Alright, nếu bạn bấm vào bài viết này vì tò mò, tôi đoán là vì bạn chưa nghe về Kane and Lynch bao giờ, bạn cứ nghĩ sẽ là một cái gì đó hay ho, một tựa game nào đó hay ho mà bạn sẽ vui lòng mở ví ra xì tiền cho Gaben rồi dành hàng giờ chơi và quên đi cuộc sống buồn tẻ của mình (như tôi). Hoặc, có, bạn đã nghe về nó, chơi nó và thậm chí là có những cảm xúc và ấn tượng nhất định, rồi một ngày đẹp trời 2019, hoặc 2020, hoặc lâu nữa, 12 năm, 13 năm…sau ngày ra mắt của Kane and Lynch: Dead Men, bạn vô tình thấy bài viết này hiện lên newfeed và quyết định bấm vào vì rốt cuộc cũng có một đứa nào đó ngồi review cái game này. Ồ, ngày xưa mình cũng giống bạn đấy, có điều là chả ai review cái game này cả…
Vì sao? Vì phần một chán cực.
Và vì phần một chán cực, nên tôi kệ tôi không review phần một đâu.
Kane and Lynch (Kiên và Linh) có 2 phần. Và chỉ 2 phần thôi. Phần đầu có tên là Dead Men (2007), phần hai có tên là Dog Days (2010), không có phần ba (ôi không lại là con số 3). Vấn đề là, khi cái phần Dead Men nó dở mà IO Interactive vẫn có hứng làm tiếp Dog Days, Edios Interactive và Square Enix vẫn tặc lưỡi xì tiền ra đầu tư sau drama to vật với GameSpot, và đoán xem, phần Dog Days nó hay cực (với tôi) và IO quyết định nghỉ luôn, cóc làm nữa. Và chính vì phần Dog Days nó hay cực, nên bây giờ bạn sẽ có một bài review đầy chủ quan mà tôi cam đoan sẽ dài hơn 2000 từ đến từ một gã tương đối rảnh ngồi cày một mạch hết cả hai phần game, trong một ngày.
Vẫn là một câu chuyện tội phạm đầy drama, bắn giết, trả thù đúng typical điện ảnh Mỹ (nhưng không có cảnh hôn nhau), tôi sẽ rất vui lòng nói Kane and Lynch là một bộ phim có nội dung hay. Thật sự đấy, nếu người ta thực sự có làm phim về Kiên và Linh, nói thế nào nhỉ, cứ tưởng tượng nó sẽ có Vincent Vega và Jules Winnfield (da trắng) bắn nhau đùng đoàng trong không khí sặc mùi bạo lực với hiệu ứng ánh sáng của John Wick. Vincent Linh và Jules Kiên, chơi xong cái game mà cứ nghĩ đến Pulp Fiction. Hai tên tử tù, một đứa thì điên (theo nghĩa đen) và một đứa thì trầm, man-of-act, “Batman một mắt” (Kiên bị chột mắt phải). Lại một dấu ấn điện ảnh Mỹ nữa ở hai nhân vật này, như Ride Along, 21 Jump Street, Rick and Morty… kể về một cặp đôi, và không chỉ là cặp đôi, đó là một cặp đôi “tự-triệt-lẫn-nhau”. Trong khi Kiên thì làm tất cả để cứu vợ và con gái bị đồng đội cũ bắt cóc tống tiến: cướp ngân hàng, bắt cóc con gái trùm xã hội đen Nhật, cướp tù… thì thằng Linh lại là tay phá hoại chuyên nghiệp (không phải cố tình đâu, tên này bị tâm thần thật): giết hết con tin trong ngân hàng, dẫn cả hai đến màn bắn nhau đùng đoàng với cả một trung đội cảnh sát, sau đó giết luôn con gái ông trùm rồi lại dẫn đến một vụ bắn nhau đùng đoàng khác với đám hitman Nhật, và là rõ: thằng Kiên thì xôi hỏng bỏng không. Nhưng mà không có thằng Linh thì không có câu chuyện và ngược lại. Vì đơn giản nó là Kane and Lynch! Nó sẽ giống như xem Rick and Morty nhưng chỉ có mỗi Rick cân cả vũ trụ hoặc chỉ có mỗi Morty thất bại vậy. Oh geez. Và thế là câu chuyện bắt đầu. Bắt đầu như thế nào thì còn lâu mới nói. Tôi không thích spoil. Nhưng nếu tôi không nghĩ ra đủ 2000 từ thì có thể tôi sẽ spoil ở dưới.
Vậy đấy.
Về cơ bản thì Kane and Lynch: Dead Men chỉ có mấy dòng kia thôi. Dead Men đóng vai trò như giới thiệu nhân vật, và khá tuyệt khi cốt truyện của nó không dính dáng nhiều đến phần Dog Days. Ngoài ra thì mấy ông dev còn đầu tư quả bắn súng “thật” quá hóa ra sh*t, nhưng thi thoảng cũng khá hay đấy, một điểm cộng an ủi cho tính độc đáo. That’s it. Đến lúc viết tôi mới thực sự thông cảm cho mấy ông làm báo game bị sếp bắt viết bài về cái phần Dead Men này. Không tin cứ search thử xem. Hoặc là chỉ mỗi tôi thấy chán. Nhưng về cơ bản là tôi muốn review phần Dog Days hơn.
Vì sao ư? Well, lan man một chút. Mỗi người đều có những trải nghiệm, đến với trải nghiệm đó bằng những con đường khác nhau và cũng được dẫn đến những hành động và suy nghĩ khác nhau bởi chính trải nghiệm đó, như cảm giác rờn rợn sau lần đầu tôi xem Boku no Pico là do lũ bạn ở lớp đội tuyển lừa xem, tôi viết bài này vì Kane and Lynch: Dog Days, bằng cách nào đó, đã để lại cho tôi một trải nghiệm khá ấn tượng, ấn tượng tới mức tôi cảm thấy khá là tiếc khi không có ai biết đến Kiên và Linh nói chung và Kane and Lynch: Dog Days nói riêng.
Một buổi chiều mùa hè 2013, Hà Nội, tôi bắt đầu biết đến Kane and Lynch: Dog Days trên vài trang game crack. Ở thời điểm này tôi chưa có hiểu biết gì về hai nhân vật Kiên và Linh, lại chưa biết gì về phần Dead Men cả (sau khi chơi Dog Days một thời gian, khá là lạ khi ở thời điểm đó tôi không tìm thấy ở bất cứ đâu có Kane and Lynch: Dead Men, thấy chưa, nó tệ đến nỗi chả ai thèm crack :lmao:). Tại thời điểm lần đầu test game, tôi để thiết lập đồ họa ở mức low hết nấc để con card onboard có thể gánh tạ mà không hụt hơi. Rất bất ngờ so với screenshot và video gameplay trên những trang crack tôi từng kinh qua: game chạy khá mượt, FPS hơn 30 một tẹo, và đồ họa ở mức low vẫn khá đỉnh (so với thời điểm đó). Một yếu tố nữa ngoài gameplay khiến tôi ấn tượng. Nên hãy đừng lo lắng xem con máy cùi bắp của mình có chạy được không nhé. Có ba thứ bạn nên lo thôi: một là lo mình không đủ tiền trong thẻ để mua game sau khi đọc xong bài này, hai là lo mình không có thời gian chơi, và ba là lo mình bị chóng mặt khi chơi.
Chóng mặt á? Về nghĩa đen hay nghĩa bóng? Kiểu…hành động dồn dập nghẹt thở “chóng mặt” hay bắn nhau ì xèo “chóng mặt”? Không, tôi không thích mấy pha quảng cáo như quảng cáo mấy bộ phim bộ hành động cringe hết nấc trên mấy kênh truyền hình địa phương như thế. Chóng mặt, ý tôi là…chóng mặt thật đấy! Có thể nói là nhóm dev vẫn giữ nguyên tính sáng tạo của mình. Trong con mắt của một thằng nhỏ mới lớn nghiện game bắn súng đã kinh qua gần hết 6 phần Call of Duty *lol* và một cơ số game khác, trải nghiệm đầu tiên với game khiến tôi cảm thấy khá thú vị, và vẫn cho tôi ấn tượng đến tận bây giờ khi chơi lại game 5 năm sau. Một lần nữa nhóm dev thích game của mình phải thật thực tế, sau cái phần Dead Men bị ném đá về vụ bắn súng quá trời, thế là họ sửa lại phần bắn súng một tí, crosshair chỉ đâu đạn bay theo đấy thay vì bay ngược lên trời, nhưng bù lại họ sửa cái camera đi một tẹo. Nói thế nào nhỉ, thật khó để miêu tả, nhưng hãy cứ tưởng tượng mình là một tay camera-man nghiệp dư (và đúng là cầm camcorder đi thật!) cầm con máy quay cùi bắp, mờ và nhiễu liên miên, đi (chạy) theo Kiên và Linh xem bắn súng đùng đoàng, thu lại bằng hết những thứ gì bạo lực, trần trụi và bẩn thỉu. Thế là chúng ta có “bộ phim tài liệu” Kane and Lynch: Dog Days! Tôi thích gán nó với cái tag “documentary”, một bộ phim trần trụi không cắt xén, không có những góc quay tính toán, không kỹ xảo, không diễn viên, không đóng thế, không có dàn nhạc đằng sau, cũng càng không có cháy nổ kiểu Michael Bay. Chỉ có súng, đạn và những con súc vật cắn giết nhau trong bể máu không vấy cặn một hạt lương tâm.
Có một cái tôi thấy khá thú vị khi lần đầu chơi game, đó là khi mình bắn headshot NPC thì phần đầu của NPC sẽ bị censor theo kiểu pixelated. Nó làm cái tag “documentary” tôi dành cho Dog Days thêm rõ ràng, nó thực sự hướng cho tôi cảm giác rằng đó là một cái gì đó “Not safe for work/life” như một cái video gore, máu me nào đó trên LiveLeaks chứ không phải một cảnh phim hay một cảnh game được dàn dựng mà ta sẵn sàng ngồi xem mặt không biến sắc. Trong Dog Days, người ta không cầu kỳ như Call of Duty: Black Ops, NPC tứ chi văng tung tóe, cũng không lơ đi luôn như những game khác đơn giản là cho NPC nằm xuống. Họ chỉ censor cái đầu đi – bên cạnh những bộ phận nhạy cảm, có, chúng có xuất hiện trong game nữa – và tạo cho tôi một cảm giác khá lạ. Không nhiều máu me, không, Dog Days không có quá nhiều cảnh máu me và gore (dù có), nhưng cách người ta censor nó đi trong Dog Days đã tạo cho tôi một cảm giác thật về bạo lực và thật về tính “documentary” của nó, cứ như thể nó được phát ở trên kênh National Geographic trong một bộ phim phóng sự về thế giới ngầm Thượng Hải vậy.
Và lại như phần trước, cũng kha khá người tỏ ra không hài lòng bởi hiệu ứng rung lắc khiến họ chóng mặt, buồn nôn. Nhưng trên phương diện của một gã tiền đình tương đối yếu và thường xuyên phải nghỉ chơi giữa chừng, tôi sẽ nói là TÔI THÍCH :)) Và tôi tương đối phấn khích vì nó. Nếu phần Dead Men cho tôi suy nghĩ về một kịch bản phim hành động kiểu Mỹ, tôi sẽ chủ quan mà nói rằng: Dog Days đã cho tôi xem bộ phim đó!
Gameplay, hay những gì tôi thấy mà không phải suy nghĩ nhiều
Bởi vì suy cho cùng Kane and Lynch: Dog Days là game, và vì tôi trót thêm tag “Đánh giá game” nên bản thân tôi cũng phải có trách nhiệm nói qua về gameplay thay vì sa đà vào review nó như một bộ phim. Game bắn súng, rất rõ ràng. Hệ thống vũ khí khiêm tốn so với game hiện đại, nhưng ổn so với game truyền thống. Chứ còn gì? Tôi nghĩ ta không nên đòi hỏi một game về xã hội đen Thượng Hải lại có đa dạng vũ khí như mấy game thuần về chiến sự như Call of Duty, Battlefield…hay mấy game bắn nhau giả tưởng ảo tung chảo (tính luôn cả My Friend Pedro) được. Cách ngắm bắn cổ điển, như đã nói họ đã sửa sao cho crosshair đi đến đâu đạn đi theo đó (hoặc không), tôi không quá mếch lòng vì họ đã sửa cái này. Số lượng NPC kẻ thù vừa phải cho mỗi “stage”, có vẻ khá trâu, với fire-rate hơi căng nên đôi lúc sẽ khiến bạn mất tự tin một tí. AI ở mức vừa phải đủ để bạn cảm nhận được độ điên của Lynch – nhân vật bạn điều khiển trong phần này – và cay cú, và khao khát báo thù trỗi dậy mỗi khi bạn nằm xuống nhìn màn hình đỏ quạch và mỗi khi bạn có cơ hội xả hết một băng SMG vào mặt một con NPC đã từng nấp ở đâu đó bắn lén khiến bạn chết uổng. Well… đến đây thì tôi không nghĩ thêm được gì nữa, chán thật, tôi sẽ không đổ lỗi cho phong cách chơi của Dog Days mờ nhạt đâu, bắn nhau thực sự rất đã và có tính nghệ thuật đấy, không xôi thịt kiểu mấy game chiến tranh, chỉ là cái khiếu cảm game của tôi nó hơi…nhạt.
Well…tôi nghĩ là bạn đã biết hết những gì cần biết nếu bạn chưa chơi game. Nội dung bên dưới sẽ phân tích một chút, kể lể một chút và có ít nhiều spoil nội dung game. Tôi đã mua cả Kane and Lynch: Dead Men và Dog Days với giá 41.500 đồng trong đợt Steam Winter Sale vừa rồi (giảm khá sâu so với giá 413.000 đồng). Cố chờ đi, Halloween Sale sắp đến rồi ; )
Bối cảnh, không khí, tự dưng tôi cảm thấy phải nghiêm túc và những yếu tố nho nhỏ khiến tôi suy nghĩ khá nhiều.
Quay trở về với bối cảnh. Game lấy bối cảnh ở Thượng Hải, khác với Dead Men lấy bối cảnh ở nhiều địa điểm, nhiều thành phố khác nhau: bắn nhau với cảnh sát Mỹ xong liền bay ngay sang Nhật cà khịa với yakuza rồi lại quay về Mỹ cướp tù, sau đó lại kéo nhau sang Nhật bắn nhau đì đùng, bắn nhau đì đùng xong thì sang Cuba tham gia kháng chiến chống Mỹ, cuối cùng vượt biên sang Venezuela đánh ma túy. Câu chuyện quá rộng với đôi chân con người, điểm nhìn quá hẹp với câu chuyện và còn cái mạch chuyện này nó hơi sai sai này làm cá nhân tôi thấy nản cái phần Dead Men này tệ! Chính vì câu chuyện của Dog Days tập trung ở một địa điểm hẹp, cụ thể là ở thành phố Thượng Hải – một cú đèn xanh cực sáng cho nhóm thiết kế có khả năng xây dựng và phát triển bối cảnh game cũng như background ở mức “đậm đặc” nhất có thể mà không gây nhàm chán cho người chơi, đặc biệt là khi đó là Thượng Hải, một thành phố hiện đại với những cao ốc, đại lộ nhưng hỗn tạp những yếu tố rất cổ điển, rất Trung Hoa, rất thế kỷ 20 – những yếu tố typical, vừa tạo nên, vừa làm tiêu điểm đặc trưng một tầng thấp kín đáo đằng sau ánh đèn của phố phường hoa lệ – một điểm khác với Dead Men, khi câu chuyện diễn ra ở nhiều nơi, nhưng đầu tư vào bối cảnh khá loãng. Tôi sẽ so sánh ngắn gọn thế này: trong Dead Men, Kane và Lynch bị nhốt trong một căn nhà rộng một màu sơn, còn trong Dog Days thì Kane và Lynch được thả cửa chạy trên những con đường hẹp nhiều màu sắc. Rất may là nhóm dev đã rút kinh nghiệm trong Dog Days, để chúng ta có một bộ phim hẹp đủ cho hai chân người đi nhưng đủ rộng để chào mời tầm nhìn những khía cạnh mới mẻ. Ngoài góc quay sáng tạo, chủ quan mà nói bối cảnh cũng là một yếu tố quan trọng trong việc điện ảnh hóa Kane and Lynch: Dog Days, bên cạnh cốt truyện vốn đã rất điện ảnh rồi.
Lại nói về một yếu tố nữa tôi cho là thuộc phạm vi của mục “bối cảnh”. Như ở trên tôi có một nhận xét chủ quan về Kane and Lynch như một bộ phim bắn súng hành động typical điện ảnh Hoa Kỳ với những hiệu ứng ánh sáng của John Wick, nhưng thực tế mà nói sau khi xem John Wick, đặc biệt là phần hai tôi mới nhớ ra cách đấy vài năm tôi từng chơi Kane and Lynch: Dog Days, và chơi xong Dog Days tôi mới biết đến Dead Men mà có dịp chơi xong dìm hàng nó trong cái bài viết này. Không phải vì có bắn nhau xã hội đen, một cân một (vài) trăm như Max Payne, mà là về ánh sáng.
Trong Dog Days, sự biến chuyển về không gian trong game tăng tiến tương đối với câu chuyện. Càng về cuối, không gian càng rộng, địa điểm càng cao, tỉ lệ sáng/tối biến thiên càng liên tục. Nhưng về cái cảm giác John Wick, tôi sẽ tập trung vào bối cảnh từ đầu đến nửa cuối của game, đây cũng là khúc gây ấn tượng mạnh với tôi. Nói về background. Như đã nói thì background của những pha bắn súng tung tóe trong Dog Days hầu như diễn ra ở khu “ổ chuột”, khu đáy Thượng Hải. Nó bao gồm những gì? Nó là những khu chợ cá tanh tưởi. Những ki-ốt băng đĩa lậu. Những xưởng may chui. Những quán ăn ngột ngạt mà tinh tươm che đậy một căn bếp hướng ra ngõ sau bẩn thỉu. Những khu nhà chung cư cấp 4 với ban công và mái tôn chi chít đủ gần để người ta bay nhảy. Những công trình lụp xụp ngổn ngang. Những con phố dài nhiều biển hiệu…Tất cả những khu vực đó được tô điểm bằng những chi tiết đặc trưng của các khu phố người Hoa lụp xụp mà ta đã quen mắt với điện ảnh Hoa Kỳ: rác rưởi, thùng gỗ, thùng các tông, cọc tre, giàn giáo, cửa xếp, áp phích, đèn lồng,…tất nhiên không thể thiếu mấy chiếc scooter với thùng đựng đồ to đùng sau gác-ba-ga nữa. Chúng tạo nên một cái background xám xịt, xấu xí, dơ dáy, ảm đạm, đen tối và bẩn thỉu, về cả nghĩa đen và nghĩa bóng, như chính câu chuyện đang diễn ra ở đó. Tôi cho đó vừa là cái tạo nên thứ không khí ảm đạm cho game, vừa là bản lề mở cánh cửa vô hình dẫn cái không khí ảm đạm đó như một sức nặng từ trong game vào đến cảm nhận của người chơi. Mặt khác, tôi gọi đây là chất tối. Và trên cái background nhiều chất tối này ta có một layer nữa: ánh sáng. Ánh sáng hầu như không đến từ mặt trời, mà chủ yếu đến từ đèn neon biển hiệu, đèn điện, đèn huỳnh quang, với mật độ đủ để tồn tại so với độ đặc của chất tối trong background: không quá ít để bị lu mờ nhưng cũng không quá nhiều để thế chân bóng tối. Đó có thể là thứ gia vị khiến cho không khí ảm đạm trong game thêm phần bế tắc: một sự bế tắc của ánh sáng thị giác không phá vỡ được cái cảm giác dơ dáy, đen tối mà thoát ra ngoài, một sự bế tắc của bạo lực xoay vần, tầng tầng lớp lớp. Ở một khía cạnh khác, tôi gọi đơn giản đó là chất sáng. Chất tối và chất sáng trong game hòa quyện vào nhau, một mặt theo cái cách ánh sáng nhảy múa sau những chấn song của bóng tối, thăng hoa nhưng không thể đột phá ra ngoài; một mặt theo cái cách bóng tối làm nổi bật ánh sáng và ánh sáng nhấn mạnh cái tối, để gián tiếp nhấn mạnh chính cái không khí ngột ngạt, ảm đạm, bế tắc của game và cốt truyện. Kết hợp với phần tối âm thanh khi Dog Days, ngoài sự xuất hiện của những ca khúc ngắn mang hơi hướm C-pop cũ tạo cảm giác thực về văn hóa và sự kết hợp âm thanh đường phố, sự xuất hiện dày của nhạc theo phong cách dark ambient, một loại nhạc gây nhiều cảm giác về thị giác và âm thanh – ngoài cảm nhận cá nhân rằng nó thúc đẩy và khơi gợi tính bạo lực, dark ambient cũng ảnh hưởng đến cảm nhận đa chiều về chất tối trong game theo kiểu vừa bổ sung vừa truyền tải, càng làm cho chất tối thêm dày đặc và tương phản sáng tối càng rõ ràng. Sự kết hợp của ánh sáng trên nền tối trong không gian hẹp, và từ hiệu ứng máy quay sáng tạo với góc nhìn kiểu camera cho chúng ta một cái nhìn chân thật (đối với tôi thì bao gồm cả ấn tượng) về sự đối lập sáng tối, khi ánh sáng phản chiếu vào máy quay ở góc này hướng ta nhìn vào góc tối còn lại. Và vô tình nó khiến tôi liên tưởng đến những cảm giác cá nhân về sắc thái màu trong John Wick, cụ thể là trong những cảnh đường phố New York về đêm, khí ánh sáng neon và bóng tối cũng xoay lấy nhau như thế. Đó là thứ tạo cho tôi “cảm giác John Wick” nhất, chứ không phải vì thằng Lynch để tóc dài râu rậm như John.
Tôi sẽ thích cái đánh giá rằng không khí của Thượng Hải trong Dog Days là phản ánh điểm nhìn và tâm trí của hai nhân vật Kane và Lynch.
Nói một cách sâu xa thiếu tính nghệ thuật và đầy cảm tính. Có phải sự xuất hiện của ánh sáng là khao khát đi tìm bình yên của hai gã tử tù? Cả Kane và Lynch đều tìm đến miếng bánh béo bở Thượng Hải – một phi vụ cuối cùng và rồi cả hai cùng rửa tay gác kiếm. Kane sẽ có tiền chu cấp cho con gái, một lần nữa đoàn tụ và cùng nhau hàn gắn những rạn nứt năm xưa. Lynch sẽ có tiền để giấc mơ về một cuộc sống hạnh phúc với Xiu – cô người yêu trẻ tuổi của y sẽ không còn là chiếc bánh vẽ nằm lại bên dưới những tối tăm tầng thấp nơi phố cảng. Nhưng chúng ta thấy gì suốt từ đầu đến cuối câu chuyện? Bạo lực. Bắn giết. Tắm máu. Kane và Lynch dùng bạo lực để giành lấy bình yên. Nhưng rốt cuộc cũng như ánh sáng và bóng tối không thể triệt nhau đến một mất một còn, những ước mơ đẹp đẽ kia sẽ không rửa hết được máu tanh và những giọt máu rơi xuống sẽ không thanh tẩy được tâm hồn. Những hành động bạo lực của Kane và Lynch chỉ dẫn đến những cái bạo lực khác, cũng giống như kẻ lạc chân vào dòng nước xoáy, Kane và Lynch để vòng xoáy bạo lực kéo chân xuống bể máu, vẫy vùng giữa những thứ gì cao đẹp và chính đáng nhất đời người le lói trong trái tim hai con thú dữ. Xuyên suốt game từ đầu đến cuối không hề có một cảnh mặt trời sáng soi lên bước chân hai kẻ tử tù, chỉ có hai bóng người chạy qua những con phố dưới ánh đèn mờ nhạt với bóng tối – bạo lực theo sau: ảm đạm và mông lung như chính cái kết mở hờ của Kane and Lynch: Dog Days. Suy nghĩ này chợt mở ra cho tôi một cảm giác thoáng buồn và một vài suy nghĩ bâng khươ khác về khía cạnh bạo lực của hai nhân vật Kane và Lynch…
Nói đến bạo lực và những yếu tố khác ngoài mác M và cảnh báo trên trang mua game trên Steam “This version of the game is not playable in Germany”. Lan man về bạo lực và game bạo lực một chút. Nói đến game bắn súng có mác bạo lực, tôi chỉ đơn thuần nhún vai, kiểu, chẳng phải chúng ta đã quen với bạo lực rồi sao? Bạo lực là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong tổn hại ai đó. Chúng ta quen với những màn đánh đấm lẫn nhau từ khi còn bé. Lớn hơn chút nữa thì chúng ta biết súng đạn là gì và học hỏi chúng trên phim ảnh. Kane and Lynch: Dog Days cũng như bao game bắn súng bạo lực khác, cũng có bắn, cũng có giết, cũng có máu chảy. Nhưng tại sao người ta nhớ đến cảnh bắn đạn phốt-pho trắng trong Spec Ops: The Line và nhớ đến màn chơi No Russian trong Call of Duty: Modern Warfare 2? Một sự ấn tượng chăng? Một sự rùng mình? Hay nó động chạm tới những khía cạnh “người” nhất trong tâm hồn người chơi hãy còn đang mê man sau những cú click chuột tước đi sinh mạng không biết bao nhiêu NPC? Kane and Lynch: Dog Days cũng vậy, cũng có những khía cạnh nhắc ta phần “người”, cũng có những lí do khiến tôi tiếc thay cho Kane and Lynch: Dog Days không có vinh dự được nhiều người nhớ đến và cứ thế chìm xuống, mang theo những sắc thái bạo lực vượt lên trên súng đạn bình thường, những sắc thái bạo lực khiến tôi chợt ngẫm nghĩ khi tắt máy lên giường. Viết đến những dòng này, tôi chợt hiểu vì sao người ta đánh giá game này bạo lực hơn game kia, tại sao Hatred có một thời bị phản đối gay gắt đến nỗi bị xóa khỏi Steam Store một thời gian. Bạo lực là một khái niệm trừu tượng, tôi coi nó là mặt phẳng rộng vô hạn, và tôi cho “game bạo lực” là một dạng bạo lực, bị giới hạn tạo bởi các khía cạnh đạo đức trên mặt phẳng bạo lực thực tiễn rộng vô hạn đó. Thật vậy, người ta khó lòng giết người ngoài đời nhưng không ngại giết người trên game. Người ta có thể bấm F để rạch họng kẻ thù nhưng không phải ai cũng đủ can đảm mang dao đến sát thương người khác. Ở khía cạnh còn lại, bạn cũng không thể hành quyết lính đầu hàng trong Call of Duty 2, hay thậm chí còn bị khóa cò khi chĩa súng vào thương binh Pháp trong 7554…Đúng, game bạo lực là nơi người ta hiện thực hóa những suy nghĩ bạo lực cơ bản và cả những suy nghĩ phi đạo đức không phải ai cũng có đủ can đảm làm trong thế giới thực. Nhưng đạo đức là một thứ barrier cấu thành nên game bạo lực và tồn tại trong đó đủ để cho người ta bạo lực trong khuôn khổ, và đủ để áp chế những nhu cầu “con” của loài người. Có thể nói, game càng dung túng mức độ bạo lực, con người càng dễ vứt bỏ đạo đức trong thế giới ảo. Bạo lực, Dog Days có bạo lực, có dung túng cho bạo lực, thậm chí có những khía cạnh extreme nhưng không giống Hatred khi bắn giết điên cuồng là nhiệm vụ main hay Grand Thief Auto cho ta bắn giết xả khuây rồi đơn giản là nhập cheat, bạo lực trong Dog Days cho tôi những cảm giác được đi sâu vào nhân vật và cho tôi những suy nghĩ về yếu tố con người hơn cả.
Có một yếu tố bạo lực không rõ là vô tình hay cố ý trong Kane and Lynch: Dog Days. Đó bạn được tự do bắn chết NPC civilian. Đó có thể là một bác già trung niên vô tình có mặt ở chợ cá lúc Kane và Lynch đuổi theo kẻ bán tin không may lãnh nhát đạn chí mạng. Đó có thể là một gã béo lái xe trên đường cao tốc vô tình kẹt giữa một vụ đấu súng không ai biết trước. Cái chết có thể vô tình, hoặc cũng có thể cố ý như cách ta thử bắn vào civilian đang sợ hãi ẩn nấp sau cuộc giao chiến. Và đoán xem. Bạn không bị trừng phạt vì điều đó. Màn hình không mờ đi, không có thêm sao, không có dòng cảnh báo nào cả và bạn cũng sẽ không bị đưa về checkpoint làm lại từ đầu. Bạn có thể giết hết dân thường tay không tấc sắt sau một cuộc giao chiến đẫm máu chỉ để…cho vui, hoặc cứ tiếp tục chạy đến chỗ cần chạy. Chỉ đơn giản có một (vài) cái xác nằm đó, có thể còn bị censor kiểu pixelated cẩu thả phần đầu. Một số người cho đó là một feature độc đáo của game và chỉ đơn giản là nhún vai. Nhưng tôi – trong vai một gã có sở thích viết nghiệp dư hay overthink lại hơi…overthink về cái vấn đề này. Kiểu…well, nếu NPC đó cũng có gia đình thì sao (cười lớn). Có bao giờ bạn nghĩ thế chưa hay mỗi mình tôi nghĩ thế *lmao*. Tôi có từng nghĩ thế (và những suy nghĩ này khiến cho tôi tin những ai đọc đến dòng này, bao gồm tôi cảm thấy tôi là một gã sjw đạo đức giả chết tiệt). Tôi không biết mục đích của việc này là gì cả. Nó thực sự là một cái feature bổ sung cho yếu tố thực tế cùng phong cách “documentary”, khi những mạng người vô tình bị cuốn vào một cuộc đấu súng trong ống kính camera và khi cả đạn và ông trời đều không có mắt? Một sự nhấn mạnh cho yếu tố bạo lực không khoan nhượng trong game? Cổ súy bạo lực khi người chơi được phép hành quyết civilian? Tôi chịu. Nhưng nếu là thật thì tôi thích cái cách người ta coi đó là một yếu tố thực tế hơn là gửi gắm một yếu tố nhân văn nào đó. Nó làm tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn về cái chết.
Quay trở lại với Kane và Lynch. Vòng xoáy bạo lực bắt đầu khi cuộc săn đuổi đẫm máu của Kane và Lynch với gã đưa tin Li “Brady” Tung và bạn gái của y, dẫn đến việc Kane vô tình bắn chết ả bạn gái của y – cũng là con gái của chính khách tên Shang-xi – kẻ nắm đầu tập đoàn tội phạm Thượng Hải. Trong không gian tăm tối, bạo lực, trong tiếng chửi thề, giận dữ, mệt mỏi của hai nhân vật, câu chuyện bạo lực bắt đầu, dẫn đến một cái kết không mấy đẹp đẽ: Xiu, Kane và Lynch bị bắt, trong khi Xiu bị hiếp và bị lột da dã man, Kane và Lynch bị tra tấn bằng lăng trì – một sự trả thù, một cái giá phải trả cho viên đạn oan nghiệt của Kane – và cũng suýt nữa chịu cái kết như Xiu, để lại những ấn tượng về hai con quỷ trần truồng với những vết cắt rỉ máu chằng chịt khắp người chạy khắp Thượng Hải. Hóa ra quỷ dữ cũng chỉ là con người…
Nếu sự trả thù của Shang-xi vẽ nên nửa cung tròn trong câu chuyện bạo lực này thì cái chết của Xiu đã vẽ nên nửa còn lại. Tua nhanh đến đoạn Kane và Lynch lại bị Shang-xi bắt một lần nữa, vẫn bá đạo như mọi khi, Kane và Lynch cùng nhau quét sạch đám lính và cận vệ của Shang-xi, dồn Shang-xi vào chân tường. Câu chuyện có thể sẽ kết thúc như bao kết thúc bình thường nếu Kane và Lynch chấp nhận đề nghị của Shang-xi làm tay chân cho y để đổi lại cảnh bị săn đuổi và trốn chạy. Đó là nếu như Lynch không giận dữ rút súng bắn chết Shang-xi. Thượng Hải một lần nữa kháo nhau săn đầu hai tên ác quỷ. Câu chuyện kết thúc khi Kane và Lynch bước vào đường cùng, đánh liều cướp một chiếc máy bay thượng mại tới Ecuador, thoát khỏi Thượng Hải, để lại một bãi chiến trường ngổn ngang và máu me sau lưng. Máy bay cất cánh, credit bắt đầu hiện lên trên nền một ca khúc C-pop ngắn. Không ai biết Kane và Lynch có chỉ đơn giản là thoát, hay những gì chúng làm để cướp máy bay đã đưa chúng vào danh sách tội phạm quốc tế, hay khủng bố, hay gì nữa tệ hại hơn hay không. Không ai biết.
Suy nghĩ của tôi bắt đầu từ giây phút Kane và Lynch trần như nhộng và máu me chạy trốn vào một cửa hàng TV. Xiu chết, Lynch hoàn toàn suy sụp, không còn mục đích, tất cả những gì y muốn là cùng Kane trốn chạy khỏi Thượng Hải thay vi gặp mặt Glacier và hoàn thành nốt công việc. Kane không nghĩ vậy. Y thuyết phục Lynch ở lại, gặp Glacier và làm xong dứt điểm phi vụ này, mặc kệ những gì đã xảy ra và kể cả khi thân hình đang chằng chịt những vết chém hãy còn đang rỉ máu.
“We can get out of here…I want out. But I need this deal. I need to do this for my daughter. And then no more, this is my last job!”
Đối với Kane và Lynch, những mất mát xảy ra đơn giản là cái giá phải trả cho mục đích cuối cùng? Mục đích cuối cùng là gì? Kane đến Thượng Hải gặp Lynch cho phi vụ cuối, phi vụ để những con quỷ có thể về lại làm con con người, phi vụ cho những khát khao thầm kín và trong sạch của loài người trong chúng. Nhưng quỷ vẫn là quỷ, Kane và Lynch cứ đơn thuần nghĩ rằng bạo lực là cách giải quyết, khi chúng bắn đủ, giết đủ, máu chảy đủ nhiều và xác chất đủ cao thì vấn đề kết thúc. Dog Days khác Dead Men ở cái giá của bạo lực. Trong Dead Men, bạo lực là thứ giúp Kane trả thù và cứu được Jenny – con gái của y, kết thúc có phần có hậu bình thường như bao kết thúc khác. Nhưng trong Dog Days bạo lực đơn thuần lại dẫn đến bạo lực. Kane bắn chết con gái Shang-xi, Shang-xi săn đuổi và giết Xiu để trả thù, Lynch trả thù cho Xiu bằng cách bắn chết Shang-xi, dẫn đến kết thúc không có hậu cho hai nhân vật. Có một điều khiến cho câu chuyện thêm phần trái ngang và khiến bản thân tôi thêm phần nuối tiếc, rằng trong câu chuyện luẩn quẩn này có quá nhiều lối thoát. Nếu Kane và Lynch chịu gõ cửa, nếu chúng không đuổi theo Brady và cố sống cố chết kéo theo một cuộc đấu súng dẫn đến cái chết của con gái Shang-xi thì có lẽ Xiu vẫn còn sống, cả ba trốn thoát khỏi Thượng Hải, chúng cũng sẽ không phải liều mạng cướp máy bay và đầu chúng cũng sẽ không có giá đến vậy. Nếu Kane chịu cùng Lynch chạy trốn khỏi Thượng Hải luôn thay vì gặp Glacier? Nếu Lynch không rút súng bắn chết Shang-xi? Những lối thoát cứ xuất hiện như thế, mở ra nhưng lại bị nhanh chóng đóng sập vào bởi chính những suy nghĩ bạo lực trong Kane và Lynch, bởi những thứ chúng gây ra. Không có mệnh đề “nếu” nào xảy ra cả, và câu chuyện cứ tiếp tục về cái cách hai kẻ sát nhân cứ mãi đi sâu xuống vực thẳm bạo lực trong tuyệt vọng kiếm tìm một thiên đường vốn ở trên cao. Càng bạo lực, nó càng nhấn mạnh cho tôi cảm giác về một thiên đường quá xa và về một phần người le loi trong tim hai tên quỷ dữ. Cũng giống như cách mà bóng tối và ánh sáng xuất hiện trong game, bạo lực trên một khía cạnh nào đó đã hướng tôi vào những chi tiết “người” nhất của Kane và Lynch, hướng tôi vào sự đối lập giữa khát khao làm người và cái cách chúng đi tìm chân lý trong giết chóc. Tôi không thấy gì khi vô tình bắn chết một dân thường vô tội. Tôi cay cú xả hết một băng SMG vào kẻ khó chơi đã rút máu tôi quá nhiều. Nhưng tôi thấy rờn rợn khi Lynch chửi thề bất lực nghe tiếng Xiu kêu cứu thảm thiết. Tôi đồng cảm với cái cảnh Lynch trần truồng chửi bới Kane rồi ngồi thụp xuống đất, khóc lóc, trầm mặc trong tiệm TV. Tôi thấy tiếc cho một tình yêu mù quáng của một người cha mù quáng, khi Kane gọi cho con gái trước khi cùng Lynch mạo hiểm cướp máy bay.
“Jenny…I’m sorry…I hope we can put this past behind us. I’m done with all this baby. I hope you can forgive me. But sweatheart…if you don’t see me…I want you to know…i love you…”
Thiên đường đó chính là mục đích cuối cùng. Thiên đường đó là phần người trong Kane và Lynch. Thiên đường đó là sợi dây cho hai con quỷ bám vào khi lỡ xảy chân vào vòng xoáy bạo lực – do chính chúng khuấy lên bởi máu những kẻ nằm xuống – cũng là thứ đang kéo chúng xuống địa ngục đầy đau đớn và mất mát. Thiên đường đó cũng là thứ đức tin của hai gã tội phạm, một thứ kinh xá tội cho những gì chúng gây ra, một niềm tin cao cả thúc đẩy chúng biến giết chóc như cái giá dĩ nhiên phải trả cho những mục đích lương thiện và chính đáng trong chúng. Thiên đường đó là Xiu. Thiên đường đó là Jenny. Chính tôi khi chơi cũng tin vào thiên đường có thực như thế, như cái cách Kane và Lynch giết chóc để cứu lấy Jenny trong Dead Men. Nhưng không, cái cách Jenny chĩa súng vào Kane sau khi y giết chóc nửa vòng trái đất để cứu cô trong Dead Men cũng giống cái cách Kane và Lynch tự tay đóng chặt lấy những lối ra dẫn thẳng lên thiên đường cả hai cùng khao khát, như cái cách thương vụ cuối của Kane và Lynch đã vô tình giết chết Xiu và như cái cách Lynch bắn chết Shang-xi. Dog Days kết thúc mà không có thiên đường nào ngoài thực tại phũ phàng, bế tắc, bạo lực, tăm tối và một cảm giác nuối tiếc trong tôi khi chắc chắn biết bên cạnh câu chuyện bạo lực không hồi kết kia có những lối thoát mở hờ nhưng mãi mãi sẽ không bao giờ được mở…
Một cái kết ngắn gọn về Kane và Lynch, và cho cả 6500 từ kể lể phía trên nữa:
“Why does everyone around us die?”