Ban đầu tui tính chơi cho hết game hẳn đi rồi mới review, nhưng nghĩ lại để hoàn thành hết tất cả các ending của game chắc là còn lâu nên viết đây vài dòng cảm nhận ban đầu về Drakengard sau khoảng 3 tiếng đồng hồ đầu game.
Yoko Taro có lẽ là cái tên khá xa lạ với các gamer, cũng đúng thôi vì ông làm ít game đã đành mà những game ông làm lại thuộc kiểu cult classic. Rất ít người biết đến game của Yoko Taro, có lẽ game nhiều người biết đến nhất của Yoko Taro là NieR: Automata ra năm 2017. Nhưng mà NieR: Automata chỉ là một game spin-off của sequel của series game Drakengard của Yoko Taro mà thôi. Tui không ngạc nhiên lắm khi ít người biết về Drakengard và Nier của Yoko Taro, game của ông lạ vậy đấy, ít người biết, nhưng ai đã lỡ thích game của ông thì sẽ thành fan cuồng luôn. Drakengard, được biết đến ở Nhật Bản với cái tên Drag-on Dragoon, ra mắt lần đầu năm 2003 trên PS2, và nói thật nó không nổi tiếng. Sau khoảng 3 tiếng đầu game thì tui đã hiểu lý do tại sao.
Về cơ bản thì cốt truyện của Drakengard ban đầu chưa có gì lắt léo. Ở một thế giới giả tưởng, nơi tồn tại những sinh vật kỳ bí được gọi là các Watchers và tồn tại cả loài rồng, thế giới ấy bị đe dọa diệt vong bởi một thứ gọi là Seed of Destruction. Furiae, em gái của nhân vật chính Caim là người nắm giữ phong ấn cuối cùng của 4 phong ấn ngăn chặn Seed of Destruction. Một tổ chức gọi là Empire có tham vọng phá bỏ các phong ấn và đem Seed of Destruction tới thế giới nên chúng tấn công vương quốc Caerleon của Caim để bắt Furiae. Trong trận chiến, Caim bị thương và bị Empire áp đảo, không còn cách nào khác, anh phải lập một Khế ước với Angelus – con rồng đỏ 10000 tuổi đang bị bắt và đang bị thương. Sau đó thì họ phải chạy trốn khỏi Empire, cơ bản là vậy. Nhìn chung thì ban đầu Drakengard có một motif khá thông thường, nhưng tất nhiên về sau thì nó đâm ra hại não hơn, nhưng hại não thế nào thì sau này tui chơi xong sẽ nói đến sau.
Nhưng phải nói thật là Drakengard có cốt truyện rất hấp dẫn, kể cả không cần tìm hiểu những bí ẩn trong cốt truyện thì bản thân cốt truyện không thôi cũng rất đáng để chơi rồi. Nhưng cái mà tui không hài lòng ở Drakengard, lại là thứ quan trọng để người chơi gắn bó với game – đó là gameplay.
Gameplay của Drakengard không phải là tệ hại, nhưng nói thẳng ra là nó rất rất nhàm chán. Gameplay của Drakengard là sự pha trộn giữa một chút hack-n-slash và một chút RPG với cơ chế level của nhân vật và vũ khí. Drakengard cho phép chúng ta mang theo khá nhiều loại vũ khí và có thể tự do chuyển đổi trong trận chiến. Cũng sẽ có những màn chơi chúng ta được điều khiển con rồng Angelus, và có những màn chơi kết hợp điều khiển cả người lẫn rồng. Nghe qua thì khá thú vị, nhưng chơi rồi mới thấy gameplay nó cực kỳ thiếu điểm nhấn. Mọi thứ về gameplay của Drakengard đều rất bình bình, không tạo được hứng thú cho người chơi, kể cả phần điều khiển rồng lẽ ra đã có thể hấp dẫn hơn, nhưng tui vẫn thấy nó rất nhàm. Dù mới chơi được gần 3 tiếng nhưng tui nghĩ gameplay của nó sẽ chả thay đổi gì nhiều đến cuối game, có chăng là có thêm vũ khí và nhân vật để điều khiển mà thôi.
Nói chung, điểm sáng của Drakengard là cốt truyện và âm nhạc, còn điểm trừ lại là gameplay. Tui nghĩ đa số nếu chơi Drakengard lần đầu sẽ thấy chán và có thể sẽ drop game sau tầm 2-3 tiếng vì gameplay, còn tui thì căn bản là tui biết cốt truyện nó hay nên mới tiếp tục chơi, mà thật sự cũng khó mà chơi lâu lâu được. Vậy nên có lẽ thời gian để hoàn thành game sẽ dài, không phải do bản thân game dài, mà do gameplay chán nên khó giữ chân người chơi được lâu quá 2 tiếng đồng hồ liên tục được.