Enemy Front, bộ phim tài liệu không hoàn hảo

Khách mới

  

Phát hành vào tháng sáu năm 2014, cách đây ngót nghét bốn năm nhưng liệu đây vẫn là bài học mới cho những tên tuổi mới?

Enemy Front, một hiện tượng hiếm hoi cho dòng game thế chiến khi đột ngột ngột nổi lên giữa làn sóng khai thác chủ đề tương lai và cận tương lai, cùng với Sniper Elite III: Afrika Korps (06/2014) và Wolfenstein: The New Order (05/2014). Phát triển bởi studio có tên tuổi và kinh nghiệm là CI Games trên nền tảng đồ họa CryEngine, Enemy Front thực sự đã từng khiến cộng đồng mong đợi trên mọi khía cạnh: hiệu ứng, đồ họa, lối chơi stealth độc đáo và đặc biệt là nội dung khi khai thác cuộc nổi dậy Ba Lan – một chủ đề “vô tiền khoáng hậu” hầu như chưa ai dòm ngó tới, hứa hẹn và gây tò mò cho cộng game thủ “xem CI Games sẽ xoay sở và phản ánh hiện thực lịch sử tới đâu” (PC Gamers). Cùng với trailer nhá hàng hoành tráng, Enemy Front thực sự đã châm một ngòi nổ lớn chẳng thua kém “tượng đài” Sniper Elite hay “bình mới” Wolfenstein. Việc thành công trong quảng bá đã xong, phần thắng tưởng chừng đã an bài và chờ phát nổ vào ngày 10/06.

Thế nhưng sự thật lại hoàn toàn khác. Cộng đồng game thủ đã có một phen bẽ bàng đầy thất vọng. Enemy Front hóa ra chỉ dừng lại và “núp bóng” ở nền tảng CryEngine3. Một đống bug, AI, lối chơi và không quá bất ngờ: nội dung game đã vẽ nên một bi kịch đằng sau sân khấu hoành tráng mà tự cộng đồng game thủ đã bày sẵn. Sau khoảng 6 tiếng hoàn thành phần chơi đơn của game, cá nhân tôi thấy nỗi thất vọng này hoàn toàn có cơ sở.

AI quá “khôn”, địa hình quá “trống” và nhân vật chính diễn quá “màu”. Game đã tự giết chết lối chơi của nó như thế nào?

Tưởng chừng việc này sẽ tạo thêm chút ít thử thách cho game, ít nhất là làm game có chút đỉnh xứng đáng và là một dấu ấn khó phai. CI Games, AI rất tốt nhưng lối chơi rất tiếc. AI thực sự “khôn” một cách khó chịu và không cần thiết. Trước hết là luôn đi theo nhóm nhiều hơn ba người. Như trong màn “Battle for St. Cross”, cả một tiểu đội lăm lăm vũ khí, đứng hết trong một cái sân trống trải không có địa hình địa vật cho việc stealth và nhìn chằm chằm vào cái cửa duy nhất của map với hai khẩu súng máy kê bên cạnh, thực sự đã bắt người chơi yêu stealth phải tặc lưỡi rút súng ra rambo thay vì lén lút xiên từng thằng một. Cộng vào đó, AI lại quá “thính” và tinh, phát hiện người chơi từ khoảng cách xa lắc lơ và tổ chức lùng diệt chủ động nhưng nhiều lúc “điếc” với cơ chế “thu hút chú ý chủ động” (cụ thể: ném đá). Và tất nhiên CI Games lại “nối giáo cho giặc” bằng cách sắp xếp địa hình địa vật theo kiểu trống trải không đáng có, vô tình phá hoại trải nghiệm của game thủ theo cách không thể thông cảm được. Đi kèm đó là những sự “ngu” bất thình lình, khi giữa chiến đấu lại thích thò đầu/tay/chân cho người chơi rỉa quá dễ dàng hay nấp sau địa hình bất lợi như thùng xăng (bắn phát nổ) hay địa hình thấp có thể thấy rõ cả người.

Trong khi đó, ở phạm vi ngoài lề lối chơi stealth là những trận đánh lớn đòi hỏi hợp tác thì AI đồng minh lại quá lệ thuộc vào người chơi, sự giúp đỡ hầu như không có. So với Call of Duty V: World at War hay thậm chí Call of Duty I hay II đã ra đời rất lâu, sự tương tác và hỗ trợ của AI rõ ràng thực tế và hiệu quả hơn Enemy Front rất nhiều rồi. Và cùng với đó – tất nhiên lối chơi màu mè lắm chi tiết (3-5s cho việc ám sát) cũng đã khiến việc stealth hoàn thất bại và vô nghĩa. (Gamespot)

Bug

Game nào cũng có bug, ít hay nhiều, nghiêm trọng hay chấp nhận được như sống chung với lũ. Tuy nhiên ở Enemy Front, bug lại ảnh hưởng trực tiếp tới vận hành game, và rõ ràng không thể chấp nhận được. Ở một số map bắt buộc có sự dẫn dắt của AI, đôi khi AI chỉ đứng khựng một chỗ và giải pháp duy nhất là phải load lại checkpoint hoặc thậm chí restart cả màn chơi. Rõ ràng là rất bực mình phải không?

