Cùng Cook, Serve, Delicious nhanh – như – chớp!

Khách mới

  

Thường mình dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm một game có cốt truyện hấp dẫn và cách chơi độc đáo, nên đôi khi lại bỏ sót một chi tiết rất quan trọng khi chơi game: sự giải trí. Có thể bạn từng được bạn bè giới thiệu về một chiếc game cực kỳ hay ho nào đó, thậm chí họ dùng mọi mỹ từ trên cuộc đời này để miêu tả chiếc game đó, làm bạn cũng bị mê hoặc, nhưng khi bạn mở chiếc game đó ra, bạn cảm thấy không hợp và cũng chẳng hề giải trí được phút nào với nó. Ngược lại, những chiếc game hợp với bạn, dù chẳng có ai chơi cùng, nhưng quan trọng là bạn cảm thấy thật sự tận hưởng nó. Với mình, “Cook, Serve, Delicious!” là một trong những game như vậy. Giữa dập dìu yến yến oanh oanh các game indie trong thư viện Steam của mình, hôm nay mình muốn chia sẻ một chút về Cook, Serve, Delicious! (CSD!) mà theo mình, đây là một “viên ngọc ẩn”.

NẤU ĂN LÀ MỘT NGHỆ THUẬT. NGƯỜI NẤU ĂN LÀ MỘT GAME THỦ. KHÂU CHUẨN BỊ LÀ QUAN TRỌNG NHẤT!

Đầu tiên, mình mong là bạn không đánh giá game này qua tên của nó.

Thật không công bằng cho CSD! khi bị xếp vào thể loại game casual nấu ăn đơn thuần, vì những thử thách mà bạn gặp phải không hề nhẹ nhàng chút nào, ngược lại còn áp lực đến điên cả đầu, theo nghĩa tích cực. Ở đây mình sẽ tập trung nói về CSD! 1. Khởi điểm, bạn sẽ là chủ của một nhà hàng xập xệ mà trước kia từng là một nhà hàng 5 sao lừng lẫy, tọa lạc trong cao ốc SherriSoda Tower. Nhiệm vụ của bạn là khôi phục nhà hàng này trở về vị trí vốn có của nó. Đây là một câu chuyện rất quen thuộc của những game nấu ăn. Vậy thì điều đặc biệt ở đây là gì? Nếu bạn muốn phục vụ khách, trước tiên trong menu của bạn phải có món ăn. Bạn sẽ có nguồn vốn là 7500$ để mua món ăn và các dụng cụ nhà bếp (nếu có món yêu cầu dụng cụ). Muốn món nào xuất hiện trong menu là do bạn chọn. Mỗi món ăn có nhiều công thức khác nhau, nên việc chuẩn bị món ăn sẽ không rập khuôn, như pizza thì có rất nhiều loại và topping. Bạn sẽ cần một ít nếp nhăn của não để thuộc lòng những công thức khó nhằn đó nếu muốn thuần thục.

Danh sách các món ăn tiêu chuẩn mà bạn có thể mua. Sau này sẽ có thêm những món đặc biệt.

Nhìn qua có vẻ rất đơn giản nhưng cũng không kém phần phức tạp. Tất cả các món ăn đều có một tổ hợp thuộc tính, gọi là Booster và Detractor, ảnh hưởng đến lượng thực khách sẽ ghé nhà hàng và lợi nhuận của bạn. Booster (có thể hiểu nôm na là “điểm cộng”) sẽ giúp nhà hàng của bạn được tiền tip nhiều hơn, tăng kiên nhẫn của khách, món ăn nào được gọi nhiều hơn lúc trời mưa, hoặc đối với đồ uống có cồn thì Booster sẽ giúp tăng lợi nhuận vào ban đêm. Ngược lại, Detractor (“điểm trừ”) sẽ làm nhà hàng bạn bốc mùi, thu hút lũ chuột, món đó không được khách gọi vào giờ cao điểm (thời gian vàng để tăng thu nhập mà không bán được), hoặc không được sử dụng một món quá hai ngày. Bất cứ món ăn nào cũng là sự pha trộn lắt léo giữa Booster và Detractor, nên bạn phải có một chiến thuật rõ ràng khi chọn món ăn cho vào menu. Nếu bạn chọn được những món hợp lý thì việc vận hành nhà hàng sẽ diễn ra trơn tru, bất chấp những bất lợi mà Detractor mang lại.

Sau khi dùng IQ vô cực để cộng trừ tính toán các Booster và Detractor, bạn sẽ có được chỉ số Buzz của nhà hàng (không phải của Yahoo! Messenger). Chỉ số này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng thực khách. Có thể nói, nếu bạn có chiến thuật lựa chọn món ăn và kế hoạch vận hành thông minh thì độ nổi tiếng của nhà hàng sẽ tăng cao, thu hút nhiều thực khách kéo đến. Nghe lằng nhằng y như mở một nhà hàng thật vậy. Lúc mới vào chơi mình hay chọn những món thật dễ như hotdog, kem, bia, sashimi,… vì mình không phải thao tác quá nhiều khi chuẩn bị món ăn, nhưng lúc vào chơi rõ là gian khổ mà đến cuối ngày thu lại chẳng bao nhiêu, vì các chỉ số Booster và Detractor đánh nhau bốp bốp, kéo theo chỉ số Buzz thấp lùn như bạn Phụ Bếp của quán bia này vậy (vui vẻ hông quạo nha).

Bia lạnh là một lựa chọn thông minh ở thời điểm khởi đầu vì có rất nhiều Booster và dễ chuẩn bị.

CHÀO MỪNG QUÝ BẠN VÀ CÁC VỊ ĐẾN VỚI CHƯƠNG TRÌNH “NHANH – NHƯ – CHỚP”

Phần gameplay mới chính là thứ thu hút mình. Vì nó không phải kiểu Dinner Dash mà mọi người thường gặp, không phải kiểu điều khiển con sim chạy vòng vòng trong một gian bếp để làm món ăn cho khách.

Khi bạn click vào món ăn khách gọi, bên phải bạn sẽ hiện ra một bảng nguyên liệu, bạn phải chọn những nguyên liệu đúng ý của khách. Nhưng game không đơn giản là click chuột vào nguyên liệu là xong.

Mình ví dụ cho dễ hiểu nè he nè he: món lasagna có 3 lớp nguyên liệu gồm pasta, sauce, cheese, permesan.

  • Pasta (P)
  • Sauce (S)
  • Cheese (C)
  • Permesan (R)

Mỗi nguyên liệu sẽ có các chữ cái ký hiệu như trong ngoặc. Bạn sẽ phải gõ thật nhanh P-S-C-R 3 lần để cho vào đủ 3 lớp nguyên liệu của món lagsana. Đây là một trong những món khó nhằn của CSD! 1, vì nó đòi hỏi không chỉ tốc độ gõ phím mà còn phải có độ chính xác tuyệt đối. Các món khác có thể sai thứ tự nguyên liệu, nhưng lasagna thì không. Thứ tự đúng duy nhất là P-S-C-R, bạn gõ nhầm xem như món này hỏng. Nếu bạn loay hoay với một món quá lâu, khách cũng hết kiên nhẫn với bạn và bỏ đi.

Kết quả hình ảnh cho meme chống nạnh

Khách đứng chờ bạn. Ảnh phục chế có màu.

Cùng với việc chuẩn bị món ăn cho khách, bạn phải xử lý các công việc khác của nhà hàng như: đổ rác, đặt bẫy chuột, giật nước nhà vệ sinh (mình không muốn biết vì sao), rửa chén v.v… Và cũng y như cách chuẩn bị món ăn, các đầu việc sẽ tương ứng với một chữ cái trên bàn phím, bạn phải bấm thật nhanh (được cái những việc linh tinh thì tốn rất nhiều thời gian), phải càng nhanh càng tốt (nhanh như cách ngày chủ nhật trôi qua vậy) để còn quay lại làm món ăn cho khách. Ví dụ giật nước nhà vệ sinh thì nó sẽ có các đầu việc là:

  • Flush (↓)
  • Sanitize Hands (S) => thật may vì có bước rửa tay

Các việc lặt vặt này thường không có độ khó cao, nhưng xuất hiện với mật độ thường xuyên, tùy vào các món ăn bạn chọn có nhiều Detractor hay không (món nào bốc mùi sẽ thu hút chuột => cả ngày cắm đầu đặt bẫy chuột).

Cũng như mọi dịch vụ ở mảng F&B (Food and Beverage – dịch vụ ăn uống), bạn sẽ phải đối mặt với khung giờ cao điểm Rush Hour. Khách từ đâu tràn vào và gọi món liên tục, lúc này thử thách mới thực sự bắt đầu. Với một đứa muốn giàu thật nhanh như mình, điều ưu tiên nhất khi chọn món ăn cho vào menu là phải thật nhiều Booster mang lại lợi nhuận cao, nhưng những món mang lại lợi nhuận cao đều rất khó chuẩn bị, như pizza, lasagna, hamburger,… mình dồn tất cả những con quái vật đó vào cùng một ngày. Kết quả là đến Rush Hour mình gõ phím muốn tuột huyết áp. Chưa kể khách cô hồn tháng 7 cứ không chịu giật nước nhà vệ sinh, lâu lâu mình buộc phải ngừng nấu ăn để đi giật nước.

Lớn hết rồi, tự giật nước đi. Ai rảnh mà làm cho hoài, nhà bao việc.

Sau khi hoàn thành một ngày làm việc, bạn sẽ nhận được rất nhiều email trong hộp thư. Có thư của khách; thư của một vị đầu bếp nổi tiếng nào đó của tổ chức nào đó, tạm gọi là tổ chức nấu ăn ngon hơn bạn, khen thưởng; thư rác của mấy bà đa cấp; thư của lực lượng chống phá ở đâu đó (chắc của mấy bà quên giật nước nhà vệ sinh), nói chung thành phần email rất đa dạng. Nhiệm vụ cuối ngày của bạn là check email, đừng bỏ qua vì lâu lâu bạn sẽ được donate, hoặc sẽ có thử thách dành cho bạn, nếu vượt qua thì bạn sẽ được tiền; hoặc sẽ có email dự báo thời tiết để bạn chọn những món ăn có Booster hợp với thời tiết hôm sau. Mình rất thích check email, đặc biệt là mục spam.


No one:

Not a single soul:

Spammer: Review chocolate  💁‍♀️

***

Sau khi thu về lợi nhuận, bạn dùng lợi nhuận đó để nâng cấp món ăn. Những món được nâng cấp sẽ unlock công thức mới, mang về lợi nhuận cao hơn, nhưng độ khó sẽ tăng lên, dĩ nhiên.

Trước đây, khi mình xem lướt qua trailer của CSD!, mình nghĩ nó cũng giống như Epistory – Typing Chronicles, một kiểu game luyện ngón dành cho bạn Phụ Bếp của chúng ta, người vẫn còn dùng chiêu nhất dương chỉ aka gà mổ thóc để gõ phím (vui vẻ hông quạo nha). Tuy nhiên, mình thích CSD! hơn Epistory, đơn giản là vì nó có liên quan đến một trong những tình yêu lớn nhất đời mình: ĂN. Một điều khác biệt của CSD! với các game nấu ăn khác là, nếu bạn muốn tăng từ 1 sao lên 5 sao, bạn phải hoàn thành bảng thành tích mà game đưa ra, chứ không phải có thật nhiều tiền là mở được map mới rồi cày tiếp. Với kinh nghiệm chinh chiến qua rất nhiều phiên bản game nhà hàng (gọi phèn vậy cho gần gũi) như Dinner Dash, My Cafe, Gordan Ramsay Dash (đúng vậy, Gordan Ramsay đó đó, game chính thức có ổng lồng tiếng đó), thì mình thích CSD! nhất, vì các điểm mạnh như sau:

  • Gameplay khác biệt, đánh lừa được mọi người vì nhìn rất dễ nhưng hóa ra lại không.
  • Mang lại cảm giác của một quản lý thật sự, riêng việc check email trong game, chỉ cần mang laptop ra quán cà phê ngồi, mở ra nhìn cũng rất gì và này nọ.
  • Kích thích adrenaline, đặc biệt là khi gặp Rush Hour, ta nói gồng đứt áo, nhưng khi qua tao đoạn đó thì cảm thấy thỏa mãn vô cùng, tự thấy mình tHưỢnG đẲnG.
  • Có mode Local Co-op, định cùng Phụ Bếp đóng phim Kim Ngọc Mãn Đường mà Phụ Bếp không theo kịp nhịp game nên không trải nghiệm được mode này.
  • Có mode Battle Kitchen, và như trên.
  • Thông tin miêu tả món ăn khá thú vị.
  • Nhạc game rất chill, thích hợp để nấu ăn thật sự. Tuổi thơ của mình từng cày game Fast Food Tycoon 2 hồi mình 7 8 tuổi, dù chả hiểu gì nhưng được cái ngấm nhạc game rất nhanh, kiểu nhạc mà mình nhắm mắt lại tưởng tượng ra đầu bếp Pháp hay Ý đang nấu ăn ấy.
  • Thay vì làm anh hùng bàn phím, hãy làm đầu bếp gõ phím để nấu ăn.
  • Công thức món ăn rất đa dạng, không hề có cảm giác bị lặp lại, một ngày làm việc khó hay dễ là do bạn chọn.
  • Luyện phản ứng nhanh như Faker, và yên tâm là không ai nerf món ăn đâu.
  • Không loading screen trong ngày làm việc.
  • Có hỗ trợ controller.

Tất nhiên bất cứ cái gì cũng có hai mặt. Khen nhiều quá người ta nói mình điêu. Thôi chê vài chỗ gọi là:

  • Đòi hỏi khả năng đọc hiểu tiếng Anh tương đối khá và đầu óc phân tích đủ dùng, vì khoản đọc hiểu các chỉ số Booster và Detractor hơi khoai, chưa kể khoản đọc email.
  • Đồ họa như game Facebook, trừ món ăn ra thì người ngợm và bối cảnh như một trò đùa (nhưng mọi chuyện sẽ khác khi bạn tiếp xúc với CSD! 2, sắp tới sẽ là CSD! 3, đẹp lắm mọi người ơi) *trái tim*
  • Gây ảo tưởng mình biết nấu ăn thật sự.
  • Áp lực rất rất cao khi chơi đến Rush Hour.
  • Game không dành cho những ai có trí nhớ ngắn hạn như Dory và trình gõ phím như Phụ Bếp.
  • (Cái này cũng không hẳn là chê) Game không có cốt truyện, hợp với những người như chủ quán bia này.

TIPS cho người mới bắt đầu:


  • Luôn chọn bia. Bia là chân ái. Bia rất dễ rót.
  • Tiếp theo là cá. Cá rất dễ làm. Dễ hơn cả bia. Nhưng bị Detractor khống chế, cứ mỗi 2 ngày thì không được chọn nữa.
  • Đừng cố kết hợp các món thật balacaynenvang, điều đó chẳng có ý nghĩa gì ở đây cả. Hãy chọn theo khả năng gõ phím của bạn, từ từ trình sẽ lên.
  • Đợi sale hẵng mua game, mua bundle CSD! 1 & 2 luôn cho hời (và máu).

KẾT

“Mình là người trưởng thành, trong bát phở của mình có hành.” – Đó là câu nói của người khác. Còn với mình thì: Mình là người thích ăn, trong thư viện Steam của mình có Cook, Serve, Delicious!

Ảnh minh họa ngắn gọn bài viết này theo thứ tự mở – thân – kết.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


4 cụng ly

  • Zubazu - 25.12.2019

    Chủ quán, cho một vịt quay mật ong ăn giáng sinh với :))


  • Scarlettie - 25.12.2019

    *xèo xèo* Đây! Ìn choyyyyy!! Chúc quý khách giáng sinh vui vẻ! Cạn ly!!


  • Hùng Lý - 11.01.2020

    You mean… Nhanh như CHOP, right?…. Ah Dammit


    • Scarlettie - 11.01.2020

      one of the best jokes ever lol =))))))))))))))))))))