Bạn game

Khách mới

  

***Lời nói đầu: Chẹp, câu chuyện này sẽ hơi hơi mang tính cá nhân một tẹo, nhưng tui cảm thấy khá chắc kèo là nhiều người, đặc biệt là “GAMER” sẽ thấy nó quen thuộc lắm cơ. Và bài viết này sẽ liên quan về vài câu chuyện nhỏ nhỏ giữa tui và “hắn” – tên bạn game, đồng đội, huynh đệ bla bla (cả trong game và “game” cuộc đời), về vài trò chơi mà tui và chả đã chơi (và cãi nhau chí chóe). Ngoài ra thì ngôn từ, mặc dù đã có tiết chế, nhưng vẫn đôi lúc hơi đấm vào tai một tẹo, nên là chống chỉ định với người nghiêm túc nhé!

Mọi người nghĩ sao về co op trong game nhỉ? Đôi khi tui cảm thấy đây là tính năng cực ngon nghẻ nhưng lắm khi lại hơi bị xàm xí. Kiểu sao nhỉ? Ừ thì nếu là game kiểu thi đấu thì hai hay cả nhóm cùng chơi cùng đấu với nhau sẽ rất hay. Nhưng mà hai đứa tương hổ nhau chơi thì lại khác hoàn toàn luôn. Giờ nếu luận về khả năng chơi game thì chắc chắn là đứa chơi tốt đứa chơi dở hơn, đứa trùm game này nhưng lại bèo nhèo game khác. Mà chưa kể tới việc gu mỗi đứa mỗi khác, kiếm một quả game nào mà hợp cũng khó khăn các kiểu. Rồi từ từ mọi thứ tích tụ và mắng nhau không còn gì. Cơ mà chửi nhau đấy, xong rồi lại nhớ, lại thèm cùng nhau xách mông vào một tựa game nào đó để chơi cùng (và tự dưng nó thành một cái vòng lặp tới lui tới lui).

Và tụi tui, hai tên nghiện game cũng rứa. Chả khác đi tẹo nào.

Onmyoji Arena

Tựa game đầu tiên mà tụi tui chơi chung đó là Onmyoji Arena (OA), một tựa Moba di động do Netease sản xuất và khá kén người chơi. Lúc ấy là chỉ mới năm nhất đại học thôi, tui với chả thì: “hi bạn”, “hi” , cười cười hè hè. Cho tới khi tụi tui phát hiện ra là đang cày OA, thế là thân nhau hơn, cũng như con đường co op khổ đau bắt đầu. Tui thì thích chơi đều tất cả các roles, nhưng thường thì khoái đi Jung nhất. Cha nội ấy thì toàn tìm kiếm những ngôi sao OP của game mà cày, cơ mà chủ yếu là khoái đi Sp.

Ờ thì, đánh chung, cày chung, nghe rất giản đơn và êm đềm như bao cuộc chơi khác. Thế mà không, ngay ngày đầu tiên chơi chung, một đống âm thanh ngọt ngào và thánh thót đến lạ kì vang lên (xin không được phép nêu ra vì tính nhạy cảm của nó, hihi). Sau này có tâm sự thì tên đồng đội tôi có bảo là: “tôi có tính hay gáy bẩn lắm boi ạ”. Okay fine, tui sẽ lắng nghe và lặng thầm chơi chung. Cơ mà một núi thì không có hai hổ, với tính cách của hai thằng nghiện làm leader, bọn tui làm lộn tùng phèo hết cả cái game lên. Lúc thì tui quyết định đi test những set đồ mới, trùng ngay lúc tinh thần “300 sparta” của tên comrade (đồng đội) nổi lên, thế là lại cãi nhau chí chóe. Tuy thế nhưng hôm sau lại cứ rủ nhau vào chơi thế mới lạ!?

Sau đợt đấy thì chúng tôi bắt đầu hẹn ra cà phê thêm, tất nhiên cũng chỉ cày mỗi OA, và gáy bẩn, la la quậy banh quả quán thân yêu nhỏ rí đó thôi. Nhưng nếu chỉ có thế thì chả có gì để viết thêm rồi. Mọi thứ bắt đầu khi năm Covid đệ nhất diễn ra, ừa thì tui đã ngây thơ nghĩ rằng học thì chỉ cần cái điện thoại là đủ thay thế, cho tới khi đống deadline thuyết trình dí vào mồm và ăn thêm combo quán net đóng cửa. Hậu quả là tui tốn vài trăm lít nước bọt, cùng với vài trăm tấn lươn lẹo mà đi năn nỉ các đấng sinh thành đầu tư cho một chiếc laptop bé xinh. Và may thay (hay xui xẻo cho con đường ăn học?), phụ huynh tui bèn chi tầm gần 20 củ cho một chiếc laptop để tui học. Còn may hơn nữa (hay xui hơn nữa?), ông bà bèn giao trọn niềm tin cho ông anh cả của tui, vốn trước giờ mang danh có kiến thức về đồ điện tử (lẫn nghiện đồ công nghệ và game). Thế là với một sự thấu hiểu đứa em giai sâu sắc, ông ý đã sắm cho tui một bé Asus gaming, nặng tầm 4kg.

Thế là, ngay ngày đầu tiên lên lại Sài Gòn, tôi và tên đồng đội lập tức set một kèo hẹn ra đó cày game. Nhưng giờ có thêm quả lap game này nữa, vậy là thím kia bèn đề nghị “kiếm quả co op nào đó chơi cho đậm tình huynh đệ”. Okiela, thế là bọn tôi bèn lao vào sục sạo game. Tiêu chuẩn của bọn tui là game ấy phải có cốt truyện, phải có quest, phải có giải đố… bla bla. Đơn giản là phải có phối hợp của cả 2 làm một trò gì đó, chứ không có vụ lao vào game cùng giã phím vô nghĩa trong mấy quả game Musou nào ấy.

A WAY OUT

Tựa game đầu tiên tụi chơi là A Way Out. Sơ qua về cốt truyện thì đây là một quả chuyện tình drama với lắm tình tiết từ phản bội cho tới cẩu huyết, nhưng cũng cu cũ vì phim ảnh nói về đề tài này cũng đầy cả ra rồi. Cơ mà game lại đứng riêng biệt tách bạch hẳn khỏi các tựa game khác trên thị trường nhờ vào gameplay đề cao sự phối hợp giữa người chơi với nhau.

Sơ qua về game là thế, quá trình chơi game giữa hai tên đồng đội mới là những trò đáng nói. Từ đầu game thì chúng tui đã ngồi tấu hài và pha trò với nhau. Chẳng hạn như phân đoạn khi Vincent phải lột đồ ra để khám, tên đồng đội của tui cố lia ngang lia dọc xem thử… “cậu bé” của thằng chả cỡ nào. Chán chê, chả quay sang tui và bảo: “hàng Mỹ mà còn thua cả hàng Việt Nam” (!?). Thêm nữa, vì là sinh viên chuyên ngữ (tui hiện vẫn đang mài đũng quần ở ngành Ngôn ngữ Anh), và thế là bọn tui trổ tài dịch theo những cung cách không giống ai. “Ôi bạn yêu ơi, chúng ta cần ra khỏi quả nhà tù khốn kiếp này bạn ạ” . “Ok bạn, được bạn ei”. Chí cha chí chóe.

Đến cuối game thì khá là cảm động (hay cẩu huyết?), hai nhân vật trước giờ đồng hành với nhau phải chĩa khẩu súng vào nhau mà giải quyết vì những mâu thuẫn giờ mới được phơi bày. Lẽ ra chúng tôi đã có kha khá thời gian cảm nhận câu chuyện, nhưng tính tấu hài không ngừng chặn đứng tất. Ông tướng kia miệng thì luôn mồm bảo: “Ôi bạn ơi, thương tôi đi, tôi còn vợ bé con thơ ở nhà, chúng ta cần làm hòa với nhau trong êm đẹp”, tay thì cứ nhẹ nhàng lia chuột mà tống hết cả đạn vào mồm Leo của tôi, đẳng cấp lươn lẹo.

Resident Evil Series

Chơi chán chê A Way Out rồi thì bọn tôi liền lao đầu vào Series RE. Mà kể cũng lạ, nếu như nói về Co-op trên PC thì thường gamer sẽ chọn những tựa game mà cả hai có thể co-op online, như LoL, Dota, hoặc có thể cùng nhau chơi storyline nhưng vẫn là online. Thế nên trên PC thì những tựa game couch co-op (nhiều người cùng chơi trên một máy) khá là hiếm (cái này thì tui xin xác nhận vì tìm kiếm mỏi cả mắt rồi nhưng nó không được nhiều bằng trên Console), nếu có nhiều thì cũng chỉ là những game dạng Arcade hoặc chơi đối kháng là nhiều.

Ít game couch co op không phải là vấn đề lớn nhất, vấn đề lớn nhất là Gu chơi game. Tên bạn game của tôi là fan cuồng của L4D (Left 4 Dead), và thế là mọi thể loại game nào mà kiểu dạng dạng vậy, hoặc ít nhất phải có cầm cây súng lên mà đùng đùng đoàng đoàng thì hắn mới khoái. Ngoài ra thì hắn khoái vụ lao vào chiến luôn chứ chả mê gì mấy cái cơ chế giải đố, chạy quest (mà đôi khi dài thòng lòng vô nghĩa vì nsx muốn kéo dài thời lượng chơi). Sở thích của tui lại trái ngược hoàn toàn, thay vì khoái cầm súng bắn thì tui lại mê Hack ‘n’ slash, ngoài ra thì mấy thể loại giải đố tui cũng khoái cực kì.

Vụ khác biệt to lớn về gu chơi game cũng tạo ra kha khá mâu thuẫn. Tui khá là cay cú khi mà đang ngồi giã controller say sưa khi chơi NGS (Ninja Gaiden Sigma) thì tên bạn game kia lại chê ỏng chê eo: “trông có thiểu năng không kìa”. Vui vẻ nhở, hắn chơi thì tui chả bao giờ phán xét hay gì gì, nhưng tới lượt tui thì hắn lại đi chọc ngoáy. Cơ mà hơi lan man rồi, nói chung là do gu khác nên bọn tui đã bỏ qua kha khá những tựa game couch co op hay. Mà chưa kể là yêu cầu của tui (khá là khắt khe) là nếu co op thì game ấy nên có những nhân tố như sự phối hợp, sự tương tác rõ ràng của cả hai để cùng giải quyết vấn đề. Sau cả đống thời gian tầm vài ngày cãi cọ xem xét, tụi tui quyết định chọn RE6.

RE6 thì, theo như lời đồn (tui cũng chỉ xem tin chứ chả để ý mấy) là một tựa RE dở. Tuy nhiên, sau khi chơi thì phải công nhận là game thực sự hay. Những lời chê bai, theo tui là vì phần chơi của Chris với Prier, vì giờ đây nó thành một quả game bắn súng nào ấy, có khi gọi nó là bản mod của Call of Duty dựa theo Resident Evil cũng được. Chưa kể camera với cơ chế QTE của game đôi lúc cứ khó hiểu kiểu gì. Mà thôi, bài viết là góp nhặt vài thứ tủn mủn nhỏ nhỏ khi chơi game mà, chứ có phải chê game đâu.

Gì chứ cảm nhận khi chơi của bọn tui với game là tuyệt vời! Tính phối hợp cao giữa hai nhân vật thực sự cuốn hút cả hai đứa. Tất nhiên, vẫn mắng nhau như thường. Thím đồng đội thì vẫn mang cái tính hơi tự cao tí, thế là hắn ta bèn giành quyền kiểm soát game. Ngồi bên cạnh gã mà tui toàn nghe gáy bẩn. Mà hề lắm (chắc nhiều người sẽ nhột sương sương đó), hễ tới phần khó thì cha ấy lại than thở, rên rỉ không thua một diễn viên JAV nào cả, thế mà một khi vượt qua được rồi thì cosplay Bomman (dễ vãi). Lật nhanh hơn cả bánh tráng. Vẫn chưa là gì nhé, chơi game co op thường mọi người sẽ thân thiện với nhau cực kì, thím này thì hễ mà tui fail một tí thì lại ôm đầu như thể trời sập tới nơi, rồi rú lên như thể tui tạ nhất cái cuộc đời này vậy.

Ăn miếng thì tất nhiên cũng phải trả miếng thôi, tui vốn không khoái mấy cái trò rên rỉ than thở vậy, chỉ đơn giản chọc cho chả tức thôi. Bằng cách nào? Đầu tiên là giành đạn dược, trong game thì đạn dược được cung cấp ở mức vừa đủ cho… 1 người chơi, tuy nhiên chơi co op thì cả 2 phải chia đều cho nhau. Thế thì chỉ cần giành hết đạn thôi, tưởng tượng giữa đàn zombie, lính đột biến quái vật mà thay vì cầm súng thì bạn lại xách con dao lên mà đánh zombie xem, bao thốn. Trò thứ hai là phá rối, game không có cơ chế friendly fire nhưng mà hễ đấm nhau thì nhân vật sẽ té cái oạch. È hé, thế thì dễ thôi mà, mình chỉ đơn giản canh lúc quan trọng thì đá bạn ý một phát thôi là xong. Một lần thì còn nhịn nhá, lần hai trở đi thì thím ấy mắng tôi mấy câu rồi dỗi luôn.

Tựa game tiếp theo trong hành trình co op là RE5. Nhìn chung thì lối chơi giông giống với phần 6 nên tụi tui co op thoải mái hơn nhiều. Khác một tẹo là ở phần này không có couch co op (nhưng vẫn đề cao tính phối hợp) , thế nên cả 2 phải bê theo 2 cái lap nặng trịch. Kỉ niệm nhớ nhất của tôi khi chơi quả này có lẽ là khi đội mưa từ quán cafe tuốt luốt bên quận Gò Vấp và lết mông chở thím kia về quận 11 rồi tôi lại lê mông về quận Bình Thạnh (sương sương cả đi lẫn về có lẽ cũng tầm… 30 km).


Vụ cãi nhau chí chóe chỉ quay lại khi chúng tôi chơi RE: Revelation, cũng là tựa game làm khó 2 đứa nhất từ trước tới giờ. Chơi với 2 máy? Máy của tui thì được chứ với con potato laptop của thím kia thì vô vọng. Vậy là đành phải chơi kiểu couch co op, nhưng lúc này thì một khó khăn khác lòi ra: game chỉ hỗ trợ couch co op với 2 CONTROLLER. Lúc trước thì tụi tui chơi RE6 hay A Way Out dễ dàng vì tui đã móc ví ra và mua một con controller cùi cùi để dùng rồi, thêm nữa là bọn game ấy đều hỗ trợ một người dùng phím chuột và người còn lại dùng controller.

Cay cú, nhưng không bỏ cuộc. Tụi tui đã thử cả đống phương pháp kì quặc, đầu tiên là cố làm cho máy nhận phím như là controller, rồi cho tới việc dùng điện thoại làm controller. Điên rồ nhất có lẽ là phương pháp này: dùng giả lập android trên con potato laptop giả lập thành controller và kết nối với máy kia (nghe xoắn hết cả não). Điều thú vị là đống xàm xí đó hóa ra lại đều có tác dụng(!?), nhưng so với một chiếc controller thực thụ thì còn thiếu nhiều thứ lắm. Cuối cùng thì thím kia đành móc hầu bao, mua về một quả tay cầm xbox cũ với sợi dây dài thòng lòng.

Quả game này thì hơi đau thương với tụi tui xí, vì khác với RE5 và 6, bản game này lại chia ra thành nhân vật chính và phụ. Trong đó thì nhân vật chính (Claire và Barry) sẽ đảm nhiệm việc phần lớn việc tấn công kẻ thù , sử dụng súng ống, trong khi nhân vật phụ (Moira và bé Natalia) lại đảm nhiệm vai trò hỗ trợ là chính. Tầm quan trọng của nhân vật chính lẫn người hỗ trợ thì thì như nhau, nhưng vấn đề sử dụng mỗi nhân vật sao cho hiệu quả? Chắc bạn cũng đoán ra nó sẽ thế nào rồi nhỉ? Cãi nhau chí chóe. Lắm lúc bọn tôi lại rơi vào tình huống kiểu “Thím nghĩ không có tôi thì thím chơi đến hết game được không nhỉ?”, để rồi tên đồng đội còn lại phải gãy lưỡi mà “năn nỉ” (lắm lúc tui thấy nhiều lúc mình xuống nước còn hơn cả với người yêu.)

Obscure I+II

Trò mà hiện tại tui với thím bạn game hài lòng nhất chính là Obscure I và II. Và quả thực đây là một game vô cùng đáng chơi mà mọi người nên thử qua cùng với người thân của mình, nhất là khi game đề cao tính đồng đội và có nhiều nhân vật đa dạng. Điểm đáng tiếc có lẽ chỉ là đồ họa cũ mèm mà thôi, nhưng đòi hỏi được gì bây giờ, sau ngần ấy năm từ khi lần đầu tiên xuất hiện trên PS2 thì cả hai đều im hơi lặng tiếng, ngoài vài bản port sương sương lên PS3 (chả cải tiến gì mấy). Bản Obscure I PC thì chả hề hỗ trợ tí gì cho việc co op cả. Thêm một tí lan man ở đây, thím đồng đội của tui lại thuộc tuýp chơi game bằng mắt là nhiều, nghĩa là ngoài việc nó hay ra thì phải sướng mắt đã, ít nhất là cũng phải HD các thứ như mấy tựa game gần đây. Và cũng ngược lại (tui vẫn thắc mắc mãi ngược ngạo thế thì bọn tui sao lại chơi thân được, chắc duyên cả thôi), tui lại đề cao gameplay hơn, đồ họa thì yêu cầu tui cũng nhẹ nhàng (nhưng vẫn có), chỉ cần nó trông đừng quá “ghê”. Thế là tui lại phải gãy lưỡi năn nỉ và quảng cáo cho thím bạn game cùng chơi.


Cuối cùng thì cũng được (phew!), ấy vậy mà chơi rồi mới biết gian truân. Tính ra thì cãi nhau nhiều nhất là ở tựa game này, phần vì tính lươn lẹo và chanh chảnh của thím kia, và tui thì cũng vậy nốt. Mà cay lắm nhé, ngay từ khi mới bắt tay vào game thì hắn đã rên “ôi nhìn xấu chết”, “nên xóa game đi”, nhưng tầm 1/3 game thì đã “hay ghê ráng chơi cho hết game nào”. Chưa hết đâu, còn lắm đau thương nữa, cái trò “chứng tỏ tầm quan trọng” bọn tôi vẫn thay nhau mà làm. Một trong những điểm kém (hay tính năng?) của Obscure I lẫn II là không có chế độ split screen, thêm vào đó là cả 2 sẽ dùng chung camera và cùng ở trong một màn hình luôn.

Mặc dù nhìn thế thì đỡ đau mắt hơn chế độ split screen nhưng lại dẫn đến vài trò cãi cọ khác. Ai muốn làm leader (lãnh đạo) nào? Tất nhiên là thằng player 1 được game mặc định thành đứa giữ camera. Và trò hay nhất ở đây này, thay vì ở lại cho đồng đội tẩu thoát trước thì tên đội trưởng đáng yêu lại chạy vèo như Flash vậy. Thì bản năng sinh tồn cả thôi mà, nhưng vấn đề là vì camera chỉ tập trung duy nhất vào player 1, mà vì thằng player 1 (thường là tôi) đã thi triển lăng ba vi bộ vù vù bỏ mất nên tên còn lại ra không nhìn thấy gì mà đi cả. “Làm cái trò gì kì cục vậy?!”. Game cũng làm tui lần đầu tiên nổi cáu khi chơi, mà ở đây là vì cái tội gáy bẩn của hắn. Cay cú và sau đó tui giã mạnh vào toàn bộ phím cho game lộn tùng phèo cả lên (tui chơi bằng giả lập pcsx2).

Kết

Cha, bài viết cũng dài dai quá rồi. Ừ thì đấy là tất cả vài ba chuyện nhỏ nhỏ, kỉ niệm ri rí đáng nhớ. Tui dám cá là nhiều ông sẽ bụm miệng cười ha hả: “trẻ trâu vậy”. Nhưng mà đảm bảo, cười tí xong rồi lại tự dưng nhớ tới một tên bạn game nào đó, móc điện thoại ra rồi set một kèo hẹn cà phê mà tâm sự, hoặc ngược lại, có khi lại buồn teo vì cả tỉ năm rồi chả thấy hắn đâu vì công việc, hoặc đôi khi buồn hơn nữa, ngậm ngùi mà nhớ về người bạn game đã đi xa mãi đó.

Tui với tên ấy thì vẫn ổn, dù công việc và học hành lẫn yêu đương tình cảm đã làm giảm đi kha khá thời gian lẫn tăng thêm nhiều khoảng cách về tính cách, sở thích. Tất nhiên rồi sẽ có một ngày tui với hắn sẽ không còn chí chóe những câu mắng mỏ, câu cãi nhau quen thuộc ấy nữa vì bộn bề lo toang cuộc sống, nhưng tui vẫn hy vọng ít nhất thì tình bạn game, tình đồng đội nhỏ nhoi của tụi tui, cũng như tất cả mọi người vẫn sẽ được lưu giữ cẩn thận. Để rồi thỉnh thoảng chúng ta lại nhớ nhớ, lại móc điện thoại ra, ngồi nhâm nhi cốc cà phê và xàm xí rằng chúng ta đã điên như thế nào.

Huy Woen, một ngày nhiều chuyện nào đó.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện