Thỉnh thoảng đổi chủ đề chút, vì gần đây tôi mới chơi lại Final Fantasy VI.
Không biết là do Square Enix vô tình hay cố ý, mà cái tên của nhân vật phản diện khét tiếng vào hàng bậc nhất trong số các tựa game Final Fantasy lại khiến người ta liên tưởng đến Franz Kafka đến như vậy. Hắn đồng thời cũng là một trong số những nhân vật mang tính triết lý sâu sắc nhất trong lịch sử video game. Mặc dù khoác trên người bộ trang phục của một gã hề (jester), và mặc dù những gì hắn làm tưởng chừng như là hoàn toàn vô nghĩa và phụ thuộc vào ý thích bất thường của hắn, thì trên thực tế, mọi điều hắn làm điều có chung một mục đích tối thượng: đó là hủy diệt tất cả những gì đang tồn tại.
Nhưng Kefka thực sự có phải một kẻ điên loạn như những gì chúng ta, hay kể cả các nhân vật trong Final Fantasy VI, đã vội vàng kết luận hay không?
Lần đầu tiên gặp Kefka ở lâu đài Figaro, chúng ta nhìn thấy một con tốt của hoàng đế Gestahl đang trên đường đi bắt cóc Terra, bởi cô là một trong số ít những Esper còn sống sót tại thời điểm này. Ngay tại thời điểm này, chúng ta đã nhìn thấy một tên Kefka điên loạn khát máu và sẵn sàng đốt cháy toàn bộ lâu đài Figaro. Sau đó khi gặp lại Kefka một lần nữa trong vụ chiếm đóng lâu đài Doma, chúng ta được biết rằng ngay cả chính quân lính của Kefka cũng phải khiếp sợ hắn. Và khi gã tư lệnh bị triệu hồi trở về bản doanh, và Kefka được lên nắm quyền, thì chúng ta đã được nhìn thấy rõ cái máu giết người của hắn. Hắn đã cho đổ thuốc độc vào toàn bộ nguồn nước của lâu đài, qua đó dẫn đến cái chết của gần như tất cả mọi người ở đó. Rồi hắn reo lên “Không gì sánh bằng tiếng hàng trăm người đồng thanh gào khóc!”
Sự điên loạn
Kefka là một kẻ giết người. Điều này đúng. Nhưng liệu hắn có thực sự điên loạn?
Đối với triết gia người Pháp Michel Foucault, thì cái nhãn mác “điên loạn” trong lịch sử thường được gắn với những người bị xã hội ruồng bỏ nhằm mục đích điều khiển họ. Để xã hội được yên bình, thì phải có một nhóm những kẻ trái với luân thường đạo lý, và những kẻ đó phải bị lên án kịch liệt và bị ruồng bỏ.
Thế nhưng trên thực tế thì trước khi cái nhãn mác “điên loạn” có mang một hàm ý tiêu cực và xúc phạm như thế, thì ở thời Trung cổ, cái nhãn mác “điên loạn” lại thường được dành cho những kẻ khôn ngoan hơn người hay có trí tuệ siêu phàm, điển hình như hình tượng Don Quixote. Vào khoảng thế kỷ thứ 17, người ta sợ những người điên. Điều này là bởi họ cho rằng những người này bằng cách nào đó đã được chứng kiến những bí mật vĩ đại nhất của vũ trụ và của cuộc đại khải huyền (apocalypse) đang cận kề.
Quay trở lại với Kefka. Trong nửa sau của Final Fantasy VI, chúng ta được biết về quá khứ của Kefka. Hắn vốn là một vật thí nghiệm không hơn không kém của Hoàng đế Gestahl, trong một nỗ lực truyền khả năng điều khiển ma thuật vào con người. Ma thuật vốn đã bị lãng quên từ rất lâu sau một cuộc chạm trán đẫm máu giữa các vị thần. Những chiến binh có khả năng điều khiển ma thuật, những người giống như Terra, hay còn gọi là những Esper, đã lui vào một góc tăm tối ở thế giới và chìm dần vào quên lãng. Công nghệ tưởng chừng đã lên ngôi và thay thế hoàn toàn ma thuật. Nhưng đó là cho đến khi Hoàng đế Gestahl bắt đầu nghiên cứu về Magitek, một kỹ thuật kết hợp giữa công nghệ và ma thuật cổ đại. Cách duy nhất để thực hiện được việc này, đó là phải có được Magicite–hình thành từ xác của các Esper đã khuất. Hoàng đế Gestahl đã cho thử nghiệm truyền Magicite vào cơ thể người, và thí nghiệm với Kefka đã thành công. Dù rằng Kefka đã có khả năng điều khiển một số lượng phép thuật nhất định, thì hành vi của hắn sau cuộc thí nghiệm cũng đã dần thay đổi.
Nếu coi việc thí nghiệm truyền Magicite vào cơ thể Kefka là một biểu tượng của sự khai minh (revelation), thì điều đó đã dẫn đến việc Kefka đã được “chứng kiến những bí mật vĩ đại nhất của vũ trụ và của cuộc đại khải huyền,” hay chính là những tri thức mà không một người thường nào có thể hiểu nổi. Và Kefka đã được người ta coi là kẻ điên, vì họ sợ những thứ mà hắn sở hữu.
Thời đại khai sáng (Enlightenment) vào thế kỷ 18 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử loài người: đó là khi lý trí lên ngôi. Tại thời điểm này, những kẻ nào dám khước từ hay chối bỏ lý trí, thì đều được coi là những kẻ điên loạn và suy đồi đạo đức. Immanuel Kant thậm chí còn tấu hẳn một tuyển tập luận để chứng minh rằng đạo đức có nguồn gốc từ lý trí để chứng minh điều này. Và vì thế mà những người được coi là điên tại thời điểm ấy đã bị nhốt kín, bị tách biệt khỏi xã hội và bị đối xử như những tên tội phạm mặc dù họ chưa từng phạm tội. Từ đó, mối dây liên hệ về mặt hàm ý giữa khái niệm “điên loạn” và khái niệm “suy đồi” đã hình thành.
Và thú vị thay, đó cũng là cái cách mà chúng ta dưới tư cách những người chơi, cũng như các nhân vật trong Final Fantasy VI đối xử với Kefka. Không một ai muốn trao đổi với hắn, muốn tiếp nhận những ý kiến hay suy nghĩ của hắn. Không một ai muốn hiểu hắn. Họ gắn cho hắn cái nhãn mác “điên loạn” và từ chối toàn bộ lý tưởng của hắn. Đây cũng là một lối ngụy biện mà trong thời hiện đại ngày nay cũng ta vẫn gọi là “ad hominem” hay nói nôm na là đả kích cá nhân, thay vì phản biện lại một luận điểm. “Câm mẹ mồm mày vào đi thằng điên!” và thế là xong.
There is method to his madness.
Chủ nghĩa hư vô
Sau khi Kefka nhận ra rằng Magicite được hình thành từ xác chết của các Esper, hắn đã xuống tay hạ sát hết tất cả bọn họ. Và thông qua một chuỗi mưu hèn kế bẩn, hắn đã thuyết phục được Hoàng đế Gestahl và các nhân vật chính diện đi tìm cánh cửa phong ấn dẫn đến vùng đất của các Esper. Và chính tại đây, hắn đã ra tay ám sát Hoàng đế, sau đó hút hết sức mạnh phép thuật từ các vị thần cổ đại, sau đó chính thức trở thành một vị thần của thế giới mới: một đấng toàn trí và toàn năng.
Những tưởng ước nguyện làm bá chủ của hắn đã được thành hiện thực. Thế nhưng, khi hắn đã đạt đến được đỉnh cao của quyền năng và lý trí như một vị thần, thì hắn chợt nhận ra một sự thật rằng: sự tồn tại của vạn vật là vô nghĩa. Điều này được thể hiện thông qua sự thay đổi trong hành vi và ngoại hình của Kefka: từ một gã hề quần xanh áo đỏ với một thái độ dửng dưng và bất cần, thì nay hắn đã trở nên giống như một thiên thần, với đôi cánh trắng và một thái độ nghiêm túc và lạnh lùng của một vị thần. Và điều hắn muốn, không gì khác, chính là sự hủy diệt của vạn vật. Hay theo như cách gọi của hắn, thì cái tòa tháp nơi hắn đứng sẽ trở thành một “đài tưởng niệm hư vô” (monument of non-existence).
Ở đoạn cuối, khi các nhân vật chính của Final Fantasy VI đối diện với Kefka, thì các nhân vật đã tìm cách “phản biện” lại Kefka: rằng thì tao sẽ sống và mang theo những ký ức đẹp của gia đình, rằng tao đã biết trân trọng tình bạn hơn, rằng tao muốn xây nên một thế giới cho những người tự do, vân vân và vân vân. Nhưng những điều đó thì đương nhiên không xi nhê gì với Kefka. Như tôi đã nói ở trên, điều này không phải là bởi Kefka thiếu lý trí, mà bởi hắn đã đứng trên cả lý trí. Không phải phi lý trí, mà là nằm ngoài cả lý trí.
Sai lầm của các nhân vật chính trong Final Fantasy VI khi họ tìm cách thuyết phục Kefka, đó là việc họ coi sự sống là một yếu tố cần thiết. Một lệnh thức (imperative). Và họ tìm những lý do để biện minh cho sự sống. Nhưng đối với Kefka, một người hư vô (nihilist), thì hắn hiểu rằng sự sống thực ra chỉ là một lệnh thức giả định (hypothetical imperative – theo Kant.) Nếu hắn thấy bản thân sự sống là vô nghĩa, thì không có logic nào của các nhân vật chính có thể thuyết phục được hắn.
Lệnh thức giả định (theo hiểu biết của tôi thôi) là khi tôi khuyên bạn nên học tốt các môn khoa học tự nhiên như Toán-Lý-Hóa, bởi các môn này sẽ giúp các bạn tư duy rất logic và rành mạch, và sẽ rất có ích cho bạn sau này. Nhưng đấy là tôi đang giả định rằng bạn muốn có tư duy logic và rành mạch. Nếu bạn muốn làm một công việc yêu cầu tư duy tốt, thì bạn sẽ học tốt các môn Toán-Lý-Hóa. Nhưng nếu mong muốn của bạn là làm ca sĩ, thì rõ ràng là không cần biết tôi đưa ra những lý do tuyệt vời như thế nào, thì bạn cũng không thể bị thuyết phục được.
Cũng giống như vậy, các nhân vật chính trong Final Fantasy VI đã tìm cách đưa ra những lý do sống để thuyết phục Kefka, nhưng họ lại quên là họ đang giả định rằng Kefka muốn những thứ đó. Hắn không hề muốn những thứ đó. Và đó là lý do hắn muốn hủy diệt tất cả.
Übermensch của Nietzsche
Thực ra bài này về sự điên loạn của Kefka đến đây là hết, nhưng tôi muốn nói thêm một chút về ý nghĩa biểu tượng của Final Fantasy VI và cảm hứng của nó từ tư tưởng của Nietzsche.
Nói chung về Nietzsche thì ai cũng biết là ông này nổi tiếng với cái câu “Chúa đã chết! Chúng ta đã giết Ngài!” rồi. Nhưng trên thực tế thì ông lại có ý nói đến sự kết thúc của một giai đoạn tôn giáo mà ở đó loài người thờ ngưỡng Chúa hay một vị thần nào đó khác. Nietzsche lo lắng rằng, trong thời đại “hậu-Chúa”, chúng ta sẽ không còn tìm thấy ý nghĩa của sự sống, và sẽ chìm vào bóng tối của chủ nghĩa hư vô. Và khi chủ nghĩa hư vô lên đến đỉnh điểm, thì tất cả những gì còn lại sẽ là sự hủy diệt của vạn vật.
Kefka chính là hiện thân của những gì mà Nietzsche lo lắng nhất. Hắn đạt được quyền năng và trí tuệ tối thượng. Hắn đã vượt lên trên đỉnh và thế chỗ cho các vị thần. Hắn đã trở thành một vị thần. Và hắn đã nhìn thấy gì? Hắn đã nhìn thấy sự trống rỗng và vô nghĩa. Và nếu như một kẻ toàn năng như Kefka cũng chỉ nhìn thấy được sự vô nghĩa, thì loài người còn có hy vọng gì đây?
May thay là Nietzsche cũng cho rằng, con người sớm muộn cũng sẽ vượt qua được chủ nghĩa hư vô, và đạt đến một cảnh giới mới–nơi mà họ có thể tự tìm thấy được ý nghĩa cuộc sống cho bản thân mình, từ chính bên trong sự trống rỗng và vô nghĩa đó. Ông gọi một người như thế là übermensch.
Nói theo một cách nào đó, thì Kefka vừa là hiện thân của cái ác, lại vừa là một bước biến chuyển cần phải có đối với các nhân vật chính cũng như rộng hơn là cả thế giới, để họ có thể thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Trước Kefka, những con người đó vẫn sống một cách bình yên và phần nào đó hạnh phúc. Kefka đến và mang những tấn bi kịch đến cho họ, dạy cho họ biết cách sống sót trong một thế giới mới mà không có ma thuật (hay cũng chính là tôn giáo). Và nếu những gì Nietzsche nói là đúng, thì sự trỗi dậy và sự hy sinh của Kefka cũng chính là một hiện tượng tích cực đối với thế giới. Sau Kefka, con người trở về với cuộc sống hạnh phúc như xưa, nhưng nay họ đã được khai sáng với một thế giới quan hoàn toàn mới. Nay, họ đã trở thành những übermensch. Sự sống tuy nhiều khó khăn bi kịch, nhưng sẽ vô cùng xứng đáng, bởi họ đã đạt được đến lối tư duy lý tưởng đối với Nietzsche–tìm ra ý nghĩa cuộc sống khi bạn không có gì để bám víu lấy.