Thực ra tôi biết đến Hotline Miami qua bản nhạc Crystal được dùng làm Music Kit trong CS:GO. Và ngay lúc đó, tôi đã tìm được cho mình một trong những con game indie hay nhất, gây nghiện và vô cùng thỏa mãn khi chơi. Ngay khi được sờ vào, tôi đã phải thốt lên: Goddamn! Vì sự bạo lực của nó vô cùng phù hợp với bản tính “tàn sát” của tôi. Doom rồi Wolfenstein, nay lại thêm một con game hành xác, máu me nữa trong list của tôi.
Hotline Miami là một game lấy bối cảnh của những năm thập niên 80s. Vào vai một tên sát thủ nào đó, nhận những cuộc gọi ẩn danh thông báo cho ta những nơi cần được “dọn sạch”.
Đó là ổ của những tên Mafia, hay ổ của một nhóm cướp, của một tên trùm, thậm chí là sở cảnh sát. Và chỉ có một mình người chơi phải xử hết hàng chục tên.
Hotline Miami đòi hỏi sự máu lửa của người chơi, khả năng nhanh nhẹn xử lí để tiêu diệt mọi kẻ địch. Nhưng nó không hề dễ dàng, mà đòi hỏi phản ứng tốt và tính toán trong cách di chuyển sao cho hợp lí. Bởi game được đánh giá có độ khó cao, chỉ cần ăn một viên đạn hay một nhát đánh thì chết ngay lập tức và phải chơi lại màn đó. Thế nên việc màn hình nháy “Press R to restart” liên tục là điều bình thường.
Cốt truyện phức tạp
Với game này thì tôi cũng chẳng quan tâm đến cốt truyện cho lắm, vì tôi chơi game để giải trí. Nhưng cốt truyện nó hay mà lại khá là phức tạp nên tôi không thể kể chi tiết trong bài này được, có thể chơi để biết, hoặc đơn giản là tham khảo trên web hoặc youtube.
À, nhân vật chính của ta không phải đi trả thù cho chú chó bị giết đâu.
Lối chơi đơn giản chỉ là giết và giết
Game sử dụng góc nhìn thứ ba top-down, nhân vật điều khiển luôn nằm trọng tâm màn hình. Camera có thể di chuyển để nhìn xa hơn để bao quát tình huống. Tâm tự do điều hướng, và có tính năng lock mục tiêu.
Nhiệm vụ thì chỉ đơn giản là giết hết tất cả kẻ địch trong từng màn chơi. Được sử dụng đa dạng nhiều loại vũ khí từ súng ống đến cận chiến. Uzi, ak-47, shotgun, súng giảm thanh, dao, gậy golf, máy khoan, tay không, sniper, v.v… Lựa chọn vũ khí làm sao để có thể thanh toán được hết mọi kẻ địch. Mỗi vũ khí đều có ưu/nhược điểm khác nhau. Việc dùng cận chiến sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận được mục tiêu và không ồn như việc dùng súng. Súng bắn xa và giữ được khoảng cách an toàn, nhưng dễ đánh động nhiều địch. Vẫn có súng giảm thanh, và chỉ có ở một số màn chơi.
Game còn một tính năng nữa là “vứt”, nghĩa là bạn sẽ ném vũ khí của mình đi, nếu trúng mục tiêu có thể stun tạm thời.
Thêm nữa, game cho phép bạn rip n tear, hay “xả thịt” kẻ địch. Thường nếu kẻ địch bị stun, hoặc knock có thể tiếp cận chúng và “xẻ”, có thể có nhiều cách “xẻ” khác nhau, phụ thuộc vào cả loại vũ khí bạn đang cầm nữa.
Ngoài ra trước khi bắt đầu màn chơi, ta có thể chọn Mặt nạ. Với mỗi Mặt nạ khác nhau sẽ có tính năng khác nhau (nhìn xa hơn, súng giảm thanh, khó bị phát hiện hơn, di chuyển nhanh hơn,…) tuy nhiên cũng có một số mặt nạ có tính năng giống nhau nhưng tốt hơn so với cái kia. Một số loại có vẻ để tăng độ khó cho game như làm game khó nhìn hơn, đảo bộ điều khiển,…
Mở khóa mặt nạ bằng nhiệm vụ hoặc nhặt được khi chơi (như là một secret). Ở phần 2 thì điều khiển nhiều hơn một nhân vật nên có một số mặt nạ cho từng nhân vật đó.
Mỗi màn chơi sẽ ném cho bạn vũ khí ngẫu nhiên, hãy lựa một cách khéo léo để làm gỏi từng kẻ địch.
Thiết kế màn chơi và kẻ địch
Mỗi màn chơi sẽ được chia thành 2-3 đường, tạo sự tự do cho phép lựa chọn các nước để đạt được mục tiêu.
Các màn chơi được thiết kế thường có các bức tường hoặc chia làm các phòng, hoặc thậm chí không có gì cả. Tường không đục được, nó chỉ là nơi để tránh đạn và ẩn nấp. Cửa có thể dùng để knock kẻ địch. Kính có thể nhìn và bắn đục được kẻ địch, và nó cũng khiến cho người chơi bị phát hiện. Đại loại cũng tương tự như đang chơi CS phiên bản 2D vậy. Có thể chơi theo kiểu Hitman (đánh từ từ từng kẻ địch một cách thận trọng) hay Rambo (lao vào xả súng, chém tơi bời tất cả). Nhưng chơi theo kiểu nào bạn vẫn là John Wick :).
Kẻ địch trong game cũng có nhiều loại, phần lớn là những kẻ địch bình thường được trang bị vũ khí và chiếm số đông. Ngoài ra thì còn có vệ sĩ, chó, phịch thủ,… các loại này thì cần có cách tiêu diệt đặc biệt mới ăn được.
Nghe thì nhiều với tính toán, nhưng một khi cầm vũ khí lên là cứ xả hết thôi.
AI trong game thì retard. Chúng tuy có thể phản ứng nhanh, biết nhặt vũ khí, truy tìm người chơi ngay khi nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng súng,… Nhưng lại bỏ cuộc ngay khi không thấy người chơi đâu, ăn đạn nhưng vẫn bình thường, đi qua xác chết của đồng minh mà vẫn tỏ ra như không,…
Để khỏi bị nhàm chán sau khi giết chóc liên tục, game cũng có những màn chơi đặc biệt hay những trận “boss fight” để thay đổi không khí.
Các màn boss fight được thiết kế khác lạ so với màn chơi thường. Có thể là chiến đấu với một tên trùm sỏ với 2 con báo, hay một tên sát thủ nguy hiểm, hay những con “quái vật” trong cơn phê đá, v.v…
Đồ họa màu sắc của thập niên 80s
Đồ họa arcade 16bit, sử dụng nhiều tông màu sáng, nhất là màu tím mộng mơ, tạo cảm giác buồn của chiều tà.
Hình ảnh trong game khá bắt mắt với nhiều màu sắc sáng và nổi bật. Nhưng cũng không đến mức gọi là lòe loẹt. Thể hiện rõ được mọi vật thể trong game từ cái bàn, cái ghế, TV,…
Tuy với đồ họa như vậy, game vẫn thể hiện được chất bạo lực của mình. Hiệu ứng vật lí, máu đổ được thể hiện khá chân thật từ những vết thương do súng bắn đến những cái xác bị đứt chân tay hoặc nát bấy do bị chém, bị đập, máu văng tung tóe ra khắp sàn,… khiến cho những ai có máu S như tôi đây khi chơi cảm thấy rất thỏa mãn. Kể cả khi chết thì bọn địch không được lập trình biến mất, xác của chúng vẫn nằm đấy, tạo cảm giác chết chóc khi mỗi lần hoàn thành xong màn chơi. Và khi quay lại xe để kết thúc, ta lại đi qua đống “chiến tích” đầy máu me của mình.
Âm thanh và soundtrack cực chất
Âm thanh được làm rất tốt, rất chân thật, từ tiếng kính vỡ, tiếng đập cửa… Tiếng súng rất nghe rất đã và không gây chói tai, tiếng vung chày, tiếng shotgun rất lực. Một điểm lớn để luôn tạo được cảm giác mỗi lần hạ địch là một cảm giác thỏa mãn.
Soundtrack là điểm tôi thích nhất của game, có thể nói là điểm mạnh của Hotline Miami, những bản Synth Wave – một thể loại nhạc chịu ảnh hưởng từ game và phim 80s, dễ liên tưởng đến thời kì của disco.
Nhạc trong game làm rất tốt trong việc tạo cảm giác hype khi chơi. Mỗi màn chơi sẽ có những bản nhạc khác nhau và không lặp lại.
Các bản nhạc beat nhanh, tạo nhịp độ nhanh nhẹn trong game. Cũng giống như những bản metal bốc lửa trong DOOM vậy, kích thích adrenaline người chơi.
Phần 2 thì không có mấy bản nhạc tạo được cảm giác kich thích như ở phần 1, thậm chỉ soundtrack ở phần này có nhiều bài khá chán và mệt mỏi khi nghe, những bài hay thì chỉ có ở một số màn chơi hay thôi. Bài hay nhất của tôi đương nhiên là Crystal.
Tôi đã chơi đi chơi lại chắc khoảng 3-4 lần rồi, và mỗi lần chơi vẫn như lần đầu, tôi thuộc dạng máu S, đi tìm sự giải trí và thư giãn trong các game hành xác 🙂 và giết chóc.
Hotline Miami không phải một game gì đó đặc sắc, nhưng là một game giải trí rất tốt. Độ khó cao, nhưng một khi làm quen thì cứ tha hồ mà quẩy tưng bừng trên điệu nhạc cực chất. Mọi phần của game một khi chơi thì rất dễ gây nghiện.