Đánh giá game The Silent Age: Average Joe và một câu chuyện không silent tí nào

Khách mới

  

Tôi sẽ cần ba hoa một chút trước khi vào nội dung chính. Warm-up =))

Trước hết thì tôi rất vui vì cái game này đã khiến tôi ngậm mồm khi chơi. Tôi là một kẻ không “silent”. Tôi ghiền game bạo lực và cũng rất nóng tính.

Thường thì tôi ít khi “silent” khi chơi game. “Silent” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, rằng tôi không “silent” khi mở mồm ra lúc chơi game và cũng hiếm khi “silent” trong suy nghĩ kể cả khi không dùng mồm. Nhất là đối với game online, tôi không “silent” vì tôi cần mở mic để chửi team mình và gáy thật là to lúc gõ phím trash talk với team bạn. Chưa tính lúc tôi bất chợt độc thoại thốt lên câu chửi thề giữa game.

Và cho dù chỉ là chơi game offline vốn hay được thiết kế để người ta hưởng thụ một mình. Well, có những tựa game khiến tôi căng não không yên. Có những tựa game đủ khó và tôi thì đủ ngỡ ngẩn để chết đi chết lại vài lần cũng một chỗ rồi lẩm bẩm chửi thề. Game hiếm khi để người ta “silent” bên trong, và cũng hiếm game thiếu những pha khiến ta ngồi im cay cú tức giận trong lặng thầm dù sâu thẳm thâm tâm đã vang lên đâu đó tiếng thúc giục bàn tay cuộn lại đấm thẳng vào màn hình. (Tôi gọi đó là tiếng cào xé sột soạt chỉ mình ta nghe thấy, của những gì xấu xa nhất đang sục sôi trong tâm can ta hòng thoát ra ngoài đấy, nhưng đừng bao giờ để nó thoát ra nhé.)

Và bởi vì tôi đã ngậm mồm khi chơi, nên bộ nhớ của tôi về The Silent Age không bị ghi đè bởi tiếng chửi thề. Tôi có nhiều tư liệu hơn và nhiều lí do hơn để viết một bài review game hết sức chủ quan nữa, bao gồm những phần cực cringe và có thể còn có nâng bi nữa.

Vậy, tôi rất vui được nói trong cái bài viết này rằng, ba tiếng chơi The Silent Age là ba tiếng hiếm hoi tôi được đứng giữa mắt bão, dưới bầu trời vàng vọt bình yên nhưng nằm giữa một câu chuyện, dù không đủ hỗn loạn để tôi gọi là bão, đến đoạn này thì tôi quyết định gọi nó là áp thấp nhiệt đới vì tôi chợt nhớ ra câu chuyện nó giản dị hơn cái từ “bão” nhiều, không thổi một phát lên trời những cũng chẳng quật được ai xuống đất – chỉ đơn giản là “cuốn” (hút) một gã cục mịch nóng nảy ghiền game bạo lực như tôi vào một khoảng lặng hiếm hoi trong “sự nghiệp” thưởng game của mình.

Đó là lí do tôi viết bài này.

Và cũng bởi vì chẳng ai thèm review nó – tệ thật, những trang game bằng tiếng Việt ngoài thông báo game được giảm giá 93% trên Steam một dịp nọ xa lắc xa lơ thì chỉ được đúng một câu là “…game đỉnh cao… “. Đó là một điều khiến tôi khá chạnh lòng, và thế là tôi lại quyết định chơi lại The Silent Age, rồi ngồi đây dùng miếng văn 5 điểm thi trung học ngày trước để cố nặn ra đủ 1500 chữ (hoặc hơn, nếu trong quá trình viết bài này tôi chợt nghĩ ra thêm cái gì đó để thêm bớt từ, như thế này chẳng hạn)…

Những gì tôi thấy khi chơi, những điều cần biết về game hay một vài dòng để hợp thức hóa bài viết này vào phần Đánh giá game

The Silent Age là một tựa game theo kiểu point-and-click giải đố nhẹ nhàng – một game point-and-click hiếm hoi thứ hai mà tôi chơi sau This War of Mine (cũng là một game tôi rất thích và rất ghiền, tôi rất hi vọng một ngày nào đó có thời gian viết thêm bài về mẹo chơi và chia sẻ về Story Mode cùng các DLC của This War of Mine). Cũng như bao tựa game point-and-click khác, The Silent Age là một sự tóm tắt trực quan nhưng đơn giản về cốt truyện bên trong nó. Không dừng lại ở sự đơn giản trong lối chơi vốn đã là truyền thống của thể loại point-and-click, đồ họa của The Silent Age cũng rất tối giản, khiến dung lượng game và yêu cầu cấu hình tương đối thấp, bên cạnh cốt truyện lôi cuốn cộng với việc game hỗ trợ trên nhiều nền tảng như android và iOS bên cạnh máy tính, đã giúp The Silent Age đạt tới con số 8 triệu lượt download trên các nền tảng di động, hơn 4 nghìn đánh giá positive trên Steam cùng hàng loạt các đánh giá cao và số điểm chót vót đến từ các trang game nổi tiếng. Giá cả của game cũng tương đối rẻ nếu bạn muốn mua nó vào dịp sale: tôi đã mua The Silent Age với giá 12.000 đồng (giảm giá 90%) trong dịp Steam Winter Sale. Game cũng có bán trên App Store và Google Play nữa nếu bạn muốn chơi trên điện thoại. Nên hãy đừng lo về cấu hình và chất lượng game nếu bạn muốn thử nó.

Về nhà sản xuất. Tôi không định giới thiệu về nhà sản xuất game, nhưng sau đó nghĩ lại, vì chắc bạn chẳng quan tâm và cũng bởi vì House on Fire không phải là một nhà sản xuất game nổi tiếng ai cũng biết (hay nói đúng hơn là biết nhưng chẳng để làm gì), nhưng rồi sau đó nghĩ lại rằng chắc bạn cũng chẳng kiên nhẫn để không bấm enter skip ngay cái logo của House on Fire đầu game hay xem hết phần credit cuối game luôn, nên ở bên trên tôi vừa nói cho các bạn biết The Silent Age được phát triển bởi House on Fire, một hãng sản xuất Đan Mạch chả nói chắc chả ai biết, mà kể cả chơi xong The Silent Age chắc cũng cóc thèm biết luôn. Đến tôi còn chả biết, lúc viết bài này tự dưng cảm thấy nếu không lôi nhà sản xuất ra giới thiệu thì áy náy sao đó, nên đi tìm hiểu, sau đó mới biết. Vậy là hết áy náy. Cảm ơn House on Fire, một đội dev chỉ hai mươi người, nhưng các bạn đã làm rất tốt!

Về bối cảnh. The Silent Age lấy bối cảnh nước Mỹ năm 1972, xoay quanh câu chuyện về Joe, một lao công vô danh trong tòa nhà của tập đoàn quốc phòng Archon và hành trình bất đắc dĩ tới tương lai của Joe để giải cứu thế giới khỏi thảm họa diệt vong 40 năm sau đó. Cứ nói đến có time-machine, hẳn các bạn cũng cảm thấy cái game này có phần xoắn não như kiểu Quantum Break chẳng hạn. Nhưng tôi thích cái cách mà thời gian xoắn não chúng ta hơn việc chúng ta lôi công thức thực tế ra xoắn lại game tìm sạn. Khá may là tôi học về công nghệ thông tin nên dốt về mấy cái môn vật lý kiểu đấy. Tôi cực kỳ recommend việc chơi game với một cái đầu nhẹ =)) Bổ sung thêm thì trong The Silent Age, bạn sẽ sở hữu một time-machine bỏ túi có thể giúp bạn đi lại liên tục từ quá khứ đến tương lai và ngược lại. Cũng khá thú vị đấy. Thời lượng game ngắn đủ vừa chơi vừa nghĩ trong một buổi chiều, tôi hoàn thành game trong 3 tiếng đồng hồ. Vì là một tựa game ngắn, tôi rất khuyến khích các bạn nên chơi một mạch hết luôn để thấm cái cốt truyện.

Nói đến cốt truyện, một feature nữa trong game khiến tôi thích thú là dialog của nhân vật Joe tự nói bản thân mỗi khi inspect, interact và dùng item nhặt được để interact lên các yếu tố môi trường trong game được nhóm dev đầu tư khá tốt về nội dung. Cá nhân tôi đánh giá đây là một nhóm dev không hề lười, khi các đoạn hội thoại nội tâm và suy nghĩ của nhân vật Joe này không hề trùng lặp và khô khan như việc chỉ đơn giản là hiển thị lặp lại như “invalid move”, “can’t use this item on sth”… Một yếu tố nữa khiến tôi đánh giá cao House on Fire là ở cách họ để ý đến những chi tiết văn hóa rất nhỏ trong game. Ví dụ như là khi họ chú ý để Joe xưng “ma’am”/”sir” trong các đoạn hội thoại với các nhân vật khác, một chi tiết refer đến một đoạn trong intro đầu game về việc Joe từng nhập ngũ. Hay cách họ dùng tiếng lóng kiểu cũ trong các đoạn hội thoại của các nhân vật da đen trong game cũng rất đáng quan tâm. Bên cạnh việc các diễn viên lồng tiếng hội thoại cho các nhân vật cũng rất đạt, cộng thêm những yếu tố nhỏ khác được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng trong hành động và lời nói của nhân vật trong The Silent Age, tất cả đã giúp hình thành cảm nhận của người chơi về các nhân vật và truyền tải tốt cá tính của các nhân vật tới người chơi. Tôi khá ấn tượng với nó. Và vì nhóm dev đã không lười, nên tôi khuyên các bạn cũng đừng nên “lười” khi chơi The Silent Age: hãy click thoải mái. Rồi bạn sẽ mến anh chàng Joe thật thà này như tôi.

Bên cạnh các feature trong việc truyền tải suy nghĩ và tính cách nhân vật thông qua lời thoại kể trên, một yếu tố nữa tôi thích ở The Silent Age là màu sắc và cách người ta xây dựng khung cảnh trong game. Có một sự đối lập giữa hình ảnh và màu sắc của hiện tại và tương lai. Sự đối lập là một phương thức tốt để nhấn mạnh lẫn nhau, xuất hiện trong cùng một thực tại, hoặc đối lặp giữa thực tại này với thực tại kia, quá khứ với tương lai. Cái tôi thích thú nhất chính là việc họ sử dụng cực tiết kiệm màu sắc, đủ để nhấn mạnh cái cần nhấn mạnh và phụ họa đủ để phù hợp với diễn biến và bối cảnh địa lý của câu chuyện.

Bây giờ thì phiền bạn bật cái này lên:

Một thứ nữa tôi muốn nói đó là âm nhạc trong game. Tại sao? Tôi thêm phần này vào một cách chắp vá khi chợt nhớ đến cảm giác lần đầu nghe tiếng nhạc nền trong main menu của The Silent Age và khi đọc được trên Ragequit.gr cái review như thế này: “…House on Fire’s debut will absolutely thrill fans of darker, more mature science fiction… “. Chuyện là lần đầu chơi game sau khi nhắm mắt nhắm mũi mua bừa vì thấy review cực tốt, giá cực rẻ, lại có tag Story Rich (tôi là fan cuồng của những tựa game giàu cốt truyện), thật hào hức đấy khi mở game, cho đến khi nghe cái nhạc nền trong main menu tôi có cảm tưởng như mình bỏ quên không nhìn tag horror đằng sau. Chắc bạn cũng đang cảm thấy game có mùi jumpscare cùng các yếu tố đẩy nhịp tim lên vài chục nhịp/phút khi nghe cái nhạc này đúng không? Phải nói là tôi khá khen cho việc sử dụng dark ambient đúng lúc đúng chỗ, tôi cảm thấy cái nhạc này khá là hợp với thế giới tận thế, và hợp đến nỗi khiến tôi quên rằng trong game người ta có dùng thêm bản nhạc nào nữa không (hoặc cũng có thể người ta cóc dùng thêm nhạc nữa thật). Có thể nó ảnh hưởng đến cảm giác của các bạn khi trải nghiệm game. Có thể không vì có thể các bạn là fan của văn hóa phẩm kinh dị vốn đã chai mòn những thứ softcore như thế này. Nhưng mà cứ chơi đi =))


