Thử tưởng tượng bạn có một người vợ.
Vợ của bạn biết chơi đàn piano, ngoan hiền, yêu thương bạn hết mực, bạn cũng yêu cô ấy và hai người đang có một cuộc sống hôn nhân vô cùng hạnh phúc. Nhưng bạn luôn lo lắng mỗi khi cô ấy đi dạy piano vào những tối muộn. Một hôm, vì bất đắc dĩ nên vợ bạn phải ở lại dạy rất khuya, cô ấy gọi cho bạn nói là sẽ về trễ, năn nỉ bạn hãy cố chờ cô ấy về. Nhưng rồi sau đó, cô ấy không về nữa. Vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của người phụ nữ bạn yêu nhất trên đời. Vậy trước khi nhắm mắt, vợ của bạn đã cảm thấy như thế nào?
Thử tưởng tượng tiếp, người mà bạn dồn hết yêu thương bây giờ không còn nữa, bạn không thể vượt qua cú sốc này, bạn biến đau thương thành thù hận, tìm tên hung thủ và bonk vào đầu hắn để trả thù cho vợ của bạn, rồi sau đó bạn tự sát. Nhưng ông trời đúng là thích trêu ngươi, bạn muốn giết hắn nhưng hắn không chết, hắn chỉ bị mất trí nhớ. Và việc mà hắn quên cũng chính là vụ tai nạn giao thông mà hắn đã gây ra. Vậy là hắn có thể quên đi quá khứ tội lỗi, tự do tự tại sống cuộc đời an nhàn, trong khi bạn và vợ bạn đều chết hết rồi. Bạn giết người ta thì không thành công nhưng bạn tự sát thì thành công.
Đây không phải là một tiểu thuyết nói về cuộc sống của người chồng sau sự ra đi của người vợ, không hề có yếu tố lãng mạn như “Em sẽ đến cùng cơn mưa” của Ichikawa Takuji, mà thay vào đó sẽ là góc nhìn của tên hung thủ đã giết chết vợ của bạn. Sau khi bạn đập vào đầu hắn, bạn cũng vô tình đập tan ký ức của hắn về vụ tai nạn đó. Nhưng may thay, tên này lại là một kẻ thích “xếp hình”, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nên hắn không chịu nổi những gợn sóng ký ức mơ hồ trong đầu, nên hắn đi tìm các mảnh ghép vỡ vụn và bắt đầu tái hiện bức tranh thảm khốc mà chính hắn đã gây ra. Chỉ khó chịu một nỗi là tên này “có cảm giác tội lỗi rất mờ nhạt”, giống như hắn không cảm thấy ăn năn hay hối hận gì về vụ tai nạn đó. Dù sao thì hắn cũng chọn nhớ lại, chứ không phải quên đi để restart cuộc sống. Xem ra cũng là một tên tội phạm “có tâm”.
Như trên là mở đầu của “Trước khi nhắm mắt”. Cá nhân mình rất ấn tượng cách bác Keigo miêu tả rất thực cảm giác bị xe ô tô nghiền nát cả người. Chuyện xảy ra chỉ có vài giây nhưng bác dành hẳn vài trang để nói về suy nghĩ và cảm giác lúc đó. Hẳn nhiên trước lúc chết bạn sẽ có một cuốn phim quay chậm cả cuộc đời bạn, những người mà bạn yêu quý, những chuyện bạn đã trải qua. Nạn nhân ở đây cũng vậy, cô nhớ lại hết mọi thứ, và không hề cảm thấy đau. Cô thấy lại cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với chồng, chỉ không thấy được tương lai và hy vọng. Suy nghĩ cuối cùng trước khi nhắm mắt là “Cứu em, em không muốn chết!”. Phải chăng khi bạn bị giằng khỏi cuộc sống đang êm đẹp, bị đóng sầm cánh cửa tương lai đang rộng mở phía trước thì tất cả những gì còn lại của bạn là ác niệm. Bạn căm thù kẻ đã cướp đi cuộc sống của bạn và thứ bạn để lại cho hắn chính là ánh mắt căm phẫn đầy thù hận, thứ sẽ ám ảnh hắn cả đời?
Bạn có từng giết một con gà chưa? Lúc bạn giết nó, bạn có nhìn vào mắt nó không? Hẳn là chúng ta không thể so sánh người với gà, nhưng khoảnh khắc cuối cùng lúc ánh mắt hung thủ và nạn nhân chạm nhau, mình có cảm giác ớn lạnh sóng lưng. Và khi mạch truyện tiếp diễn, mình bị lạnh sống lưng rất nhiều lần vì có khá nhiều chi tiết về ma-nơ-canh, không phải dạng ma-nơ-canh bạn hay thấy ở các shop thời trang mà là dạng ma-nơ-canh siêu thực, giống hệt như người. Lúc đọc mình có cảm giác đây là búp bê tình dục thì đúng hơn. Lưu ý nhỏ là quyển này sẽ có khả nhiều cảnh s*x.
Cá nhân mình thấy đây là quyển vô lý nhất của bác Keigo, nó mang vẻ huyền bí, ma mị và chết chóc hơn hẳn “Bí mật của Naoko”, nhưng nó không thể đứng cùng hàng với “Bí mật của Naoko” được. Vì có nhiều chi tiết rất gượng ép và có phần “phô”. Lúc đóng sách lại, mình có rất nhiều suy nghĩ diễn ra trong đầu: /Spoil/
– Tại sao lại lồng ghép các chi tiết về s*x, BDSM vào để làm gì? Nó không hề giữ một vai trò gì trong mạch truyện, cũng không làm cho nút thắt lôi cuốn hơn. Mình đã thử tạo một cái filter trong đầu và lọc ra hết các phần có s*x, thật ngạc nhiên, câu chuyện vẫn diễn ra đúng như trong sách và không hề gượng ép. Các cảnh s*x có cũng được, không có cũng được, nói chung là không cần thiết, nếu lấy đó làm một điểm để tăng sale cho sách thì hơi rẻ tiền nhưng cá nhân mình cũng không nghĩ ra lí do gì hay hơn. Mình thấy chỉ cần tả sơ qua một tí là được, đằng này nó hơi bị chi tiết luôn. Các cảnh nóng trong “Bạch dạ hành” được lồng vào rất tinh tế và đóng vai trò phát triển mạch truyện, còn ở đây là để làm cái gì mình không hiểu? Kiểu như làm ở bar thì chuyện quan hệ bừa bãi là rất tự nhiên và là một phần cuộc sống hay sao?
– Ánh mắt căm thù mà nạn nhân dành cho hung thủ trước lúc chết là ánh mắt thôi miên (?). Nạn nhân dồn hết sức lực cuối cùng vào ánh mắt và truyền nguồn năng lượng đó cho hung thủ. Hung thủ sau khi “thừa hưởng” ánh mắt này từ nạn nhân thì đã hóa điên và có thể điều khiển ý chí và giết người.
– Tụi ma-nơ-canh là mấu chốt cho các chi tiết ma mị trong truyện. Đến cuối cùng cũng biến mất và không được nhắc nhiều. Nhưng dù sao cũng làm khá tốt trong nửa đầu truyện. Mình đọc vào khoảng 12h đêm hằng ngày nên lâu lâu cũng hay gặp ác mộng. Sợ thật sự luôn đó mọi người, nhưng theo nghĩa tốt nha, sự sợ hãi này làm mình háo hức muốn đọc tiếp. Mình nghĩ đây cũng là một nét thành công của tác phẩm. Tuy nhiên, đoạn cuối quá gượng làm cho mình thấy không thỏa mãn lắm.
– Cũng như mọi khi, motif thường thấy trong tác phẩm của bác Keigo là người trong cuộc đóng vai trò phá án nhiều hơn cảnh sát. Ở đây mình thấy tội nghiệp ông thanh tra luôn, mà thường thì mình cũng đồng cảm với nhân vật phụ hơn là nhân vật chính. Nhưng một nhát loại luôn ông thanh tra thì hơi quá đáng.
Đến gần cuối truyện, bạn sẽ đặt ra câu hỏi “Tiền có thể cho bạn được những gì?”. /Spoil/ Trong truyện này có nhiều hơn 1 hung thủ, tất cả đều gây ra lỗi lầm giống nhau nhưng người thì sống vui vẻ, kẻ thì điên điên khùng khùng. Người thì cảm thấy dùng tiền thì sẽ chuộc được lỗi, nợ máu thì sẽ trả bằng tiền, tai nạn là do bất cẩn, nạn nhân lúc vừa bị tông cũng không đến mức tử vong, nên xét về lý thì hung thủ không thật sự là hung thủ. Còn có người thì nhận áp lực nhiều hơn. Người này không phải kiểu bất cẩn thông thường khi lái xe mà là do thói ngạo mạn ích kỷ đỏng đảnh của mình. Người này uống rượu say, bạn trai đã không cho lái xe nhưng cứ khăng khăng giành lái cho bằng được. Tính ương bướng của bọn uống rượu luôn cho rằng mình không say cộng với tính khí nhà giàu luôn nằm kèo trên nên đã tước đoạt đi mạng sống của một con người. Dù cho thoát khỏi vành móng ngựa cũng không thoát khỏi tòa án lương tâm. Tòa án thông thường, chuộc tội rồi là xong, vì nó có thời hạn rõ ràng, còn tòa án lương tâm có khi đeo bám người ta đến hết cuộc đời. Nói chung, ý nghĩa của truyện này hay, nhân văn nhưng nội dung quá gượng, kiểu “tôi không tin nhưng nó là sự thật, bạn cũng tin như vậy đi.” Mình không hài lòng về điểm này.
Nhưng tóm lại, cái hay của bác Keigo là ông luôn có nhiều chất liệu để khai thác thành một câu chuyện.
– Phương trình hạ chí: Bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
– Bạch dạ hành: Nạn ấu dâm.
– Bí mật của Naoko: Đạo đức và chuẩn mực xã hội bị lu mờ với câu hỏi “Khi có cơ hội sống một cuộc đời mới, bạn sẽ chọn sống vì người thân hay vì chính bạn?”.
– Trước khi nhắm mắt: Đã uống rượu, bia thì không lái xe.
P.S: Cái gia đình mà chèo kéo cô giáo ở lại dạy đàn tới gần 3 giờ sáng mới cho người ta đạp xe về có còn là con người không? Ai đời để phụ nữ đạp xe một mình lúc đêm khuya. Tệ gì thì cũng nói là cô dạy xong thì tôi sẽ lái xe đưa cô về. Nếu nhà không có xe thì gọi taxi cho cô về. Xe đạp cô cứ để đây sáng mai tới lấy. Còn ông chồng thay vì ở nhà lo lắng suông thì sao không bảo với vợ, em gửi xe ở nhà học trò đi, anh đến đón em về. Không đến đón ngồi nhà lo thì ích gì. Tiền taxi có bao nhiêu đâu? Tui tức á.
Điểm: 6/10