Tương truyền rằng ở một hành tinh nọ có sự xuất hiện của ba cao thủ võ nghệ cao cường, người đời thường gọi họ với cái tên “Tam đại thần phốt” của làng game thế giới. Bắt đầu với em út Konami, chị ba ẩn danh và anh cả EA. Trái ngược lại với sự yếu đuối từ hai người em của mình, đại ca EA với tuyệt kĩ microtransaction đại pháp đã đoạt mạng không biết bao nhiêu hầu bao của giới giang hồ game thủ, đẩy vô vàng studio lâm vào cảnh khốn cùng cùng với hàng chục dòng game trôi vào quên lãng.
Xin chào tất cả các bạn, trong series này chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những góc khuất cũng như là câu chuyện đằng sau của một vài cái tên tiêu biểu làng phốt game, có vẻ như các bạn đã biết hôm nay sẽ cùng ngâm trà ăn bánh với công ty nào rồi đúng không, để các bạn không phải chờ lâu, chúng ta hãy cùng bóc phốt công ty game với nghệ danh: Chúa Tể của những chiếc MEME. OKE LET’S GO.
Sự khởi đầu của một đế chế
Nhưng trước tiên để uống trà thì cũng phải để tôi pha cái đã chứ, Electronic Arts hay còn được tôi gọi với cái tên thân thương là Éo Le Art là một công ty chuyên về sản xuất game được chào đời vào năm 1982 bởi Trip Hawkins. Ban đầu công ty có tên là Amazin’ Software, nhưng nhờ vào tấm bằng đại học Harvard cùng với 4 năm kinh nghiệm làm việc tại Apple đã giúp Hawkins có lựa chọn cái tên đúng đắn hơn cho một công ty game: Electronic Arts, với ý nghĩa rằng nhà sản xuất chính là nghệ sĩ trên con đường tìm kiếm sự hoàn hảo được phản ánh qua các tác phẩm game đầy nghệ thuật của họ, nghe kiểu màu mè phết chứ nhở.
Chỉ trong vòng vài năm công ty đã phất lên như diều gặp gió, các cổ đông đầu tư hàng triệu đô, chiêu mộ được khá nhiều nhân tài và chuyển ra trụ sở mới khang trang hơn. Khai sinh của EA không khác mấy với thời thơ ấu của những tên tuổi hàng đầu thế giới như Google hay Apple và công ty trở thành cái tên đi đầu trong con đường phát triển game PC của toàn thế giới.
Bước đi mạo hiểm của EA trong việc dám đầu tư phát triển game cho SEGA Genesis thay vì NES của Nintendo đã giúp cho hệ máy này gặt hái được rất nhiều thành công, qua đó cũng thu về cho EA một khoảng lợi nhuận khổng lồ và nâng tầm quan trọng của công ty lên một vị thế mới, giờ đây người ta biết tới EA không chỉ là nhà phát triển game cho PC mà còn cho cả console với những tựa game đã định hình lại hướng đi của cả một nền công nghiệp lúc bấy giờ.
Chiếc vương miện quyền lực
Mass Effect, đỉnh cao của game kinh dị, mô phỏng cuộc sống The Sim, racing boy Need for speed hay sự thống trị gần như là tuyệt đối ở các dòng game sport… chính là một trong những cái tên làm nên tên tuổi của EA. Kì thực mà nói thành công của EA cho đến giờ là không thể chối cãi. Là đầu tàu của ngành công nghiệp game, EA đạt mức doanh thu khổng lồ nâng lợi nhuận của công ty lên hàng tỉ đô. Khoan, dừng lại một chút, tôi không thể nào không nói đến cái trang bìa đĩa game cực kì ấn tượng này được, nhìn nó đi, đây mới đúng thực là nghệ thuật này.
Quyết định mang tư tưởng cấp tiến của thời đại, EA thu về hàng loạt bản quyền những môn thể thao nổi tiếng và thuê các ngôi sao làm trang bìa cho họ, điều này không những tạo ra một cơn sốt cho toàn thế giới mà cả Việt Nam ta với dòng game FIFA nổi tiếng, nổi trội nhất phải kể đến FIFA online 3. Trốn học làm nhẹ hai ba kèo sting với lũ bạn cùng xóm chính là tuổi thơ dữ dội của không chỉ tôi mà còn rất nhiều anh em game thủ Việt. Game của EA từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần đặc sản của mọi người và chiếm được cảm tình của phần lớn công chúng.
Có điều, chiếc vương miện này cũng chẳng giữ được lâu.
Cái chết được lên lịch
Nếu bạn biết được rằng nhà sản xuất game yêu thích của bạn đang được chuyển nhượng cho EA thì bạn cho nhà sản xuất đó hít mùi đất từ từ đi cho quen, không biết có phải là do vô tình hay ngẫu nhiên mà tất cả studio nổi tiếng sau khi được EA mua lại chỉ có hai kết cục: một dụng cụ tầm thường với cái tên mang vẻ vinh quang giả tạo hoặc là một ngôi mộ xanh cỏ. Quá trình đóng hòm này thực chất rất đơn giản, bắt đầu bằng việc mua studio nào đó nổi nổi, bắt họ phải cho ra phần tiếp theo trong thời gian cực ngắn đồng thời thêm rất nhiều yếu tố microtransaction vào, hậu quả tất yếu là một tựa game thất bại toàn tập, studio sau đó bị đóng cửa. Danh sách đen này bao gồm những tên tuổi nổi tiếng như Westwood studio, cha đẻ của huyền thoại Command & Conquer: Red Alert 2; Maxis studio, người đứng sau sự thành công của the Sims; Bullfrog với Dungeon Keeper,… nếu tôi liệt kê ra hết những cái tên trên thì mọi người ngủ mất.
Thế nên chả cần phải nhìn tây nhìn đông, nhìn vào Bioware xem EA đã biến một thiên tài storytelling thành thằng trốn học đi net kia kìa, ai đó giúp EA nhìn ra được rằng cái deadlines lố bịch đấy đang giết dần giết mòn những studio nổi tiếng mà họ chi cả triệu đô để mua về đi. Chưa dừng lại tại đó, “chất lượng nhiều hơn số lượng” chính là châm ngôn sống của EA, hãng sẽ mua lại studio nhỏ hơn nhằm chiếm lấy những tựa game nổi tiếng rồi hô biến nó thành công cụ hút máu. Sau đó ép studio làm phiên bản hậu truyện cực kì tệ hại với mục đích là bào mòn túi tiền của người chơi một cách triệt để nhất có thể. Quả thực không hổ danh là kẻ ác số 2 đối với game thủ, còn kẻ ác số 1 tất nhiên là Vĩnh Dragon rồi :Đ.
Bên dưới chân đồi
Đều tồi tệ nhất tôi từng được chứng kiến chính là niềm tin, hi vọng và triết lí sống của một con người bị chính bản thân họ chà đạp, ánh mắt của chân lí ấy nay đã bị bàn tay dơ bẩn của đồng tiền che đi mất. Chúng ta đã đi một quãng đường khá dài từ 2,5 đô cho một cái skin của con ngựa trong the elder scroll IV: Oblivion đến ngành công nghiệp ma cà rồng-là một mặt tối khác của ngành công nghiệp game mà chẳng ai muốn nhắc đến. Trong con đường cách mạng theo kiểu tồi tệ hóa ấy, EA cũng chính là kẻ dẫn đầu thô thiển, một kẻ dẫn đầu quên rằng bản thân mình là ai, mình tồn tại vì thứ gì, nền tảng cơ bản của mình từ đâu. Giờ đây người bạn EA mà chúng ta biết đã tự biến mình thành cái máy in tiền kiểu Mĩ với câu nói huyền thoại “Chú mày muốn win game của anh hả, nạp đầu đi em”. Quá trình trượt dài không phanh không bắt nguồn bởi lí do gì đó sâu xa, mà từ một vài chữ cái đơn giản tưởng chừng như vô hại: loot box, DLC, offline, chất lượng và vắt sữa.
Loot box hay “cơ chế bất ngờ”
Trong phiên điều trần trước tòa tháng 6 năm 2019, EA gọi công cụ hút máu của họ là “cơ chế bất ngờ” chứ không phải lootbox, chấm hỏi luôn? Không thể tự tiện thay tên đổi họ một định nghĩa thế được. Con người bỏ tiền vào một cái hộp mà còn chẳng biết có gì ở trong, chưa kể đến việc món đồ đấy hoàn toàn không có lợi nhuận nào ngoài đời thật, đó là cờ bạc, đó là một món đồ chơi, chính xác hơn là Lootbox chứ chả có cái cơ chế bất ngờ nào ở đây cả. Đây không chỉ đơn giản là một lời biện hộ đầy giả dối về cái định nghĩa cơ bản nhất mà đứa con nít 10 tuổi cũng biết, mà còn là để che đậy cho sự dựa dẫm vào cách chơi pay to win nặng mùi tiền, là minh chứng rõ nhất cho việc nguồn thu khổng lồ hàng trăm triệu của EA xuất phát từ đâu.
“Con người thích sự bất ngờ”- trích lời nói đầy tính bông đùa của t, chủ tịch của EA. Vâng tất nhiên tôi cũng thích sự bất ngờ, một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ, một lời tỏ tình bất ngờ thì ai mà không thích chứ. Nhưng sự bất ngờ giá 5 đô thì chả thích chút nào. Ngay cả cái lời bào chữa nhảm nhí “Điều này đã tồn tại rất nhiều năm qua” đã khiến cho nhiều fan hâm mộ đưa ra quyết định quay lưng lại với công ty đầy tai tiếng này. Không hiểu là do vô tình hay cố ý mà những dòng game tưởng chừng như không thể nào thêm được cái “Cơ chế bất ngờ” vào như plant and zombie, dead space, và oh boy cái dòng chữ EA Sports nói chung và Ultimate nói riêng thật sự là siêu cấp đại thảm họa về microtransaction.
Người Việt ta gọi nó với cái tên thân thương là “đập hòm”, đập càng nhiều càng nghiện, tôi đã chứng kiến nhiều con ma cà rồng đội lốt nhiều tựa game nhưng chắc chắn rằng cái thương hiệu Ultimate này là trường hợp tệ nhất mà tôi được biết, nhiều khi có cảm tưởng rằng cái chữ Ultimate đó nên được gọi là đánh bạc online có vẻ hợp tình hợp lí hơn.
DLC giá 60 đô
Trước năm 2009, game của EA có thể ví như tô phở đậm đà hương vị Việt nơi cuối phố, vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng và tốt nhất là chỉ cần trả tiền một lần. Hiện tại, nồi lẩu thập cẩm trong một nhà hàng chặt chém sẽ là nơi hợp lí nhất cho hầu hết game hiện giờ của EA, bạn trả 60 đô cho nước lẩu, 30 đô cho thịt bò, 25 đô cho thịt heo, 20 đô cho dĩa giá, danh sách cho những “topping” này kéo dài như cái sớ táo quân đến khi bạn phải tự hỏi bản thân mình rằng liệu EA có đang ăn cướp bạn trắng trợn như cách MC Lũ làm từ thiện cho người nhà. Hãy nhìn vào The Sim 4- hiện tại là minh chứng rõ ràng nhất cho sự điên rồ của DLC nhiều hơn cả số lượng rapper Việt Nam hiện giờ.
Tôi biết tới The Sim như dòng game simulation miêu tả cuộc sống nhẹ nhàng chân thật và EA cho tôi ăn một vố đau vãi linh hồn. Không thể không công nhận được cả ba phiên bản tiền nhiệm là cuộc cách mạng cực thành công, tôi thực sự khá ngạc nhiên khi lượng content lẫn đồ họa được cải tiến khá rõ rệt, đấy là cho đến khi phiên bản thứ tư xuất hiện, nó lù lù ra như quả bom nguyên tử chứa đầy tiền chọc thẳng vào Hiroshima. Với hơn 40 dlc trên steam và mỗi DLC có giá ít nhất là 12 đô nhiều nhất là 60 đô, The Sim 4 được con dân game thủ ví như game cho nhà giàu những tưởng chỉ có con của Bill Gates với có đủ tiền mua full cả game lẫn DLC.
Thế là người người crack The Sim 4, nhà nhà crack The Sim 4, bạn cũng có thể crack tựa game này mà chả ai dám kì thị bạn vì người thường không ai lại đi ói ra 1 triệu chỉ để mấy con chó mèo chạy nhảy trong game của mình và vì EA xứng đáng. Tưởng vậy là chưa đủ, EA còn có cái trò cắt bớt cắt xén hay phết đấy, có rất nhiều tính năng có sẵn trong the sim 3 thì nay thành DLC trong the sim 4, tự dưng lại phải trả thêm tiền cho cái thứ mà đáng lẽ ra phải được nhận, í tôi là bạn đã trả 60 đô cho base game rồi cơ mà, làm thế quái nào lại bắt bạn phải trả thêm tiền mới được unlock những tính năng cơ bản của game cơ chứ?
À chúng ta sẽ thêm một nạn nhân nữa của cái trò cắt xén thương hiệu này, đó chính là Star War Battlefront 2, bản tiền nhiệm của nó thậm chí còn gấp đôi tính năng trong game so với bản hiện tại, mà bản tiền nhiệm của nó ra mắt cách đây 10 năm cơ. Chúc mừng EA nhé, chú mày đã thành công trong việc tiến hóa lùi nhiều dòng game lắm rồi đấy.
Định nghĩa lại Offline
Đó là một ngày chủ nhật đầy nắng đẹp, bạn ngồi thưởng thức ly cà phê trong cái cốc ưa thích của mình và bùm, tài khoản Origin của bạn bị ban khỏi chính bản thân bạn chỉ vì một vài câu nói xấu EA trên forum. Hoảng loạn và bất lực, bạn liên hệ với EA support và có trời mới biết rằng có một luật lệ sẵn sàng cho bạn ra đảo ngồi với khỉ trong khi đống game 60 đô của bạn đang đi tắm biển ở Lào. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận cũng như EA tự biến mình thành tên bạo chúa đáng ghét trong mắt của tất cả các game thủ, cái tên EA hiện giờ được mọi người bàn tán khắp nơi, trở thành tâm điểm cho những cuộc chỉ trích không hồi kết của dư luận và là nguồn meme vô tận cho rạp xiếc trung ương.
Một trong cái việc khắm đuối nhất trong cuộc đời không phải là việc ị đùn hồi mẫu giáo mà là game offline phải cần mạng mới chơi được, các ông hiểu được tâm tư của tôi không? Thế quái nào gắn cho cái chữ offline to như bão số 9 nhưng có mạng mới chịu chạy? Cái lí do củ chuối phải cần mạng mới “kiểm soát bản quyền” nghe vô lí và vô tình sao sao ấy. Chính xác hơn là hầu hết các game trên Origin sẽ được khởi động bình thường với điều kiện phải chạy client trước, mà client thì cần mạng mới chạy được? Vòng luân hồi luẩn quẩn này kết thúc bằng việc bắt người chơi phải online trước khi trải nghiệm, vô hình chung là giảm đi thiện cảm của tôi với EA và với chính cái client Origin này.
Nhân tiện nói về Origins, bỏ qua những lùm xùm về pháp lí xung quanh cái client này thì chả có lí do gì để người dùng phải sử dụng thêm một tác vụ cho nặng máy, có ai thực sự tin rằng cái client do EA làm thực sự tốt không?
Chất lượng là gì cơ
Vâng “chất lượng” quá cơ. Nghệ thuật làm game đỉnh cao bao gồm bugs, glitch và nội dung thiếu đầu tư, cái ngai vàng do chính EA tạo ra đã bị bản thân họ đạp xuống vũng bùn bởi trong vòng nhiều năm trở lại đây game của EA ăn nhiều gạch đến mức đủ để xây nhà giúp miền Trung chống lũ. Ví dụ điển hình nhất cho việc chất lượng tụt dốc nhanh như ninja lead mất thắng không đâu khác chính là Mass Effect: Andromeda và Anthem, hai đứa con khuyết tật của thằng cha trốn học Bioware. Nói sơ qua về trải nghiệm cực kì kinh khủng của tôi với hai cái tên này, bản Andromeda khiến tôi chợt nhớ lại trải nghiệm thời cởi truồng tắm mưa của Assassin’s Creed: Unity nhưng tệ hơn, bạn có cảm tưởng như việc bỏ tiền ra mua tựa game này là việc làm gì đó sẽ khiến 15 năm sau bạn vẫn còn hối hận bởi nó thậm chí còn từ chối chạy bình thường như cái cách crush từ chối bạn vào trái tim cô ấy vậy. Bug và crash muôn nơi nấp dưới muôn hình vạn trạng biến hai chữ nghệ thuật của EA thành thứ gì đó quá ư là xa xỉ, con điểm 5 chấm metacritic đã là quá nương tay với EA rồi, tôi nghĩ điểm nó phải ở đâu đó 1 2 thì mới phù hợp với chất lượng đỉnh cao mà tựa game này mang lại chứ.
Và đâu đó ở vũ trụ khác, một vũ trụ mà con game Anthem không xịt đến tắt ngòi với hi vọng comeback như Warframe thành hiện thực, và tất nhiên vũ trụ ấy chẳng tồn tại. Cái giá phải trả cho việc deadline quá ngắn chính là một cái tên đầy thất vọng và chất lượng khiến cho niềm tin mong manh của game thủ ở những tựa game bom tấn của EA bị tiêu giảm rõ rệt, danh tiếng của Bioware bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người chơi phải trả 60 đô cho một tựa game chưa hoàn thành, tràn ngập lỗi và lỗi, màn hình loading dài hàng thập kỉ, gameplay nhàm chán lặp đi lặp lại kết hợp với pha marketing gáy to như cái loa phát thanh phường thật hoàn hảo cho con điểm 4 trên metacritic. Như một lẽ tất nhiên điều gì đến cũng sẽ đến, Anthem được vinh dự trở thành quả bom xịt to nhất nhì năm 2019.
Vắt sữa đến cùng cực
Đáng lẽ danh sách này nên kết thúc tại phần chất lượng cho đến khi thằng bạn cùng phòng rủ tôi chơi NBA 2k20, à há here we go again. Vòng quay của định mệnh đã biến EA Sport không những thành trò chơi đập hòm hên xui mà còn biến nó thành con gà đẻ trứng vàng cực kì quan trọng trong doanh thu của cả công ty. Nói kiểu EA sống là nhờ vắt sữa FIFA, NBA, Maiden,… bằng cách phát hành mỗi năm một bản thì có hơi quá, nhưng mà đúng vậy thật. Bí thuật bất hư truyền “bình mới rượu cũ” hay còn gọi là nghệ thuật copy paste được áp dụng rất thành công khi texture nhân vật, map, thậm chí cả moveset chả khác gì với bản tiền nhiệm, điều bất ngờ hơn cả là bất chấp việc lười biếng đến trắng trợn ấy thì doanh thu lại cực kì ấn tượng, tính riêng năm 2019 vừa rồi với 2 tựa game là FIFA 20 và NBA 2k20 đã mang về cho công ty gần 1,37 tỉ đô, chứng tỏ cho việc fan vẫn tiếp tục ủng hộ họ mặc cho sự thiếu đầu tư và cẩu thả từ những develop của EA.
Nếu các bạn cảm thấy quen thuộc với công thức của mấy webgame online tàu khựa: tạo ra một series gì đó, quảng cáo rầm rộ, người chơi ùn ùn kéo vào, sau đó thì bỏ bê cập nhật, hack cheat khắp nơi và cuối cùng là đóng cửa. Dòng Battlefield cũng giống vậy đấy, khác ở mỗi việc dừng lại ở hack cheat tràn lan. Các pháp sư trung hoa biến phần online của Battlefield hầu như không thể chơi được, và đoán xem EA có động thái gì? Câu trả lời ở đây là không gì cả, không có thêm bất kì bản cập nhật nào, không có sự cải tiến nào của game, điều duy nhất mà game thủ Battlefield nhận được chỉ là người chơi hệ hack game ngày càng đông, lượng player tâm huyết với game ngày càng giảm.
Như hành động thay thế cho việc đóng cửa, EA vả vào mặt người chơi bằng cách tung ra một phiên bản khác, vô tình vứt đi cái được gọi là tác phẩm nghệ thuật ấy ra đầu đường xó chợ, biến những lời hoa mĩ của họ trước kia thành câu nói sáo rỗng vô giá trị. Minh chứng rõ ràng nhất cho làn sóng tẩy chay EA chính là hai giải thưởng công ty tệ nhất nước Mĩ trong hai năm liên tiếp và được vinh dự trở thành công ty game tệ nhất thế giới.
Liệm EA
Tạm biệt EA, khóc xong rồi đành cất gọn game của anh vào góc, mình tạm thời không nhìn nhau anh nhé. Mỗi lần nhìn thấy anh em sợ lại làm túi tiền mình đau hơn. Tuy rằng phiên bản Star wars jedi: fallen order hay thật, tốt thật nhưng ai biết được bước đi tệ hại tiếp theo của hãng là gì. Thôi thì để dành lời chúc tốt đẹp nhất cho EA, ít ra thì game của anh còn chơi được, không bị delay như ai kia. 😀
ủa cái này thấy xuất hiện trên game cực hay r mà?
kênh đó với ông tác giả là 1 à?
Chào bạn, tôi là người viết content cho bên game cực hay :v