Gintama – Linh hồn bạc

Khách mới

  

Movie Gintama: The Final vừa mới được ra mắt chính thức khép lại các cuộc phiêu lưu của tiệm vạn năng. Chưa bao giờ vươn lên đến độ nổi tiếng của One Piece, Naruto hay Attack on Titan nhưng Gintama có thể tự hào rằng toàn bộ manga đã được chuyển thể thành anime, một kì tích mà chỉ một số ít series có đạt được. Không chỉ thế, live action của Gintama là một trong số ít những bộ phim người đóng có thể làm hài lòng người hâm mộ. Vậy điều gì đã tạo nên sự thành công của Gintama?

Nhắc đến Gintama, fan thường nghĩ đây là một series parody trào phúng. Nhưng hôm nay, mình sẽ nói sự thật là đúng theo bạn nghĩ. Cốt truyện của Gintama không đi theo một cái mạch nào cả. Phần lớn các chap truyện là những cuộc phiêu lưu hài hước của bộ 3 tiệm vạn năng, tiện đường chế giễu các anime/manga/game khác hay franchise nổi tiếng hay cả người thật việc thật. Tác giả cũng không ngần ngại gì dìm chính tác phẩm của mình. Các nhân vật xúc phạm lẫn nhau, phàn nàn về các hạn chế của series và chính bản thân tác giả cũng không thoát nổi. Bởi vì thế, mỗi tập sẽ có một nội dung khác nhau, hạn chế gây nhàm chán và không nhất thiết phải theo dõi toàn bộ câu chuyện.

Khi được chuyển thể thành anime, studio tiếp tục cà khịa về các studio khác, các đạo diễn hay các diễn viên lồng tiếng, lồng vào thêm vô số trò đùa đủ mọi thể loại để fan tha hồ tìm easter egg. Tuy nhiên, đây là một con dao hai lưỡi. Bởi vì nếu fan chưa bao giờ tiếp xúc với các series đó thì các câu đùa về chúng sẽ rất thiếu muối dẫn đến hiện trạng nhiều người bỏ series trong giai đoạn đầu. Thật là đáng tiếc khi họ không có đủ kiên nhẫn mà đã vô tình bỏ qua một trong những series hay nhất mọi thời đại. Có những series thuộc hàng huyền thoại khởi đầu không thú vị lắm trước khi chúng đạt đến vị thế như ngày hôm nay. Tiêu biểu là Dragon Ball, khởi đầu là một câu chuyện phiêu lưu tìm ngọc rồng của “Khỉ con” Goku có phần trẻ con nhưng tác giả quyết định chuyển sang thể loại võ thuật rồi dần dần thành các trận chiến cấp vũ trụ. Các chap đầu của Gintama chủ yếu là giới thiệu nhân vật và để đọc giả làm quen với thế giới và câu chuyện. Khi qua được giai đoạn đầu bỡ ngỡ thì chúng ta không thể nào rời mắt khỏi truyện nữa.

Nhưng nếu chỉ có thế thì sẽ không thể tạo nên một trong những bộ anime/manga được nhiều người yêu thích nhất hiện nay. Gintama là một series gần như chắc chắn sẽ làm bạn cười chảy ra nước mắt nhưng chỉ một lúc sau những giọt nước mắt vẫn sẽ chảy nhưng vì những thông điệp ẩn chứa bên trong.

Khởi đầu câu chuyện, chế độ phong kiến bắt đầu suy thoái và trái đất bị xâm lược bởi các thế lực người ngoài hành tinh. Hệ quả là chính phủ trở thành bù nhìn và thời đại của các samurai kết thúc. Những sự kiện này tương tự giai đoạn cuối thời Edo của Nhật Bản khi vua chúa bắt tay với các cường quốc phương Tây để kiếm thêm lợi lộc cho bản thân. Tác giả đã kể lại câu chuyện về 1 trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Nhật Bản qua một cái nhìn mới. Phần lớn các nhân vật được xây dựng theo hình mẫu có thật với một chút biến đổi.

Trong Gintama, không có nhân vật phụ mà tất cả đều là những nhân vật chính. Họ xuất hiện trong 1 chap rồi 10 chap sau mới quay trở lại. Bộ ba tiệm vạn năng cũng có lúc nhường vai chính cho người khác để họ tỏa sáng trước khi dùng vũ lực giành lại. Tất cả mọi nhân vật đều rất khốn nạn, thô kệch nhưng bản chất của họ, linh hồn của họ vô cùng đẹp đẽ. Chúng ta có thể cười nhạo họ nhưng không biết từ lúc nào chúng ta đã cười cùng họ. Gintama hiểu rõ yếu tố làm nên thành công của các series dài tập không phải là các trận chiến long trời lở đất hay các siêu sức mạnh bá đạo mà là sự gắn bó giữa đọc giả và các nhân vật, từ dàn nhân vật chính cho đến những nhân vật xuất hiện một lần. Và chính các nhân vật này chính là cốt lõi làm nên thương hiệu Gintama. Họ có vô số thói hư tật xấu, thường xuyên dính vào các tệ nạn xã hội, suốt ngày chửi bới, gây gổ, đánh nhau nhưng giữa những gam màu đen xám chúng ta có thể thấy tỏa sáng hơn cả, đó là tình người.

Nhân vật chính của series là Sakata Gintoki, một chàng Samurai bị bệnh tiểu đường do ăn quá nhiều đồ ngọt, một tên lười biếng, hám gái, ham đánh bạc, uống rượu, thường xuyên quỵt tiền thuê nhà, nợ lương nhân viên, chỉ có hứng thú với cô dự báo thời tiết, mở mồm ra là nói toàn những lời thô thiển, bỉ bựa. Thế nhưng ít ai biết rằng đằng sau đó là một chiến binh samurai đã chinh chiến khắp chiến trường để bảo vệ đất nước với biệt danh “Bạch dạ xoa” khiến bao kẻ thù khiếp sợ. Ngày thường, anh bị mọi người đánh đập, trấn lột nhưng khi có ai đó gặp chuyện, anh trở thành vị anh hùng lấy thân mình chịu đựng tất cả đánh đập cho họ. Gintoki là một con người từng trải, anh hiểu hạnh phúc thật sự là gì, mất mát thật sự là gì nên bây giờ mới sống ung dung tự tại theo lý tưởng của mình, luôn tràn trề nhiệt huyết của một võ sĩ chân chính và tinh thần lạc quan của một đứa trẻ.

Nhắc đến Gintoki mà không nhắc đến Shinpachi và Kagura, 2 thành viên trẻ tuổi của Tiệm vạn năng là một điều thiếu sót. Shinpachi là một chàng trai bình thường. Không. Bình thường là còn nói giảm nói tránh. Shinpachi được miêu tả là 95% mắt kính, 3% nước và phần còn lại là rác rưởi. Nói rõ ra cậu là cái giá để kính. Hằng ngày, cậu đóng vai trò thanh niên nghiêm túc, phàn nàn về các màn tấu hài của các nhân vật khác. Không ai coi trọng cậu nhưng qua thời gian, cậu dần dần tiến bộ và cuối cùng, vẫn chẳng ai xem trọng cậu.

Còn Kagura là 1 làn gió mới, khác hẳn 1 dàn nhân vật nữ trong các series cùng thể loại. Cô bé thuộc chủng tộc người ngoài hành tinh hiếu chiến, sở hữu sức mạnh khổng lồ và cái bụng không đáy. Khác với các nữ chính khác, Kagura chẳng bao giờ quan tâm đến việc giữ hình tượng. Cô xuất hiện là phải móm mém một thứ gì đó, gặp khó khăn là dùng nắm đấm để giải quyết rồi dần dần bắt chước những thói xấu của Gintoki.

