Giới thiệu về vũ trụ Warhammer40000
Khoa học viễn tưởng (tiếng Anh còn gọi là Science fiction; gọi tắt là “sci-fi” hay “SF”) là một thể loại tiểu thuyết hư cấu mang các yếu tố khoa học. Nó còn được gọi là “văn học về ý tưởng” và thường khám phá hoặc dự đoán những hệ quả, hậu quả tiềm tàng của những đổi mới trong khoa học, xã hội và công nghệ.
Và 1 đặc sản của các vũ trụ sci-fi đó chính là sự so sánh giữa vũ trụ này với vũ trụ kia, nhân vật này với nhân vật kia, của những người hâm mộ thế giới khoa học viễn tưởng ấy với nhau. Và nếu được dựa trên những yếu tố cụ thể như bối cảnh, nhân vật, môi trường, tình huống cộng thêm với kiến thức của cả 2 bên về vũ trụ sci-fi của nhau 1 cách khách quan. Thì cuộc tranh luận sẽ trở nên cực kì gay cấn và thú vị, vừa có thể nêu ra luận điểm để cho nhau hiểu, lại còn vừa mang tính xây dựng cộng đồng khi thu hút được các thành viên mới vào phe của mình bằng những lời dẫn chứng xác đáng.
Và để có thể hoàn thành 1 buổi thánh chiến văn minh như thế, chúng ta cần 1 kiến thức thật sâu rộng về các thế giới mà chúng ta sắp so sánh, và đủ kiến thức để phản bác hoặc nêu ra những luận sắc bén nhất. Và hôm nay, tớ sẽ bắt đầu 1 chuỗi series cho tất cả các bạn newbie, lẫn oldbie có thể không để ý cho lắm, ngay vũ trụ mà chúng ta yêu thích đó chính là War Hammer 40k.
Nhưng, trước khi bắt đầu số này, mình xin lưu ý, tất cả kiến thức nên được sử dụng để kết thêm bạn mới và bớt 1 người chưa hiểu về 40k, chứ không nên sử dụng để đàn áp hay bắt bẻ 1 mảng nào đó của bên trái chiều, hãy thật thông minh và nhân từ. Và không chần chờ gì nữa, war on!
Đầu tiên, chúng ta cần phải biết lịch sử của warhammer40k là gì đã…
Game workshop, được hình thành từ năm 1975, với hình thức kinh doanh chủ yếu là những trò chơi để bàn.
Cho các bạn nào chưa biết, nếu như bây giờ, giới trẻ chúng ta đắm chìm trong những hệ máy trò chơi điện tử như PS4, PS5 hay PC với những tựa game AAA thì ngày ấy bên phương tây giữa và cuối thế kỉ 20, những trò chơi để bàn lại được gọi là thời thượng lúc bấy giờ.
Ban đầu chỉ là những trò chơi truyền thống như cờ vua, cờ cá ngựa, nhưng khi bùng nổ những phương tiện truyền thông như tv, radio, và truyện tranh trên những cuốn tạp chí, thì game để bàn đã được cải tiến để sao cho thỏa mãn thị hiếu của thị trường. Và game workshop đã đi đầu trong công cuộc cách mạng ấy.
Tuy họ không phải hãng làm game để bàn hay nhất, hay quy mô lớn nhất lúc bấy giờ, nhưng những trò chơi họ mang lại thì luôn có 1 nét quốn hút người chơi, vô cùng đặc biệt, 1 sự chuyển mình linh hoạt so với thời cuộc. Trải qua bao thăng trầm và những cạnh tranh khốc liệt ở Anh và Mỹ, họ cho ra đời rất nhiều trò chơi ăn theo lịch sử, phim ảnh, truyện tranh, thậm chí là tự sáng tác ra cốt truyện vũ trụ giả tưởng cho riêng trò chơi của mình.
Cái hay của trò chơi để bàn khi ấy, đó chính là đưa người chơi nhập vai vào chính thế giới mà hãng game đã tạo ra, vô số những quy tắc, vô số những tình tiết gây bất ngờ được cài cắm khiến mỗi trò chơi trở thành 1 cuộc phiêu lưu mới lạ mà không ván đấu nào trùng lặp ván nào cả, điều mà chưa chắc những trò chơi điện tử ngày nay với kinh phí hàng triệu đô có thể làm được, Và đó có lẽ là sức hút bất diệt của game để bàn, hơn cả những trò chơi hiện đại ngày nay.
Năm 1982, Rick Priestley đã gia nhập Citadel Minia tures, một công ty con của Games Workshop chuyên sản xuất các bức tượng nhỏ để sử dụng trong 1 trò chơi để bàn tên là Dungeons and Dragons. Và Bryan Ansell (người quản lý của Citadel lúc đó ) đã yêu cầu Priestley phát triển một trò chơi chiến tranh thu nhỏ giả tưởng thời trung cổ để phát miễn phí cho khách hàng nhằm khuyến khích họ mua nhiều tiểu cảnh hơn.
Và ngay lập tức, Dungeons and Dragons đã được cải tiến để không yêu cầu người chơi sử dụng các mô hình nhỏ, mà kể cả có sử dụng thì không cần quá nhiều. Vì luật lệ và cốt truyện ngày ấy gần như khá lỏng lẻo, nên việc thiết kế sa bàn và tiểu cảnh được đầu tư nhiều hơn. Kết quả là Warhammer Fantasy Battle, được phát hành vào năm 1983 thành công rực rỡ nhờ chiến lược tập trung vào việc bán tiểu cảnh bàn game, và những mô hình được coi như phần quà đi kèm với giá thành không quá cao. Một kiểu mua cua tặng dây khá thú vị.
Warhammer Fantasy về cơ bản là một trò chơi giả tưởng thời Trung cổ lấy bối cảnh của Dungeon và Dragon, nhưng Priestley và các nhà thiết kế đồng nghiệp của ông đã thêm một loạt các yếu tố khoa học viễn tưởng tùy chọn, cụ thể là dưới dạng các đồ tạo tác công nghệ tiên tiến (ví dụ như vũ khí laze), 1 khái niệm rất mới ngày đó. Và chúng thì suýt nữa đã bị lãng quên – chỉ khi Mỹ và Liên Xô bắt đầu các cuộc chạy đua của các nhà du hành vũ trụ và chinh phục không gian trở thành xu hướng, thì ý tưởng này đã hồi sinh 1 cách rất hợp thời.
Cho các bạn nào chưa biết thì từ năm 1955-1991, Mỹ và liên xô đang sôi sục trong công cuộc đưa con người vào không gian, nên những tác phẩm, sản phẩm giả tưởng về việc đưa con người vào không gian là thứ gì đó cực kì hợp thời. Và ngày đó thì máy tính còn hiếm huống chi là game trên internet, nên việc có ý tưởng rẽ lối như thế là 1 cuộc cách mạng trong ngành game để bàn của Rick Priestly và cộng sự.
Về Warhammer 40.000, nó là một sự tiến hóa so với các trò chơi truyền thống, và được đưa đến một thái cực ngược lại (tức là chủ yếu là khoa học viễn tưởng nhưng có một số yếu tố giả tưởng).
Kể từ trước khi làm việc cho Games Workshop, Priestley đã phát triển một trò chơi chiến đấu trên bàn lấy bối cảnh là tham chiến trên tàu vũ trụ có tên “Rogue Trader”, pha trộn giữa khoa học viễn tưởng với các yếu tố giả tưởng cổ điển. Priestley đã tích hợp nhiều yếu tố của truyền thuyết “Rogue Trader” vào Warhammer 40.000, chủ yếu là những yếu tố liên quan đến du hành vũ trụ, nhưng kết quả thì ông đã phải chỉnh sửa và loại bỏ các quy tắc chiến đấu trên tàu chiến, vì thiếu không gian trong các đầu sách và hạn chế về mặt nhân lực và tài chính.
Lúc này thì như để tận dụng lại tối đa những gì mà mình đã tạo ra… Games Workshop đã lên kế hoạch thay đổi luật lệ của trò chơi để người chơi có thể sửa đổi các mô hình Warhammer Fantasy của họ để sử dụng vũ khí của tương lai như vũ khí laser cưỡi thú. Nhưng cuối cùng, khi những quy tắc và cốt truyện của fantasy đi xa khỏi warhammer 40k, thì Games Workshop đã quyết định tạo ra một dòng mô hình dành riêng cho Warhammer 40.000. Vậy nên, chắc chắn sẽ có bạn nhận ra, 1 số những mô hình của warhammer40k có nét hao hao Warhammer fantasy và thậm chí cho đến hiện tại khi Warhammer Age of Sigma ra đời thì 1 số mô hình vẫn có thể sử dụng thay được cho nhau. Một vai cameo khá thú vị đấy chứ :D.
Ban đầu, trò chơi mới của Priestley chỉ đơn giản có tên là Rogue Trader, nhưng không lâu trước khi phát hành, Games Workshop đã ký hợp đồng với 1 đội ngũ đang phát triển 1 vũ trụ giả tưởng khác, đó chính là 2000AD, để phát triển một trò chơi hội đồng dựa trên truyện tranh Rogue Trooper của họ. Để cho các bạn nào chưa biết thì 20000AD là 1 vũ trụ giả tưởng mà có lẽ ko còn xa lạ gì với thế hệ 9x và 8x. Nổi tiếng nhất là thẩm phán Dredd. Hồi đó thì 2000AD được đánh giá là 1 trong những tác phẩm viễn tưởng hùng tráng và thú vị lọt top của rất nhiều bản xếp hạng và cũng từ đó rất nhiều những tay viết cừ khôi đã bắt tay để xây dựng lên vũ trụ Roger Trader như bây giờ.
Không những thế, thể loại trò chơi của 40k lúc ấy cũng rất đa dạng và phong phú, đôi khi không cần 1 tá các mô hình, mà trò chơi đôi khi được chia nhỏ, với những luật lệ rất mới như Kill team, Roger Trader, Squad Team sao cho thời lượng và quy mô có thể được linh hoạt với thời gian và tài chính của mỗi nhóm người.
Để không gây nhầm lẫn cho khách hàng, Games Workshop đã đổi tên trò chơi của Priestley là Warhammer 40.000: Rogue Trader và tiếp thị nó như là một phần phụ của Warhammer Fantasy Battle (theo nhiều cách, nó là như vậy).
Warhammer 40.000: Rogue Trader nhận được bản xem trước đầy đủ đầu tiên trong White Dwarf (1 dạng tập san dành riêng cho hãng game workshop và vì thời đó chưa có google nên nó hệt như hướng dẫn bỏ túi mà các ông hay xem trước khi load game khi cầm yasuo vậy) và 40k xuất hiện trong #93 (tháng 9 năm 1987).
Đến tháng 10 năm 1987 Warhammer 40.000: Rogue Trader được phát hành. Và với sự mới lạ và đồ sộ của mình, đây là một thành công và trở thành sản phẩm quan trọng nhất của Games Workshop. Trong ấn bản Dragon tháng 1 năm 1988 (số 129), Ken Rolston, 1 nhà thiết kế trò chơi tài hoa, đã say sưa nói về trò chơi này, gọi nó là 1 vũ trụ “khổng lồ, kinh ngạc và ngoạn mục… Đây là khoa học viễn tưởng/giả tưởng đầu tiên khiến tôi sôi máu”.
Tuy nhiên, đời chẳng như mơ… Rick rời Games Workshop vào năm 2009, phàn nàn rằng văn hóa doanh nghiệp đã phát triển quá tập trung vào bán hàng và không còn quan tâm đến sự đổi mới trong thiết kế trò chơi và người chơi. Ông ấy hiện là đồng sở hữu của Warlord Games, 1 hãng game cạnh tranh với game workshop và làm công việc tư vấn trên cơ sở tự do.
Có lẽ cũng vì cú huých như vậy với cty mẹ, GW đã nỗ lực cải tiến liên tục với 40k sao cho người chơi cảm thấy luôn mới lạ trong những trận đấu trong suốt những lần tái bản và cập nhật codex vừa qua.
Điều khiến warhammer40k trở nên khác biệt, đó chính là bởi sự chỉnh chu và nghiêm túc của họ trong việc phát triển trò chơi. Có lẽ các bạn sẽ nghĩ, Game Workshop, sẽ tìm kiếm người viết, cho họ cốt truyện và bắt họ vẽ vời theo ý của mình đúng không. Nhưng, sự thật thì nó phức tạp hơn các bạn nghĩ rất nhiều.
Game workshop là công ty mẹ, có rất nhiều phòng ban, như phòng tạo mô hình, marketing, quản lí và giám sát các trò chơi, và mỗi trò chơi, đều có đội ngũ làm game riêng và phát triển trong sự kiểm soát của công ty mẹ. Vì vậy, mỗi bộ phận sẽ có nhiệm vụ của riêng mình, và rất ít khi trở nên quá tải hoặc rối time line khi crosserverse cùng nhau.
Riêng về warhammer40k, 1 cỗ máy in tiền chủ lực của game workshop, sẽ có 1 đội ngũ được gọi là BL Publishing: Được chia làm 3 phần:
– Black flame sẽ là đội ngũ sáng tạo và xuất bản các tác phẩm vũ trụ giả tưởng hoặc kinh dị dựa trên tài sản trí tuệ và sự cấp phép của bên thứ 3. Nhưng các bạn đã biết đấy, càng ngày thì vấn đề bản quyền càng được làm gắt gao, nên việc hợp tác như vậy, giờ sẽ rất tốn kém và mất thời gian, do nếu mà bên thứ 3 đang tranh chấp với tác giả về bất cứ vấn đề gì, thì Game Work shop hoàn toàn có thể bị ăn gậy ,thậm chí là gậy rất nặng tiền, từ luật pháp của mỗi nước Châu Âu. Nên năm 2008, nhóm này đã được giải thể, và cũng từ đó, Game Work shop đẩy mạnh thứ được gọi là chiến dịch sách lửa, khi mà mọi vấn đề về bản quyền sẽ được làm gắt gao hơn, như để bảo vệ thứ được gọi là IP hay còn hiểu nôm na là bản quyền.
– Thứ 2 là Warhammer History Wargame, 1 nỗ lực cải tiến và xuất bản các trò chơi cũ, nhưng rồi, mọi thứ cũng không quá ổn, vì nhiều yếu tố thời đại và nhân lực nên nhóm này cũng mau chóng tan rã vào năm 2010.
– Và cuối cùng là The Black library hay còn gọi là thư viện đen: là nhóm chuyên sản xuất tiểu thuyết, sách nghệ thuật, sách nền và truyện tranh liên quan đến tapbletop nói chung và warhammer40k nói riêng. Cái hay của nhóm này, đó chính là sự phát triển độc lập của họ với đa số nhóm khác và công ty mẹ, nên thư viện đen đã tồn tại cho đến ngày nay và là nhóm duy nhất hoạt động của game workshop về lĩnh vực này.
“Úi dời ơi, mấy lão tác giả của warhammer40k ngáo thông tin bỏ mẹ, cứ cậy mình vào cái mác scifi mà phóng đại cao vút lên chứ có tính logic gì đâu?”
Nhưng, có thể các bạn chưa biết: Họ là tập hợp của các tay viết cừ khôi và đều có danh tiếng, chứ không hẳn chỉ là mấy gã ngáo thông tin. Và đây là 1 số tác giả tớ cực kì thích của warhammer40k:
1. William King
Ông là một nhà văn người Scotland: 1 tay viết cừ khôi của thư viện đen với hơn 22 tác phẩm truyện ngắn là nền móng cho các sự kiện sau này. Ngoài tham gia ở black libarly ông còn là tác giả cho nhiều cốt truyện của các game đình đám và tác phẩm mới nhất của King là Illidan: World of Warcraft cho Blizzard Entertainment, phát hành vào tháng 3 năm 2016 và được đánh giá là 1 trong những nhân vật có chiều sâu trong toàn bộ tựa game, đến từ ý kiến của những chuyên gia.
2. William McNeill
Năm 1996 McNeill bắt đầu làm việc trong một văn phòng kiến trúc sư thiết kế các căn hộ mới và các bất động sản thương mại, cho đến khi anh nhìn thấy quảng cáo cho một nhà văn trong tập san White Dwarf vào tháng 12 năm 1999.
Vào tháng 2 năm 2000, McNeill bắt đầu làm việc cho Games Workshop với tư cách là biên tập viên phát triển trò chơi, viết bài cho tạp chí White Dwarf. McNeill đã tham gia rất nhiều vào việc làm các codex, đặc biệt là Warhammer 40.000 Codex: Tau từ cuối năm 2000 đến tháng 6 năm 2001. Các codex khác mà anh ấy đã tham gia là Warhammer 40.000 Codex: Necrons, Warhammer 40.000 Codex: Chaos Space Marines, Warhammer 40.000 Codex: Imperial Guard, và Warhammer 40.000 Codex: Daemonhunter. McNeill tiếp tục viết codexes sau khi chuyển sang phát triển trò chơi.
Vào tháng 4 năm 2009, McNeill đã đóng góp vào cuốn tuyển tập Tales of Heresy với một câu chuyện mang tên Nhà thờ cuối cùng, một trong những câu chuyện đầu tiên trong dấu ấn Thư viện Đen, trong đó ghi nhận là lần đầu tiên Hoàng đế nói trực tiếp chứ không còn được kể lại, tuy chỉ là vài dòng nhưng cũng đã miêu tả rất chân thực tính cách và cảm xúc của hoàng đế của nhân loại, thay vì mô tả từ xa như cho đến nay. Là 1trong những nhà văn kiệt xuất trong loạt tiểu thuyết Horus Heresy, McNeill’s đã xuất bản cuốn A Thousand Sons, một cuốn tiểu thuyết của Horus Heresy tập trung vào quân đoàn Thousand Sons và sự sụp đổ của họ trước sự sủng ái của Hoàng đế bởi bàn tay của space wofl, được phát hành vào năm 2011, và đứng ở vị trí thứ 22 trong Danh sách bán chạy nhất của The New York Times.
Cuốn tiểu thuyết này được viết đồng bộ với Prospero Burns của Dan Abnett (2011) kể lại cùng một câu chuyện từ một góc nhìn đối lập. Graham đã phải làm việc chặt chẽ với Abnett về hai cuốn tiểu thuyết, đảm bảo rằng 2 tiểu thuyết sẽ liên kết với nhau ở những điểm nhất định và sẽ không mâu thuẫn với nhau.
Vào tháng 6 năm 2015 McNeill bắt đầu làm việc tại Riot Games, studio 10 năm làm game chỉ để mở đầu cho 1 bộ phim hoạt hình, đang phát triển, với cái tên không hề xa lạ đó chính là Liên Minh Huyền Thoại. Sau khi đến thăm văn phòng chính của họ ở Tây Los Angeles vào tháng 12 năm 2014, là một nhà văn tường thuật cấp cao, McNeill phát triển các câu chuyện cơ bản và truyền thuyết cho các nhân vật riêng lẻ của trò chơi và thế giới trong trò chơi. Anh ấy nổi tiếng vì tập trung vào truyền thuyết về Demacia, một khu vực hư cấu nằm trong vũ trụ Liên Minh Huyền Thoại. Trong cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại, anh ấy chủ yếu được biết đến với bí danh “Dinopawz”.
Tuy nhiên thì những mà ông viết vẫn sẽ luôn là di sản cho những thế hệ sau khi tiếp cận warhammer40k và nhất là sự kiện Horrus Heresy. Rất bài bản, khi mà game workshop còn sản xuất cả tạp chí 2 tháng 1 số, có tựa đề là infonal, trong đó có gần như toàn bộ những gì người đọc cần biết về tapbletop, các sự kiện và các câu chuyện ngắn xoay quanh.
Nổi tiếng nhất, họ còn thuê được cả:
3. Lucien Soulban
Nhà thiết kế và nhà văn người Ả Rập Saudi, người đã làm việc chủ yếu về các trò chơi nhập vai. Và đặc biệt, có 1 tác giả, người đã góp phần cực kì to lớn cho sự kiện HH mà có thể các bạn newbie chưa biết. Đó chính là Dan Abnett. Nói đến những tác phẩm của Dan Abnett thì khỏi phải bàn. Để tớ kể cho các bạn nghe 1 số những thành tựu trong cuộc đời viết lách của ông nhé, khoan hẵng nói về wh40k:
Dan Abnett (sinh ngày 12 tháng 10 năm 1965) là một nhà văn và tiểu thuyết gia truyện tranh người Anh, được biết đến với nhiều tác phẩm viết cho hãng truyện tranh nổi tiếng đó chính là Marvel Comics, kể từ những năm 1990 trở đi ông ấy còn đóng góp cả cho các tựa truyện của DC Comics. Mà các bạn biết rồi đấy. Không phải ai cũng có thể có vinh dự làm cho cả 2 hãng truyện hồi hoàng kim đến thế, nhưng Dan Abnett thì có thể:
1 số tác phẩm nổi tiếng ông đã từng có cơ hội chắp bút và đồng sáng tạo, bên Mavel có Guardian of The Galaxy, Knight of the pendragon, The punisher, warmachine, và vài bộ x-men hồi ấy cũng cực kì hot. Bên DC, ông được biết đến nhiều nhất vào những năm 2000 với những đầu truyện như the legion, legion of the superheros.
Chưa kể đến những phim khoa học giả tưởng mà cực kì đình đám hồi đó như Doctor Who, hay thẩm phán Dredd, cũng được Dan chắp bút và tham gia phát triển. Riêng về warhammer40k, ông cực kì thích vũ trụ này, với ông, được chắp bút cho 1 thế giới đa dạng và rộng lớn, thì chẳng còn gì khiến 1 nhà văn sung sướng bằng, Và Dan đã đóng góp những tác phẩm như horus rising, legiom, Prospero Burns và Know No Fear. Ông cũng là tác giả của bốn bộ truyện tranh, được thu thập dưới dạng tiểu thuyết đồ họa, cho Thư viện đen của Games Workshop như các bộ Damnation Crusade, Lone Wolves, Inquisitor Ascendant và Titan.
Kết quả là chỉ trong vài năm ngắn ngủi, những tác phẩm đó đã bán được hơn 2 triệu bản, 1 con số khá ấn tượng so với 1 tựa game để bàn. Giờ thì hết khịa chúng tôi ngáo thông tin rồi nhé!
Chưa kể, có 1 số thông tin thú vị mà có thể các bạn chưa biết, GW còn chỉn chu đến mức, họ sẵn sàng thuê những người lính đã từng tham chiến hoặc có người thân đã từng tham chiến trong thế chiến thứ nhất và thứ 2 để làm tư liệu khắc họa lên những cuộc chiến sao cho sinh động nhất, nhưng vẫn đậm chất whm40k. Ngoài ra, những người phụ tá cho những nhà văn, những cố vấn cho game workshop còn chủ yếu là những nhà địa chất học, sử học, thậm chí là những người có kiến thức chuyên sâu về những kiến thức quân sự, có người có học thức lên đến hàm giáo sư, tiến sĩ. Cái này thì mình hoàn toàn không hề bốc phét, khi mà trên chính wikipedia, và những pod cast mà game workshop hay làm và những buổi review sách, không hiếm thông tin để chúng ta nhận ra những điều đó.
Kết quả thì game workshop đã đạt được rất nhiều thành tựu, trong đó warhammer40k nổi lên với những giải thưởng với cộng đồng quốc tế như:
– Warhammer 40.000 Phiên bản thứ 2 đã giành được Origins Award năm 1993 cho Quy tắc thu nhỏ hay nhất. (Giải thưởng này có giá trị tựa tựa như giải oscar cho tựa game để bàn vậy)
– Năm 2003, Warhammer 40.000 đã được đưa vào Đại sảnh Danh vọng của Origins Award
– Warhammer 40.000 Phiên bản thứ 8 đã giành được Giải thưởng Origins vào năm 2017 cho giải Trò chơi thu nhỏ hay nhất và Trò chơi thu nhỏ yêu thích của người hâm mộ.
Vậy nên, tớ có 1 câu kết như sau: Khác với các hãng game trò chơi điện tử như ngày nay, Game work shop với warhammer40k của mình, vẫn cực kì trau chuốt cho đứa con hơn 40 năm tuổi này. Và việc săn lùng các tác giả với tay viết cứng cáp cho những đầu sách là minh chứng rõ nhất. Vì vậy, riêng về vấn đề cốt truyện, dù có retcon lại rất nhiều lần, nhưng hãy nhớ rằng, họ luôn thay đổi để theo kịp với thời đại, và lắng nghe ý kiến của người chơi. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi yêu warhammer40k cũng vì những gì họ đã làm cho những người quan tâm đến sản phẩm của mình và dù có nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng nhìn 1 cách tổng thể, đó cũng chính là vì tương lai của con game này mà thôi.
Và đó mới chỉ là mở đầu của chuỗi series này, tớ nghĩ tớ đang bắt đầu 1 chủ đề khá là hàn lâm, sẽ không phù hợp lắm với những người yêu lore. Nhưng đó là những kiến thức mà chúng ta nên biết, vì những gì mà tớ sẽ mang đến, giống như là đi sâu vào tâm hồn của 1 người phụ nữ vậy, dù cho cô gái chúng ta chú ý có xinh đẹp đến đâu, mà chúng ta không biết gì về cô ấy, thì tình yêu sớm muộn gì cũng sẽ lụi tàn.
E hèm, vậy bài viết ngày hôm nay của tớ thế nào, các anh em có thấy bổ ích hay không, hãy cùng cmt xuống phía dưới để tớ có động lực viết thêm nhiều bài hơn nữa phục vụ cho các anh em nhé. Còn bây giờ thì, Hoàng Đế sẽ bảo vệ chúng ta. The Emperor Protect, peace!
ông nên làm thêm 1 bài giới thiệu khái quát về thế giới Warhammer và lý do vì sao người ta tạo ra 1 thế giới đen tối như vậy.