HAIKYUU!!! VÚT BAY; KIÊN ĐỊNH VỚI ƯỚC MƠ

Khách mới

  

Đến bây giờ, mình chưa chứng kiến khoảnh khắc nào mà đồng bào đồng lòng, tràn ngập cảm xúc và hãnh diện bằng khoảnh khắc Quang Hải “vẽ” quả bóng cầu vồng, ghi bàn thắng trong trận Thường Châu tuyết trắng. Sự kỳ diệu của thể thao là kết nối, lan truyền cảm xúc mãnh liệt và đem lại động lực để chinh phục, để chiến đấu, giành chiến thắng bất kể cuộc chiến của bạn là gì.

HAIKYUU!!, một bộ manga bóng chuyền, thực sự trọn vẹn với ý nghĩa đó.

Haikyuu!! khởi đầu với câu chuyện về Hinata Shouyo, cậu bé tràn đầy đam mê với bóng chuyền bước vào giải đấu đầu tiên và cũng là cuối cùng của thời cấp 2. Nhưng chẳng may, đối thủ là đội bóng thuộc top tỉnh với cầu thủ chủ chốt mang danh “Đế Vương Sân Đấu”, Kageyama Tobio. Đội hình chắp vá của Hinata bao gồm những người bạn mượn từ CLB bóng đá, bóng rổ cộng thêm toàn đàn em non tơ tất nhiên bị đại bại trước một đối thủ quá mạnh. Sự uất ức, tiếc nuối, buồn bã rồi bị bồi thêm câu nói cứa tâm can “3 năm qua cậu đã làm được gì hả?” của đối thủ truyền kiếp đã thắp lên khát vọng trở thành “người trụ lại lâu nhất trên sân đấu”. Và tất nhiên, chỉ có người chiến thắng mới có quyền làm điều đó.

Đối Thủ Truyền Kiếp

Để trở thành tựa manga thể thao có thời gian phát hành dài nhất trong lịch sử SHOUNEN JUMP, mình nghĩ điều lớn nhất Haikyuu lột tả được gói gọn trong 3 từ THẬT – SÂU – KHÁT VỌNG.

Đầu tiên, THẬT. Một số bộ manga thể thao nổi tiếng mình từng đọc như Jindo (tựa mới gần đây là Itto) hoặc Kuroko no Basket có một đặc điểm là nhân vật được xây dựng với những tuyệt chiêu ảo diệu quá mức. Haikyuu thì không, tác giả chỉ đơn thuần vẽ nên những con người bình thường, cũng ước mơ, cũng trăn trở và mỗi “chiêu thức” đều là kỹ năng thực tế đổi bằng hàng năm trời rèn luyện. Bóng chuyền là một môn thể thao vận dụng đơn thuần 3 hành động đập – đỡ – chuyền, và để Hinata thực hiện một cú đỡ hoàn hảo, người đọc phải chờ đến tập 33 (chap 281) tương đương 1 năm rưỡi trong thế giới Haikyuu!!. Một cú đỡ bóng bình thường với một tuyển thủ nhưng những ai đồng hành đều hiểu nó có ý nghĩa như thế nào với một tay mơ, ham đập và từng chạy theo bóng một cách thiếu tổ chức như Hinata.

“Không có giờ có thứ gọi là phép màu. Một thời khắc trong hàng trăm hoặc hàng ngàn giờ nỗ lực, bạn thong dong chạm đến nó và nắm chặt thời khắc đó. Sợi dây kết nối những cột mốc hiếm hoi và đặc biệt đó lại và giúp bạn tiến xa hơn”. Một thoáng rùng mình, một cú đỡ kết nối và thay đổi cục diện, một thời khắc vỡ oà cho tất cả mọi người.

Hinata thực hiện cú đỡ hoàn hảo (Chap 281)

Tiếp đến là SÂU. Dàn nhân vật được khắc hoạ khéo léo để người đọc thấu hiểu, thấy được bản thân mình trong mỗi câu chuyện. Haikyuu! có nhiều trận đấu nghẹt thở, những pha hành động mạnh mẽ truyền tải không khí qua khung tranh đen trắng. Sâu hơn thế, Haikyuu! đan xen ý niệm của mỗi nhân vật gửi gắm trong từng cú giao, đỡ hay đập bóng.

Một trong những câu chuyện ấn tượng nhất với mình là về đội trưởng Kita Shinsuke đến từ Trường Cao Trung Inarizaki. Kita có phần lép vé trong một đội hình có cặp anh em thiên tài hay chủ công thuộc top toàn quốc nhưng cậu vẫn là đội trưởng. Kita luôn điềm tĩnh, cậu đơn thuần làm mọi điều với sự kiên trì, chăm chú và trọn vẹn nhất. “Thần phật luôn ở trên cao và quan sát ta mỗi ngày”, câu dạy từ người bà giúp Kita hình thành nên triết lý sống của riêng mình, “Mình làm một điều gì đó không vì muốn được ai tán thưởng hay công nhận, chỉ cần làm mọi việc một cách toàn vẹn nhất là được”. Chính ý niệm ấy khiến Kita vững tin vào chính mình và truyền tải khi cậu đứng trên sân đấu hay chăm sóc bản thân, đấu tập, dọn dẹp.

Kita Shinsuke với triết lý giản đơn của mình (Chap 274)

Lựa chọn niềm tin, sống trọn và tạo ra kết quả giúp đồng đội vững tin vào cậu và trở thành trụ cột vững nhất cho toàn đội. Với những người bình thường như mình, ý niệm của Kita thực sự là một bài học về lựa chọn niềm tin và sống trọn với niềm tin của mình.

Sau cùng là một đặc sản của Shounen Jump, KHÁT VỌNG. Hành trình Hinata chinh phục mọi thử thách để chạm đến ước mơ “người đứng lâu nhất trên sân đấu” giống cách mà mỗi chúng ta chinh phục thành công hay “ngọn núi” của riêng mình: lựa chọn mục tiêu, xác định điểm xuất phát, kiên trì tiến bước và từng chút chinh phục đến những cột mốc với khát khao sẽ đến thời điểm hiên ngang đứng trên đỉnh núi. Với mình, khó nhất có lẽ khi mỗi người đứng tại vạch xuất phát và trả lời cho câu hỏi ưu – nhược điểm của mình là gì. Khó nhất vì ta phải  đương đầu với những chấp niệm hay những khiếm khuyết của chính mình. Ắt hẳn, chẳng ai muốn thấy mình yếu đuối hay thua kém người khác.

Hinata Shouyo thấp bé nhẹ cân, có khát khao chinh phục môn thể thao dành cho người cao lớn là bóng chuyền với vũ khí là khả năng vận động rất tốt, cộng thêm niềm khát khao cháy bỏng với khát vọng của mình. Hành trình 45 tập truyện, 402 chương là hành trình đối diện với sự yếu kém của chính mình, tận dụng mọi cơ hội để tích lũy mọi kinh nghiệm, kiên trì tiến bước để trở thành trở thành gã khổng lồ tí hon – kẻ nhỏ bé nhưng có ảnh hưởng nhất trên sân đấu, để “đứng trên sâu lâu hơn” đối thủ truyền kiếp của mình, “Đức Vua Sân Đấu” Kageyama. Cậu từng bước chinh phục những cột mốc khi cố gắng đập chuẩn xác hơn, hòa nhập vào đội hình tấn công đồng loạt để tấn công hiệu quả, chắn bóng một cách khéo léo, hay sẵn sàng đi Brazil học bóng chuyền bãi biển để bao quát sân đấu và linh hoạt hơn nữa.

Câu chuyện của Hinata chấp nhận điểm yếu của mình thể hiện một triết lý trong Thiền và lối sống rất hay của người Nhật. Tập trung vào bản ngã, con người vẹn nguyên của mình. Thay vì việc nhìn vào người khác và trăn trở về điều mình còn thiếu, chúng ta có quyền sống và sử dụng tốt nhất “những quân bài” được chia cho mình và không ngừng đẩy bản thân vượt xa hơn khỏi những giới hạn định sẵn. Như câu nói của một cầu thủ cũng mang biệt danh “gã khổng lồ tí hon”, Hoshiumi Kourai dõng dạc tuyên bố: “Tôi biết rõ chuyện mình yếu ớt, từ lâu rồi”. Và điều ấy làm nên tâm thế của một kẻ mạnh.

“Gã khổng lồ tí hon” nhìn thẳng vào thiếu sót của bản thân mình (Chap 343).

Và ấn tượng nhất với mình là trận đấu cuối cùng được vẽ của Hinata trong thời Trung Học, vừa vì cảm xúc khi đọc đến thời điểm đó và vừa vì cách vẽ xuất sắc của tác giả. Cậu phải ra sân vì giới hạn thể lực, bất lực và cảm thấy có lỗi vì đã không đứng trên sân cùng đồng đội đến khi kết thúc trận đấu. Cậu đã khóc, uất ức, bất lực. Cậu tức giận với chính mình. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ, cậu vẫn chưa thể chiến thắng đối thủ truyền kiếp của mình để “đứng trên sân lâu hơn” và không thể chạm đến vị trí cao nhất cùng Karasuno đầy đủ các thành viên Năm 3. CẬU ĐÃ THUA.

Nhưng đấy là một phần của bóng chuyền, của thể thao, của cuộc sống. Không quan trọng cuộc đời vùi dập bạn cỡ nào, quan trọng là cách bạn đón nhận và phản hồi lại. Chính những thời khắc ấy quyết định ngọn lửa ước mơ sẽ cháy tiếp hay chính thức tàn lụi. Câu chuyện của Haikyuu! là câu chuyện của những con người thật, với sự không toàn vẹn nhưng nhắc nhở mỗi người về việc sống trọn vẹn nhất.


Nhịp sống quay cuồng khiến đôi lúc ta mệt mỏi và muốn quay lưng lại với ước mơ của mình. Nếu được, hãy chậm lại một nhịp, cho bản thân giờ phút thư giãn và đọc thử Haikyuu! để xem hành trình chú quạ nhỏ vươn cánh và chạm đến đỉnh cao như thế nào.

Thương chúc mỗi chúng ta luôn giữ ngọn đèn sáng mang tên ƯỚC MƠ trên hành trình của riêng mình!

Jabttbam

Khách mới

  

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện