Mình biết đến game này là nhờ tình cờ nhìn thấy một screenshot trên mạng của game, ấn tượng của mình lúc đó là bức ảnh không hề giống như một screenshot được chụp ra từ game chút nào, mà nó có cảm giác như một tác phẩm của một họa sĩ vẽ tranh pixel hơn. Khi thật sự chơi game thì đó cũng chính là những gì mình cảm nhận về hình ảnh và màu sắc của khung cảnh có trong game, bất cứ khi nào bạn dừng nhân vật lại và chụp một khung cảnh nào đó, bức ảnh đó luôn luôn có thể được đặt làm wallpaper.
Ngay đầu giao diện là một giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, có một chút phong cách của jazz và funk, có thể nói giai điệu ở đầu giao diện này tóm gọn lại toàn bộ không khí trong thế giới Backbone. Hầu hết tất cả mọi bản nhạc trong game cũng đều có giai điệu tượng tự như bản nhạc ở giao diện này.
Thế giới trong Backbone đối với mình thì thật sự tuyệt vời, đặc biệt là khung cảnh thành phố. Nếu như có một điều gì đó Backbone làm tốt nhất đó chính là tái hiện lại vẻ đẹp khung cảnh của một thành phố hiện đại qua lăng kính hoài niệm đầy thẩm mĩ của pixel art. Đó là sự kết hợp giữa cảm giác chân thật mà một thành phố có thể mang lại với các yếu tố thỏa mãn giác quan của một tựa game điện tử. Trong những phút giây đầu tiên của mình, khi nhìn thấy cảnh trong game như ánh đèn neon quảng cáo, người bận rộn đi lại tấp nập trên phố, các tòa nhà có kiến trúc đẹp mắt, mình đã nghĩ thành phố trong game thật sự sống. Tất cả những điều đó thực hiện được cũng là vì những quyết định thiên tài trong thiết kế game của nhà phát triển.
Chơi Backbone gợi lại cho mình về những tựa game điện thoại vì những tính năng khá giống nhau của nó và mình cũng nghĩ Backbone cũng sẽ một tựa game tốt nếu được đưa lên điện thoại. Lối chơi của Backbone cực kì đơn giản, đó là một game point & click, những gì bạn cần làm trong game cũng chỉ là đọc thoại và tìm ra những gợi ý hay đáp án có trong màn để đi đến màn tiếp theo.
Hệ thống giao tiếp với nhân vật trong Backbone đơn giản nhưng nội dung theo mình nghĩ là rất sâu sắc. Game cho ta lựa chọn để được nghe thêm về câu chuyện riêng của nhân vật hay chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính, hoặc trả lời câu hỏi theo kiểu thô lỗ hay lịch sự mà không hề có một cảm giác bị gò bó nào. Mặc dù chỉ tồn tại một ending trong game, cách mà những câu hỏi và câu trả lời được sắp xếp làm mình nghĩ những lựa chọn của mình đều quan trọng và có khi sẽ ảnh hưởng đến ending trong game vậy.
Game không có lồng tiếng nên ta buộc phải đọc hết tất cả những đoạn thoại xuất hiện trong Backbone. Mặc dù cả game được làm bằng pixel nhưng chữ thoại lại là font chữ thường, mình nghĩ đây là một lựa chọn thông minh vì font của pixel về mặt nào đó cũng rất khó đọc.
Ngoại trừ font chữ ra thì mọi thứ trong game đều là pixel, mọi vật đều vẽ bằng pixel một cách hoàn hảo, nhất là khung cảnh đường phố, chúng sống động và đầy sự sống. Dù mình có đi đứng chỗ nào đi nữa ở một góc phố trong Backbone thì nó đều giống như một bức tranh nghệ thuật. Một phần làm cho khung cảnh trở nên sống động như thế là do sự hỗ trợ của ánh sáng, sự phản chiếu của các vật thể trong khung cảnh và những chi tiết môi trường như khói, mưa, lá cây. Đồ họa pixel vẽ nên nhân vật cũng thú vị, ở những cảnh có thoại, game sẽ tập trung vào nhân vật, ta sẽ thấy mỗi nhân vật có một tính cách khác nhau qua chi tiết pixel của họ. Đồ họa pixel trong những màn chơi phía bên trong tòa nhà dù không ấn tượng bằng ngoài phố nhưng cũng đủ tốt và giữ cùng một phong cách thiết kế với bên ngoài.
Ngoại trừ việc bạn sẽ ngắm nhìn pixel art lộng lẫy của game thì khi nói về âm thanh, Backbone không thật sự làm tốt ở khoảng đó. Nhạc nền được sử dụng rất ít trong game, ở những nơi mình nghĩ sẽ có nhạc thì lại không có nhưng đôi lúc nhạc lại được bật lên ở những cảnh khó hiểu. Kể cả trong những cảnh chơi kịch tính mình cũng không thấy có nhạc để sôi sục tâm trạng lên hay ở trong khung cảnh thơ mộng cũng chẳng có tí nhạc nào để làm mình chill. Cả âm thanh môi trường như tiếng mưa rơi, âm thanh của phố cũng không làm tốt hơn nhạc nền, chúng đều có âm lượng nhỏ dù mình đã chỉnh max volume. Nó làm cho trải nghiệm chơi trở nên kém đi bởi vì quá yên lặng, đọc thoại của nhân vật trong một bầu không khí yên ắng như thế cũng có cảm giác hơi kì.
Và một khuyết điểm nữa của Backbone, đây có lẽ là điểm trừ lớn nhất, người chơi cũng không thể save game theo ý muốn mà phải chờ cho game tự động save khi chơi đến một cảnh nào đó, nó khiến mình cảm thấy không thoải mái và có cảm giác như bị bắt phải chơi game vậy. Trong lần chơi đầu tiên mình không hề biết điều này, khi mình vào game thì nhận ra game chưa được save, lúc đó mình cảm thấy hơi buồn vì bị mất đi một phần chơi.
Đấy là tất cả những cảm nhận khi chơi Backbone của mình, ở phía dưới sẽ là một tóm tắt ngắn nhưng chứa các nội dung chính đã xảy ra trong Backbone, sẽ có spoiler nên nếu bạn muốn tự mình tìm hiểu game, bạn có thể dừng lại tại đây. Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho bài viết nhỏ này của mình.
Chúng ta sẽ vào vai một tay thám tử người chồn tên Howard Lotor nhận một vụ điều tra về một người chồng nghi ngoại tình là ông Green. Nhưng khi ngày càng điều tra sâu vụ án, Howard thấy mình đang ở trong một vụ án lớn hơn. Bắt đầu khi Howard lén lút vào một quán bar “The Bite” vì nghe tin Green đã vào đây, đến đây anh phát hiện Green đã bị làm thịt (theo đúng nghĩa đen). Thoát ra khỏi quán trong cơn kinh tởm, anh gặp một người cáo tên Reene. Họ lên kế hoạch lật tẩy âm mưu giết người của gấu trắng Clarissa Bloodworth chủ quán “The Bite”. Việc theo dõi đã đưa Howard đến một phòng làm việc, anh đánh cắp đóng giấy tờ rồi bỏ trốn.
Howard đến Science City, một khu vực trong thành phố của Backbone, anh gặp người sói tên Eddie Hung chịu trách nhiệm cho dự án “Artifact” có đề cập trong đống giấy tờ đã đánh cắp. Trong căn phòng thí nghiệm bí mật, Eddie cho Howard xem một người tắc kè đang bị thí nghiệm (điều này lạ vì chỉ có động vật có vú là con người trong Backbone), một cái sọ của loài người chúng ta nhưng họ không biết đây là của loài nào và “Artifact”. Đó là một ký sinh trùng tìm thấy bên ngoài Bức Tường thành phố, Howard chạm vào nó và bị ký sinh. Clarissa đã bắt anh làm vật thí nghiệm “Artifact” khi mụ tìm ra Howard, Howard đã tìm cách thoát ra được trong lúc thí nghiệm và thấy mình đi lang thang bên ngoài Bức Tường. Khi Howard gục ngã cũng chính là lúc “Artifact” chiếm lấy anh hoàn toàn.
Game kết thúc tại đây, như bạn đã thấy, nó không được đầy đủ, mặc dù tựa game rất là đẹp mắt trong đồ họa pixel của mình nhưng mình nghĩ cốt truyện đã có thể làm tốt hơn, nếu như game dài thêm một chút và trả lời những câu hỏi chưa có lời giải như chuyện gì đã xảy với loài người trong thế giới này, ký sinh trùng đó thật sự là cái gì hay mục đích thật sự của Clarissa là gì thì có lẽ game sẽ đứng ở một vị trí cao hơn trong lòng mình.