 

Cả hai người đều chọn Gintoki làm hình mẫu để học hỏi. Họ sống cùng nhau, trải qua vô số chuyện, cùng nhau cười, khóc, nghèo, đói, bệnh tật, cùng làm việc, cùng chiến đấu. Có phúc giành hưởng, có họa cùng chia. Shinpachi xem Gintoki như một người anh, cậu bắt chước từ trang phục cho đến phong cách chiến đấu. Kagura thì xem Gintoki như người cha thứ 2, học cách trở nên mạnh mẽ thật sự. Họ trở thành một gia đình không máu mủ để rồi khi một người gặp hoạn nạn, thì 2 người còn lại sẵn sàng nhảy vào biển lửa để giúp đỡ.

Các nhân vật khác cũng tương tự, bình thường thì song kiếm hợp bích tấu hài nhưng lúc cần thì bật mode nghiêm túc, chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ những gì quan trọng. Họ đều được Gintoki giúp đỡ, họ tôn trọng anh để rồi dù phải chiến đấu với một quân đội người hành tinh và một sát nhân bất tử, họ vẫn sẵn sàng chạy đến bên cạnh anh.

Nhân vật trong Gintama giống y như cái cốt truyện của nó. Bên ngoài bẩn bựa, đầy rẫy tật xấu nhưng bên trong thì là những người sống quá nặng tình. Từ bà chủ nhà lúc nào cũng quát tháo đòi tiền thuê nhà nhưng lại cưu mang hết người này đến người khác. Sát thủ, đạo chích, đến cả gái ngành hay xã hội đen… người nào cũng vì tình nghĩa mà bất chấp tất cả. Tất cả mọi nhân vật đều có nỗi khổ riêng mà họ cố gắng che giấu. Khi có người chìa tay ra giúp đỡ, họ sẽ dành phần đời còn lại của họ để trả ơn. Họ thoải mái phơi bày mọi tật xấu của mình vì đó là nhà, nơi họ được vây quanh bởi những người thân.

Ngoài ra còn có rất nhiều câu chuyện đẹp ấm áp tình người khiến người đọc rơi nước mắt. Một cô gái lập lời hứa tập thể dục mỗi sáng cùng với một cậu bé bị bệnh tim. Trong một lần trời đổ mưa, cô bé không đi được nhưng cậu vẫn tập luyện để rồi đổ bệnh. Cô đã thề rằng sẽ không bao giờ bỏ tập một lần nào nữa cho đến khi cậu khỏe lại. Người lớn biết chuyện cũng bắt đầu tập theo, tiếp thêm động lực cho cô bé. Một ông già và một con chó cố gắng níu kéo sự sống, nguyền rủa người kia chết trước bởi vì họ không muốn người ở lại phải cô đơn. Một thanh niên vô gia cư, ở tận cùng xã hội nhưng khi đứng trước cơ hội đổi đời lại quyết định nhường cho 2 đứa trẻ nghèo khổ. Một kiếm sĩ đã ra tay giết chết hàng ngàn mạng người đã khóc khi nắm tay người chị sắp mất trên giường bệnh. Đồng đội anh thì ăn bánh snack siêu cay để có lý do không giữ lại được nước mắt vì cái chết của người tình. Ngay cả một nhân vật thường xuyên bị dìm hàng như Tướng quân chỉ để mang lại tiếng cười cũng có một cái kết đắng cay, lấy đi bao nước mắt của khán giả.


Không chỉ hài hước hay cảm động, Gintama cũng được biết đến với những cốt truyện đen tối và những màn đánh nhau mãn nhãn. Thỉnh thoảng, Gintama sẽ có những arc nghiêm túc khi tính mạng của các nhân vật thật sự bị đe dọa. Tông màu sáng chuyển sang tông màu tối, bầu không khí vui vẻ bị thay thế bởi gay cấn đến nghẹt thở. Nhưng không vì thế mà series quên đi linh hồn của mình, vài trò đùa vẫn lọt vào đây đó nhưng chúng không ảnh hưởng đến mạch cảm xúc. Chính sự gắn bó giữa đọc giả với các nhân vật làm nên sự gây cấn kịch tính đó.

Là đặc trưng của anime/manga: khi chiến đấu, chúng ta sẽ được hiểu thêm về quá khứ của các nhân vật. Chính điều này làm chúng ta quan tâm đến họ và kết cục của mỗi trận chiến. Gintama đã làm quá tốt điều này cho đến những arc cuối cùng. Chúng ta biết Katsura là một thằng đần, bị mọi người gọi là Zura (tóc giả) nên câu cửa miệng của anh là: Ta không phải Zura. Ta là Katsura. Và trong một trận đấu không hề quan trọng trong mạch truyện, anh lại nói “Ta không phải Katsura. Ta là Zura”. Đó là một lúc anh chấp nhận con người hiện tại của mình, một người chiến đấu vì những người bạn mà anh quan tâm. Chúng ta biết được xuất thân của anh, lý do tại sao anh cầm kiếm, lý do tại sao anh luôn chạy trốn.

Chính những tình tiết đó, dù nhỏ hay lớn, làm nên các trận chiến, trao cho chúng ý nghĩa thay vì chỉ là 1 trận tỉ thí sức mạnh. Các phản diện của Gintama đều có chiều sâu, có lý do họ chọn con đường này. Họ không sinh ra xấu xa mà chính cái thế giới tham nhũng, thối nát đã chèn ép con người quá độ khiến họ phải đứng dậy lật đổ chính quyền và hủy diệt mọi thứ để xây dựng lại từ đầu. Chỉ là để đạt được nguyện vọng đó, họ đã vô tình làm hại đến những mảnh đời vô tội khác mà thôi. Gintoki và các đồng minh cũng có ước nguyện thay đổi thế giới nhưng quyết định chọn con đường quang minh chính đại hơn.

Nếu xét về nét vẽ trong manga, Gintama khá thất thế nếu so với các series cùng thể loại. Đó chính là điều mà anime cải thiện rõ nhất khi được chuyển thể. Gintama kể về tinh thần kiên trì và bất khuất của các samurai Nhật Bản nên không tự nhiên một ngày mà họ sẽ luyện được tuyệt chiêu phá hủy toàn bộ thế giới. Giống như Gintoki, cây gậy gỗ trong tay bậc thầy vẫn vượt trội hoàn toàn cây kiếm trong tay bọn ăn hại. Gintama không cần siêu sức mạnh để tạo nên các trận chiến đáng nhớ, mà chỉ cần xây dựng mạch truyện cho đến cao trào kết hợp với phần vũ đạo và âm nhạc tinh tế, tạo nên công thức thành công.


Trận chiến đáng nhớ trong series chắc là lúc Gintoki đối đầu với đồng môn Takasugi Shinsuke. Trong suốt series, hắn gần như chẳng làm gì. Chúng ta chỉ biết hắn từng theo học một người thầy đã khuất, cùng với Gintoki và Katsura. Chỉ nhiêu đó thôi chúng ta đã có thể hiểu được lý do anh căm thù Gintoki. Rồi chúng ta được tìm hiểu thêm về những ngày tháng dùi mài kinh sử của hai người học trò với người thầy đáng kính, lý do đằng sau sự việc Gintoki lấy mạng thầy. Vào trận, chúng ta được xem cùng lúc trận đấu hiện tại và quá khứ xen kẽ nhau, làm tăng lên sức nặng của trận đấu. Tất cả mọi trận chiến của Gintama đều như vậy, không cần hiệu ứng màu mè, chỉ cần một câu chuyện hoành tráng và một mạch cảm xúc mạnh mẽ. Không cần nói nhiều, chỉ cần hành động thôi. Đó chính là Gintama.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện