình, ưu nhược điểm khác nhau tạo nên sự đa dạng phong phú trong cách chơi.
Takeda với đoàn kị binh hùng hậu sẵn sàng dập tắt mọi sinh mệnh trên đường chúng đi qua. Những đơn vị công thành của Hojo vang danh thiên hạ. Gia tộc Uesugi có thể chiêu mộ những tăng binh tàn bạo không sợ chết, ca lên khúc cầu hồn, đưa kẻ thù vào giấc ngủ ngàn thu. Dàn cung thủ Chosokabe khét tiếng về tầm bắn và độ chính xác. Những đoàn binh Ashigaru của gia tộc Oda vừa đông đảo lại đầy tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Date có những chiến binh Nodachi Samurai tàn khốc chém bay thủ cấp địch thủ trong phút chốc trước khi bọn chúng kịp nhận ra. Shimazu nắm trong tay những Katana samurai bậc thầy, trung thành tuyệt đối với chủ nhân. Những người thợ tài hoa của gia tộc Mori có thể tạo ra các chiến thuyền cuồn cuộn như rồng thần trên sóng nước đại dương. Còn Tokugawa lại nhẫn nhục chịu làm chư hầu chờ thời như những con hổ chốn rừng sâu.
Sa chân vào Shogun 2 là một bước đi thật lỡ dại, nốt một turn nữa thôi, nốt nữa rồi chợt nhận ra mình đã bay mất cả một đêm vì nó. Ngừng thì sao chứ, thì giấc mộng thống nhất Nhật Bản sẽ tan tành mây mói, các tướng lĩnh, binh sĩ đang chờ, ruộng đồng bị đốt phá, thành quách thì dở dang, dân chúng thì lầm than nổi dậy khắp nơi. Kẻ địch vẫn hướng ngọn giáo, mũi gươm sắc nhọn về phía ta, chỉ chực chờ cơ hội cướp lấy thủ cấp. Chỉ vài bước nữa thôi thì cái danh hiệu Chinh di đại tướng quân sẽ ở đó, há lòng nào lại buông tay mà chìm vào giấc ngủ. Hệ quả là sáng nào đầu tôi cũng gật gù như chim tu hú, mắt thì lờ đờ, miệng lúc nào cũng ngáp nơi giảng đường. Tôi chịu cái suy nghĩ ấy của mình, cứ thế thời gian rảnh lại lao vào trận mạc, cứ thế mà đã tốn hàng trăm giờ đồng hồ cho cái tựa game này. Một cái game tôi vừa muốn chửi nó khốn nạn, lại vừa cam chịu mà chơi.
Tôi là kiểu người chẳng thích chém giết đã tay mà lại thích đi theo đường lối ngoại giao hơn cả. Thích làm kinh tế, thích giao thương và nuôi một đàn Agent tinh nhuệ. Chinh phục lòng người trong thiên hạ, đập què quặt gia tộc đối phương rồi cầu hòa, xin tí tiền bồi thường chiến phí. Kêu gọi các anh em gia tộc khác không trade với nó nữa, để nó tự cung tự cấp một mình. Đưa Monk sang kích động bạo loạn phát rồi đem quân đường đường chính chính đến đánh dẹp. Không thì cũng cho mấy anh Ninja sang đó phá hoại, do thám. Dùng Metsuke mua chuộc tướng địch, không được thì dùng Geisha khử luôn. Ôi tôi khốn nạn quá!!!
Lịch sử đã diễn ra như thế, Tokugawa Ieyasu đã bước tới vị trí cao nhất của quyền lực, thống nhất Nhật Bản, mở ra triều đại Mạc phủ Tokugawa kéo dài hơn 200 năm. Kết quả là thứ ai cũng đã rõ nhưng quá trình vẫn luôn là thứ hay hơn cả, đúng như những gì Ieyasu đã nói: hãy coi chờ đợi chính là niềm vui. Hãy tận hưởng nó một cách từ từ chậm rãi, để ngấm, để thấm sâu vào lòng những gì trần trụi nhất, mê đắm nhất của thời kì này. Hanzou No Mon có thể coi là một món ăn độc, lạ phù hợp cho những ai thích tìm hiểu về lịch sử, đặc biệt là thời kì Chiến quốc Nhật Bản. Trải nghiệm nó xong, vào đánh vài trận Shogun 2 thấy hào hứng, mượt mà vô cùng.
P/s: Nhạc tôi hay nghe lúc đọc Hanzou No Mon này, có lẽ tôi là người đa cảm quá, khi cứ nghe đến bài hát lúc 20:45 và đọc đoạn Ieyasu quay về Sunpu mà nước mắt cứ chảy ra giống Hanzo vậy.