Cốt truyện, nội dung và vấn đề cốt lõi

Trước hết, lái qua nội dung game. Game lấy điểm nhìn của một nhà báo tiền tuyến người Mĩ gốc Ba Lan Robert Hawkins, câu kết và chiến đấu song hành cùng với quân độc lập Pháp, biệt kích Na Uy và cuối cùng là dân quân Ba Lan trong cuộc nổi dậy Ba Lan năm 1944. Vấn đề tóm gọn trong nhận định trên blog Kotaku: “…đặt người chơi vào tư cách một phóng viên chiến trường chiến đấu song hành với quân độc lập trải dài khắp châu Âu làm cho những cảnh cháy nổ và giết chóc chuyên nghiệp trong trailer có phần… lố bịch…”. Thiếu logic, được, có thể chấp nhận như bị bắn gần chết núp 4-5s lại chiến đấu bình thường (CoD) hay người thường có thể mang vài khẩu rifle chạy lăng xăng (Wolfenstein). Có thể đây chỉ là… sự bới lá tìm sâu chủ quan của người viết, nhưng sự thật nó lại làm tôi khá khó chịu.

Điểm trừ thứ hai về truyền tải nội dung và cốt truyện. Nếu các bạn từng chơi những mission mang tính biểu tượng như trận chiến Normandy, trận Stalingrad cảnh năm lính Hồng Quân một khẩu Mosin chạy lên trong làn đạn trong CoD I, xung phong chiếm từng tầng lầu Reichstag trong Call of Duty V: World at War hay cái chết của Ghost hay Soap trong Call of Duty: Modern Warfare, sẽ rõ ràng nhận thấy những mission trong Enemy Front thực sự thiếu đi tính xúc tác và truyền tải. Trên mảnh đất màu mỡ của cuộc nổi dậy Ba Lan, rất tiếc là nhà sản xuất đã không thể khai thác thành công và tác động tới tinh thần người chơi như những thế hệ đi trước. Người chơi không hề có ấn tượng với một nhân vật nào như Viktor Reznov hay Price, Soap, Ghost đã từng; Enemy Front dường như là “trò chơi một người” mà chẳng có nhân vật nào tiêu biểu song song với Robert Hawkins cả, mọi thứ chỉ dừng lại là AI. Bài phát biểu của Robert Hawkins trên radio ở những cutscene cũng quá bình thường và phẳng lặng, voice actor đã không thể hiện được cái hồn và tinh thần của cuộc chiến, nội dung cũng không quá nổi bật và nhàm chán, giọng điệu và tinh thần thậm chí chỉ (hoặc thậm chí thua) lời kêu gọi rất-chi-là-phụ của đồng chí commissar trong stage cuối của Call of Duty V: World at War. Những trận chiến lớn đòi hỏi cảm xúc ở những stage cuối cũng quá mờ nhạt, cảnh chiến đấu tập thể bị lược ít để giữ phong cách stealth nửa nạc nửa mỡ, lại càng bị hủy hoại bằng việc dùng âm nhạc không cân nhắc và không phù hợp. Nói tóm lại, khả năng phản chiếu tinh thần và ấn tượng cho người chơi gần như bằng không. Trên quan điểm phiến diện của người viết, về khoản này Enemy Front thậm chí còn lép vế so với 7554, một sản phẩm mới mẻ của Việt Nam được làm từ một studio thiếu kinh nghiệm được làm cách đó khá lâu.

Tạm thời chưa bàn về phần multiplayer, với từng đó vấn đề, điểm số của Enemy Front cũng không quá bất ngờ: 55/100 (Metacritic), 2/10 (Eurogamer), 5/10 (Gamespot) và 4.7/10 (IGN).

Tổng kết

Điểm cộng

  • Đồ họa đẹp, hiệu ứng cháy nổ hoành tráng, hiệu ứng thời tiết và tương tác môi trường đẹp, chi tiết đồ vật, phương tiện tương đối tốt.
  • Hiệu ứng đạn khi sử dụng súng bắn tỉa khá độc đáo, giống với Sniper Elite.
  • Sắp xếp những stage game hợp lí, xen lẫn những flashback về những ngày chiến đầu ở Pháp, Na-Uy giữa gameplay chính.
  • Chủ quan: Game khá rẻ, mình đã mua game vào Winter Sale với giá 23k, phù hợp với những ai muốn thử trải nghiệm.

Điểm trừ

  • Thiếu tính stealth vốn đã được định hướng từ trước, lối chơi chủ đạo nhàm chán, hầu như chỉ xoay quanh rambo.
  • Bug.
  • Nội dung thiếu tính hợp lí và logic. Chưa khai thác tốt bối cảnh. Chưa thể hiện tinh thần của lịch sử và gây cảm xúc cho người chơi, cốt truyện nhàm chán mờ nhạt.
  • Phần multiplayer đã chết, server hiện tại không còn người chơi.

Nên mua không?

Dù có một đống sạn, nhưng có, game cũng không quá tệ nếu như bạn thích trải nghiệm. AI khá thông minh cũng sẽ là một điểm cộng cho ai thích thử thách.

Trịnh Hoàng

Khách mới

  
Tôi viết về những thứ chẳng ai thèm viết và đi overrate những thứ bị underrated.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện