Game và trẻ con nhà nghèo

Khách mới

  

Trong bài viết này người viết xin phép không đề cập tới vấn đề game có lợi hay hại với trẻ em, mà chỉ muốn chia sẻ những kỷ niệm về game của một đứa trẻ nhà nghèo trong khoảng thời gian hơn chục năm về trước.

Bối cảnh là một vùng quê nghèo, khoảng những năm 2000. Hồi đó trẻ con quê tôi chưa được tiếp xúc nhiều với đồ điện tử, số nhà có TV còn ít. Nhà nào có điều kiện hơn thì có dàn âm thanh, đầu đĩa VCD, còn những thiết bị giải trí khác hầu như không có. Trẻ con chủ yếu rủ nhau đi chơi, bêu nắng, thả diều, đánh nhau ngoài đồng suốt ngày,… đó là niềm vui của những đứa trẻ ở quê, chứ ít đứa biết đến game.

Nhà tôi thì may mắn có chiếc TV nhưng hồi đó tôi vẫn chưa biết game là gì, chỉ biết xem phim hoạt hình thôi. Cho đến một ngày, người đầu tiên đưa tôi biết đến game chính là… bố tôi!

Tôi còn nhớ đó là ngày bố về nhà sau một chuyến đi Hà Nội. Tôi thấy bố cứ cầm một cái máy gì đó màu vàng, lọt trong bàn tay, còn mắt thì chăm chú nhìn vào cái màn hình đen trắng bé tí. Tôi hỏi thì bố bảo: “Đây là máy chơi game!” Mà hồi đó tôi có biết “Gêm” là gì đâu. Bố nói thêm: “Cái này chơi trò chơi hay lắm, mày ngoan thì bố cho chơi”.

Mặc dù vẫn chưa biết cái máy vàng vàng kia có gì thú vị nhưng nhìn cái cách bố chăm chú với nó cả ngày và cẩn thận giữ gìn nó thì tôi cũng cảm nhận được chắc chắn nó phải có điều gì đó hấp dẫn lắm. Thế là tôi trở nên ngoan ngoãn hơi hẳn mọi khi, chủ động quét nhà quét sân, hộ mẹ nấu ăn, học hành chăm chỉ hơn hẳn. Mục tiêu lúc đó là cho bố thấy tôi đã ngoan để được chơi cái máy màu vàng kia.

Có lẽ ai cũng từng sở hữu chiếc máy này.

Đến một ngày, khi bố thấy tôi “đủ ngoan” thì bố đã cho tôi chơi thử. Khổ nỗi trẻ con chưa tiếp xúc với máy móc bao giờ nên ban đầu cũng lóng ngóng lắm! Bố tận tình chỉ bảo từng nút bấm, từng trò chơi trên cái màn hình nhỏ gồm nhiều ô vuông đó. Tôi còn nhớ trò đầu tiên mình chơi là trò “Bắn xe tăng”, trò đầu tiên khi mở máy lên thì phải. Nhưng trò tôi thích nhất vẫn là “Xếp hình”.

Trẻ con được cái học hỏi nhanh, chẳng mấy chốc mà tôi đã thành thạo mọi trò chơi trong chiếc máy đó. Nhưng để được chơi game tôi vẫn phải thật ngoan, học hành chăm chỉ thì mỗi tuần bố mới cho chơi 1-2 lần. Rồi chiếc máy chính thức thuộc về tôi khi kỳ nghỉ hè đến, bố cho tôi luôn. Khỏi phải nói tôi vui sướng như thế nào, tôi mang máy đi khoe với mấy đứa trẻ con hàng xóm. Mấy đứa chúng tôi hẹn nhau ngồi chơi suốt ngày, hết lượt của đứa này thì đến lượt đứa khác, trong khi lúc trước mỗi tuần bọn tôi chỉ được cầm máy có vài tiếng.

Kỷ niệm khá đáng nhớ là lúc đó mấy đứa trẻ con chúng tôi đều cố gắng kiếm tiền từ việc bán giấy vụn, bắt cua, ốc đi bán để lấy tiền mua pin về gắn vào chiếc máy đó của tôi. Tuy nhiên vì chỉ là một chiếc máy chơi game từ Trung Quốc nên một thời gian sau máy cũng hỏng nút bấm, vỡ vỏ, hỏng luôn cả màn hình vì không chịu nổi tần suốt sử dụng cả ngày của mấy đứa trẻ chúng tôi.

Về sau này khi mọi thứ ở quê tôi phát triển hơn, những chiếc máy chơi game như vậy cũng dần phổ biến. Trẻ con không còn phải chung nhau chơi một chiếc máy, mà mỗi đứa đều có một cái, hỏng thì lại mua cái mới. Nhưng những kỷ niệm về chiếc máy đầu tiên thời còn khó khăn ấy với tôi vẫn là một điều gì đó rất quý giá. Những trò chơi trên chiếc máy ấy vẫn hấp dẫn tôi, ngay cả ở thời điểm hiện tại.

Lớn hơn một chút, tôi được tiếp xúc với đầu chơi game VCD. Tất nhiên ở một vùng quê như nơi tôi sinh sống chẳng hề có những chiếc đầu chơi game như Nintendo hay PS của Sony. Tiếp tục là sự xuất hiện của một sản phẩm đến từ người hàng xóm Trung Quốc. Những chiếc đầu đĩa VCD được tích hợp thêm tính năng đọc đĩa game và 2 tay cầm chơi game 4 nút thực sự là một điều mới mẻ với những đứa trẻ nhà quê chúng tôi.

Nhà đầu tiên trong xóm tôi có chiếc máy đó là nhà hàng xóm. Việc thấy những trò chơi trên màn hình TV thay vì nhỏ tí xíu trên chiếc máy cầm tay chúng tôi hay chơi quả thật có một sức hấp dẫn khó có thể rời mắt.

Đầu đĩa VCD chơi game thời xưa.

Thế là lũ trẻ con suốt ngày tụ tập bên nhà hàng xóm để được xem các anh, các chú chơi game, thi thoảng được chơi ké một chút cũng vui lắm rồi. Đến giờ tôi không thể nhớ hết những tựa game đó nữa nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với tựa game được chúng tôi gọi là “Ninja cứu mẹ”. Ấn tượng là vì tôi là thằng duy nhất trong xóm phá đảo được game đó trong 1 lượt chơi.

Cũng không hiểu vì lí do gì mà bố tôi không mua đầu đĩa chơi game, có lẽ vì bố chỉ mê những máy chơi game cầm tay thì phải. Nên tôi toàn phải đi chơi ké nhà hàng xóm. Được cái là mấy đứa trẻ con chúng tôi đều phải ngoan thì bố mẹ mới mở máy cho chơi, chứ láo nháo là không bao giờ được động vào. Tôi thấy đó cũng là một điều tốt.

Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi về chiếc đầu đĩa chơi game. Đó là một buổi trưa, tôi và mấy đứa trẻ khác sang nhà một người hàng xóm chơi game. Đang chơi thì ông chú chủ nhà bảo: “Mấy đứa cầm bao tải ra bãi cát ở trường học gần đó, xúc cát trộm về thì chú cho chơi cả chiều”. Thực ra lúc đó bọn tôi cũng hơi lo, và biết việc đó là sai, nhưng tại ham quá với ông chú ấy bảo “Không sao đâu, đừng lo!” nên cũng đánh liều một phen.

Kết quả là khi chúng tôi đang xúc cát giữa trưa thì có người nhìn thấy và hô lên, bọn trẻ con chúng tôi cuống cuồng bỏ chạy. Không may chân tôi cứa vào một mảnh chai ven đường và chảy rất nhiều máu. Sau đó thì ông chú kia cũng đưa tôi về nhà, sơ cứu rồi đưa đi khâu lại vết thương. Tôi sụt mất 5kg và bố tôi cũng “dạy” tôi 1 bài học về chuyện không được ăn cắp vặt như vậy. Mấy đứa trẻ chúng tôi cũng không bao giờ làm những việc như vậy nữa. Vết sẹo ở chân vẫn gắn bó với tôi từ đó đến giờ, và đó cũng là một kỷ niệm – một bài học nhớ đời với tôi.

Như tôi đã nói, bố tôi là người có ảnh hưởng rất nhiều đến sở thích chơi game của tôi. Đến giờ vẫn vậy, bố vẫn thích chơi game trên di động dù đã có tuổi. Thời đó, khi nhà còn nhiều khó khăn, bố chỉ có một chiếc Nokia đen trắng. Vậy nhưng ông vẫn thích chơi game trên cái màn hình bé tí ấy, nhất là trò rắn săn mồi huyền thoại. Nhà nghèo, 2 bố con nằm chơi cùng nhau, tôi nhìn bố chơi cũng thấy mê. Ông không dùng bất cứ thủ thuật nào mà điểm vẫn rất cao, đến nỗi con rắn dài ngoằng kín cả màn hình rồi mà vẫn chưa “chết”! Thực sự tôi chưa thấy ai đam mê trò chơi đó như bố cả. Tất nhiên hồi đó tôi cũng rất ít được động vào điện thoại của bố, vẫn là câu nói quen thuộc: “Ngoan thì bố cho chơi!” như khi tôi mê mẩn vẫn chiếc máy chơi game màu vàng huyền thoại.

Sau này, cuộc sống dần dần có những thay đổi, gia đình cũng có điều kiện hơn một chút, tôi được tiếp xúc với internet, với máy tính và game online. Mấy đứa trẻ nghèo trong xóm ngày xưa cũng không còn nghèo nữa, chúng tôi bắt đầu biết rủ nhau ra quán net chơi những game mới mẻ, hiện đại hơn nhiều. Nhưng những kỷ niệm về một thời túm tụm lại giành nhau chiếc máy chơi game cầm tay Trung Quốc, cùng nhau tiết kiệm tiền mua pin, hay cùng nhau sang nhà hàng xóm ngồi xem, chơi ké game vẫn là những điều đáng nhớ nhất. Với chúng tôi, việc được chơi game là một phần thưởng lớn, vui vẻ lắm. “Gêm” với những đứa trẻ nghèo khi ấy thực sự là một ký ức đẹp!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • - 31.08.2020

    có quả game tay cầm là sướng rồi :)) còn hơn đứng ngắm lũ trẻ con khác chơi ở tiệm :))