Vậy là bạn đã có đủ những gì cần biết (hoặc không biết cũng được) về game trước khi bạn có ý định chơi The Silent Age. Phía bên dưới tôi sẽ ba hoa một chút, vẽ vời một chút và tâm sự một chút, sẽ có spoil một ít khá nhỏ đấy, nhưng nếu bạn muốn tự trải nghiệm thì hãy đóng tab này lại sau khi đọc xong câu này và mở Steam lên, search The Silent Age, sắp xếp một buổi chiều chủ nhật rảnh rỗi, hoặc một hôm nào đó Hà Nội đổ mưa bạn không thể làm gì ngoài tự pha cho mình một cốc cà phê và thưởng thức một trò chơi nhẹ nhàng như The Silent Age – yup, dạo này Hà Nội sang thu trời mưa nhiều; hoặc ít nhất thì làm gì đó khác trong lúc đợi đến Halloween Sale, như đọc thêm những bài viết khác trong quán chẳng hạn, cố lên ; )

Về Joe, những thứ nho nhỏ khiến tôi quý anh chàng Joe này và cách Joe khiến tôi “silent” khi chơi The Silent Age.

Tôi đoán cái việc người ta đặt tên cho nhân vật chính – Joe, là một quyết định có chủ ý để phục vụ nội dung game, bằng cách này hay cách khác.

Khi bắt đầu game, có một đoạn intro ngắn không lời thoại không chú thích gì cả. Tôi thấy Joe trong đó là một gã thợ sơn vỏ tàu. Năm 1968 Joe là một người lính nghĩa vụ, cũng đúng bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ là chiến tranh Việt Nam. Năm 1969, có lẽ vì một vài lí do nào đó mà Joe xuất ngũ, chật vật với công việc mưu sinh chân tay bình thường. Đoạn intro tua nhanh đến hiện tại – 1972, thời điểm câu chuyện bắt đầu. Những thông tin này không ảnh hưởng đến trải nghiệm cốt truyện của những người thiếu kiên nhẫn bấm ngay phím enter để vào game và cũng chẳng cung cấp gì thêm thông tin gì liên quan đến cốt truyện cho một người ngồi xem hết cái intro này cả. Một chi tiết cung cấp thông tin nhân vật chính Joe nhưng lại cực kỳ phụ đến mức không biết cũng được, và trên trang wiki cũng không đề cập gì đến background của Joe.

Tóm tắt lại thì Joe là một gã lao động bình thường, đã từng phục vụ trong chiến tranh, có thể là thương binh nữa. Đoạn intro ngắn gọn không khơi gợi gì cho chúng ta về một người đi giải cứu thế giới. Không phải là một cựu chiến binh thành thạo những ngón ghề giết chóc. Không phải một gã to lớn cơ bắp. Chỉ dừng lại ở một người lao công bình thường với thân phận chẳng ai buồn quan tâm. Tôi cũng không quá quan tâm, ngoại trừ việc khi tôi thấy Joe thưa “ma’am” và “sir” tôi mới nhớ ra đoạn trong intro anh chàng này từng ở trong quân ngũ.

Quay trở lại với cái tên Joe. Các bạn biết cụm từ “The Average Joe” chứ? “Average Joe” là từ để chỉ một gã người Mỹ da trắng vốn bình thường và không có gì xuất sắc, không nổi trội, một cuộc sống tĩnh lặng. Mãi sau này sau khi chơi xong The Silent Age tôi mới biết đến cái cụm từ “The Average Joe” này, và khi viết bài này, xâu chuỗi những gì đã thấy từ Joe tôi mới ngộ ra. Cảm giác khi ta xâu chuỗi được cái gì đó với nhau cũng thật thú vị như cách ta nhìn những quân domino đổ vậy. Joe cũng như bao người đàn ông Mỹ bước ra từ cuộc chiến bất đắc dĩ, cũng vật lộn một cách cam chịu với công việc mưu sinh trong một xã hội đã dần thấm thía những gì mon men mò chực chờ cho cuộc khủng hoảng 1973 sắp tới như những gì lịch sử đã ghi nhận. Joe cũng thích uống bia và có vẻ hay uống với anh bạn đồng nghiệp tên Frank của mình. Joe cũng là một người tốt nữa. Tôi nhớ trong một phần chơi có nhiệm vụ là đi thu thập bốn đồng 25 xu, Joe thậm chí đã tự nói rằng mình không nên lấy trộm một đồng từ người cựu chiến binh mù khi tôi click chuột vào. Một gã vô danh vốn chẳng muốn làm hại ai liên tục nghĩ mình bị điên khi tôi muốn sử dụng khẩu súng lên anh chàng sửa điện dưới ga không cho tôi lấy cái kìm cắt thép. Luôn tỏ ra lịch sự trong lời nói với các nhân vật. Có vẻ Joe cũng có chút nhút nhát nữa. Nó làm tôi tưởng tượng ra một gã Average Joe vốn bình lặng và cam chịu không làm điều gì tốt nhưng cũng chẳng hãm hại ai. Tôi như cảm nhận thấy có vẻ như việc người ta skip luôn background về Joe như một cách hướng người ta vào cái sự tầm thường của nhân vật này. Để phản ánh cao nhất một kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong thế giới của Joe khi chính kẻ tầm thường đó đã giải cứu cả thế giới? Để hướng vào trái tim quả cảm của một anh hùng vô danh không ngại ngần hi sinh vì nhân loại? Tôi không biết. Nhưng tôi sẽ gọi Joe là một Upper-average Joe tốt bụng, một phiên bản cải tiến của average Joe vốn chẳng bao giờ nghĩ mà dám làm những điều cao cả. Và cái sự tốt bụng trong Joe khiến tôi cảm thấy một chút nhẹ nhõm khi trải nghiệm một câu chuyện có phần ảm đạm, trong tiếng nhạc dark ambient và atmosphere của một thế giới tận thế vốn không sáng sủa. Nhưng trên hết, tôi quý anh chàng Joe này.


Mặt khác, có thể nói Joe giúp tôi “đơ” về mặt cảm xúc game. Tôi sẽ nói Joe trong bộ đồ lao công màu cam tôi nhìn thấy trong game là hình ảnh khả kiến của Joe trong cốt truyện. Tại sao? Trong những trò chơi khác, tôi cảm thấy nhân vật là cầu nối trung gian cho tôi hòa vào trong môi trường cốt truyện với người chơi nắm thế chủ động. Nhưng trong The Silent Age, tôi thấy Joe là cầu nối trung gian cho cốt truyện được chuyển đến cho tôi, với tôi trong thế bị động. Sự điều khiển của tôi đối với nhân vật Joe là bị động để phục vụ việc tiếp nhận câu truyện và cũng để phục vụ cho trí tò mò của bản thân. Cốt truyện đề ra cho chúng ta từ đầu game về nhiệm vụ – đích đến to lớn và rõ ràng, nhưng tồn tại trong đó nhiều sự kiện con nhiều bí ẩn – những khúc quanh khuất khó quan sát, với điểm nhìn của tôi được gắn tương đối sát với nhân vật Joe – không biết trước được các biến cố, sự kiện con xuất hiện tiếp theo một cách rõ ràng, như thông qua document tìm thấy trong map chơi hay qua lời thoại nhân vật như trong các game khác, đã củng cố thêm cho việc tự tôi để game dắt tôi đi theo cốt truyện chứ không phải rằng tôi tiếp nhận cốt truyện là một lẽ dĩ nhiên theo hàm tiến độ trong game. Tất cả những dự đoán về những gì sắp đến nằm ở những chi tiết rải rác màn chơi như vết máu, đống đất…và chỉ xuất hiện sát thời điểm sự kiện đó xảy ra. Tôi thích điều này vì thực sự game cho tôi vài phen bất ngờ. Ai chẳng thích bất ngờ. Trừ jumpscare ra. Mặt khác, việc tôi để game dắt tôi đi tạo cho tôi một cảm giác “tĩnh” hiếm có ở bên trong một tâm hồn hiếm khi ngừng cựa quạy. Những trải nghiệm ít có điều kiện được kinh qua thì thường thú vị và dễ nhớ như thế.

Game đủ khiến tôi tập trung để ngậm miệng lại khi chơi. Đó là “silent” theo nghĩa đen. Nhưng cái cách game là tôi cảm thấy nhẹ nhàng trong lòng và ngừng căng não ra là cái game làm tôi “silent” theo nghĩa bóng. Cho dù đây là game puzzle. Và vì là game puzzle, The Silent Age là một game an toàn, sự “average” của Joe là một sự an toàn. Tại sao? Tôi không thể chết trong game. Và tâm hồn trong sáng của Joe không để Joe – tôi chết ở trong game. Có quá nhiều lựa chọn để biến The Silent Age thành một trò chơi có yếu tố cạnh tranh như mọi trò chơi khác. Đó có thể xẩy ra những hành động bạo lực để sinh tồn. Cốt truyện có thể tạo ra những tình huống cấp bách để người chơi chạy đua với đồng hồ đến ngược ở giữa mép trên màn hình. Những thứ đó là cạnh tranh. Trong game hành động bạn cạnh tranh. Trong game chiến thuật bạn cạnh tranh. Kể cả trong trò đào vàng bạn cũng cần phải cạnh tranh với thời gian để thắng. Chỉ cần có cái gọi là chiến thắng, thì sẽ tồn tại cái gọi là cạnh tranh. Và khi cạnh tranh, thì trong lòng khó yên khi đối với bất cứ ai, chiến thắng đều là miếng bánh ngọt ngào. Lí do The Silent Age khiến tôi cảm thấy “silent”, vì đơn giản không có chiến thắng nào trong game cả. Ở trong đồn cảnh sát, lúc Joe nhặt được cây katana và bóng của mấy khẩu súng lấp ló trên nóc tủ. Ở quán bar bên ngoài Archon lúc Joe nhặt được khẩu súng côn xoay. Ở trong ống thông hơi khi Joe nhặt được khẩu shotgun của Tiến sĩ Lambert. Có quá nhiều cơ hội để Joe biến câu chuyện trở nên dễ dàng hơn thay vì đi đường vòng bằng lòng tốt của mình. Joe có thể cầm súng của Tiến sĩ Lambert trong ống thông hơi xông thẳng vào phòng thì nghiệm bắn chết người du hành thời gian và phá hỏng máy thời gian chẳng hạn. Có thể Joe sẽ chết trong một cuộc đấu súng với đám bảo vệ, có thể Joe sẽ đấu tranh để sinh tồn. Cạnh tranh. Ngay kể cả việc sống sót trong một cuộc đấu súng có thời lượng ngắn tính bằng đơn vị stage cũng đã gọi là chiến thắng. Nhưng Joe không cho tôi cơ hội nghĩ nên bắn như thế nào, nên thắng như thế nào. Lòng tốt của Joe là người dẫn chuyện thì thầm vào tai tôi câu chuyện cứu thế giới bất đắc dĩ nhưng phi thường của gã lao công vô danh tên Joe. Một người kể chuyện không cần chiến thắng bất cứ ai. Và người nghe truyện không cần phải thắng bất cứ thứ gì trong câu truyện đó. Tất cả những gì hắn cần, là nghe hết câu truyện mà thôi.

Chà, nếu thế thì tôi thực sự muốn nghe Morgan Freeman kể câu chuyện này lắm…

 

 

 

 

 

 

 

Trịnh Hoàng

Khách mới

  
Tôi viết về những thứ chẳng ai thèm viết và đi overrate những thứ bị underrated.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện