Một bài viết nữa về To The Moon

Khách quen

  

Có người bạn đã hỏi tôi rằng “Hiệp Sĩ Bão Táp là gì thế?”. “Ừm, đó là một quán beer đầy những người có tâm hồn nghệ sĩ, dùng ngòi bút để chưng cất, ấp ủ những tựa game ý nghĩa trong đời họ thành những ly beer mát lành để phục vụ khách hàng”. “Vậy họ hay viết về game gì thế?”. “Họ viết nhiều lắm, nhưng một trong số những game được viết nhiều nhất thì chắc có lẽ là To The Moon”. Mới gắn bó với quán beer này một thời gian, tôi mới nhận ra những người ở đây yêu To The Moon như thế nào. Thử nhập từ khóa này lên thanh công cụ ta sẽ thấy 1, 2, 3, 5… rơi vài nhịp cũng không thể đếm hết số bài, cùng với đó là vô số lời bàn tán trong Hội Nghị Bàn Tròn. Đọc list nhạc yêu thích của anh em thì cứ Everything’s Alright, Everything’s Alright… Cũng có thể nói To The Moon chính là thực đơn đặc biệt ở nơi đây.

Từ khi biết đến HSBT thì tôi đã hình thành một thói quen khó bỏ là luôn ghé thăm nơi đây mỗi ngày, suy nghĩ xem tựa game nào sẽ xuất hiện vào mỗi ngày mới, kỉ niệm nào sẽ được bày tỏ. Với những tựa game mình đã biết, đã từng chơi thì tôi không ngại ngần mà click vào đọc liền mạch, thưởng thức một cách thoải mái. Với những tựa nào mình chưa biết thì sẽ note lại đó, sẽ nhớ để sau này chơi rồi mới quay lại mà thưởng thức. Tôi vẫn luôn tin rằng đó sẽ là một trải nghiệm hay và ý nghĩa bởi đã có người đã bỏ công bỏ sức ra viết, bỏ cả tình cảm vào, chôn giấu một thứ gì đó ý nghĩa với đời mình vào nơi đây.

To The Moon là tựa game mà tôi thấy nhiều nhất, không chỉ từ một mà từ rất nhiều tay viết khác nhau. Nếu coi tựa game là món ăn và mỗi người viết là một đầu bếp thì To The Moon được coi là món ngon đặc biệt, mỗi đầu bếp ở đây đều có một công thức riêng để xào nấu ra nó, khác nhau đấy nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi chính là loại gia vị mang tên tình yêu và niềm yêu thích được nêm nếm cho vào một cách đầy trân trọng.

Tôi đến với To The Moon với một chút hiểu biết rằng nó là một tựa game buồn, cùng với âm nhạc đi vào lòng người và đầy những câu hỏi băn khoăn. Liệu nó có giống những game mình đã từng chơi? Đồ họa như thế này thì gameplay sẽ thế nào, liệu nó có thật sự hay như lời các hiệp sĩ nói? Tiếng piano ngập ngừng, khu rừng và những con thỏ giấy khiến tôi có cảm giác khá rùng mình, đây sẽ là kiểu game kinh dị chăng? Và cho đến cảnh combat đầu tiên, khiến tôi lại à lên, hóa ra nó giống các game nhập vai đánh theo lượt ư, rồi lại bật cười về đoạn sau đó. Gameplay của To The Moon thật sự rất đơn giản, chỉ là những kiểu giải đố thông thường một cách rất nhẹ nhàng, tất nhiên là ngoại trừ đoạn bắn zombie cuối game ra. Đúng như việc thay vì chơi, chúng ta sẽ được xem một bộ phim tình cảm đầy xúc động thì chuẩn xác hơn.

Đến với To The Moon là đến với một câu chuyện tình buồn của Johnny và River. Câu chuyện được kể theo cách đi ngược về quá khứ, từ những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời cho đến những lần gặp gỡ đầu tiên thuở nhỏ ngây thơ, có gì đó ngại ngùng. Thật sự không ngờ khung cảnh hai đứa trẻ hồn nhiên ngắm mặt trăng rồi trò chuyện lại đẹp đẽ và xúc động đến vậy.

River: “What if you forget… or get lost?”

John: “Then we can always regroup on the moon, silly!”

Sau khi chơi xong, việc đầu tiên tôi làm là lần mò đọc hết những bài viết về tựa game này trên HSBT một cách chăm chú như để tìm những người bạn tri giao. Cảm nhận như mình không phải là người duy nhất lẻ loi, cảm nhận được những người đàn ông xa lạ đã từng chung cảm xúc, đều đã từng rưng rưng xúc động trước câu chuyện đẹp đẽ nhưng có phần nuối tiếc này. Tưởng chừng như ranh giới được xóa nhòa, họ sẽ đến vỗ vai tôi và nói rằng: “Thoải mái đi nào, cậu không cô đơn đâu.”

Một phân cảnh nữa tôi cũng cực kì thích ở To the Moon

Neil và Eva chính là những điểm sáng của trò chơi bên cạnh câu chuyện buồn của Johnny và River. Cả hai là những nhân viên của công ty tái tạo ký ức, giúp hoàn thiện tâm nguyện của những người sắp mất và lần này nhiệm vụ được giao là giúp cho cụ ông Johnny đến được với mặt trăng. Những phút đầu tiên, game có hơi hướng creepy kinh dị một chút, tôi đã nghĩ hai người họ như Ed và Warren, hay như Mulder và Scully vậy, sẽ dấn thân vào một câu chuyện bí ẩn nào đó và cần mẫn tìm kiếm câu trả lời.

Neil có thể như một tên ngốc, mang một tâm hồn trẻ thơ trong hình hài người lớn, còn Eva lại có phần nghiêm túc nhưng ẩn sâu bên trong cô cũng mang một tâm hồn như Neil vậy. Neil chính là cây hài của game, luôn khiến câu chuyện trở nên nhẹ nhàng dễ thở hơn nhiều như cái cách cậu nhăn nhó khi phải uống ly nước oliu, làm bộ mặt nghiêm trọng đi ra ngoài nhưng thực chất là đi vệ sinh, diễn giải một cách ngầu hết sức về mặt trăng, về Nasa trước mặt tụi nhỏ. Hay đặc biệt nhất là lúc cậu tiến lại gần định nắm tay Eva trong khung cảnh lãng mạn cuối game nhưng lại bị cô đập vào tay, phải ngậm ngùi rút tay về. Tôi thích tính cách anh chàng này hơn nên luôn chọn Neil để điều khiển. Những đoạn cuối game đã có lúc tôi không thích Eva lắm, tưởng chừng cô là con người cứng nhắc nhưng những việc cô làm đều có nguyên do.

Tựu chung lại họ là những con người hết mình vì công việc, luôn làm tròn nghĩa vụ giúp những con người có thể thanh thản ra đi không vướng bận. Nhìn cái cách họ cố gắng không biết mệt mỏi giúp cụ ông Johnny nhớ lại ước mơ của mình mới thấy thật nhẹ nhàng mà nở nụ cười một cách ấm áp làm sao. Tiếng chuông điện thoại lại vang lên, lại một vụ việc mới đang chờ họ, hành trình của cả hai sẽ lại tiếp tục đến với những con người đáng thương đang cần được giúp đỡ.

Âm nhạc chính là một thứ đặc biệt nữa của To The Moon. Có những tựa game mình chưa chơi bao giờ nhưng lại say mê âm nhạc của nó. Tôi nhớ là đã nghe không biết bao nhiêu lần Will The Circle Be Unbroken trước khi hoàn thành Bioshock Infinite, Lady of the Pier trước khi chơi Devotion, hay The Wolven Storm trước khi tận tay điều khiển phịch thủ. Everything’s Alright cũng như thế, tôi cứ bật nó lên mỗi ngày như một thói quen, trầm tư mà cảm nhận, dù chưa chơi nhưng cũng hiểu nó thật buồn. Cho đến khi thực sự chơi To The Moon, cái âm thanh đó vang lên lần đầu tiên là lúc tôi ngừng việc điều khiển nhân vật, cứ thế theo thói quen thường xuyên mà cảm nhận, quên mất mình đang chơi game một lúc lâu. Mọi thứ sẽ ổn thôi, một bài hát xoa dịu những thứ ngổn ngang đang diễn ra, cho ta thêm niềm tin, sự hy vọng về những điều sắp tới.

Âm thanh đó lại vang lên lần nữa khi hết game, cũng là lúc tôi mới thấu hiểu, cảm nhận trọn vẹn câu chuyện, cũng là lúc thấy thật buồn và nuối tiếc. Con tàu sẽ bay lên mặt trăng, Johnny và River sẽ gặp nhau tại đó, họ sẽ thực hiện được ước mơ thời thơ ấu. Một ảo mộng được vẽ ra, nó càng đẹp, càng thơ mộng bao nhiêu thì cái hiện thực lại càng đau buồn và nuối tiếc bấy nhiêu. Tự dưng khóe mắt rưng rưng và tâm hồn bỗng phiêu du đến lạ, cảm tưởng như tiếng piano cứ vang vọng mãi trong không gian vậy.

Gần 4 tiếng trải nghiệm game không phải quãng thời gian dài nhưng có vẻ nó sẽ khá kén người chơi. Không nhanh dồn dập, không có những đoạn combat hoành tráng mà chỉ có nhịp game chậm rãi, một cốt truyện đủ khiến ta đồng cảm và âm nhạc nhẹ nhàng sưởi ấm lòng người. Và giờ đây tôi có thể trả lời chắc nịch cho câu hỏi: “Vậy họ yêu To The Moon như thế thì cậu có yêu nó không?. “Có, giờ tôi rất yêu To The Moon”.


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Nhật Minh - 11.01.2020

    Một người tầm thường muốn trở nên đặc biệt và một người đặc biệt muốn trở nên tầm thường.